PHẦN THỨ NĂM
TỔ CHỨC ĐOÀN TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM
A- TỔ CHỨC ĐOÀN TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
I - NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
1- Tổ chức Đoàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam là một bộ phận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tổ chức và hoạt động của Đoàn trong Quân đội thực hiện theo Điều lệ Đoàn, nghị quyết của Đại hội Đoàn toàn quốc, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, nghị quyết của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, quy định của Bộ Quốc phòng, chỉ thị của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và sự hướng dẫn của Ban công tác Thanh niên Quân đội. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Quân đội chỉ tổ chức ở đơn vị cơ sở: cấp trung đoàn, lữ đoàn và tương đương trở xuống đến các đại đội và tương đương.
2- Nhiệm vụ của tổ chức Đoàn trong Quân đội:
- Tập hợp, đoàn kết, giáo dục, rèn luyện đoàn viên thanh niên có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành chức trách quân nhân. Thường xuyên bổ sung lực lượng nòng cốt cho phong trào cách mạng của địa phương.
- Tổ chức các hoạt động của thanh niên phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của quân đội, tích cực tham gia xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng.
3- Công tác thanh niên trong Quân đội do Đảng uỷ Quân sự Trung ương lãnh đạo, ở mỗi cấp do cấp uỷ trực tiếp lãnh đạo.
- Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp quản lý, chỉ đạo mọi mặt đối với công tác thanh niên và tổ chức Đoàn trong toàn quân.
- Cơ quan chính trị các cấp trực tiếp quản lý, chỉ đạo mọi mặt với công tác thanh niên và tổ chức Đoàn trong các đơn vị thuộc quyền.
- Cấp uỷ Đảng, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị ở đơn vị cơ sở trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý mọi mặt đối với tổ chức Đoàn cơ sở theo sự chỉ đạo của cơ quan chính trị và hướng dẫn của Ban công tác thanh niên cấp trên.
- Cán bộ chỉ huy và cơ quan các cấp có trách nhiệm phát huy vai trò của tổ chức Đoàn.
4- Để giúp cấp uỷ Đảng, chính uỷ, chính trị viên cơ quan chính trị lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh niên, từ cấp trên trực tiếp cơ sở đến toàn quân có trợ lý thanh niên và Ban Công tác thanh niên do Chủ nhiệm chính trị cùng cấp trực tiếp chỉ đạo.
Ban công tác thanh niên có hai chức năng chủ yếu: Nghiên cứu, đề xuất chủ trương, biện pháp tiến hành công tác vận động thanh niên và chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động của tổ chức Đoàn ở cơ sở.
5- Tổ chức Đoàn thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan quân sự địa phương, bộ đội địa phương được tổ chức và hoạt động theo cơ chế tổ chức Đoàn trong Quân đội; chịu sự quản lý về đoàn số, đoàn phí và hướng dẫn công tác của tổ chức Đoàn địa phương, có quyền bầu cử, ứng cử vào các cấp bộ Đoàn địa phương. Cán bộ phụ trách công tác thanh niên của phòng chính trị được giới thiệu tham gia vào Ban Chấp hành tỉnh, thành Đoàn.
6 - Đại hội Đoàn cấp trên cơ sở do cơ quan chính trị triệu tập và tổ chức theo quy định của Điều lệ và hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn và Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
II- TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐOÀN TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
1- Về tổ chức:
a, Tổ chức cơ sở Đoàn do Đảng uỷ cơ sở hoặc cơ quan chính trị cấp trên quyết định thành lập theo điều lệ Đoàn và phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị và quân đội.
- Tổ chức Đoàn cơ sở trong bộ đội chủ lực được thành lập ở các đơn vị:
+ Trung đoàn, lữ đoàn; hải đoàn, hải đội, tiểu đoàn và tương đương trực thuộc sư đoàn, vùng hải quân.
+ Ở các hệ, tiểu đoàn quản lý học viên và đơn vị tương đương; các phòng, khoa thuộc các học viện, trường sĩ quan, trường quân sự quân khu, quân đoàn, bệnh việc trực thuộc Bộ; trường hạ sĩ quan, trường trung cấp và dạy nghề; bệnh viện thuộc quân khu, quân chủng, tổng cục; cấp cục, phòng thuộc Bộ Tổng tham mưu - cơ quan Bộ Quốc phòng, các tổng cục, quân khu, quân chủng, bộ đội biên phòng, quân đoàn, binh chủng, binh đoàn; cấp phòng thuộc sư đoàn, vùng hải quan và tương đương.
