TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Thursday, December 3, 2009

Cuộc chiến rừng và thủy điện

Bài I: Giám đốc Vườn Quốc gia Cư Yang Sin Lương Vĩnh Linh: Có khùng cũng chẳng giữ được rừng

TP - Lần đầu giáp mặt ở chân núi Cư Yang Sin trong âm thanh chấn động đại ngàn của thuốc nổ và máy ủi mở lối cho đoàn quân làm thủy điện, tôi nhận ra nỗi đau đớn bất lực của ông chủ vườn theo tiếng vặn xoắn của từng thân cổ thụ nguyên sinh gãy đổ...

Bộc phá và xe ủi mở đường làm thủy điện. Ảnh: H.T.N

Ai định giá được rừng nguyên sinh

Chào đời năm 1959 ở nơi không có tí tẹo đồi núi nào là tỉnh Thái Bình, vừa rời ghế đại học, anh đã khoác ba lô lên Đắk Lắk, làm cán bộ điều tra rừng, kinh doanh lâm nghiệp, giám đốc lâm trường. Năm 1999, Thạc sĩ lâm nghiệp Lương Vĩnh Linh trở thành giám đốc vườn quốc gia (VQG).

Cư Yang Sin điệp điệp trùng trùng núi rừng hùng vĩ không chỉ quý giá về tài nguyên thiên nhiên, mà còn là địa danh nổi tiếng với những trang sử hào hùng. Nơi đây từng là căn cứ địa bất khả xâm phạm của Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ.

Vùng đất dưới chân núi Cư Yang Sin mang bí danh H9, sau này trở thành huyện Krông Bông là đơn vị hành chính duy nhất toàn khu vực Nam Trung Bộ được giải phóng từ năm 1965 và giữ vững thành quả cách mạng cho tới ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Về với VQG Cư Yang Sin, Lương Vĩnh Linh hiểu sứ mệnh của mình đầy khó khăn. Biết Cư Yang Sin là một trong số rất ít VQG hiện nay còn bảo vệ nguyên vẹn được nhiều khoảnh rừng cấm nghiêm ngặt, tôi hỏi về thành tích giữ rừng.

Ông lại trả lời bằng cách tự lên án: "Mười năm tôi nhận lương giữ VQG, nơi này mất đi 120 hecta rừng đặc dụng! Trong đó, ngoài chín ha rừng chuyển cho ngành văn hóa xây dựng khu di tích lịch sử Đắk Tuar và 2,5 hecta rừng canh phòng lơi lỏng bị đồng bào nghèo phá lấy đất làm rẫy, tôi đã hai lần ký vào biên bản bàn giao hơn 108 hecta rừng đặc dụng chỉ vì một công trình thủy điện nhỏ".

Đọc mớ tài liệu liên quan, tôi ngạc nhiên, hình như con số mất rừng ở đây vẫn quá ít so với hàng nghìn hàng vạn hecta rừng đã thật sự mất vào tay các loại tặc ở nhiều vườn quốc gia khác? Ông thở dài : "Ít gì? Ai định nổi mỗi hecta rừng nguyên sinh trị giá bao nhiêu? Mà đã hết đâu. Biết bao hiểm họa đe dọa rừng Cư Yang Sin còn  đang chờ sẵn phía trước".

 Giám đốc Lương Vĩnh Linh

Núi tiền không tạo được dù chỉ một cây nghìn tuổi

Cùng chung tình trạng chống đỡ trăm bề với vô số thủ đoạn xâm hại tài nguyên rừng từ ngoài tấn công vào như các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên khác, 120 cán bộ nhân viên cùng tiểu đội chó nghiệp vụ sáu con của VQG Cư Yang Sin quanh năm vất vả tuần tra, bắt giữ và xử lý lâm tặc kèm theo đủ thứ tang vật.

Dưới giàn mái tôn che đơn sơ và trong dãy nhà kho sau trụ sở Vườn, chúng tôi thấy hàng trăm đoạn gỗ pơmu đẽo gọt vuông vức, những bao gỗ nghiến bị xẻ mỏng làm thớt, mấy chục bộ xác voọc sấy khô, súng kíp dài ngắn đủ kích cỡ, và cả dao rựa cuốc xẻng, xe đạp thồ hoen rỉ cọc cạch...

