"Mỗi lần tranh tụng với bên ngoài, nghe nói phải thuê
luật sư 5-10 triệu USD tôi cũng xót ruột, mà không biết có cãi được gì
không?", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ với gần 200 luật sư, sáng
8/12.
Thủ tướng dành trọn buổi sáng để trả lời giới luật sư. Ảnh: P.V |
Sáng 8/12, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã
có cuộc đối thoại hơn 3 tiếng với đại diện giới luật sư cả nước tại
cuộc tọa đàm "Vai trò của luật sư trong cải cách tư pháp, xây dựng nhà
nước pháp quyền, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế".
"Được mời tham dự, tôi sẵn sàng ngay với mong muốn
được lắng nghe ý kiến của luật sư - đội ngũ có vai trò quan trọng trong
tiến trình phát triển của đất nước - để biết Chính phủ cần làm gì", Thủ
tướng nói.
Tại Việt Nam, 16.000 người mới có một luật sư. Trong khi ở Thái Lan tỷ lệ này thấp hơn 10 lần, tại Singapore là 16 lần... |
Ông đặc biệt ấn tượng khi số lượng luật sư tăng 250%
từ năm 2001 đến 2009, với thành viên hiện khoảng 5.800 người. Tuy
nhiên, vấn đề chất lượng luật sư lại luôn khiến người đứng đầu Chính
phủ quan ngại. Sự thiếu cọ xát thực tiễn nặng về lý thuyết đang khiến
nhiều người học luật chưa đủ kỹ năng để làm việc.
"Luật sư giỏi đủ sức để bảo vệ đất nước là rất khó.
Mỗi lần tranh tụng với bên ngoài, ta chưa có luật sư giỏi phải đi thuê,
nghe nói tới 5-10 triệu USD tôi cũng xót ruột, mà không biết có cãi
được gì không?", ông chia sẻ.
Thủ tướng cho biết để đảm bảo nhân lực về lâu dài,
Chính phủ đã có kế hoạch cử ra nước ngoài để đào tạo 50 luật sư có
trình độ cao.
Luật sư Trần Thị Hải Yến (Hà Nội) đặt vấn đề, trong
quá trình giao kết làm ăn với đối tác nước ngoài, nên chăng cần quy
định phải có ý kiến luật sư trước khi ký kết dự án?
Đánh giá đây là câu hỏi thiết thực, Thủ tướng kể câu
chuyện của ông với vị quan chức của một tổng công ty diễn ra vài ngày
trước. Ở đơn vị này có người phụ trách về pháp luật nhưng không có luật
sư. Cán bộ pháp chế có trình độ ngoại ngữ, nhưng để tranh luận với đối
tác nước ngoài thì lại "chưa được".
Thủ tướng đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải
có đội ngũ cán bộ pháp luật đủ mạnh để trước mắt giúp đơn vị hoạt động
đúng pháp luật, đảm bảo tính pháp lý của các hợp đồng kinh tế.
Chính phủ chỉ đạo nếu chưa yên tâm ở cán bộ pháp chế
của mình thì doanh nghiệp phải thuê tư vấn pháp luật bên ngoài, để làm
sao khi lãnh đạo đặt bút ký là yên tâm. Nếu xảy ra sơ suất thì thiệt
hại sẽ rất lớn.
Những bức xúc của giới luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự được bà Trần Mỹ Hoa (đoàn TP HCM) "tố khổ" với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
"Luật sư gặp khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận
bào chữa, bị hạn chế tiếp xúc với thân chủ trong quá trình điều tra...
Chính phủ đã có chỉ đạo gì để giải quyết tình trạng này?", bà Hoa đặt
câu hỏi.
Thủ tướng cho biết vấn đề này ông đã nghe nhiều và từ
lâu, nhất là từ khi làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Chia
sẻ với luật sư trong quá trình tác nghiệp, ông gợi ý Liên đoàn luật sư
toàn quốc, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát và Tòa án nên ngồi lại
cũng nhau để xây dựng quy chế phối hợp với tinh thần phát huy vai trò
của luật sư, nhưng cũng phải bảo vệ công lý, đảm bảo các nguyên tắc
điều tra cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
"Tôi tin rằng với sự nhiệt tình của các cơ quan, mọi vấn đề sẽ được tháo gỡ", người đứng đầu Chính phủ lạc quan.
7 luật sư đã nêu câu hỏi với Thủ tướng. Ảnh: P.V. |
Với mong muốn góp sức xây dựng hệ thống pháp luật,
luật sư Trương Xuân Tám (Bà Rịa - Vũng Tàu) băn khoăn: "Chính phủ hiện
có biện pháp gì để sử dụng chất xám, cũng như kinh nghiệm của luật sư?".
Thủ tướng cho biết, muốn xây dựng hệ thống pháp luật
hoàn thiện và có chất lượng tốt thì không thể thiếu đóng góp ý kiến của
người dân, trong đó luật sư là rất cần thiết. Đây là đội ngũ có kiến
thức pháp luật, kinh nghiệm cọ xát thực tiễn.
Quay sang Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Thủ tướng
đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn luật sư toàn quốc xây dựng
quy chế phối hợp hoạt động nhằm phát huy được "chất xám" của các luật
sư trong việc đóng góp ý kiến để hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng cũng trăn trở trước việc một số nghị định,
thông tư còn chưa đạt yêu cầu, không phù hợp thực tiễn, thậm chí có văn
bản chồng chéo nhau... Ông cho biết, năm 2009, Chính phủ còn "nợ" 43
nghị định hướng dẫn các luật mới ban hành. Một phần nguyên nhân của
tình trạng này là do cán bộ pháp chế tại nhiều bộ ngành ít, lại thiếu
người giỏi am hiểu về pháp luật.
Hoàng Khuê
No comments:
Post a Comment