- Tổ chức Đoàn cơ sở cơ quan quân sự, đơn vị bộ đội địa phương; cơ quan, đơn vị bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập ở các đơn vị:
+ Cấp phòng thuộc bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, thành phố.
+ Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
+ Tiểu khu, đồn biên phòng cửa khẩu, cảng; tiểu đoàn, đại đội và đơn vị tương đương thuộc bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, thành phố.
- Tổ chức Đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp được thành lập ở công ty, nhà máy, xí nghiệp và tương đương.
b, Hình thức tổ chức:
Tổ chức cơ sở Đoàn trong quân đội nhân dân Việt Nam có Đoàn cơ sở 3 cấp, Đoàn cơ sở 2 cấp, Đoàn cơ sở 1 cấp ( Chi đoàn cơ sở ).
- Đoàn cơ sở 3 cấp ở trung đoàn, lữ đoàn và tương đương có liên chi đoàn ở tiểu đoàn, chi đoàn ở đại đội và tương đương.
- Đoàn cơ sở cấp 2 ở tiểu đoàn và tương đương có các chi Đoàn ở đại đội và tương đương. Đoàn cơ sở cấp 1 (chi đoàn đại đội độc lập hoặc chi đoàn trực thuộc cơ quan cấp phòng, cục và tương đương).
- Phân đoàn được tổ chức ở phân đội hoặc tiểu đội, khẩu hiệu và tương đương do Ban Chấp hành Đoàn cơ sở quyết định.
c, Về Ban Chấp hành Đoàn các cấp:
- Việc bầu Ban Chấp hành Đoàn các cấp tiến hành theo Điều lệ Đoàn và hướng dẫn của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn.
- Trong điều kiện không tổ chức đại hội được thì cấp uỷ Đảng cơ sở nơi không có đảng uỷ cơ sở, do cơ quan chính trị cấp trên trực tiếp chỉ định Ban Chấp hành Đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Đoàn cấp trên chỉ định Ban Chấp hành Đoàn cấp dưới. Trường hợp cần bổ sung thì tiến hành bầu bổ sung hoặc chỉ định Ban Chấp hành như quy định trên.
- Bầu Bí thư trực tiếp tại đại hội chỉ thực hiện ở cấp chi đoàn.
- Ban Chấp hành Đoàn ở trung Đoàn, lữ đoàn và tương đương có 9 đến 15 uỷ viên. Ban Thường vụ có 3 đến 5 uỷ viên, nhiệm kỳ 5 năm 1 lần.
- Ban Chấp hành Đoàn ở tiểu đoàn và tương đương, liên chi đoàn có 5 đến 9 uỷ viên, nhiệm kỳ 5 năm 2 lần.
- Ban Chấp hành chi đoàn có 3 đến 7 uỷ viên, nhiệm kỳ là 1 năm.
2- Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức Đoàn cơ sở.
a, Nhiệm vụ:
- Giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng XHCN, lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, truyền thống quân đội, ý thức công dân, trách nhiệm quân dân, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho đoàn viên thanh niên.
- Tổ chức hoạt động của Đoàn và phong trào thanh niên nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
- Chủ động, tích cực tham gia có hiệu qủ vào các hoạt động chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá ở đơn vị, góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết những nguyện vọng, quyền lợi chính đáng hợp pháp của thanh niên.
- Quan hệ với tổ chức Đoàn địa phương nơi đóng quan, tổ chức các hoạt động phối hợp giữa thanh niên trong và ngoài quân đội góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị và địa phương, tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở địa phương nơi đóng quan và chăm sóc, giáo dục bảo vệ thiếu niên và nhi đồng.
- Đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng Đoàn vững mạnh về chính trị, tư tưởng tổ chức và tích cực tham gia xây dựng Đảng.
b, Quyền hạn:
- Đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp của cán bộ, đoàn viên thanh niên trước pháp luật, điều lệnh quân đội công luận.
- Tổ chức các hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, các hoạt động văn hoá, xã hội tạo nguồn kinh phí cho Đoàn hoạt động theo quy định của Tổng cục Chính trị
c, Quyền hạn giải quyết công việc nội bộ Đoàn:
- Ban Chấp hành Đoàn cơ sở ở trung đoàn và tương đương có quyền:
+ Chuẩn y kết nạp Đoàn viên.
+ Công nhận Ban Chấp hành liên chi đoàn trực thuộc.
+ Quyết định biểu dương, cấp giấy khen của Đoàn, đề nghị cấp trên khen thưởng cán bộ, đoàn viên và tổ chức Đoàn.
+ Yêu cầu chi Đoàn xét và quyết định xoá tên trong danh sách đoàn viên đối với những đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn hoặc không đóng đoàn phí 3 tháng trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
+ Quyết định thi hành kỷ luật đến hình thức khai trừ đối với đoàn viên và cách chức uỷ viên Ban Chấp hành liên chi đoàn; khiển trách cảnh cáo đối với uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn cơ sở. Các hình thức kỷ luật cao hơn do Ban Chấp hành Đoàn cơ sở xét và đề nghị, cấp uỷ Đảng cơ sở chuẩn y.
- Ban Chấp hành liên chi đoàn ở tiểu đoàn và đơn vị tương đương có quyền:
+ Hướng dẫn, kiểm tra các chi đoàn làm công tác phát triển Đoàn; xét duyệt và đề nghị lên đoàn cấp trên chuẩn y đề nghị của chi đoàn và kết nạp đoàn viên, giới thiệu đoàn viên ưu tú với chi bộ.
+ Công nhận Ban Chấp hành chi đoàn, chỉ định bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành chi đoàn.
+ Biểu dương và đề nghị cấp trên khen thưởng cán bộ, đoàn viên, tổ chức Đoàn.
+ Quyết định thi hành kỷ luật với hình thức khiển trách, cảnh cáo đoàn viên và khiển trách đối với uỷ viên Ban Chấp hành chi đoàn.
- Ban Chấp hành chi đoàn có quyền:
+ Xét và đề nghị kết nạp đoàn viên.
+ Đề nghị chi đoàn xem xét quyết định xoá tên trong danh sách đoàn viên đối với đoàn viên không tham gia sinh hoạt Đoàn hoặc không đóng đoàn phí 3 tháng trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
+ Quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với đoàn viên.
+ Xét và đề nghị cấp trên thi hành kỷ luật đối với cán bộ, đoàn viên từ cảnh cáo trở lên.
+ Nhận xét đoàn viên có đủ tiêu chuẩn vào Đảng, giới thiệu với chi bộ và đề nghị Ban Chấp hành Đoàn cấp trên ra nghị quyết giới thiệu đoàn viên ưu tú vào Đảng, nếu là chi đoàn cơ sở thì được quyền giới thiệu đoàn viên vào Đảng thay cho một đảng viên chính thức.
- Ban Chấp hành Đoàn cơ sở ở tiểu đoàn và tương đương được quyền như Ban Chấp hành Đoàn cơ sở ở trung đoàn, nhưng không có quyền cấp giấy khen cho cán bộ, đoàn viên.
- Ban Chấp hành Đoàn cơ sở cấp 1 có quyền hạn như chi đoàn thuộc đoàn cơ sở cấp 2, 3. Các quyền hạn cao hơn do cấp uỷ Đảng cơ sở quyết định.
III- MỐI LIÊN HỆ VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA TỔ CHỨC ĐOÀN TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỚI TỔ CHỨC ĐOÀN ĐỊA PHƯƠNG NƠI ĐÓNG QUÂN
1- Tổ chức Đoàn trong quân đội liên hệ chặt chẽ và phối hợp hoạt động với tổ chức Đoàn địa phương nơi đóng quân theo các nội dung:
- Giáo dục và chuẩn bị tốt về mọi mặt cho thanh niên làm nghĩa vụ quân sự, nâng cao ý thức trách nhiệm của thanh niên đối với sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh, tham gia chính sách hậu phương quân đội; giáo dục truyền thống cách mạng và tuyên truyền vận động đoàn viên thanh niên địa phương thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Phát huy trách nhiệm của các đoàn thể, gia đình, nhà trường góp phần giáo dục, động viên thanh niên làm tốt nghĩa vụ quân sự trong thời gian tại ngũ.
- Giúp đỡ nhân dân và thanh niên địa phương đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng địa phương vững mạnh về mọi mặt.
- Phối hợp và tham gia các phong trào của Đoàn ở địa phương, động viên, cổ vũ, giúp đỡ và học tập lẫn nhau để xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn, xã hội, bài trừ các tệ nạn xã hội, những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, đấu tranh với các phần tử xấu, phản động.
- Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
2- Tổ chức Đoàn trong quân đội được giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành Đoàn ở địa phương.
- Các đơn vị bộ đội địa phương; Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban chỉ huy quân sự quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể cử cán bộ làm công tác thanh niên tham gia cấp bộ Đoàn ở địa phương.
- Căn cứ điều kiện, hoàn cảnh, tính chất, nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, cán bộ làm công tác thanh niên cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, sư đoàn có thể tham gia vào Ban Chấp hành tỉnh, thành Đoàn nơi đóng quân. Ban Thường vụ tỉnh, thành đoàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chính trị các đơn vị để làm công tác nhân sự.
- Cán bộ làm công tác thanh niên từ cấp trung đoàn trở xuống đến đoàn cơ sở có thể tham gia vào Ban Chấp hành Đoàn cấp huyện nơi đóng quân. Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chính trị các đơn vị để làm công tác nhân sự.
Việc giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành Đoàn địa phương phải được Đảng uỷ, cơ quan chính trị đơn vị đồng ý.
B- TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN VIỆT NAM
I- NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
1- Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Công an nhân dân là một bộ phận của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn và Đảng uỷ Công an Trung ương.
2- Công tác thanh niên trong Công an nhân dân ở mỗi cấp do cấp uỷ Đảng cấp đó trực tiếp lãnh đạo.
- Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân giúp Đảng uỷ Công an Trung ương quản lý chỉ đạo công tác thanh niên ở các Tổng cục, Bộ tư lệnh cảnh vệ, V26 và các đơn vị trực thuộc Bộ Công an. Chỉ đạo công tác thanh niên ở Công an các tỉnh, thành phố cho phù hợp với tính chất, đặc điểm và nhiệm vụ của công tác Công an.
- Thủ trưởng cơ quan Xây dựng lực lượng ( Chánh Văn phòng, Cục trưởng cục Chính trị) các Tổng cục; thủ trưởng phụ trách công tác xây dựng lực lượng Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, V26, giúp cấp uỷ cùng cấp quản lý, chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các đơn vị thuộc quyền.
- Thủ trưởng phụ trách công tác xây dựng lực lượng (đồng chí trong Ban Giám đốc) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giúp Đảng uỷ cùng cấp quản lý, chỉ đạo công tác thanh niên các đơn vị thuộc Công an tỉnh, thành phố; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh niên ở Công an các quận, huyện và tương đương.
- Ở đơn vị cơ sở, cấp uỷ Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên.
3- Để giúp cấp uỷ Đảng và thủ trưởng cơ quan Xây dựng lực lượng các cấp trong Công an nhân dân lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên từ cấp trên cơ sở lập Ban công tác thanh niên. Ban công tác thanh niên là cơ quan thường trực của một cấp bộ Đoàn và là cơ quan trực tiếp quản lý về công tác thanh niên ở cấp đó.
4- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức và hoạt động theo mô hình tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Công an nhân dân; chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của tỉnh, thành Đoàn và chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo của ban thanh niên Công an.
5- Sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên trong Công an nhân dân.
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Công an chịu sự lãnh đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và trực tiếp là Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
- Đoàn các Tổng cục, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, V26 chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Tổng cục, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, V26, sự chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan xây dựng lực lượng các tổng cục, Thủ trưởng phụ trách công tác xây dựng lực lượng Bộ Tư lệnh cảnh vệ, V26; sự chỉ đạo của Ban thanh niên Công an.
- Đoàn Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu sự lãnh đạo của Đảng uỷ Công an tỉnh, thành phố và Ban Chấp hành tỉnh, thành Đoàn; sự quản lý, chỉ đạo của Thủ trưởng phụ trách cơ quan xây dựng lực lượng công an tỉnh, thành phố và sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban thanh niên Công an.
- Đoàn Công an quận huyện và tương đương chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Công an quận, huyện và tương đương và Ban Chấp hành quận, huyện Đoàn; sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban thanh niên Công an tỉnh, thành phố.
- Chi đoàn Công an phường chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đoàn phường và của cấp uỷ Công an phường; sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Công an quận và tương đương. Chi đoàn Công an thuộc các đồn, trạm chịu sự quản lý, chỉ đạo của Đảng ủy cùng cấp và tổ chức Đoàn cấp trên trực tiếp.
