07/12/2009 17:55 (GMT +7)
Được xem là trọng khách mỗi lần
lên vùng sơn cước Phong Nha - Kẻ Bàng này, anh bạn nối khố vốn ở vùng chiêm
trũng giờ lên định cư ở đây, được mệnh danh trùm nhậu mời tôi dùng bữa trưa.
Vừa vào quán, bà chủ đon đả “bạn
quý của chú à, lại đặc sản khỉ nhé?!”. Bạn tôi lắc đầu, rồi rỉ tai “không nên ăn
khỉ ở đây”.
|
(Ảnh: H.N)
|
Hầu quyền khó thoát bả chuột
Trung Quốc
Bữa cơm toàn đặc sản được lấy từ
sông suối vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, nào là cá chình, tôm càng khe, rau tớn (một
loại rau sạch như đọt cây dương xỉ)... nhưng cái sự “không nên ăn thịt khỉ...”
của bạn khiến tôi không khỏi thắc mắc. Bởi từ lâu nó đã được dân nhậu vùng này
mệnh danh là “G. Khỉ”. Mê khỉ hơn mê gái, gần như ngày nào nó cũng ăn thịt khỉ,
vậy mà hôm nay...
Hỏi thì sợ khiếm nhã, lần lừa mãi
đến gần cuối bữa ăn, lấy tư cách là bạn tri kỷ tôi đặt vấn đề “sao hôm nay ông
không ăn thịt khỉ?”.
Bạn tôi cười nhăn nhở “ông thích
ăn thì tí nữa đi chỗ khác, còn ăn ở đây không sớm thì muộn sẽ toi mạng. Khỉ ở
các nhà hàng hầu hết là do người ta dùng bả chuột Trung Quốc để bắt về đấy”.
Bạn tôi tiếp: “Đây là công nghệ
bắt khỉ mới được phát kiến tại vùng này và hiệu quả hơn rất nhiều lần so với các
phương pháp truyền thống như đặt bẫy hay dùng nỏ, súng đạn hoa cải.
Đặt bẫy, năm thì mười họa mới
được một con, còn dùng súng săn thì cũng chỉ được vài con, nghe tiếng nổ là cả
đàn chạy biến hết”.
|
(Ảnh: H.N)
|
Theo bạn tôi, để bắt được nhiều
khỉ người ta dùng bả chuột Trung Quốc, với liều lượng thật nặng, tẩm vào các thứ
mà khỉ thích ăn như: chuối, khoai lang, cơm... đặt ở những vị trí khỉ hay tụ tập
hoặc nơi trú ngụ của chúng. Khỉ là giống có tính bầy đàn rất cao, một con ăn thì
kiểu gì cả đàn cũng ăn, thế là chết hàng loạt.
Đặc điểm của giống khỉ là dù có
chết, chúng cũng lết về đúng nơi trú ngụ để chết, nên người ta cứ buổi chiều đi
đánh bả, sáng ra chỉ cần đến một địa điểm để thu gom.
Mỗi nhóm đi đánh bả, kiếm được
vài chục con khỉ là chuyện thường ngày, có khi lên đến cả trăm con. Có được khỉ
người ta đem nhập cho các nhà hàng đặc sản, dùng không hết thì đem nấu cao hoặc
ép khô bán cho dân nhậu. Món khỉ ép khô được dân nhậu ở vùng cao gọi là “mực
khô”.
|
(Ảnh: H.N)
|
“Nhiều khỉ nhất vẫn là vùng núi
xung quanh trạm kiểm lâm Trộ Mơợng, trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, thuộc vườn
Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ở đây mà dùng bẫy và súng thì xúc phạm các bác
kiểm lâm, nên dùng cách đánh bả là an toàn, hiệu quả và không làm mất lòng ai” -
Bạn tôi nói.
“Làm sao để phân biệt được khỉ
bắt bằng phương pháp truyền thống và khỉ được bắt bằng đánh bả chuột Trung
Quốc?” - Tôi thắc mắc.
Bạn tôi cười, sau cái nháy mắt,
đứng lên nói ra vẻ thành thật: “Bà chủ đâu, có chú khỉ nào còn nguyên lấy một
con để biếu bạn mang về xuôi nhậu”. Bà chủ từ trong bếp chạy ra đon đả: “Bao
nhiêu cũng có”.
Bà chủ quán dẫn hai chúng tôi vào
một gian phòng nhầy nhụa nước dưới nền, ở góc phòng là một cái tủ lạnh chuyên
dụng khá to. Mở nắp, phía trong có 5 chú khỉ nhăn nhở, cứng đơ đông lạnh.
Xách một con lên, chừng 8kg, bạn
tôi rỉ tai: “Xem cho kỹ, khỉ mà được đánh bả là trên người không hề có vết
thương, toàn thân tím tái, còn nếu mổ ra thì toàn bộ nội tạng bị nát như tương”.
Một vụ hành quyết hậu duệ Lão
Tôn
Sau một hồi chê đắt, chê rẻ không
mua, chúng tôi rút. Vừa ra khỏi cửa quán, bạn tôi hỏi “ăn thịt khỉ sạch nhé?”.
Tôi gật.
|
(Ảnh: H.N)
|
Chiếc xe lao thẳng theo hướng
đường Hồ Chí Minh nhánh Đông chừng mươi phút là đến Khe Gát, thuộc xã Xuân Trạch
(Bố Trạch), rẽ theo hướng nam đường Hồ Chí Minh nhánh Tây một lúc nữa, chúng tôi
đến một xóm nhỏ nằm ngay cạnh trạm kiểm lâm Trộ Mơợng.
Ngôi nhà mà chúng tôi vào nằm ven
đường. Nhìn những vật dụng trong nhà đều được dùng bằng các loại gỗ quý, cũng đủ
biết chủ nhân của nó thuộc hạng đại gia…nhờ rừng.
Một người đàn ông chừng trên dưới
40 tuổi đon đả đón khách “nghe chú gọi điện có khách quý anh đã sai mấy thằng đệ
lấy một con khỉ sạch về đây rồi, đang làm ở phía sau”.
Nhấp một ngụm trà từ tay chủ nhà
mời, tôi xin phép đứng lên để ra phía sau xem mọi người làm thịt khỉ. Một chú
khỉ đực chừng 10kg, đã nhúng nước sôi và đang được hai người cạo lông nằm sóng
soài trên nền xi măng.
Một trong hai người làm giới
thiệu: “Đây là giống khỉ đuôi lợn vừa bị một thợ săn trong làng bắn được sáng
nay nên còn tươi lắm”. Tôi xin phép họ được quay phim, chụp ảnh, mọi người cười:
“Anh cứ thoải mái, mình làm ở nhà ăn chứ phải buôn bán chi mà sợ”.
Tận mắt chứng kiến cảnh hành
quyết hậu duệ Lão Tôn tôi cứ gai lạnh dọc sống lưng. Sau khi nhổ sạch lông,
trắng bạch như một đứa trẻ, chú khí được đưa lên lửa thui cho đến khi da vàng
ươm rồi đưa xuống để mổ. Lúc này tôi mới nhìn kỹ, thì ra chú khỉ này bị một phát
đạn ở ngực khiến máu đọng lại ở đấy rất nhiều.
Toàn bộ thịt được róc ra ướp với
gia vị để nướng, tay chân và những thứ còn lại được cho vào nồi để nấu cháo. Một
trong hai người làm có vẻ sành sỏi giới thiệu: “Em có thể làm được bảy món như
cầy, nhưng nghe nói bác vội nên hôm nay chỉ làm hai món thôi”.
Đang trò chuyện với chủ nhà thì
món nướng được đưa lên. Mật khỉ được cho vào can rượu đế và cuộc nhậu bắt đầu.
Hình ảnh chú khỉ trắng bệch như đứa trẻ nằm sóng soài trên nền xi măng khiến tay
tôi run bật khi cầm đũa.
Chủ nhà vồn vả: “Ăn đi, kiếm ra
khỉ sạch mà ăn trong thời buổi này là hiếm lắm đấy. Thi thoảng chỉ một vài tay
săn trong làng “máu nghề” kiếm vài con về cung cấp cho dân sành nhậu như chúng
tôi thôi”.
|
(Ảnh: H.N)
|
Một lúc thì bốn bàn tay và chân
được đưa lên. Nhìn những ngón tay, ngón chân, được để trong một cái tô sành
khiến tôi rùng mình. Mọi người cùng ép: “Đây là thứ ngon nhất và bổ nhất của
khỉ, ông là khách quý nên nhường ông thưởng thức”.
Từ chối mãi không được, tôi đành
cho một bàn tay vào bát của mình và trân trối nhìn nghẹn đắng. Mọi thực khách
trên bàn mặt đỏ phừng vì ngấm rượu và bắt đầu bình phẩm về món khỉ “kích âm, bổ
dương”.
Khi chia tay, bạn tôi hỏi: “Cảm
nhận thế nào?”. Tôi cười méo xệch: “Ông không nhìn xuống gầm bàn à?”.
Trở về Đồng Hới, tôi cứ vương vít
mãi câu nói của bạn tôi khi chia tay: “Cố mà ăn đi, với công nghệ bắt khỉ bằng
bả chuột như hiện nay thì mai mốt có muốn cũng không còn khỉ mà nhìn đâu”.
Theo Hoàng Nam
No comments:
Post a Comment