TT - Ngày 10-12, tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND các
tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, các đại biểu
đưa ra nhiều ý kiến bức xúc xung quanh câu chuyện xây dựng thủy điện
tràn lan làm mất rừng, gây hậu quả lớn cho cư dân vùng hạ lưu; chuyện
điện sinh hoạt cho dân nông thôn, ô nhiễm môi trường sống...
Ông Trần Xuân Bình, bí thư Huyện ủy Nam Đông, Thừa Thiên - Huế: “Chủ đầu tư từng hẹn bà con đến nhận tiền đền bù nhưng ba ngày vẫn không thấy” - Ảnh: ĐÌNH TOÀN |
Quảng Ngãi: không biết ai “bỏ quên” 36ha rừng
Chất vấn về vụ “bỏ quên” 36ha rừng dưới lòng hồ thủy
điện Hà Nang (Trà Bồng, Quảng Ngãi), đại biểu Hồ Văn Thế - chủ tịch
huyện Trà Bồng - gay gắt: “Vì sao lại xảy ra tình trạng “bỏ quên” 36ha
rừng chưa tận thu gỗ dưới lòng hồ thủy điện? Vụ việc này ai xử lý và sẽ
xử ra sao?”.
Giám đốc Sở Công thương Quảng Ngãi Huỳnh Tấn Lợi phân
bua: Ngay sau khi xảy ra sự việc, tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra, đo
đạc để làm rõ trách nhiệm “bỏ quên” hơn 36ha rừng. Kết thúc đợt kiểm
tra, đơn vị nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng
Ngãi, hỏi: Không lý gì lập dự án thủy điện một nơi lại tính diện tích
rừng một nẻo. Dư luận cho rằng khi lập dự án, thiết kế để trình phê
duyệt, cấp phép đầu tư công trình thủy điện thì thấy diện tích rừng ít,
nhưng khi triển khai xây dựng trên thực tế thì diện tích rừng bị phá
“đội” lên. Như vậy việc “bỏ quên” 36ha rừng dưới lòng hồ thủy điện Hà
Nang cũng trong trường hợp này?
Ông Lợi giải trình: “Thủy điện Hà Nang tích nước còn
3m nữa mới đạt đỉnh, thế nhưng đã nhấn chìm dưới lòng hồ hơn 36ha rừng.
Khi công trình thủy điện này tích nước đạt đỉnh thì diện tích rừng bị
chìm có thể sẽ tăng lên. Hiện tại chưa xác định rõ nguyên nhân nào đã
gây ra tình trạng này. Theo tôi, có thể đơn vị đo đạc sai sót, cắm mốc
giới bị chệch so với cao trình ngập nước”.
Mất hơn 138ha rừng (tương đương hơn 2.000m3 gỗ rừng phòng hộ đầu nguồn bị khai thác) để xây dựng công trình thủy điện Hà Nang, huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi) - Ảnh: MINH THU |
Ông Phạm Minh Toản, chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi,
khẳng định: “Là cơ quan trực tiếp tham mưu cho tỉnh về vấn đề thủy
điện, nếu trong quá trình triển khai các dự án thủy điện xảy ra sai sót
mà Sở Công thương nói không biết rõ là thiếu tinh thần trách nhiệm”.
Theo ông Toản: Cần rà soát, nghiên cứu xem xét cắt giảm thủy điện. Nếu
không thận trọng, giám sát không kỹ, các doanh nghiệp vì lợi ích kinh
tế mà quên đi những mục tiêu khác sẽ gây ra những hậu quả khó lường.
Trước mắt phải tính toán kỹ việc xây dựng các công trình làm thủy điện,
đồng thời khẩn trương trồng lại rừng bù vào khoảng trống diện tích rừng
đã mất khi triển khai các công trình thủy điện.
Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện tỉnh Quảng Ngãi
có 22 dự án thủy điện đã được các cấp bộ ngành T.Ư và địa phương cho
phép đầu tư (trong đó có 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ do UBND tỉnh
Quảng Ngãi cấp phép đầu tư). Dự kiến tổng diện tích rừng bị mất (rừng
tự nhiên, rừng sản xuất) khi 22 dự án thủy điện triển khai là 890ha
(chiếm khoảng 0,8% tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh). Khoảng 520
hộ dân phải di dời, tái định cư để xây dựng số thủy điện nói trên.