II- TỔ CHỨC CƠ SỞ ĐOÀN TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN
1- Tổ chức cơ sở Đoàn trong Công an nhân dân được thành lập ở các vụ, cục, viện, trường, trại, bệnh viện, công ty, xí nghiệp, các đơn vị trực thuộc các tổng cục, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, V26, các phòng, ban thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; công an quận, huyện và tương đương.
Tổ chức cơ sở đoàn trong Công an nhân dân bao gồm Đoàn cơ sở và chi Đoàn cơ sở (Đoàn thanh niên Cục C22, Tổng cục II là tổ chức Đoàn cấp trên cơ sở).
- Đoàn cơ sở gồm:
+ Đoàn cơ sở 3 cấp: Đoàn cơ sở - liên chi đoàn - chi đoàn.
+ Đoàn cơ sở 2 cấp: Đoàn cơ sở - chi đoàn.
- Chi đoàn cơ sở: là các chi đoàn do Ban thanh niên các cấp trong Công an nhân dân (và Đoàn C22, Tổng cục II )trực tiếp quản lý, chỉ đạo.
- Ban cán sự Đoàn trong Công an nhân dân là một cấp bộ Đoàn không hoàn chỉnh do Ban thanh niên các cấp trong Công an nhân dân trực tiếp quản lý, chỉ đạo.
2- Việc thành lập, giải thể tổ chức cơ sở Đoàn:
a- Điều kiện thành lập tổ chức cơ sở:
- Đơn vị có ít nhất 3 đoàn viên trở lên được thành lập chi đoàn. Nếu chưa đủ 3 đoàn viên thì được giới thiệu sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở thích hợp.
- Đoàn cơ sở là cấp trên trực tiếp của chi đoàn. Đơn vị có từ 2 cơ sở trực thuộc trở lên (đủ điều kiện thành lập chi đoàn) và có ít nhất 30 đoàn viên có thể thành lập Đoàn cơ sở.
- Chi Đoàn do Ban thanh niên các cấp trong Công an nhân dân (và Đoàn C22, Tổng cục II ) trực tiếp quản lý chỉ đạo đều là chi đoàn cơ sở, có chức năng nhiệm vụ, quyền hạn tương đương Đoàn cơ sở.
- Ban cán sự Đoàn trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại mục III, phần thứ tư, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn và những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do cấp có thẩm quyền ra quyết định thành lập, giải thể quy định.
- Những đơn vị cơ sở có đông đoàn viên, trong đó các bộ phận trực thuộc có tổ chức Đảng và chuyên môn tương ứng như: Tiểu đoàn (thuộc trung đoàn), khoa, hệ đào tạo, khoá học (trong các học viện, trường công an nhân dân) phòng nghiệp vụ chuyên môn (thuộc các vụ, cục, bộ tư lệnh) và các đội, bộ phận công tác (thuộc các phòng, ban ở Công an các tỉnh, thành phố)... có thể thành lập liên chi đoàn.
- Trường hợp các đơn vị cơ sở có quá ít đoàn viên, có thể thành lập chi Đoàn ghép bao gồm đoàn viên của một số đơn vị có tính chất công việc và điều kiện sinh hoạt giống nhau.
b- Thẩm quyền thành lập, giải thể tổ chức cơ sở Đoàn:
- Việc thành lập, giải thể tổ chức cơ sở Đoàn do cấp uỷ Đảng trực tiếp quyết định. Đối với cơ sở Đoàn Công an huyện (tương đương) do Ban thường vụ huyện Đoàn (tương đương) ra quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của cấp uỷ Đảng củng cấp. Đối với liên chi đoàn, chi đoàn do Ban Chấp hành Đoàn cơ sở cấp trên trực tiếp quyết định thành lập.
- Việc thành lập chi đoàn ghép gồm đoàn viên của nhiều đơn vị cơ sở do trưởng ban thanh niên đề nghị cấp uỷ Đảng cùng cấp ra quyết định thành lập và giao cho một cấp uỷ cơ sở trực tiếp lãnh đạo. Việc giải thể do trưởng ban thanh niên đề nghị cấp uỷ Đảng cùng cấp ra quyết định.
III- BAN CÔNG TÁC THANH NIÊN
1- Hệ thống Ban công tác thanh niên các cấp trong Công an nhân dân:
- Ở Bộ Công an có Ban công tác thanh niên Công an (gọi tắt là Ban thanh niên Công an).
