TT - Tây nguyên có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận
hành với tổng công suất hơn 5.000MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất
nguồn điện của cả nước. Quy hoạch của ba tỉnh Gia Lai, Đắc Nông và
Kontum có đến 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ!
Anh Nguyễn Phan - trưởng văn phòng đại diện báo Tuổi
Trẻ khu vực Tây nguyên - đã lắc đầu ngao ngán: “Không một nhà chuyên
môn, cơ quan chức năng nào giúp được chúng tôi trong việc lập sơ đồ vị
trí các nhà máy thủy điện ở Tây nguyên. Đơn giản vì nhiều quá! Nhiều
đến độ các nhà chuyên môn bảo rằng chấm đâu trên bản đồ cũng trúng”!
Đằng sau Nhà máy thủy điện Dak Ru có công suất chỉ 7,5MW là một
ngọn đồi bị phạt sạch! Công trình này đã ngốn cả trăm hecta rừng -
Ảnh: Lê Bình |
>> Kỳ 1: Chi chít thủy điện ở miền Trung
Tây nguyên có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành
với tổng công suất hơn 5.000MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất nguồn
điện của cả nước. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây không phải nằm ở chỗ
các nhà máy lớn này, điều đáng ngại là tình trạng nhà nhà làm thủy
điện. Dựa vào quy hoạch của ba tỉnh Gia Lai, Đắc Nông và Kontum, chúng
tôi thật sự choáng với con số 257 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ!
Hàng trăm hecta rừng đổi lấy nhà máy 7,5MW!
"Đến
thời điểm này tỉnh mới chỉ cấp giấy phép xây dựng cho 32 dự án thủy
điện vừa và nhỏ trong số 70 dự án đã quy hoạch. Nhiều con suối ở địa
phương này có rất nhiều tiềm năng để xây dựng các công trình thủy điện
nhỏ"
Ông Nguyễn Thanh Sơn, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Đắc Nông
|
Nhà máy thủy điện Dak Ru có công suất chỉ 7,5MW với
ba tổ máy do Công ty TNHH N&S làm chủ đầu tư, được khởi công tháng
6-2006 và tháng 4-2008 chính thức đi vào hoạt động. Chúng ta hãy so
sánh công suất này với công suất bình quân của 11 nhà máy thủy điện lớn
tại Tây nguyên (khoảng 5.000MW) mới thấy nó quá nhỏ bé. Để xây dựng nhà
máy này, ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Công ty N&S - cho biết tổng
nguồn vốn đầu tư để xây dựng nhà máy trên 250 tỉ đồng, trong đó phần
lớn được vay từ Ngân hàng Đầu tư và phát triển chi nhánh Đắc Nông.
Điều đáng quan tâm là một nhà máy nhỏ như thế nhưng
Công ty N&S đã phải phá hàng trăm hecta rừng dọc suối Dak Ru, đào
xới, làm đảo lộn cảnh quan cả một vùng rừng núi thâm u để xây dựng đập
ngăn hồ chứa và hệ thống kênh dẫn dòng dài hơn 5km. Nên nhớ, Dak Ru là
một dòng suối nhỏ, lưu lượng nước thấp. Và khi nhà máy thủy điện này ra
đời, nhiều người dân trong vùng đã dắt díu nhau đến các khu vực xa hơn
tại các xã Quảng Tín, Đắc Ngo (huyện Tuy Đức) để mua đất canh tác do
thiếu nước.
Có đặt chân đến những nhà máy thủy điện có công suất
nhỏ hoặc vừa như Dak Ru, bạn mới thấy xót xa đến dường nào với việc con
người đã tàn phá thiên nhiên vì những món lợi nhỏ nhoi!
Thủy điện Ayun Hạ chỉ có công suất 3MW, được xây dựng trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Thảo My |
Những con số biết nói
Theo Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện tỉnh có bảy
công trình thủy điện lớn do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đầu tư với công
suất 1.871MW, trong đó trên dòng Sê San có bốn công trình (ba đang vận
hành, một đang thi công), trên sông Ba có ba công trình đang thi công.