Quảng Nam: dân chờ những lời hứa
Tại Quảng Nam, nhiều vấn đề liên quan đến dân sinh như
điện, giao thông và tái định cư cho dân vùng quy hoạch đã được nhiều
đại biểu quan tâm.
Liên quan đến cầu Bà Rén trên quốc lộ 1A xuống cấp gây
ách tắc giao thông cho tuyến vận tải Bắc - Nam, nhiều đại biểu tỏ ra
băn khoăn biện pháp giải quyết. Ông Trương Văn Cận, giám đốc Sở Giao
thông vận tải Quảng Nam, cho biết trước mắt sẽ làm cầu tạm để giảm tải
cho cầu Bà Rén, đồng thời thuận tiện cho nhân dân đi lại. Ông Cận cũng
cho biết tuy là cầu tạm nhưng sở yêu cầu đơn vị thi công phải làm cầu
sao cho việc sử dụng được ít nhất ba năm.
Nhiều đại biểu huyện Tiên Phước, Quế Sơn phản ảnh các
tuyến đường, cầu về các huyện đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Cận cho
hay các xe tải nặng vận chuyển vật liệu xây dựng cho các công trình
thủy điện đã làm hư hỏng nhanh nhiều tuyến đường mới làm. Lời hứa sẽ
hoàn lại công trình sau khi làm xong thủy điện vẫn chưa biết bao giờ
mới được thực hiện.
Nhiều ý kiến thắc mắc từ đoàn đại biểu HĐND huyện Duy
Xuyên về vấn đề đất tái định cư cho nhân dân khu vực xây dựng cầu Cửa
Đại. Việc xây dựng khu dân cư ven biển hiện chiếm quá nhiều diện tích
đất nông nghiệp, do vậy sẽ ảnh hưởng đời sống nhân dân. Trong khi đó
quỹ đất 200ha tái định cư chắc chắn sẽ không đủ cho các hộ dân thuộc
diện giải tỏa.
Theo ông Đinh Văn Thu - phó chủ tịch UBND tỉnh, UBND
tỉnh đã có định hướng chiến lược vùng ven biển Quảng Nam là ưu tiên
dành quỹ đất cho phát triển du lịch, dịch vụ sau khi đảm bảo quỹ đất
cho nhu cầu nhà ở, phù hợp với yêu cầu tập quán, sinh hoạt, ngành nghề
hiện có của nhân dân thì tỉ lệ cơ cấu này là phù hợp; vừa đảm bảo quỹ
đất ở, sinh hoạt của dân, vừa tạo điều kiện có quỹ đất 740ha ven biển,
phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy các khu dân cư đô thị.
Một dự án cải tạo đất nông nghiệp, chương trình đào tạo, hỗ trợ chuyển
đổi nghề... cũng đang được thực hiện, chắc chắn sẽ có đủ đất sản xuất,
canh tác, đảm bảo cuộc sống người dân.
Thừa Thiên - Huế: thủy điện Thượng Nhật triển khai quá chậm
Sáng 10-12, tại kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế, một
số đại biểu đã gửi câu hỏi chất vấn đến UBND tỉnh về công trình thủy
điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông) đang làm người dân bức xúc.
Đại biểu Đào Chuẩn hỏi: dự án thủy điện Thượng Nhật đã
khởi công gần hai năm nhưng tiến độ triển khai quá chậm, kinh phí đền
bù giải tỏa mới trả cho dân 50%, gây bức xúc cho người dân; đề nghị chủ
dự án cho biết dự án có tiếp tục triển khai hay không, nếu triển khai
thì chi trả tiền đền bù phần còn lại như thế nào, lãi vay vốn để trồng
rừng, chăm sóc rừng và cây cao su phát sinh từ khi kiểm kê đền bù đến
nay ai trả? Do vắng mặt đại diện chủ đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư
thủy điện miền Trung VN) nên Sở Công thương đã đứng ra nhận giải trình.
