TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, September 26, 2009

Dịch... ăn nhậu - (Kỳ 1 & 2)

(Kỳ 1): 1001 Kiểu... nhậu!
24/09/2009 16:48 (GMT +7)

Kể từ khi đất nước bắt đầu vào giai đoạn đổi mới, theo đánh giá của chúng tôi, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có hai lĩnh vực kinh doanh phát triển siêu tốc đó là: xây dựng và ăn nhậu.

Xây dựng càng phát triển thì bộ mặt thành phố càng đẹp, giàu có, văn minh, hiện đại. Nhưng nhậu càng phát triển thì phố phường càng mất mỹ quan, nhốn nháo, kéo theo vô số tệ nạn, tội phạm và các vấn đề về ANTT. Nhậu vẫn cứ liên tục bành trướng và đến nay trở thành một thứ dịch lan tràn khắp các con đường, ngõ phố, trong mỗi gia đình.

Tại TPHCM, đâu đâu hàng quán cũng được bày biện la liệt. Vì thế, vấn nạn nhậu nhẹt vẫn đang là thực trạng nhức nhối hiện nay. Nhậu bia hơi, bia chai, nhậu rượu ngoại, rượu đế, mồi cao cấp hay bình dân đều được tất. Đáng chú ý nhất là để thu hút lượng khách nhậu đặc biệt, nhiều quán đã săn mua nhiều loại động vật hoang dã để... làm mồi.

Nhậu với...hàng độc

Chuyện ăn nhậu đã trở thành đề tài quá quen thuộc. Cái lạ ở đây là nhậu với món gì? Có phải là hàng độc hay không?

Theo một người bạn rất sành về nhậu hàng hiếm chẳng hạn như mồi phải là các loại động vật hoang dã, quý hiếm như trúc (tê tê), chồn hương, voọc, khỉ đuôi dài, rắn hổ mang, hổ ngựa..., hiện nay phần lớn các quán ăn, nhà hàng phục vụ rất kín kẽ, chỉ có khách quen thì chủ quán mới đưa ra thực đơn đặc biệt. Và trong thực đơn đó phần lớn đều có thịt rừng thuộc hàng khan hiếm.

Dân sành nhậu hàng hiếm trong thành phố đều có thể chỉ mặt, đặt tên các quán như N., H.R, R.S, V.V, N.H... Nơi đây thường xuyên phục vụ mồi nhậu là thú rừng. Giá cả tùy thuộc vào từng loại, con nào càng hiếm thì càng đắt. Hiện con tê tê có giá cao nhất nhì vì thuộc hàng khó kiếm. Trong một lần tiếp khách quý, anh G. đã gọi chủ quán R.S làm thịt một con nhóc (họ hàng nhà nhím) cùng với ba chai Chivas. Sau chầu nhậu, anh đã thanh toán chín triệu đồng.


Động vật hoang dã trong các quán nhậu

Nằm trong con hẻm hun hút, nhà hàng S.M thỉnh thoảng lại kiếm được vài con trúc. Chủ nhà hàng thường liên lạc với những vị khách quen để báo có “hàng”. Một ký thịt trúc bán với giá khoảng 2,5 triệu đồng, trung bình mỗi con thường có giá khoảng 10 triệu đồng.

Người sành nhậu thường lấy tiết của những loại thú rừng pha với rượu để uống, vì nghe đồn sẽ rất bổ cho cơ thể.

Quán T.L dù không được xếp vào hàng sang trọng nhưng đặc biệt cũng luôn đáp ứng được nhiều món ăn lạ chế biến từ rắn hổ mang, hổ hành, cua đinh...

Để cạnh tranh, nhiều quán còn có thực đơn rất lạ, với nhiều món ăn không đụng hàng, như các món né, lăn, nhừ, xúc thằn lằn, dế nhủi, châu chấu...

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm TPHCM, trong chín tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 64 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn, thu giữ 822 con thú rừng và 1.644kg thịt rừng các loại.

Để đối phó với lực lượng kiểm tra, các hàng quán đã hoạt động rất kín và tinh vi. Họ chủ trương không nhốt thú rừng trong toilet hay làm hầm tại quán như trước, mà thuê những căn phòng gần đó nhằm tránh bị phát hiện. Điều này đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra. Khi được khách quen yêu cầu, họ mới đi bắt “mồi” và chế biến.

Được biết, trên đường tuần tra, CA Kinh tế Q9 đã quan sát một thanh niên chở bao đồ có dấu hiệu khả nghi. Khi yêu cầu dừng xe để kiểm tra thì người thanh niên bỏ hàng tháo chạy. Mở bao hàng, cơ quan chức năng phát hiện bên trong có năm con tê tê.

Khi tiến hành kiểm tra nhà hàng H.R, cơ quan chức năng đã lập hồ sơ xử phạt vì đang tàng trữ ba con dúi, hai con chồn. Theo đó, một số nhà hàng có tiếng cũng được kiểm tra. Tuy nhiên, tình trạng thú rừng đồng loạt bị đưa lên bàn nhậu ngày càng nhiều một phần cũng do công tác xử phạt còn ở mức độ nhẹ, chưa đồng bộ. Phần lớn các nhà hàng chỉ bị xử phạt hành chính.

Tràn lan phố nhậu, xóm nhậu

Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn TPHCM có khoảng hơn 45.000 quán nhậu các loại. Hàng quán có mặt khắp nơi từ những ngả đường trung tâm cho đến ngoại thành vùng ven, từ những vị trí đẹp ở mặt tiền cho đến những con hẻm nhỏ hẹp, nhếch nhác. Muốn nhậu ngon, nhậu sang thì vào nhà hàng - nơi được chủ đầu tư tiền tỷ với sức chứa cả ngàn thực khách. Nhậu vừa thì đến quán ăn, còn nhậu bình dân thì tìm tới một chiếc bàn gỗ be bé đặt bên lề đường... Tuy nhiên, đa phần các quán nhậu thường không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quán H.L ngày nào cũng đông nghẹt khách. Những ngày cuối tuần thì chỉ khoảng 20 giờ là không còn chỗ ngồi, muốn có bàn phải đặt chỗ trước. Phần lớn bàn nào cũng uống bia, rượu và được các nữ nhân viên phục vụ chu đáo. Thực đơn phong phú với vô số các món từ rừng xuống biển, từ thành thị đến nông thôn...

Khu vực kênh Nhiêu Lộc từ lâu đã hình thành một khu ăn nhậu chuyên biệt kéo dài từ cầu Thị Nghè (dọc đường Hoàng Sa, Q1) chạy dọc theo bờ kè đến khu vực chung cư Miếu Nổi, Q. Phú Nhuận. Vô số những quán nhậu mọc lên, mà phần lớn đều lấn chiếm hành lang, vỉa hè làm nơi kinh doanh.


Từ cao cấp...... đến bình dân

Đêm nào dân thích lê la, phần lớn là lớp choai choai, đều tụ tập về đây nhậu tới bến. Thật không hổ danh là “đệ nhất phố nhậu”, bởi nửa đêm, quán vẫn chật kín người, với đủ tầng lớp từ bình dân đến sang trọng. Dĩ nhiên không thể thiếu những bóng hồng ừng ực bia, rượu. Khu vực này cũng nổi tiếng nhếch nhác vì rác thải vứt bừa bãi và bốc mùi, bởi có quá nhiều người vô ý thức đến mức trút “bầu tâm sự” tại chỗ.

Cũng nổi tiếng không kém là tuyến đường Nguyễn Tri Phương, Q10. Đây cũng là một điểm nóng về ăn nhậu. Các hàng quán chuyên về tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến, phục vụ cho một lượng khách khổng lồ mỗi đêm. Có nhiều quán còn bất chấp quy định, mở cửa hoạt động sau 0 giờ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Dọc đoạn đường Trần Não Q2, cũng có rất nhiều quán ăn hoành tráng. Hễ cứ đúng giờ gà lên chuồng là dân ăn nhậu lại kéo đến rất đông. Quán nào cũng tấp nập xe cộ. Nơi đây được mệnh danh là phố nướng vì tập trung nhiều làng nướng, địa thế thoáng mát, rộng rãi, hằng đêm có chương trình hát với nhau khá xôm tụ. Thực đơn nướng tại đây thì không thể kể hết từ cá, tôm, rắn cho đến con bọ, con kiến đều được đưa lên vỉ nướng thành mồi nhậu!

Từ cao cấp...... đến bình dân

Có mặt tại một quán ăn gia đình trên đường Ung Văn Khiêm Q. Bình Thạnh, chúng tôi bị choáng ngợp bởi một lượng nhân viên nữ hùng hậu. Cô nào cũng váy cực ngắn cùng với áo hai dây mỏng dính, hở hang. Càng về chiều, quán càng đông khách. Buổi tối thì chật kín chỗ, đa phần là nam. Khách đến đây vừa được ăn, uống vừa được “vui vẻ có giới hạn” với các cô tiếp viên.

Nếu khách chọn phòng lạnh thì sẽ được các nàng chăm sóc đặc biệt hơn nhiều. Được biết, quán có cả trăm nữ tiếp viên, được phân làm theo ca với lương cơ bản mỗi tháng khoảng một triệu đồng. Nhưng phần lớn các cô sống nhờ vào tiền “poa” của khách. Nhanh thoăn thoắt, các cô liên tục khui bia và phục vụ thượng đế. Ngoài cổng, vẫn còn rất đông khách đang gởi xe...

Hàng nghìn quán xá trên địa bàn TP với đủ các món ăn phục vụ từ A đến Z cho thực khách. Muốn ăn cầy tơ thì đến đường Cống Quỳnh, vịt thì xuống Thanh Đa, gà ở Hải Triều, cá kèo ở Q3, lẩu bò CMT8, Q10, bê thui Lê Văn Sỹ, nhậu món Tây trên đường Mạc Đĩnh Chi, Q1. Theo xu hướng phát triển, các món ăn nước ngoài cũng lần lượt du nhập vào Việt Nam như có quán chuyên bán về món ăn Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Hàng chục ngàn quán cóc trên các tuyến đường, ngõ ngách, hàng đêm lại bày ra vỉa hè với ít loại ốc, vài con mực khô, chục hột vịt lộn... cũng đủ “phê” cho những người lao động nghèo. Nạn lấn chiếm lòng lề đường làm nơi ăn nhậu đã góp phần làm mất mỹ quan của thành phố.

Dân nhậu thường không quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Có nhiều khu chế biến trong các quán ăn nhìn thấy nổi da gà. Bếp đen ngòm, thực phẩm để ngổn ngang, rau sống để cạnh toilet, chén bát rửa tạm bợ... Mặc cho bên trong tự do chế biến, còn bên ngoài cứ thế nhấm mồi và cạn ly.

Mấy chục nghìn quán nhậu các loại có thể giống, khác về hình thức, về món ăn, về cách phục vụ... có thể thứ gì cũng cạn dần, chỉ có bia rượu là thừa mứa lai láng.

Vô vàn lý do để...nhậu!

Tại TPHCM, đặc biệt là Q1, Q3, Q. Tân Bình, Q. Phú Nhuận... có rất nhiều quán nhậu ở khu vực tập trung nhiều cơ quan Nhà nước, công ty. Đây chính là nơi gặp gỡ của công chức, các nhân viên văn phòng. Thời gian được ước lượng từ tầm trưa cho đến khoảng đầu giờ chiều, nhiều lúc phá lệ nhậu lai rai đến chập tối. Có rất nhiều lý do để họ vào cuộc nhậu, nào là tiếp khách, sinh nhật đồng nghiệp, xả stress...

Dân nhậu thuộc giới doanh nghiệp thì mức độ “thoáng” hơn nhiều. Họ ít bị giới hạn về thời gian cũng như “vô tư” nhiều khoản khác, chẳng hạn như nhậu liên tục nhiều tăng, trên bàn toàn những thức ăn, đồ uống thuộc hàng xa xỉ theo kiểu càng quý hiếm càng chuộng, tiền bạc không thành vấn đề. Vì thế họ thường chọn những nhà hàng cao cấp, sang trọng cho xứng tầm. Những lý do đi nhậu cũng rất “xác đáng”, chẳng hạn như: vừa ký được hợp đồng, nhậu xả xui, quan hệ với nơi cần nhờ vả...

Còn hàng nghìn quán cóc ở Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân... là địa điểm phục vụ cho những “đệ tử lưu linh” ít tiền nhưng lại mê nhậu như: xe ôm, phụ hồ, khuân vác, công nhân... Mồi chính chỉ là con khô mực, hột vịt lộn, vài trái xoài, cóc... nhâm nhi cùng với rượu đế, rượu pha đủ loại. Tuy nhiên, họ vẫn “bình đẳng” với những người sang trọng trong cảm giác do ma men mang lại.

Học sinh, sinh viên cũng không chịu thua kém các đàn anh về tửu lượng. Hiện, ở bất cứ quán nhậu nào dù bình dân hay sang trọng, cũng có thể nhìn thấy những tay nhậu còn rất trẻ đang gật gù bên bàn ngập tràn rượu, bia. Khu cư xá Bắc Hải (đường Trường Sơn, Q10) từ lâu nổi tiếng là cung đường ăn chơi của giới teen.

Hàng đêm, quanh khu vực này có rất nhiều cô cậu mặt còn non choẹt nhưng tỏ ra rất sành điệu trong việc nhậu. Chúng lê la các quán nhậu vỉa hè cụng ly khí thế, vào bar thì cũng chỉ uống bia và rượu Tây. Nhiều khi có hơi men, chúng tập tành đua xe và rất dễ gây chuyện với người khác.

Chứng kiến cảnh tượng trên, lúc đầu người dân quanh khu vực chép miệng thở dài, nhưng riết rồi thành quen. Học sinh nhậu một thì sinh viên nhậu mười. Có vô vàn lý do được sinh viên đưa ra để nhậu như: thi rớt, thất tình, buồn đời, sinh nhật, lãnh lương... Quanh các khu vực các trường đại học trong thành phố, nơi nào cũng có quán nhậu dành cho sinh viên. Lười thì đi nhậu quanh quẩn ở gần đó, còn siêng thì họ kéo nhau ra các quán nhậu ven kênh để vừa lai rai vừa hưởng khí trời.

Thời nay, không chỉ có đàn ông “chén tạc chén thù” mà phụ nữ cũng nhậu rất điệu nghệ. Trong một quán ăn nằm trên đường Sư Vạn Hạnh, Q10, dân nhậu tỏ ra khó chịu khi thấy bốn cô gái tóc xoăn, nhuộm vàng, ngồi cụng ly côm cốp, hô “dzô 100%” khí thế, kèm theo tiếng cười không biết ngượng ngùng. Qua câu chuyện rổn rảng của họ, ai cũng biết một cô bị “đại gia” đá nên chán đời rủ bạn đi nhậu. Cứ thế, các nàng “vô tư” cụng ly mà chẳng cần quan tâm đến những người xung quanh.

(Còn tiếp)

Theo Mỹ Thanh - Thu Huyền

(Kỳ 2): “Nhậu” tấn công chùa, trường học
24/09/2009 17:04 (GMT +7)

Để đáp ứng một lượng khách ngày càng tăng mạnh, trong khi mặt bằng chỉ giới hạn, nhiều người đã không ngần ngại mở quán nhậu ngay trước cổng chùa, trường học để kinh doanh. Một cảnh quan bệ rạc đã và đang diễn ra khắp nơi trong lòng thành phố, biến chốn thanh tịnh, yên tĩnh, văn hóa thành nơi nhốn nháo, ngập tràn hơi men...

>> 1001 Kiểu... nhậu!

Quán nhậu "bao vây" trường học

Trên tuyến đường Nguyễn Văn Thủ, nằm đối diện với Trường THCS Trần Văn Ơn là một quán nhậu khá bề thế. Cách trường chưa đầy 20m, quán lại lộ thiên nên nhìn khá rõ hình ảnh bên trong. Đập vào mắt học sinh và khách đi đường là những cô tiếp viên chân dài, váy ngắn cũn cỡn, những “thượng đế” say bét nhè, chân vẹo, chân xiêu.

Nhậu "phong cách": từ đồng quê

Có ông rượu vào lời ra, rồi gây gổ, đánh nhau náo loạn cả một góc phố. Cảnh tượng này diễn ra đều đặn mỗi ngày khiến cho các học sinh cứ tò mò nhìn sang. Em thì lắc đầu ngao ngán, em thì giả dạng người say, đi liểng xiểng, đầu lắc lư trong tiếng tán thưởng “giống quá, giống quá” của bạn bè, rồi cả đám phá lên cười khoái chí. Không biết khi chứng kiến cảnh này, giáo viên và phụ huynh các em sẽ nghĩ gì?

Nhậu "phong cách": Từ đồng quê

Dọc theo khu vực Thanh Đa (Bình Thạnh) có vô số các quán nhậu, hàng ăn vây quanh các trường học. Ngược về khu cư xá Bắc Hải (Q10), nơi tập trung nhiều trường học, cũng trong tình trạng bị quán xá bày bán tứ phía. Hầu hết không khí ở các quán nhậu luôn ồn ào, náo nhiệt, với đủ các loại âm thanh hỗn tạp, xô bồ. Mùi vị của các món nướng, chiên xào, tiếng cụng ly rổn rảng của quán nhậu ùa vào tận phòng học, nhiều khi làm các em không thể tập trung vào bài giảng của thầy cô. Chất lượng dạy và học từ đó cũng bị giảm đi ít nhiều.

Nguy hiểm nhất là khi chứng kiến cảnh người lớn đua nhau nhậu nhẹt, các em học sinh cũng bắt chước tập tành nhậu theo. Em T. - học sinh một trường phổ thông Q10 - cho biết: Hễ lâu lâu có dịp sinh nhật, họp nhóm hay có chuyện vui buồn gì, tụi em đều tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt. Góp được tiền nhiều thì uống bia, tiền ít thì vài xị rượu đế. Mồi nhậu đối với tụi em cũng không cần cầu kỳ, chỉ vài con khô mực, trái xoài xanh là đủ...

Làng Đại học Thủ Đức cũng bị bao vây bởi vô số hàng quán. Chỉ dạo quanh một vòng dọc theo con đường nối từ ĐH Thể thao qua ĐH Khoa học tự nhiên, xuống ĐH KHXH&NV, ĐH An ninh, ĐH Nông lâm đã có hàng trăm quán lớn nhỏ, nằm chen chúc, liền kề nhau....


đến chốn thị thành

Quán xá ở đây rất “ăn nên làm ra” vì nườm nượp lượng khách ra vào. Đây không chỉ là nơi tập trung của sinh viên mà dân chơi, côn đồ khắp nơi cũng đổ về. Đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, các chủ quán không có thời gian để nghỉ ngơi vì phải phục vụ cho đông đảo “thượng đế”.

Nhắm vào lượng khách là sinh viên nên hàng quán trông cũng rất tạm bợ, nhếch nhác. Chỉ là một gian mái lá được che phủ bởi lều bạt, bàn ghế nhựa cũ kĩ xếp thành hàng cũng đủ trở thành quán nhậu. Làng nhậu sinh viên nên giá cả cũng phải chăng, vì thế dân nhậu đổ về đây ào ạt. Vui nhậu, buồn nhậu, không vui không buồn cũng lai rai vài chai, đấy là điệp khúc được không ít sinh viên học thuộc còn hơn bài học trên giảng đường.

Rượu vào, lời ra nên xung quanh khu vực này chuyện đánh nhau, cãi vả... không còn là đề tài lạ. Để có tiền ăn nhậu, nhiều sinh viên đã trở thành những côn đồ, thực hiện trấn lột tài sản của người khác để sa đà vào rượu chè, cá độ. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc học tập của sinh viên ngày càng sa sút. L. - sinh viên Trường ĐH Nông lâm - cho biết: “Có khi nhậu liên tiếp vài ngày liền, phải nằm bẹp một chỗ, không còn đủ sức để lên giảng đường, thế là bỏ học...”.

Cửa phật cũng khổ vì nhậu!

Không chỉ trường học bị các quán nhậu “tấn công” mà ngay cả bệnh viện, nhà thờ, chùa chiền cũng bị hàng quán “thập diện mai phục”. Điển hình phải kể đến chùa Nghệ sĩ (P11, Q.Gò Vấp) hiện đang bị bao vây bởi các quán nhậu vỉa hè. Cứ tầm 16 giờ trở đi, đoạn vỉa hè áp sát tường rào bên hông chùa Nghệ sĩ lại biến thành quán nhậu vô cùng nhốn nháo, bàn ghế bày ra thành từng dãy dài. Chân gà nướng bốc khói nghi ngút tỏa mùi thơm ngào ngạt như mời gọi thực khách, kèm theo thực đơn là khô mực, đậu phộng, hột vịt lộn... dùng với rượu đế, bia hơi, bia chai các loại.

Để cạnh tranh với quán bên cạnh, đối diện cổng chùa Nghệ sĩ cũng có một quán nhậu. Cứ tầm chiều là khách đã đông nghẹt. Tiếng cụng ly “dzô, dzô” cộng thêm đủ thứ âm thanh hỗn tạp đã làm mất đi khung cảnh thanh tịch của một ngôi chùa. Gần đó, một số quán khác với không gian sang trọng hơn, rộng rãi hơn cũng thu hút được một lượng khách đáng kể.

Tương tự, ở quận 3, dọc theo con đường Sư Thiện Chiếu, Bà Huyện Thanh Quan, chùa Xá Lợi cũng bị bao quanh bởi làng nhậu cá kèo nổi tiếng suốt nhiều năm qua. Ngôi chùa thuộc vào loại lớn nhất nhì của thành phố, nhưng luôn bị bao vây bởi mùi thức ăn, tiếng hò hét ăn nhậu của hàng ngàn người từ sáng đến chiều tối. Nhiều Phật tử ở khu vực này cho biết họ không thể tĩnh tâm niệm Phật trong tiếng la ó, cụng ly côm cốp của các quán ăn. Có thể nói, việc vô tư ăn nhậu, hò hét, đánh nhau, chèo kéo khách.. của các quán nhậu đã ảnh hưởng lớn đến cửa Phật, khiến số lượng Phật tử đến viếng chùa giảm đi không ít...

Nhậu bất kể giờ giấc

Chúng tôi có mặt tại đường Pasteur, đoạn nằm sát Trường ĐH Kiến trúc vào buổi tối một ngày cuối tuần. Mặc dù đường vẫn còn ngập nước do cơn mưa ban chiều để lại, song hầu hết các quán xá nơi chúng tôi đi qua đều đã chật kín người.

Dừng chân tại một quán nhậu vỉa hè, khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được chỗ ngồi. Dù bận túi bụi với việc làm đồ nhắm, nhưng bà chủ quán vẫn không quên đon đả chào mời chúng tôi: “Vào đi em, ăn gì gọi, chị làm cho”. Chọn một bàn nơi góc khuất, chúng tôi có dịp quan sát kỹ quán vỉa hè này.


Nhậu tràn ra vỉa hè

Đoạn đường rộng chưa đầy bốn mét, nhưng được chủ quán tận dụng một cách tối đa, hàng chục chiếc bàn và ghế nhựa bày dọc theo một đoạn vỉa hè. Để tiết kiệm chỗ, toàn bộ xe khách được chuyển hết sang phần vỉa hè đối diện của nhà thi đấu Phan Đình Phùng. Đang chú tâm quan sát, một cô gái chừng 20 tiến đến chỗ chúng tôi. Dáng cao ráo, xinh xắn với khuôn mặt trang điểm kỹ, cô ta cười tươi và bắt đầu tiếp thị về bia Tiger.

Gọi một chai bia, chúng tôi hỏi thăm về công việc và lương bổng. Cô thật tình cho biết: lương chính thức được 1,3 triệu đồng, làm từ 4 giờ đến 11 giờ, chủ nhật nghỉ. Ngoài ra, công ty trợ cấp thêm tiền trang điểm 5 ngàn đồng/ngày. Gắp cục đá vào ly tôi, cô nói: “Thử việc thì chín trăm ngàn, không đủ chỉ tiêu cũng không sao, làm lâu sẽ được nhận chính thức, nếu vượt chỉ tiêu thì được thêm phụ cấp mười ngàn đồng/két”.

Nhậu tràn ra vỉa hè

Càng về khuya lượng khách đến quán nhậu càng đông. 22 giờ, từng chồng bàn ghế dự trữ nằm xếp chồng bên gốc cây đã được giăng kín toàn bộ vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường dành cho người đi bộ. Kế bên chúng tôi là bàn của một ông khách đã đứng tuổi nhậu lai rai một mình.

Dường như đã ngấm bia, ông gục hẳn xuống bàn. Dưới chân là cả chục chai Tiger vứt lăn lóc. Cách đó không xa là bàn của một nhóm bạn trẻ, mặt mũi còn non choẹt, tóc nhuộm đủ màu, đủ kiểu. Nhậu được một lúc, mặt mũi ai cũng đỏ bừng. Hai cô gái trong nhóm có vẻ chịu không nổi, chạy vội ra góc cây “hò”. Quay trở lại bàn, cố làm ra vẻ tươi tỉnh, cả nhóm vẫn nâng cao ly bia “dzô, dzô” và tiếp tục cuộc vui...

23 giờ, chúng tôi tính tiền ra về. Đường phố về khuya, nhà nhà hầu hết đã đóng cửa, nhưng dọc các “con đường bia bọt”, quán nhậu vỉa hè vẫn đông như trẩy hội. Khách ăn uống ngồi tràn cả xuống đường, tiếng cười nói, tiếng cụng ly rôm rả cả một góc phố. Trên bàn, thức ăn thừa mứa, bia đổ lênh láng, rác xả bừa bãi... Góc phố, đâu đó vang lên âm thanh tiếng chổi tre của chị lao công và thấp thóang bên ven đường dáng người phụ nữ gầy gò âm thầm nhặt từng bịch nylon. Ánh đèn đường hắt xuống, bóng chị đổ dài ra lặng lẽ. Nghe nói chị ở tận miền Trung vào đây lượm rác nuôi hai con học đại học...

Theo ông Hồ Văn Vui - Trưởng CA P11, QGV thì phường đã thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra các quán nhậu vỉa hè xung quanh chùa Nghệ sĩ và nhiều lần tiến hành phạt hành chính, nhưng tình hình chỉ có giảm chứ không dứt hẳn. Khi cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao bằng cách cho lực lượng đứng chốt chặn tại chỗ thì việc kinh doanh sai trái này tạm thời chấm dứt, nhưng sau đó “đâu lại vào đấy”. Sắp tới, CA phường sẽ ráo riết triển khai kế hoạch lập lại trật tự xung quanh khu vực này.

Đại diện Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Văn Ơn cho biết thêm: Ngay từ khi nhà hàng B.B mới khai trương, phụ huynh học sinh đã nhiều lần phản ánh vì sợ tác động xấu đến môi trường học tập của con em. Quá bức xúc, nhà trường cũng từng đưa vụ việc lên Đảng ủy P. Đa Kao, lên quận nhưng cũng chẳng ăn thua.

Đoàn kiểm tra quận xuống cũng chỉ lập được mỗi biên bản xử phạt hành chính vì lý do lấn chiếm lòng lề đường. Nhiều khi, các học sinh đang chăm chú lắng nghe giảng bài thì giật thót mình vì tiếng hò hét, tiếng cụng ly phát ra từ quán. Hi vọng chính quyền địa phương sớm có giải pháp để tình trạng trên sớm chấm dứt, không gây ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em”.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty