TT - Hôm 4-12, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị
chuyên đề phát triển thủy điện. Nhiều đại biểu cho rằng thủy điện trên
địa bàn đã phá rừng, không cắt lũ hạ du khiến dân giờ cứ nghe báo lũ là
bỏ chạy.
Đô thị cổ Hội An nằm cuối nguồn sông Thu Bồn. Cơn lũ lịch sử vừa qua phá hỏng đường ven biển Cửa Đại - Ảnh: V.Hùng |
Mở đầu hội nghị, ông Mai Anh Súy, phó chủ tịch UBND
huyện Đại Lộc, phản ứng gay gắt việc thủy điện A Vương xả lũ khiến cả
huyện bị ngập nặng nề nhất trong 100 năm qua. Ông nói lúc đang mưa bão,
lũ lên báo động 3, dân tình hoang mang. Đùng một cái thủy điện A Vương
xả hơn 100 triệu m3 nước trong vài giờ lúc đêm khuya. Hàng vạn hộ dân
trở tay không kịp, mất mát rất lớn. Ông Súy xót xa: “Lũ đã lớn còn xả
nước thủy điện, lại chồng thêm lũ “nhân tạo” thì thiếu trách nhiệm quá.
Tôi cho rằng họ tích nước để phục vụ việc phát điện hơn là cắt lũ, đỡ
cho dân vùng hạ du”. Ông nói thêm giờ người ta vẫn còn kinh hoàng khi
mới đây diễn tập phòng chống lũ, bà con đang tụ tập buôn bán ở chợ bỏ
chạy tán loạn.
Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải cho rằng việc gây ra lũ
lụt lớn vừa qua có phải do thủy điện hay không cần nhìn nhận khách
quan, thận trọng. Song ông khẳng định thủy điện A Vương và Sông Côn
chưa tính toán mức lũ, vận hành hồ chứa, xả lũ không đúng thời gian
thích hợp nên gây ngập lụt nặng ở Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An. Ông bức
xúc cho rằng đây không còn là chuyện nhạy cảm nữa mà cần nhìn thẳng sự
thật, các nhà máy thủy điện xả lũ không tính đến vùng hạ du đã làm dân
bị thiệt hại nặng nề là thật, lũ dữ hơn là thật.
Là địa phương “gánh” trên lưng số lượng thủy điện
nhiều nhất tại Quảng Nam, bí thư huyện Đông Giang Phạm Bằng cho biết
cần xem xét lại quy hoạch thủy điện bởi người dân địa phương đang lo sợ
trước thảm họa như lũ bất thường, công trình hồ chứa mất an toàn, nguy
hiểm khôn lường không khác động đất. Ông Bằng nói: “Thủy điện nói vô
can với lũ lụt, chính quyền nói có yếu tố thủy điện, làm chính quyền
huyện và người dân không thông. Vấn đề này sao không lập đoàn công tác
để điều tra làm rõ”.
Lũ dữ hơn
Thu 800 tỉ đồng/năm
Dự
kiến năm 2015 khi 50 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động sẽ tạo nguồn
thu ổn định cho ngân sách của tỉnh Quảng Nam hằng năm khoảng 800 tỉ
đồng. Trong lúc đó chỉ tính trong cơn bão lũ số 9 vừa qua, Quảng Nam bị
thiệt hại giá trị hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó riêng huyện Đại Lộc là
650 tỉ đồng.
|
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia về thủy điện đã chỉ rõ
những thiếu sót và bất cập trong công tác quy hoạch thủy điện thời gian
qua, không những ở miền Trung mà trong cả nước.
Ông Lê Hữu Thuần - phó cục trưởng Cục Quản lý tài
nguyên nước của Bộ Tài nguyên và môi trường - cho biết hầu hết thủy
điện khi quy hoạch đều chưa có đánh giá tác động môi trường chiến lược
theo luật định. Ông chỉ ra nhiều khiếm khuyết khác của hồ thủy điện như
các quy trình vận hành hồ chứa khi xảy ra sự cố nghiêm trọng chưa có,
chưa có yêu cầu phòng và chống lũ. Ngoài ra không có các hệ thống giám
sát và đo đạc sử dụng nước.
Ông Trần Quang Hoài - phó cục trưởng Cục Quản lý đê
điều và phòng chống lụt bão - nói qua hai cơn bão lũ số 9, 11 đã bộc lộ
một số nhà máy thủy điện chưa quan tâm đến vấn đề cắt lũ hạ du. Hầu hết
chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, thiếu trách nhiệm quản lý, muốn giảm
giá thành đầu tư nên không đầu tư hết các nhiệm vụ của hồ đập.
Ông Lê Trí Tập - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam -
khẳng định bên cạnh việc mất đất, mất rừng thì thủy điện góp phần làm
lũ lụt ngày một dữ hơn, người dân hạ du sống trong phập phồng. “Ai phát
biểu trên báo chí là làm thủy điện mà không mất đất, mất rừng thì chỉ
có lên trời mà làm thủy điện” - ông Tập bức xúc. Một kilômet đường làm
thủy điện mất 3-5ha, một MW điện mất đứt 7-10ha rừng. Ông than cả tỉnh
có 50-60 thủy điện thì ghê gớm quá, phải xem xét lại trên quan điểm hi
sinh lợi ích trước mắt để được lâu dài, tương lai con cháu ta.
Điều chỉnh quy hoạch
Trước đó, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn
Thu cho rằng việc đầu tư các nhà máy thủy điện trên địa bàn góp phần
đáng kể khắc phục tình trạng thiếu hụt điện, không tiêu thụ nhiên liệu
nên không có chất thải độc hại. Ông Thu chỉ ra bất cập về quy trình vận
hành hồ chứa thủy điện A Vương trong cơn bão lũ số 9 vừa qua. Dung tích
phòng lũ của hồ chứa quá nhỏ nên tác dụng cắt lũ, làm chậm lũ cho vùng
hạ du rất thấp.
Ông Thu cam kết tiếp tục rà soát để điều chỉnh quy
hoạch các dự án thủy điện và kiên quyết không triển khai dự án có ảnh
hưởng lớn đến di dời dân, đất rừng, đất sản xuất. Chấm dứt đầu tư các
chủ dự án không đủ năng lực, thu hồi dự án chậm tiến độ triển khai.
Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm trồng lại diện tích rừng mà dự
án đã chiếm đất. Đưa ra các giải pháp giảm thiểu thiệt hại đến môi
sinh, môi trường, sản xuất và đời sống nhân dân.
Ông nhấn mạnh các bộ ngành trung ương cần phải điều
chỉnh lại quy trình vận hành hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích nước
chống lũ. Bảo đảm dòng chảy tối thiểu để phòng chống suy thoái, cạn
kiệt, ô nhiễm nguồn nước. Xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa thủy
điện bảo đảm nguồn nước cho hạ du về mùa nắng và tham gia điều tiết lũ.
Trước mắt khẩn trương thực hiện đối với thủy điện A Vương.
VIỆT HÙNG - TẤN VŨ
No comments:
Post a Comment