Trong khi đó tổng số thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Gia Lai là 113
với tổng công suất 549,781MW (chỉ bằng 1/10 tổng công suất 11 nhà máy
thủy điện của EVN), trong đó có 21 nhà máy thủy điện đã vận hành.
Tại Đắc Nông, trên lưu vực sông Đồng Nai (đoạn qua Đắc
Nông) đang xây dựng ba nhà máy thủy điện lớn là Đồng Nai 3, 4 (tổng
công suất 520MW, EVN làm chủ đầu tư), Đắc R’Tih (144MW - Tổng công ty
Xây dựng I làm chủ đầu tư). Các dự án này đều sẽ hoàn thành và phát
điện lên lưới quốc gia trước năm 2012. Còn trên dòng Krông Nô - Sêrêpôk
có các nhà máy thủy điện vừa và lớn đã và đang được xây dựng: Buôn Tua
Srah (86MW, EVN làm chủ đầu tư), Buôn Kuốp (280MW, EVN làm chủ đầu tư),
Đray H’Linh II (16MW, Công ty cổ phần Điện lực 3 làm chủ đầu tư),
Sêrêpôk III (220MW, EVN làm chủ đầu tư), Sêrêpôk IV (70MW, Công ty TNHH
Đại Hải làm chủ đầu tư)...
Đối với hệ thống thủy điện vừa và nhỏ thuộc tỉnh Đắc
Nông quản lý, ông Trần Phương - phó chủ tịch UBND tỉnh - cho biết đã
quy hoạch 70 dự án với tổng công suất 241,07MW và đến thời điểm này có
26 dự án đã vận hành.
Tỉnh Kontum được xem là có nguồn thủy năng phong phú
để phát triển thủy điện, chưa tính các công trình thủy điện quốc gia
được đầu tư xây dựng trên hệ thống sông Sê San, Pô Kô, Đăk SNghé...
Tỉnh này đã quy hoạch phát triển 74 công trình thủy điện vừa và nhỏ,
với tổng công suất khoảng 300MW.
Đến nay đã có hai công trình thủy điện vừa và nhỏ
khánh thành và đi vào hoạt động. Đó là thủy điện Đăk Rơ Sa nằm trên địa
bàn hai xã Đăk Trăm và Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, có công suất 7,5MW. Kế
đến là Nhà máy thủy điện Đăk Pô Ne 2 do Công ty TNHH Gia Nghi đầu tư
xây dựng trên địa bàn xã Đăk Pờ Ne, huyện Kon Rẫy, tổng công suất 3,6MW!
Nhóm PV Tây Nguyên
(còn tiếp)
“Chi chít thủy điện...” - hỏi bên lề Quốc hội
Hôm qua 22-10, bên hành lang Quốc hội, ngay sau khi đọc bài “Chi chít thủy điện ở miền Trung” trên Tuổi Trẻ
ra cùng ngày, ông Phạm Khôi Nguyên - bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi
trường, và ông Nguyễn Văn Sỹ (phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng
đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) - đã có ý kiến như sau:
Sẽ kiểm tra việc ảnh hưởng môi trường của các hồ thủy điện
Việc các chủ đầu tư có lập dự án để đốn gỗ không thì
hiện nay chúng tôi chưa có thông tin. Tuy nhiên, chúng ta đã có quy
định: nếu đơn vị nào lấy vào diện tích rừng bao nhiêu để làm thủy điện
sẽ phải tái tạo rừng ở khu vực khác với diện tích tương tự. Song phải
công nhận hậu thẩm định, khâu kiểm tra việc thực hiện đánh giá tác động
môi trường chúng ta làm chưa tốt. Bộ Tài nguyên - môi trường dự kiến có
cuộc kiểm tra toàn diện việc thực thi yêu cầu trong bản đánh giá tác
động môi trường với các nhà máy thủy điện thời gian tới.