- Ở các Tổng cục, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, V26, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có Ban công tác thanh niên gọi tắt là Ban thanh niên Tổng cục, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, V26, Công an tỉnh, thành phố...).
2- Thành lập, giải thể Ban thanh niên và bố trí cán bộ Ban thanh niên:
- Việc thành lập, giải thể Ban thanh niên Công an và bổ nhiệm cán bộ thanh niên ở Bộ do Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân quyết định trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ban thường vụ Đảng uỷ Công an Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đoàn (Thủ tục bổ nhiệm Trưởng Ban và Phó trưởng Ban Thanh niên Công an thực hiện theo quy định của Bộ Công an).
- Việc thành lập, giải thể Ban thanh niên và bổ nhiệm cán bộ Ban thanh niên các Tổng cục, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, V26 do do Đảng uỷ Tổng cục, Bộ tư lệnh cảnh vệ, V26 quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng chuyên môn và Ban thanh niên Công an.
- Việc thành lập, giải thể Ban thanh niên và bổ nhiệm cán bộ Ban thanh niên Công an các tỉnh, thành phố quyết định sau khi thống nhất với thủ trưởng chuyên môn và Ban Thường vụ tỉnh, thành Đoàn.
- Trưởng Ban thanh niên chịu trách nhiệm trước cấp uỷ Đảng và thủ trưởng cơ quan Xây dựng lực lượng cấp mình về thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ban thanh niên về kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các đơn vị thuộc quyền. Việc phân công nhiệm vụ từng cán Bộ trong Ban thanh niên ở mỗi cấp do trưởng Ban thanh niên cấp đó quyết định.
3- Chức năng:
- Nghiên cứu đề xuất với cấp uỷ Đảng và cơ quan chính trị (Xây dựng lực lượng) các chủ trương, nội dung, biện pháp, cơ chế, điều kiện tiến hành công tác thanh niên.
- Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung về công tác thanh niên.
IV- ĐẠI HỘI ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ
- Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên Bộ Công an, đại hội Đoàn thanh niên các Tổng cục, Bộ Tư lệnh cảnh vệ, V26, Đoàn C22- Tổng cục II và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành 5 năm 1 lần. Đại hội có nhiệm vụ: Kiểm điểm đánh giá kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong nhiệm kỳ; quyết định mục tiêu, phương hướng và chương trình hành động trong nhiệm kỳ tiếp theo; thoả thuận góp ý kiến báo cáo đại hội của Đoàn cấp trên và bầu đại biểu đi dự đại hội Đoàn cấp trên.
- Đại hội Đoàn thanh niên ở cấp trên cơ sở do Ban thanh niên cấp đó tổ chức trên cơ sở phê duyệt của Đảng uỷ, Thủ trưởng cơ quan Xây dựng lực lượng cùng cấp và tổ chức Đoàn cấp trên về số lượng đại biểu, nội dung chương trình, thời gian và địa điểm đại hội.
- Thành phần đại biểu gồm: Uỷ viên Ban thanh niên cấp triệu tập đại hội, đại biểu do đại hội đoàn các đơn vị trực thuộc bầu và đại biểu chỉ định không quá 5% so với tổng số đại biểu được triệu tập.
V- MỐI LIÊN HỆ VÀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN VỚI TỔ CHỨC ĐOÀN ĐỊA PHƯƠNG NƠI ĐÓNG QUÂN
1- Tổ chức Đoàn trong Công an nhân dân liên hệ và phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn địa phương nhằm góp phần giáo dục thanh, thiếu nhi nâng cao ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng khối đoàn kết quân dân, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa phương, đơn vị, xây dựng tổ chức đoàn, Đội vững mạnh.
2- Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong Công an nhân dân giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành Đoàn các cấp.
- Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.
- Đảng uỷ Công an các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành tỉnh, thành Đoàn.
- Ban Chấp hành Đoàn Công an quận, huyện và tương đương giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành quận, huyện Đoàn và tương đương; Ban Chấp hành chi Đoàn Công an phường giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành Đoàn phường. Việc giới thiệu người tham gia Ban Chấp hành Đoàn quận, huyện, phường phải được sự đồng ý của cấp uỷ Đảng Công an cùng cấp.
No comments:
Post a Comment