Cuộc họp căng thẳng kéo dài cả ngày 11/12 với Công ty
Vedan do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) chủ trì cuối
cùng đã không đi đến kết quả cụ thể. Các nghiên cứu khẳng định Vedan
đóng góp 90% việc biến Thị Vải thành "dòng sông chết" đều bị công ty
này bác bỏ.
> Vedan là thủ phạm 'giết' sông Thị Vải
> Vedan là thủ phạm 'giết' sông Thị Vải
Với sự có mặt đại diện 3 tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng
Tàu, TP HCM cùng Hội Nông dân VN và Tổng giám đốc Vedan VN, cuộc họp dự
kiến kết thúc trong buổi sáng đã kéo dài tới cuối giờ chiều. Ngoài kết
quả nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP HCM) từng công bố
vào đầu tuần, báo cáo của Viện Hóa học (Viện Khoa học Công nghệ VN)
sáng 11/12 cũng khẳng định chính Vedan là "thủ phạm" gây ô nhiễm sông
Thị Vải.
Ông Yang Kun Hsiang (đeo kính) cho rằng không chỉ một mình Vedan biến Thị Vải thành "dòng sông chết". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Kết hợp giữa các số liệu đo thực tế từ năm 1996 và
kết quả đo nhanh, trực tiếp các thông số hóa-lý, giáo sư Lê Quốc Hùng
(Viện Hóa học) kết luận, từ năm 1996, nước sông Thị Vải đã bị ô nhiễm
đáng kể. Tại thời điểm này các khu công nghiệp khác vẫn chưa được xây
dựng hay hoạt động. Mức ô nhiễm tăng dần và đạt cực điểm vào cuối 2008.
"Sau khi có những biện pháp cương quyết với việc xả
thải của Vedan, đến đầu tháng 11/2009, chất lượng nước đã phục hồi,
thậm chí còn tốt hơn năm 1996. Điều đó chứng tỏ Vedan góp phần chủ yếu
trong thành phần ô nhiễm chất hữu cơ (BOD) và suy giảm lượng ôxy hòa
tan (DO)", giáo sư Hùng nói.
Trong khi đó, theo thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng (Viện
Môi trường và Tài nguyên) sông Thị Vải bắt đầu bị ô nhiễm từ khoảng năm
1994, ngay sau khi Công ty Vedan đi vào hoạt động. "Phạm vi và mức độ ô
nhiễm ngày một gia tăng kéo dài cho đến cuối năm 2008", thạc sĩ Hùng
khẳng định kết quả tương tự như nghiên cứu của Viện Hóa học.
Dẫn báo cáo của Thanh tra Tổng cục Môi trường năm
2006 và 2008, thạc sĩ Hùng cho biết, ngay trong điều kiện Vedan xả thải
bình thường, nước thải của công ty cũng chiếm một tỷ lệ ô nhiễm lớn
trong tổng số tất cả nguồn thải công nghiệp ra sông Thị Vải. Đặc biệt,
khi Vedan xả lén dịch thải sau lên men (bị lập biên bản vào tháng
9/2008), phần dịch thải này đã chiếm tới 95% tổng tải lượng các chất ô
nhiễm như BOD, COD...
Với nghiên cứu của mình, Viện Môi trường và Tài
nguyên khẳng định, Vedan đóng góp 89% ô nhiễm ở phạm vi ô nhiễm nặng
trên khoảng 10 km dòng chính sông Thị Vải. Phần còn lại là do các đơn
vị khác dọc sông.
Rạch nước lớn ngay cạnh công ty Vedan bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Ảnh chụp tháng 5/2006: Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng cung cấp. |
Sau khi nghe báo cáo khoa học của 2 đơn vị trên, ông Yang Kun Hsiang, Tổng giám đốc Vedan VN, đã lập tức phản bác.
Thừa nhận phương pháp đo của Viện Môi trường và Tài nguyên, song đại
diện Vedan cho rằng việc lấy số liệu đầu vào không hợp lý (như thời
gian lấy mẫu nghiên cứu vào tháng 2/2008, là mùa khô, trong khi thời
điểm công ty bị phát hiện xả thải vào tháng 9/2008). Chính vì vậy, ông
Yang không công nhận cách tính "phần trăm" cho việc gây ô nhiễm của
công ty.
"Cách tính này là không khách quan", ông Yang nói.
Việc tranh cãi về số liệu sau đó khiến buổi làm việc
trở nên khá căng thẳng và kéo dài quá 12h trưa mà không đi đến kết quả
cụ thể. Dù các nhà khoa học phía Việt Nam khẳng định sẵn sàng cung cấp
đầy đủ các số liệu quan trắc, tài liệu gốc, phía Vedan vẫn bảo lưu quan
điểm.
Đến chiều, sau hơn 2 giờ họp kín, phía Vedan mới chịu
ký vào biên bản. Tuy nhiên, công ty này chỉ thừa nhận từng gây ô nhiễm
nặng dòng chính của sông Thị Vải trong khoảng 10-11 km mà chưa xác định
phạm vi gây ra ô nhiễm đối với các dòng nhánh và các khu vực có liên
quan.
Công ty này cũng chưa đồng ý về đánh giá gây ô nhiễm
tới 89% và đề nghị sẽ tiếp tục làm việc với Viện Môi trường Tài nguyên
và cơ quan liên quan xác định mức độ đóng góp cụ thể. Kết quả sẽ được
báo cáo Tổng cục Môi trường và UBND các tỉnh, thành liên quan để thống
nhất.
Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Bùi Tá Long
(Viện Môi trường và Tài nguyên) khẳng định, việc Vedan cố tình "câu
giờ", trì hoãn chỉ nhằm khiến các cơ quan chức năng của Việt Nam mệt
mỏi.
"Tỷ lệ 89% mà Viện tính toán còn nương nhẹ cho Vedan
vì chỉ lấy số liệu trung bình, trong khi có lúc công ty này gây ô nhiễm
tới 98-99% cho sông Thị Vải", ông Long khẳng định.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, Vedan luôn rất
thận trọng với khả năng thừa nhận góp bao nhiêu "phần trăm" trong việc
biến Thị Vải thành dòng sông chết. "Nếu thừa nhận mức 89%, Vedan sẽ
phải bồi thường một khoản rất lớn cho các hộ nông dân trong phạm vi ảnh
hưởng do quá trình xả thải của họ", ông Hùng nói.
Đại diện Tổng cục Môi trường, ông Lương Duy Hanh, Phó
chánh Thanh tra khẳng định, sẽ tiếp tục đánh giá chi tiết việc gây ô
nhiễm của Vedan để công ty này "tâm phục khẩu phục".
Riêng về việc khắc phục ô nhiễm của Vedan, ông Hanh
cho biết sẽ kiểm tra lần cuối ngay trong năm 2009, thống nhất với các
địa phương và báo cáo Thủ tướng. Hiện, công tác này của Vedan được Tổng
cục Môi trường đánh giá nghiêm túc, đúng pháp luật.
Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 30 km,
bắt nguồn từ huyện Long Thành (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa -
Vũng Tàu. Lưu vực sông Thị Vải có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng
Nai như Nhơn Trạch, Gò Dầu và tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp
lớn.
Tháng 9/2008, Công ty Vedan bị cảnh sát môi trường
phát hiện xả nước thải chui ra sông Thị Vải trong nhiều năm gây nên bức
xúc trong dư luận. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2009, công ty này bất
ngờ được nhận giải thưởng "Sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng" do
Ban tổ chức "trao nhầm" khiến dư luận hết sức bức xúc, giải bị thu hồi.
Hiện Vedan đã hoàn tất khoản 127 tỷ tiền phí bảo vệ môi trường và phạt hành chính 267 triệu đồng.
|
Nguyễn Hưng
No comments:
Post a Comment