TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Tuesday, December 8, 2009

Thế là sông cạn, thế là bể dâu!

07/12/2009 10:45 (GMT +7)
Chuyện hy hữu trăm năm bây giờ đã thấy. Người dân Hà Nội đi bộ qua đáy sông Hồng. Và người ta trồng rau, đỗ, ngô và lạc, và cả dâu, nếu muốn, ở đáy sông, nơi mà hàng ngàn năm nay là nơi cư ngụ bình yên của Long vương.
Như thế là Sông Hồng - sông Cái - con sông Mẹ - nay đã trơ đáy.
Con sông Mẹ phì nhiêu, hồng hào, bầu sữa tưởng không bao giờ cạn nuôi dưỡng cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn, bây giờ trở nên cạn kiệt, thoi thóp quằn quại mà di chuyển, đứt đoạn, nằm phơi mình nứt nẻ trong thương tích lở lói.
Đáy sông nhiều nơi là nghĩa địa của những con thuyền. Mắc cạn.
Mắc cạn cả xóm chài, trước vốn đã nghèo nay càng xơ xác. Người chài lưới ngẩn ngơ đi lại trên đất nứt nẻ, cạnh vũng nước ao tù đen ngay giữa đáy sông, ngậm ngùi đi nhặt rác sống qua ngày, ngắc ngoải đợi ngày sông Mẹ hồi sinh, lại hào phóng đem bầu sữa hồng hào tưới tắm cho dân sinh mong manh đang gặp nhiều cơn khốn quẫn.
Thế là sông cạn. Thế là bể dâu!
Nghe buồn như một tiếng rên rụng rời trong hoàng hôn.

Còn nhớ dịp này năm ngoái, Hà Nội ngập trong nước lụt, gây hãi hùng tới mức nhiều nhà báo đã may mắn gọi đó là nạn “Đại hồng thuỷ”. Ai có thể ngờ trời chỉ mới mưa có vài ngày mà đã có một số người chết đuối ngay trên đường phố. Xe chết máy lũ lượt. Nước bẩn dềnh lên ngập ngụa rác rưởi và nước cống. Dân tình nháo nhác chạy lụt. Có những vùng dân cư bị nước cô lập, đành ngồi trên mái nhà chờ mì tôm cứu đói.

Nhiều đoạn sông Hồng cạn trơ đáy
Ngập và hạn. Bão và lũ. Triều dâng ngập phố Sài Gòn ở phương Nam. Những dấu hiệu cực đoan, không thể đoán trước của khí hậu. Bãi bể nương dâu không còn là những câu nối mang tính ẩn dụ nữa, mà là sự thật đến, hiển hịên tức khắc, nhỡn tiền. Một sự cảnh báo cấp thiết cho con người. Tương tự lời cảnh báo của Thượng đế hoặc của ông Bụt cho loài người biết để mau chóng tìm một chiếc phao cứu sinh nào đó mà sống sót.

Nhìn những cảnh bể dâu đó, sông cạn đá mòn đó, ai cũng biết rằng không chỉ do thời tiết, do khí hậu, mà góp phần không nhỏ là do sự thiển cận và nhiều tác động khác của con người. Và nhìn, mà không thể không ớn lạnh nghĩ đến cái ngày đất trời nổi giận.

Cái ngày mà trái đất quyết định không chứa loài người này nữa. Không kham nổi cái lũ được nâng niu nuôi dưỡng từ mẹ Đất, nghiễm nhiên được nhặt nhạnh các sản vật từ đất để đói ăn khát uống. Thế mà đã quá tham lam, đã quá lạm dụng, đã làm tổn thương mình mẩy mẹ đất quá nhiều. Và cái được gọi là người đó, vừa phá phách, vừa phỉ nhổ vào mẹ Đất, trong khi vẫn thường tự biết và tự nói rằng chính giống loài mình đã tệ mạt và đồi bại đến mức cần phải đập bỏ loài người này đi, cần có một ngày tận thế để làm lại một giống người khác tử tế hơn.
Và thế là loài người bị ám ảnh ngày tận thế.
Luôn luôn, ký ức ấn tượng nhất của loài người là ký ức về ngày tận thế và những bài kinh, những khấn nguyện cầu mong sống sót, mong được tha thứ.

Tiên đoán về ngày tận thế ngày càng cụ thể hơn, gần tới mức như có thể chạm tay  vào, được thông báo qua các phương tịên hiển thị, nỗi lo lắng cũng như sự biết lỗi của loài người. Hiện nay cư dân trái đất đang đồn rằng hiểm họa tuyệt diệt có thể đến vào 2012 - nghĩa là sau hơn một ngàn ngày nữa!

Người ta nghĩ đến một trận Đại hồng thuỷ thực sự và bốn hiểm họa khác nữa, có thể xoá sổ mọi sinh vật ra khỏi trái đất
Trong truyền thuyết của dân tộc nào, hầu như cũng có các dị bản đề cập đến nạn đại hồng thuỷ do Thượng đế trừng phạt loài người. Do loài người đã trở nên xấu xa độc ác. Lại luôn có câu chuyện lưu truyền về vài kẻ lương thiện, chân thành, được Thượng đế đưa ra những tín hịêu chỉ dẫn cứu nạn, kiểu như quả bầu khổng lồ, con thuyền, cái trống thần...hay một vật gì đó tương tự!
Đó cũng là lòng mong mỏi được sống sót và được tha thứ của con người.

Tin hay không tin có thảm họa xảy đến vào năm 2012?

Trên thế giới, trước năm 2000, cư dân trái đất cũng đã xao xác, nhiều hoảng loạn, thậm chí có một số người còn rủ nhau tự sát, khi đoán định rằng năm 2000 là năm trái đất bị tuyệt diệt.
Vậy mà chúng ta đã sống qua năm 2000 được gần một thập kỷ rồi. Chưa có căn cứ để tin rằng ngày 21/12/2012 là ngày tận thế như một số lời tiên đoán.
Sống qua năm 2000, chúng ta đã nói cười hỉ hả. Nhưng loài người là chúa mau quên. Vẫn chứng nào tật ấy. Vẫn vì những tham lam, vì những hám lợi trước mắt mà phỉ nhổ vào tự nhiên.
Khí hậu nóng lên, không lo. Nước biển dâng và nhiều cư dân mất chỗ ở, nhiều công trình bị huỷ hoại: đó là chuyện người khác.
Khắp nơi xây dựng, mạnh ai nấy xây, mạnh ai nấy quy hoạch. Mạnh ai nấy khai thác thuỷ địên và tài nguyên, không cần nghĩ đến tương lai và ảnh hưởng môi trường. Rồi các nhà máy, các hộ sản xuất thản nhiên xả độc vào đồng bào.
Người bán thực phẩm nơi nơi lừa bán cho đồng loại những thứ thịt ôi thối và mỡ bẩn cùng các chất độc hại ướp vào rau quả....Nước ngầm bị khai thác cạn kiệt. Sa mạc hoá. Hết lụt là sông suối khô đáy. Lũ quét và lũ bùn...
Tất cả, đối với đa phần người Vịêt Nam và nhiều nhà chức trách, vẫn chỉ là những câu chuyện xa xôi quá. Những lời cảnh báo về thảm họa khí hậu nghe ra có vẻ quá nhẹ so với những tai biến hàng ngày như nạn nghèo đói, nạn tham nhũng và tai nạn giao thông cùng nhiều thứ khác. Và khi thảm họa ập đến, trở tay không kịp.

Nay sông đã cạn. Đá đã mòn càng mòn thêm. Cảnh bể dâu không thể không gợi nỗi ám ảnh môi trường sống của loài người bị huỷ diệt do chính con người và sự biến đổi khí hậu.

Việt Nam đã được cảnh báo một cách chắc chắn là sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Trong những ngày này, nhiều người ở các nước ít bị ảnh hưởng hơn, như Úc, Đan Mạch và nhiều nơi trên thế giới đang chuyền tay nhau “khối cầu tập thể” đưa ra yêu cầu quyết liệt với các nhà chức trách tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, thể hịên nguyện vọng và quyết tâm cấp thiết của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới trong một chiến dịch toàn cầu hợp tác chung tay chống lại biến đổi khí hậu.
Nhà chức trách tại nhiều quốc gia đã có những hành động kiên quyết và hịêu quả để giảm thiểu những nguy cơ này dù thảm họa chưa có dấu hịêu gì đáng kể ở nước họ.
Còn ở Việt Nam, sông Mẹ đã cạn đáy, liệu có thể thờ ơ?
Theo Võ Thị Hảo

 

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty