>> Kỳ 1: Làm ăn như thế đói là phải
>> Kỳ 2: Một quyết định táo bạo
>> Kỳ 3: Như lưỡi tầm sét
Tự phê
Trong số hồ sơ lưu trữ Ban tuyên giáo tỉnh ủy có bản kiểm điểm cá nhân của ông Kim Ngọc và bài viết của ông in trên tạp chí Học Tập số 2 (số 161 năm thứ XV) năm 1969. Bản kiểm điểm cá nhân ông viết: “Một khuyết điểm sai lầm lớn nhất của tôi là việc quản lý hợp tác xã nông nghiệp mà cụ thể là vấn đề khoán hộ, vấn đề quản lý ruộng đất và số công cụ”.
Bài đăng trên tạp chí Học Tập ông viết: “Đã khoán hộ dưới nhiều hình thức khác nhau như khoán việc dài ngày, khoán nhiều khâu lao động cho hộ, khoán sản lượng cho hộ, khoán trắng một số ruộng đất trồng màu cho hộ, khoán cho hộ chăn nuôi”.
“Về quản lý công cụ thì do việc khoán cho hộ nên có hợp tác xã đã bán cả cào cỏ cải tiến cho xã viên, giao cày bừa cho xã viên quản lý để vừa làm cho tập thể vừa làm phần ruộng đất riêng. Xe cải tiến, xe đạp thồ phần lớn cũng giao cho xã viên quản lý và sử dụng hoặc có nơi hợp tác xã đã cho vay tiền ngân hàng để mua rồi đem về bán chịu cho xã viên, hoặc hợp tác xã chỉ lo việc xin cấp trên phân phối, còn xã viên bỏ tiền ra mua về dùng. Tóm lại những khuyết điểm sai lầm về khoán hộ, quản lý đất đai và nông cụ nói trên là nghiêm trọng”.
Trong phần nguyên nhân sai lầm, ông viết: “Một trong những nguyên nhân quan trọng làm tỉnh ủy, trước hết là thường vụ chúng tôi phạm những khuyết điểm, sai lầm trên là do quan điểm lập trường còn mơ hồ nên chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng trong việc quản lý hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và trong cuộc thực hiện ba cuộc cách mạng”.
Tôi cứ phân vân không hiểu vì sao một người như ông Kim Ngọc, từng tham gia Tỉnh ủy Vĩnh Yên từ năm 1947, làm bí thư Huyện ủy Tam Dương năm 1946, bí thư Huyện ủy Bình Xuyên 1950, sau đó làm phó bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, từng tham gia khu ủy Việt Bắc, phó chính ủy quân khu rồi chính ủy Cục Công binh và gần 22 năm làm bí thư tỉnh ủy, trong đó chín năm là bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú, lại hạ bút viết rằng “khuyết điểm sai lầm trên là do quan điểm lập trường còn mơ hồ nên chưa quán triệt đường lối, nguyên tắc, chính sách của Đảng…”.
Một người đau đáu với “khoán hộ” như ông Kim Ngọc mà quay lại phê phán khoán hộ là “không thấy tác hại là làm cho ruộng đất, công cụ của hợp tác xã bị phân tán dần về tay xã viên, tạo điều kiện phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đối lập với kinh tế tập thể…”. Những điều ông viết hoàn toàn trái ngược với tư tưởng ông, nhân cách ông và cả hành động của ông. Phải chăng ông chịu nhún nhường một bước để bảo toàn việc khoán hộ? Một chiến thuật nghi binh trong nghệ thuật quân sự thường dùng?
Ông Kim Ngọc (giữa) chỉ đạo lực lượng vũ trang Vĩnh Phú bố trí lực lượng bắn máy bay tầm thấp của Mỹ - Ảnh tư liệu |
Phải tìm mọi cách duy trì “khoán hộ“
Tôi đưa chuyện này ra hỏi các cụ cán bộ lão thành từng gắn bó với ông Kim Ngọc một thời, các cụ cũng khẳng định: ông Kim Ngọc tuy viết thế nhưng trong lòng không khi nào cho là mình sai. Ngay cả việc sau khi có chỉ thị của trung ương ngừng “khoán hộ”, rất nhiều hợp tác xã vẫn “khoán chui”: bên ngoài tỏ ra chấp hành nhưng bên trong vẫn tiếp tục “khoán hộ” với các biến thể khác nhau. Tất cả những việc làm đó ông Kim Ngọc đều biết nhưng lờ đi.
Khi tâm sự với người khác, ông nói: “Phải tìm mọi cách duy trì cho được “khoán hộ” chứ để quay lại kiểu làm ăn theo tiếng kẻng thì chết đói hết”. Không những ông âm thầm cho duy trì “khoán hộ” mà sau ngày về hưu, trong một lần về thăm nhà lãnh đạo Trường Chinh - lúc đó là chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Kim Ngọc đã giải trình cho ông Trường Chinh nghe về lợi ích cũng như kết quả của “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc trước đây và Vĩnh Phú hiện tại, thuyết phục ông Trường Chinh cho duy trì “khoán hộ”.
Bà Kim Ngọc nhớ lại trong chuyến về thăm ấy có cả bà Nguyễn Thị Đồng, phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú. Gia đình bà Đồng ở Đình Bảng, trước đây là gia đình cơ sở cách mạng, bản thân bà làm liên lạc cho xứ ủy Bắc kỳ và quen biết ông Kim Ngọc từ thời kỳ này. Bà hơn ông Kim Ngọc hai tuổi. Ngoài mối quan hệ công tác, hai người còn coi nhau như chị em. Ông Trường Chinh cũng rất quý bà Đồng như quý ông Kim Ngọc.
Tính tình bà Đồng trung thực, xởi lởi, thẳng thắn. Ngày ông Kim Ngọc bị phê phán tại hội nghị, khi về nhà bà hỏi ông Kim Ngọc: “Tính chú thẳng thắn vì sao chú ngồi im như thóc không làm cho rõ trắng đen. Hay chú nhận mình sai phải không?”.
Ông Kim Ngọc im lặng không nói gì. Bà Đồng tức quá bảo: “Nếu chú sợ không dám nói thì để tôi nói. Chú làm cho dân no chứ có phản dân phản Đảng đâu mà sợ”. Tưởng bà Đồng nói vậy thôi không ngờ bà xuống Hà Nội tìm gặp ông Trường Chinh thật. Lần gặp gỡ ấy bà Đồng ra sức bảo vệ chủ trương “khoán hộ” của tỉnh ủy và bênh vực ông Kim Ngọc.
Lần viếng thăm ông Trường Chinh sau đó cùng với ông Kim Ngọc, bà Đồng nhắc lại chuyện cũ trước đây. Nói lan man thế nào lại quay về chuyện “khoán hộ”. Bà Đồng càng nói càng hăng: “Anh và trung ương quá rõ rồi. Nhờ có “khoán hộ” của chú Kim Ngọc mà năng suất lúa ở Vĩnh Phúc trước đây và Vĩnh Phú bây giờ tăng lên gấp đôi, gấp ba, dân tình no ấm nên rất phấn khởi“.
Sẵn có không khí cởi mở, ông Kim Ngọc trình bày về quan điểm “khoán hộ” của mình và những thành tựu do “khoán hộ” đưa lại. Ông Trường Chinh chăm chú lắng nghe. Sau buổi viếng thăm này, mọi người tràn trề hi vọng “khoán hộ” sẽ được phục hồi.
Trong khi đó, dù chưa có phản hồi nhưng “khoán chui” ở Vĩnh Phú vẫn diễn ra, chẳng bao lâu lan sang Hợp tác xã Đoàn Xá ở Hải Phòng và sau đó lan khắp miền Bắc. Thế mới biết việc chịu một bước lùi của ông Kim Ngọc trước những phê phán gay gắt đã cứu sống được “khoán hộ”. Ngẫm ra câu nói của người xưa “Một điều nhịn chín điều lành” thật là chí lý.
VÂN THẢO
Ông Nguyễn Văn Tôn, trưởng Ban nông nghiệp Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, sau này là bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phú, năm nay 82 tuổi, nhớ lại thời hợp tác xã nông nghiệp đang ở giai đoạn hoạt động không hiệu quả, ông Kim Ngọc đứng ngồi không yên. Ông Tôn kể một lần ông Kim Ngọc đến một hợp tác xã phần lớn là đồng bào dân tộc Dao Tiền và Sán Dìu dưới chân núi Tam Đảo. Khi ông Kim Ngọc đang tìm hiểu xem vì sao ruộng lúa hai bên bờ xanh tốt còn ở giữa thì thưa thớt, vàng rụi, từ xa một ông già người Dao Tiền nhận ra ông liền chạy đến chào. Ông Kim Ngọc hỏi lý do thì ông già người Dao bảo: “Nông dân quên hết chuyện làm ruộng rồi”, “Sao lại quên làm ruộng?”. Ông già người Dao giải thích: “Chúng nó sợ lội ruộng bẩn chân, chỉ đi vòng quanh trên bờ để bỏ phân nên ruộng hai bên bờ mới tốt hơn ruộng ở giữa”. Ông Kim Ngọc hỏi làm sao chấn chỉnh kiểu làm ăn cẩu thả hiện nay, ông già người Dao nói: “Tỉnh ủy đứng ra làm địa chủ giao hẳn ruộng cho nông dân cày thuê. Tỉnh ủy bảo nộp bao nhiêu thuế bà con nộp, bán bao nhiêu bà con bán, còn lại bà con hưởng. Để làm chung như thế này chẳng ai muốn làm đâu”. Ông Kim Ngọc đem chuyện ấy về kể lại cho ông Tôn nghe rồi nói thêm: “Ông già ấy không diễn đạt được ý của mình muốn nói nên mới bảo tỉnh ủy đứng ra làm địa chủ giao ruộng cho nông dân cày thuê. Thật ra đây là nguyện vọng của người nông dân muốn được làm chủ mảnh ruộng của mình chứ không chung chạ dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc”. |
___________________
Đến tháng 8-1979, ba tháng sau ngày ông Kim Ngọc mất, Tỉnh ủy Vĩnh Phú ra nghị quyết chủ trương cho khoán cây màu vụ đông, đến năm 1980 tiếp tục cho khoán cây lúa. Sau đó, trung ương bắt đầu cho áp dụng chế độ khoán trong toàn bộ nền nông nghiệp.
Kỳ tới: Phục hồi khoán hộ
No comments:
Post a Comment