Rà soát, giảm bớt các dự án thủy điện
Trong vấn đề làm thủy điện vừa và nhỏ hiện nay cần
phải có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Hầu hết các nhà máy
thủy điện ở Quảng Nam, theo như quy hoạch, do các doanh nghiệp đầu tư
là chủ yếu, Nhà nước không có tham gia vốn vào. Từ thực tiễn lũ vừa rồi
ở Quảng Nam cũng phải tính lại việc Nhà nước tham gia đầu tư công
trình, để thủy điện làm nhiệm vụ phát điện nhưng phải góp phần cắt lũ.
Hướng tới chúng tôi rà soát để có chủ trương hợp lý, chắc phải giảm bớt, chứ không phải làm quá nhiều thủy điện.
C.V.KÌNH - V.V.THÀNH lược ghi
|
====================================================================
Ý kiến bạn đọc
* Thủy điện không thể mọc như nấm. Thủy điện không còn
là một lọai hình năng lượng mới, nó lạc hậu và gây nhiều tranh cãi trên
thế giới, chủ yếu là người ta lo sợ cho cảnh quan sinh thái bị phá vỡ
sẽ làm đảo lộn trật tự sinh thái. Thật vậy khi thủy điện mới đi vào
giai đọan xây dựng nó đã ngốn một lượng lớn hàng trăm ha rừng, thậm chí
hàng ngàn ha nếu là thủy điện lớn, trong đó phải kể đến một cuộc di dân
đến nơi ở mới. Trật tự xã hội và trật tự sinh thái đã bị thay đổi thì
môi trường cũng bị ảnh hưởng nặng nề, ngăn dòng chảy của sông làm nhiều
nơi thiếu nước, có nơi quá thừa đến ngập úng, và một số lòai sinh vật
bị biến mất khỏi môi trường sống đó là điều khó tránh khỏi.
Trong khi chúng ta đang hô hào kêu gọi Trung Quốc
ngừng xây dựng các đập thủy điện trên đầu nguồn sông Mêkông vì nó ảnh
hưởng trực thiếp đến hạ lưu. Còn trong nước chúng ta chỉ một vùng Tây
Nguyên nhỏ bé mà có hơn 200 nhà máy thủy điện, có lẽ không đâu trên thế
giới có lượng nhà máy thủy điện dầy đặc như Tây Nguyên.
Tôi cho rằng Bộ tài nguyên - Môi trường cần xem xét và
đưa ra đánh giá đầy đủ những ảnh hưởng của hơn 200 nhà máy thủy điện ở
Tây Nguyên để đánh giá đúng mức độ và tác hại đến môi trường rồi mới
xem xét và cấp phép chứ không thể tràn lan và phá rừng để lấy điện.
TRƯỜNG SANH (Tân Bình, TP.HCM)
* Nhìn vào bản đồ quy hoạch các dự án
thủy điện, và cứ với lập luận rằng trong 9 hay 10 năm chúng ta sẽ thu
hồi vốn, tôi đang băn khoăn không hiểu rồi đây, trong 9 hay 10 năm nữa
chúng ta thu hồi được cái gì đây, vốn hàng nghìn tỉ đồng hay là hàng
nghìn nghìn tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho những trận lũ, những thiệt
hại về người mà không gì bù đắp được.
Trong cơn bão số 9 vừa qua chúng ta đã thấy những gì,
bão đi qua lũ tràn về, hàng nghìn hộ dân bị cô lập trong nước lũ. Chúng
ta làm hôm nay nhưng hãy nghĩ đến con cháu chúng ta mai sau, đừng để
thế hệ con cháu chúng ta sau này ngồi lại với nhau mà nói rằng "sao
ngày xưa mấy ổng làm mà không nghĩ gì hết vậy". Cũng như chúng ta ngày
nay đang than vãn và bỏ công khắc phục hậu quả của ngày xưa đó thôi.
TRẦN NGUYỄN
No comments:
Post a Comment