Phần đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân, chủ đầu tư đã có văn bản
và cam kết sẽ tiến hành chi trả trong tháng 12.
Theo ông Trần Xuân Bình (bí thư Huyện ủy Nam Đông):
“Chủ đầu tư từng hẹn bà con đến nhận tiền đền bù nhưng ba ngày vẫn
không thấy. Bà con sau đó đã đổ lỗi cho lãnh đạo, cán bộ xã, huyện là
lừa dân”.
HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về dự
toán ngân sách, quyết toán ngân sách năm 2010; giá đất năm 2010; đề án
chuyển huyện Hương Thủy thành thị xã; chuyển ba xã Thủy Xuân, Hương
Long và Thủy Biều thành ba phường thuộc TP Huế; thông qua việc chuyển
ba trường THPT bán công Bùi Thị Xuân, Đặng Trần Côn, Nguyễn Trường Tộ
thành trường công lập...
Thống nhất điều chỉnh giá đất nông nghiệp theo hướng
tăng từ vài trăm đồng/m2 đến khoảng 3.500 đồng/m2 tùy vị trí, loại đất
và phân vùng; đất ở nông thôn tăng từ khoảng 5.000-10.000 đồng/m2 tùy
vị trí, khu vực dân cư...
Cùng với đó, giá đất ở của đô thị tại một số đoạn
thuộc đường Dương Văn An, Ngự Bình, Nguyễn Gia Thiều cũng được điều
chỉnh từ loại 4B lên loại 4A hoặc 5A, 5B lên 5A (tùy đoạn đường cụ
thể), hoặc 5B xuống 4C (đường Nguyễn Gia Thiều, từ cầu Bãi Dâu đến
đường Nguyễn Chí Thanh)...
Các khu công nghiệp gây ô nhiễm môi trường
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Trị, tình trạng ô nhiễm môi
trường vẫn là vấn đề nóng trong phiên chất vấn. Đó cũng là vấn đề mà
đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn tại kỳ họp trước đó, khi Sở Tài nguyên -
môi trường cho biết trên địa bàn toàn tỉnh có 25 cơ sở gây ô nhiễm môi
trường, trong đó 17 cơ sở gây ô nhiễm nặng. Tuy nhiên, từ đó tới nay
vấn nạn ô nhiễm môi trường ở địa phương không những không được giải
quyết mà số cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên toàn tỉnh tiếp tục tăng
lên tới 33 cơ sở.
Trong đó, nhà máy gỗ MDF-GERUCO được xây dựng tại Khu
công nghiệp Nam Đông Hà cách khu dân cư và khu nhà hành chính chỉ vài
chục mét, đã thải nước thải chưa qua xử lý hoặc có xử lý nhưng không
đảm bảo môi trường ra các sông ngòi, khu dân cư gần đó. Theo đại biểu
Võ Thị Hoa Hằng, nguyên nhân cơ sở sản xuất tiếp tục gây ô nhiễm nặng
là do các cơ quan chức năng xử lý chưa nghiêm.
Trong khi đó tại Quảng Ngãi, Ban kinh tế - ngân sách
HĐND tỉnh đã công bố kết quả giám sát tình hình thực hiện công tác bảo
vệ môi trường tại Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN)
trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất là ở
KCN Quảng Phú (TP Quảng Ngãi). Lượng nước thải phát sinh hiện nay tại
KCN này lên đến 4.000m3/ngày.
Mặc dù đã hình thành hơn 10 năm qua nhưng đến nay cả
hai KCN Quảng Phú và KCN Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) đều chưa có hệ
thống xử lý nước thải tập trung nên hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở
hai KCN xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng môi trường. Mức độ ô nhiễm
của nước thải từ KCN Quảng Phú xả ra môi trường vượt 2-40 lần so với
tiêu chuẩn môi trường theo quy định. KCN Quảng Phú có 19 nhà máy đã đưa
vào hoạt động nhưng chỉ có 25% dự án có hệ thống xử lý nước thải cục
bộ, 75% dự án còn lại xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
|
Nhóm PV, CTV miền Trung
No comments:
Post a Comment