Quy chế Vườn: Ai không hoàn thành nhiệm vụ hoặc liên hệ bất minh với lâm tặc thì phải chấp nhận thôi việc! Giám đốc Linh từng ký quyết định buộc thôi việc bốn nhân viên vi phạm quy chế đó.

Để bắt được lâm tặc với đầy đủ tang chứng vật chứng, nhiều kiểm lâm đã đổ mồ hôi xương máu. Nhưng nhiều bản án cho bọn phá rừng, chặt cây, giết thú từ hồ sơ VQG cung cấp chỉ giơ cao đánh khẽ ở mức tù treo, thậm chí xử sót người lọt tội làm nản lòng anh em tâm huyết bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, điều đó không đáng sợ bằng gần đây nhiều kiểm lâm viên bỗng ngộ ra rằng họ chỉ có thể ngăn dân nghèo chặt phá vài hecta rừng kiếm sống, chứ không cách gì ngăn nổi đại gia phá hàng trăm hecta rừng để làm giàu bằng các dự án thủy điện.  

Từ khi biết dự án thủy điện Krông Kmar công suất thiết kế 12 MW lăm le nhảy vào rừng già Cư Yang Sin, Lương Vĩnh Linh đã quyết liệt phản đối. Song dù chủ rừng phản đối cỡ nào, nhà đầu tư vẫn biết cần gõ cửa những đâu để đạt được mục tiêu. Muốn hay không, Giám đốc Vườn vẫn phải ký vào biên bản bàn giao rừng để xây dựng công trình thủy điện theo chỉ đạo của cấp trên.

Chuyện cũ, ông Linh vẫn chưa nguôi đau xót: "Tôi hiểu Chính phủ khó xử trước nhu cầu năng lượng. Nhưng nghĩ xem, xóa sổ hàng trăm hecta rừng của vườn quốc gia chỉ vì một nhà máy điện cỡ nhỏ 12 MW chạy được chừng 60 phần trăm công suất vào năm tháng mùa khô, có xứng không? Thảm họa khí hậu do mất rừng không chỉ dân mình gánh chịu mà cả trái đất cũng bị vạ lây. Biết nguy hại vẫn làm, có phải chúng ta phải mang tội gấp đôi gấp ba với các thế hệ con cháu?".

Nhiều kiểm lâm viên bỗng ngộ ra rằng họ chỉ có thể ngăn dân nghèo chặt phá vài hecta rừng kiếm sống, chứ không cách gì ngăn nổi đại gia phá hàng trăm hecta rừng để làm giàu bằng các dự án thủy điện.
Thủy điện Krông Kmar còn đang xây dựng ngổn ngang, thì đoàn quân khảo sát cho một dự án thủy điện nhỏ khác đã rầm rộ xông thẳng vào rừng. Ông Linh dàn quân ra chặn, hỏi ai cho các anh vào VQG. Họ đưa ra bản cấp phép khảo sát của lãnh đạo tỉnh, xoa dịu chủ vườn: "Yên chí, chúng tôi phá đi 1 ha sẽ trồng lại cho anh 10 ha!". Ông Linh nổi nóng: "Đừng có hồ đồ, một ha còn không trồng được chứ đừng nói 10 ha!".

Chuyên gia tư vấn đỏ mặt tía tai: "Sao coi thường người ta quá thể vậy?". Ông Linh chỉ tay lên ngọn núi xanh mờ - "Anh nhìn kia, từ dưới mặt đất trở lên đến hơn ba mươi mét là cả một hệ sinh thái vô cùng hoàn chỉnh, từ rêu địa y cho đến hàng chục, hàng trăm tầng lớp giống loài động thực vật. Cả núi tiền cũng chả làm ra được dù chỉ vài mét vuông rừng nguyên sinh hay một thân cổ thụ nghìn năm tuổi, chứ đừng nói tới tiền tấn!".

Sức ép mọi phía

Dự án ấy nếu được duyệt và cho triển khai sẽ xâm phạm nhiều diện tích rừng của vùng lõi VQG Chư Yang Sin, thọc sâu vào tim Vườn hơn so với thủy điện Krông Kmar.

Ông Linh cảnh báo với UBND huyện Krông Bông: "Cấp phép cho công trình đắp đập đầu nguồn tạo hồ chứa rộng 14 hecta, khả năng hơn 60 ha ruộng của bà con sẽ hết nước tưới. Nếu đồng bào bất bình kéo lên phá đường ống dẫn nước, nhà máy ngăn nổi không?".

Thủy điện Đắk Tua còn chưa kết thúc quy trình thẩm định, tranh cãi, thì một dự án thủy điện liên tỉnh chặn dòng sông Krông Nô lại nhảy vào VQG. Đã được Bộ Công thương phê duyệt dự án từ tháng 5/2008 nhưng, sau khi khảo sát tỉ mỉ, Cty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam - Krông Nô lại xin điều chỉnh quy hoạch để nâng công suất lắp máy thủy điện Krông Nô 2 từ 18MW lên 30 MW.

Báo cáo ngày 26/10/2009 của Cty cho thấy để đạt được điều đó, cao trình đập phải nâng từ 600m lên 625 mét, diện tích chiếm đất vĩnh viễn hơn 278 hecta, trong đó có tới 165hecta rừng phòng hộ của cả hai VQG là Cư Yang Sin thuộc tỉnh Đắk Lắk và Bidoup Núi Bà thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài mối đe dọa cạo gọt do thủy điện, đại ngàn Cư Yang Sin còn là mục tiêu dòm ngó của nhiều đối tượng khác : dân di cư tự do cần đất canh tác, lâm tặc khát săn bắn và mua bán gỗ, đồng bào nghèo sống trên vùng đệm cần chặt trộm cây để sửa nhà, làm bàn ghế hoặc đóng quan tài ...

Rối bời giữa sức ép mọi phía, từ lâm tặc cho tới nhà đầu tư, có lần ông Linh quẫn trí về dọa hai cậu con trai: "Thằng nào đòi theo lâm nghiệp, bố chặt chân!". Thế nhưng bản thân ông lại chẳng chịu xa rừng, chịu bỏ cái nghề mà ông vẫn than là "Đẹp bao nhiêu, bạc bấy nhiêu!" để về phố sống êm ấm với vợ con và mấy hecta cà phê.

Yêu rừng, ông như chàng Đông Ki Sốt bất lực đánh nhau với cối xay gió. Ông dạy con: "Dù bất cứ nghề gì, lãnh đạo hay quét rác, bảo vệ, giữ xe, cũng đừng làm chỉ để lấy tiền lương, mà phải làm cho hết trách nhiệm, đúng với lương tâm. Nếu giữ rừng mà để mất rừng không biết đau, không thấy xấu hổ, là lòng tự trọng chẳng còn".

Trước kia thấy ông chẳng ngại cãi nhau với các sếp để giành giật lại từng mảnh vườn, có người bảo ông khùng, ông gật đầu thừa nhận: "Không khùng sao giữ được rừng?". Bây giờ nghĩ đến chuyện đó, ông thở dài: "Mất rừng vì cơ chế thì khùng hay không cũng vô phương cứu vãn!".

Ông nhờ: "Nhà báo có viết gì về Cư Yang Sin, cho gửi câu này. Tôi thiết tha lưu ý các nhà quy hoạch năng lượng rằng thủy điện vừa và nhỏ không phải là giải pháp duy nhất cho chúng ta nguồn điện. Nghìn năm thiên nhiên mới tạo được rừng nguyên sinh, phá một lần là mất vĩnh viễn. Đó không chỉ là tài nguyên của chúng ta mà là của con cháu chúng ta, cần phải bảo vệ giữ gìn cho thế hệ mai sau".    

Vườn quốc gia Chư Yang Sin thành lập theo Quyết định số 92/2002 ngày 12/7/2002 của Thủ tướng, nằm gọn trong hai huyện Krông Bông và huyện Lắk của tỉnh Đăk Lăk, rộng 59.531 hecta (con số thống kê mới nhất theo nguồn của UBND tỉnh Đắk Lắk), bao quanh là vùng đệm rộng hơn ba lần diện tích Vườn, trải trên địa bàn bốn huyện giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk.

Vườn có đỉnh núi Chư Yang Sin 2.442 mét cao nhất hệ thống núi cực Nam Trung Bộ với nguồn đa dạng sinh học quý giá gồm 876 loài thực vật và  249 loài chim thú. Một trong những nhiệm vụ chính của vườn là bảo vệ rừng đầu nguồn các sông Sêrêpôk, Mê Kông, điều hoà và cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.

Hoàng Thiên Nga

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty