Theo
thông tin mà BBC nhận được, phiên xử các nhà bất đồng chính
kiến như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, và Trần Huỳnh Duy
Thức đang tới gần.
Phiên tòa xử cô Phạm Thanh Nghiên, một nhân vật đối kháng tại Hải Phòng, cũng được ấn định vào ngày 17/12 tới.Cô Nghiên bị xử về tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN, theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
Luật sư Lê Trần Luật từng được gia đình cô Nghiên mời tham gia bào chữa cho cô, nhưng nay việc này không thể thực hiện được.
Ông Luật cho đài BBC biết từ TP Hồ Chí Minh:
Ông Lê Trần Luật: Tôi đã tìm cách tiếp xúc, xin phép biện hộ cho Phạm Thanh Nghiên, nhưng trước kia được giải thích rằng đang trong quá trình điều tra nên chưa thể cân nhắc yêu cầu này.
Sau đó, tôi cũng được thông báo là có thể tôi liên quan vụ án và sẽ bị triệu tập để điều tra, một lý do nữa để không thể tham gia bào chữa.
Nhưng cuối cùng họ đã không triệu tập tôi, và bây giờ thì tôi đã bị Đoàn Luật sư (tỉnh Ninh Thuận) xóa tên nên không có tư cách để làm luật sư cho cô ấy nữa.
Cách đây mấy hôm tôi có nói chuyện với bà Lợi (Nguyễn Thị Lợi, mẹ Phạm Thanh Nghiên), được bà cho hay gia đình đã mời một luật sư từ Hà Nội, tức là cô Nghiên cũng đã có luật sư rồi.
BBC: Thưa ông, chúng tôi được biết là hai ông Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung đều có ý không muốn mời luật sư bào chữa cho mình. Ông Định thì được nói là còn cân nhắc xem có chấp nhận luật sư tòa chỉ định cho không. Là người tham gia bào chữa nhiều vụ liên quan bất đồng chính kiến, ông nhận định thế nào về chi tiết này?
Ông Lê Trần Luật: Theo điều 57 của Luật Tố tụng thì bị can có quyền nhờ luật sư. Trong trường hợp bị can không nhờ luật sư, thì đối với các bị can bị xử các tội mà có khung hình phạt cao nhất là tử hình, Nhà nước bắt buộc phải chỉ định luật sư.
Vì vậy khi theo dõi các thông tin liên quan đến các trường hợp này, tôi cho rằng chắc chắn các vị trên sẽ bị xét xử tội Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự chứ không còn là tội Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN theo Điều 88 như bị khởi tố từ trước nữa.
Vì Điều 88 khung hình phạt cao nhất là tù 20 năm, không cần chỉ định luật sư. Ông Định được tòa chỉ định luật sư, có nghĩa là bị xử theo Điều 79 rồi.
Nếu đưa hai ông (Trung và Định) ra xử theo Điều 79 thì lời nhận tội và xin khoan hồng của các ông lúc trước nay trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
Ông Lê Trần Luật
BBC: Những tình tiết như ông vừa nêu liệu có làm quá trình đi đến xét xử bị chậm lại? Và những tình tiết giảm nhẹ của hai ông Trung và Định qua lời nhận tội thì nay có còn giá trị nữa hay không?
Ông Lê Trần Luật: Trong trường hợp các vị ấy không chấp nhận luật sư chỉ định, cơ quan tố tụng sẽ phải thuyết phục, và nếu không thuyết phục được, thì họ sẽ phải ký vào biên bản nói rõ không chấp nhận luật sư.
Khi đó phiên tòa sẽ được phép tiến hành bình thường.
Ông Lê Công Định là một luật sư nên tôi chắc chắn ông hiểu rõ vấn đề khi đưa ra quyết định có chấp nhận luật sư hay không. Ông đã biết rằng mình bị xử vì một tội danh khác, có khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Và khi bị xử với một tội danh khác so với lời nhận tội, thì lời nhận tội và xin khoan hồng cũng không thể được xem là tình tiết giảm nhẹ vì nó không xuất phát từ nhận thức hành vi của mình.
Nói cách khác, nếu đưa hai ông ra xử theo Điều 79 thì lời nhận tội và xin khoan hồng của các ông lúc trước nay trở nên hoàn toàn vô nghĩa.
BBC: Và hình phạt dành cho họ có thể sẽ nặng hơn là nếu xử theo tội danh cũ?
Ông Lê Trần Luật: Khung hình phạt cho tội danh theo Điều 79 nói chung nặng hơn theo Điều 88, nhưng tôi không cho rằng hai ông Định và Trung sẽ bị xử hình phạt cao nhất.
No comments:
Post a Comment