TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Wednesday, September 23, 2009

Biểu tượng người thầy bị xã hội đốn ngã?

22/09/2009 13:22 (GMT + 7)
(TuanVietNam)- "Có một hiện tượng là chính mắt tôi đã chứng kiến: tại một phòng thi tại chức tuyển sinh sau đại học có người đứng ra gom tiền anh em để lên mặt bàn giám thị", GS Nguyễn Minh Thuyết kể.


Bạn đọc Anh Dũng, SV ĐH: “Tôi là sinh viên của một trường Đại học thuộc Lực lượng vũ trang – những người đang dạy chúng tôi là những sỹ quan và chúng tôi sẽ là những sỹ quan tương lai, những người liên quan đến luật pháp, liên quan đến việc cầm cân nảy mực.

Vậy mà thật buồn khi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm học chúng tôi phải gặp quá nhiều các vụ việc tiêu cực từ phía những người thầy đồng thời là đàn anh đi trước: nhận tiền phụ đạo để cho biết đề thi trước, nâng lên điểm khá giỏi, uống bia rượu sáng trưa chiều, xào đi xào lại bài viết trên một tờ báo nội bộ để chứng tỏ tiến sỹ, thạc sỹ hoặc chiếm thời gian lên lớp để trút những bức xúc nội bộ, kể chuyện tiếu lâm… mặc cho chúng tôi sẽ là sản phẩm gì, sản phẩm như thế nào trong một nền giáo dục với những người thầy, người cô như vậy. Góc nhìn của
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết?”

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu người trên không gương mẫu thì rất khó giáo dục người dưới. Bản thân các thầy, các cô phải là những người trong sạch, luôn tâm niệm mình phải là người trong sạch thì lúc ý mới giáo dục được các thế hệ học sinh.

Vì sao lại khoác cho thầy cô một trách nhiệm nặng nề như thế - nhất nhất phải trong sạch, trong khi các ngành khác thì không?

GS. Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: LAD

Ở đây là vấn đề mình chọn nghề. Chọn nghề sư phạm là chấp nhận mình sống điềm đạm, thanh đạm, sống khiêm tốn, không thể sống khác được. Nếu các thầy các cô muốn có cuộc sống khác thì tôi nghĩ, họ nên ra khỏi môi trường sư phạm.

Mỗi người cần phải dũng cảm, biết mình muốn gì, mình là ai thì mới có thể quyết được việc này.

Có câu chuyện thực tế: khi tôi còn làm việc ở trường, vừa là phó hiệu trưởng vừa kiêm nhiệm chủ nhiệm khoa thì cũng có người quen đến đặt vấn đề xin việc cho con. Anh đưa tôi một phong bì mà tôi không biết bao nhiêu, nói anh cầm đi. Tôi không cầm. Tôi phải nói thế này thì anh mới cầm lại: Nếu tôi nhận con anh về thì tôi là thủ trưởng của nó, tôi là thầy của nó. Nếu tôi cầm hôm nay thì nó nghĩ về tôi như thế nào, tôi có bảo được nó không. Người trên phải gương mẫu, phải đàng hoàng.

Trong buổi giao lưu với các bạn trẻ, tôi có chia sẻ: đi chấm nghiên cứu sinh, phần lớn nghiên cứu sinh đến đưa luận án kèm theo phong bì. Tôi nói cho bạn chọn hai giải pháp. Một là cầm phong bì về; hai là để phong bì ở đây nhưng tôi sẽ không đến hội đồng chấm hoặc tôi đến nhưng bỏ phiếu trống. Tùy bạn.

Bây giờ hiện tượng đó phổ biến. Học sinh giải thích rằng thù lao Nhà nước trả cho các thầy ít quá còn các thầy làm việc vất vả.

Tôi nói, có câu “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, một hào của Nhà nước bằng một triệu của các em, tôi không thể nhận được. Còn Nhà nước, đất nước ta còn khó khăn, lương của người ta đều như thế thôi. Chủ tịch nước lương cũng chỉ như thế thì làm sao các vị lại tự đề nghị mình cao đến mức như thế được.

Vấn đề không phải là đồng lương mà là mình có thích hợp với nghề sư phạm không.

Cũng xin nói luôn, khi chọn người vào học ngành sư phạm thì chúng ta chọn thế nào? Lúc tôi đi học, phải nói thật, tôi cũng không thích ngành sư phạm. Nhưng lúc ấy có thích cũng không được. Năm tôi tốt nghiệp phổ thông thì đúng tuổi 17, trong khi các trường sư phạm đòi hỏi người học phải 18 tuổi trở lên. Thứ hai, trường sư phạm, người ta mời đến phỏng vấn để xem ông nói thế nào, hình thức ông thế nào qua đó đánh giá nhân cách của ông thì mới được chọn vào trường.

Còn bây giờ mình chỉ có nộp hồ sơ, thậm chí hồ sơ ảo sau đó thi, đạt đủ điểm thì vào chứ không biết ông này thực sự có làm được nghề sư phạm hay không.

Trước đây, chúng ta có nói đến chuyện cô mẫu giáo dán băng dính vào miệng học sinh và những chuyện khác nữa. Tại sao họ lại chọn nghề đó nếu chỉ coi đó là nghề kiếm sống đơn thuần, trong khi nghề khác phát triển hơn?

Hơn nữa, chính sinh viên, học sinh - người bị hại cũng có lỗi. Tại sao anh không dám nói lên? Khi nào anh nói lên rồi, đấu tranh rồi mà không thay đổi được thì lúc ấy có thể nói là mình phải chấp nhận, mình đã hoàn thành việc của mình. Nhưng bản thân học sinh đã thấy các hiện tượng tiêu cực thế, anh không dám nói. Tất nhiên ai cũng sợ trù mà sợ như thế thì sau còn nhiều thứ sợ lắm.

Tôi xin nói, ở trường mình sợ trù, ra xã hội mà nói thẳng quá sợ bị cho rằng không tiến bộ, thậm chí là mất ghế…Nếu mà nói như thế thì chả còn ai dám nói gì. Và tất cả những cái xấu, cái ác cứ điềm nhiên tồn tại.

Những người thầy bị xã hội đốn ngã

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Nhiều thầy cô đang chống lại cơn bão của đời sống thực dụng. Họ cố gắng giữ lại tâm hồn, nhân cách, sứ mệnh của người thầy trong truyền thống của người Việt Nam, từ ông cha cho đến bây giờ. Nhưng có những người đã không trụ nổi và gục ngã.

Có người bạn tôi là giáo viên. Anh làm việc với tất cả sự đắm say. Mỗi lần đến lớp, đến trường với anh, anh luôn nghĩ mình mang một sứ mệnh lớn lao. Có nhiều người cười bảo anh hài hước rằng anh phải khai sáng, tạo được tâm hồn cho những đứa trẻ.

Nhưng ngay cạnh nhà anh là ông chủ tịch huyện - một người đi chiếc xe sang trọng, có bà vợ tiêu tiền một cách kệch cỡm, một người có rất nhiều nhà cửa, có trang trại chỗ này chỗ kia, có một cô con gái hống hách trong thị trấn đó. Sự chịu đựng, sự quyết tâm bảo vệ nhân cách, tâm hồn người thầy cuối cùng bị gục ngã vì sự bất công nó kéo dài quá, không phải 5 năm, 10 năm mà tận 30 năm.

Anh quyết định thay đổi và dùng uy quyền, dùng cái gì của người thầy đó để tìm kiếm đời sống vật chất cho bản thân. Người thầy đó đã gục ngã. Tôi không bao che cho việc đó, tôi không bênh vực điều đó.

Tôi nghĩ, xã hội có trách nhiệm về việc này. Xã hội đang kêu gọi những người thầy,người cô phải bảo vệ nhân cách nhưng chính xã hội tấn công vào sự kiên định, ý chí của thầy cô, làm lung lạc họ.

Thưa nhà văn Chu Lai, như vậy có phải lỗi tại các thầy cô hay bơi sự tác động của xã hội quá lớn như câu chuyện về người thầy mà tôi vừa nói đến?

Nhà văn Chu Lai: Có thể khẳng định, mặt bằng xã hội của ta chưa ổn định. Sự nhá nhem, cái tốt, cái xấu, cái đen, cái trắng, các giá trị, các khái niệm đang bị “đánh bùn sang ao”. Các thầy cô cũng mang theo áp lực đó.

Áp lực này bao phủ không chỉ trong một ngành nghề, mà nó bao phủ trong tất cả các ngành nghề, ngay cả trong môi trường quân đội, nơi hình ảnh người lính luôn gắn liền với hy sinh, với cao quý, với niềm tin cậy của tất cả các tầng lớp nhân dân.

Nhà văn Chu Lai. Ảnh LAD
Nhưng bây giờ, nghe chuyện sinh viên nào đó vừa nói trong quân đội, tôi cho rằng chuyện đó cay đắng nhưng lại không ngạc nhiên.

Quân đội cũng giống như giáo dục, đáng lẽ là nơi trú ẩn cuối cùng của đạo đức, chống lại mọi áp lực của cuộc đời thì cũng bị lung lay. Điều đó chứng tỏ áp lực cuộc sống nó ghê gớm nhường nào.

Ngành giáo dục và tư cách các thầy cô chỉ có thể đứng thẳng được, chỉ có thể tinh khiết được khi một xã hội ở bên ngoài tương đối tinh khiết, chứ đòi hỏi một xã hội tuyệt đối tinh khiết là điều siêu hình, không thể có.

Xã hội ta, xin nói rằng, cái tiêu cực ghê gớm lắm. Chuyện nhà giáo 30 năm bị đánh gục vì hình ảnh ông chủ tịch huyện bên cạnh không chỉ xảy ra ở một nơi mà một triệu triệu tình huống như thế.

Cứ tưởng tượng ra thế này, một cậu bé lớn lên, sáng ra chỉ thấy thiếp mời đám cưới 200.000. Bố mẹ quân đội về hưu mặt nặng ra rồi cự cãi nhau lấy tiền hưu đâu ra mà đi đám cưới… Hình ảnh bố mẹ xung đột với nhau chỉ vì thiếp cưới 200 ngàn ám vào đầu thằng bé. Đồng thời, cái thằng bé nhà bên kia suốt ngày nghe bố mẹ lo lót, hối lộ ai. Đến ngày Tết, nó nhìn thấy những nguồn tiền, những nguồn phong bì lo lót bố mẹ nó. Điều đó hình thành 2 thái cực về mặt tâm lý, đạo đức.

Các em học sinh bây giờ cũng thế thôi. Tại sao lại có một số em có thái độ đối xử ngược ngạo với thầy cô như thế? Vì bản chất xã hội này cũng đối xử không công bằng với nó và cũng nhìn thấy cái xã hội này có những cái không công bằng.

Nếu nó phát hiện ra hàng xóm có một ông quan tham nhũng, nếu nó phát hiện ra trong trường có một thầy cô giáo nhận phong bì phụ đạo nọ kia thì đột nhiên nó bị sụp đổ hoàn toàn các giá trị thiêng liêng. Và từ đó đưa đến các hành vi ngược ngạo. Tôi cho rằng cái lỗi này không chỉ của một ngành, một đội ngũ, một nghề mà của toàn bộ xã hội.

Nếu xã hội không tu chỉnh, không rùng mình, không gột rửa, không trở thành một cái gì tinh khiết, ít nhất được 1/10 như ngày xưa – thời đánh Mỹ thì ngành giáo dục, nếu như đồng chí Bộ trưởng nói “Không” thì câu nói đó không gắn với đặc điểm xã hội.

Phụ huynh và học sinh làm hư thầy?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Câu nói đó của Bộ trưởng là một lý tưởng, một khát vọng. Thực ra chúng ta đang vô cùng lúng túng. Rất nhiều người phê phán nền giáo dục. Tôi nói: nếu là Bộ trưởng thì ông làm thế nào. Đây là một vấn đề rất nan giải. Nó không của riêng nền giáo dục mà của toàn xã hội. Nó là tổng thể các vấn đề khác.

Giáo sư Tống Duy Thanh, hiện ở Mỹ Đình – Mễ Trì chuyển tới GS Thuyết 2 câu hỏi dưới đây đến các nhà quản lý ngành giáo dục và đến những người quản lý Nhà nước.

Một, giáo sư có thông tin gì về nhiều trường Đại học đến kỳ thi, lớp trưởng lại thu tiền các thành viên đến “thăm” thầy, để cả lớp được điểm tốt môn học. Đáng buồn nhất là hiện tượng này hay xảy ra ở các môn học về đạo đức người làm cán bộ.

Câu hỏi thứ hai: Giáo sư có thông tin gì về việc muốn có chỗ dạy học thì giáo viên tiểu học và trung học phải tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để lo lót. Xin giáo sư cho ý kiến?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Qua VietNamNet xin cho tôi gửi lời chào giáo sư Tống Duy Thanh - ông là bậc đàn anh của tôi. Tôi cũng đã có dịp và có thời gian rất lâu ở Nga cùng với ông. Sau này cùng trường với giáo sư. Ông cũng là một trong những nhà giáo mà tôi hết sức kính trọng về kiến thức cũng như về nhân cách.

Về hai câu hỏi mà Giáo sư Thanh đặt ra, tôi cũng xin trả lời thẳng thắn như thế này: Tất cả những điều giáo sư Thanh hỏi là có và tôi biết.

Khi tôi còn làm công tác trong trường ĐH KHXH&NV, làm Bí thư Đảng Ủy và Hiệu phó thì cũng đã có chuyện học sinh đồn đại như thế này. Nhưng khi chúng tôi làm một cái phiếu điều tra, tôi không yêu cầu sinh viên phải ký, chỉ cần đánh dấu có chuyện đó không thì gần như không sinh viên nào dám đánh dấu. Cho nên rất khó xử lý.

Tôi cũng cho là mình cũng có thể dùng những biện pháp khác nữa để tìm ra được những cái tiêu cực này. Nếu mình xử lý nghiêm thì sẽ không còn hiện tượng ấy nữa.

Nhưng có một hiện tượng là chính mắt tôi đã chứng kiến: tại một phòng thi tại chức tuyển sinh sau đại học có ngươờ đứng ra gom tiền anh em để lên mặt bàn giám thị.

Có 2 trường hợp cụ thể: Một trường hợp không bắt được quả tang vì chỉ nghe anh em nói, tôi đến đấy thì giải tán hết rồi, giải tán phong bì rồi nhưng tôi nói rõ là nếu mà chúng tôi phát hiện ra thì tất cả lớp này không được công nhận điểm thi. Nếu anh nào có trót cầm thì mời anh ấy trả lại.

Lần thứ hai tôi đi coi thi, vào một phòng thấy sinh viên cứ để túi cồm cộm trong người, tôi nói bỏ ra tôi xem. Tôi nghĩ rằng thí sinh mang tài liệu, chỉ đánh dấu bài do vi phạm quy chế thôi. Bỏ ra tôi thấy danh sách nộp tiền, thấy lạ, tôi đối chiếu với danh sách lớp thì đúng là danh sách người thi. Tôi hỏi đó là tiền gì? Chị thu tiền nói là tiền anh em liên hoan với nhau sau khi thi xong. Tôi nói các anh chị chơi với nhau đã thân thế à, chơi lâu chưa? Họ trả lời chúng em mới biết nhau. Vậy thì có chuyện gì mà thi xong đi liên hoan, đã biết chắc đỗ đâu mà đi liên hoan.

Ảnh minh hoạ: VNN


Tôi nói với chị ta nếu như không nói thật tôi đình chỉ thi ngay lập tức. Tôi chịu trách nhiệm với nhà trường. Và cô ấy nói thật. Tôi vào lớp tuyên bố lớp có hiện tượng như vậy và yêu cầu trả lại tiền. Nếu không chấp hành ý kiến của tôi, tôi sẽ xử lý.

Vấn đề thứ hai là, chuyện xin việc làm bây giờ mất mấy chục triệu, chúng tôi có nghe. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan chức năng nhận được đơn khiếu nại, đơn tố cáo như thế này là phải điều tra, phải xử lý nghiêm. Mình cứ kêu là thanh tra ngành nào cũng nói người không đủ, cả nước có chừng này người, tỉnh có từng này người thôi nên không làm gì được.

Thực ra không phải như vậy. Không ai cần các anh hàng ngày rình rập từng người dân. Vấn đề là, anh bắt được vụ nào anh phải xử lý đến nơi đến chốn. Nếu thế, người khác sẽ sợ mà không làm.

Cũng nói thêm, những tiêu cực nói trên là có thật và chúng ta phải chông.

Tôi cũng xin kêu gọi các vị phụ huynh và sinh viên, mình đừng tự nghĩ ra những thứ tiền để làm hư ông thầy.
Ban đầu, có thể họ cũng trong sạch, nhưng tiền người ta đưa cho mình dễ dàng quá, nên hư. Mình tự nhiên làm người ta cảm thấy người ta có quyền gì ghê gớm, thay cho thượng đế để quyết định mọi việc. Mình phải kiên quyết làm.

Tôi có vài đứa cháu dứt khoát không cho con em đi học thêm. Kết quả ở lớp vẫn tốt, không có vấn đề gì thì tại sao các vị lại cứ phải lo lắng.

Vừa rồi anh Chu Lai có nói về mối liên quan với xã hội rất sâu sắc. Tôi xin nói với anh thế này, tôi kể chuyện Hoàng Lê nhất thống chí cũng không phải ngẫu nhiên. Đời Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông làm gì có. Đây không chỉ lời cảnh báo với riêng ngành giáo dục mà với cả xã hội.

Nhà văn Chu Lai: Ông cha ta có câu: “Nhà dột từ nóc trở xuống”. Vấn đề là thế này, nếu bên ngoài ngăn được mua quan bán chức… ta sẽ ngăn chặn được mua điểm, bán điểm trong nhà trường. Nếu ta ngăn chặn được cái thác lũ phong bì vào ngày lễ, Tết cho các nhà quản lý vĩ mô hay vi mô thì ta cũng phần nào ngăn chặn được phong bì phụ huynh và học sinh đưa lên thầy cô.

Hai cái đó tác động tương hỗ ghê gớm lắm. Một ông giáo viên suốt đời cặm cụi dạy giỏi mà nghèo xơ xác, bỗng một buổi sáng tỉnh dậy, tặc lưỡi: Tại sao mình dại thế nhỉ? Cuộc đời này là cái gì đâu sao mình khổ mãi thế nhỉ? Trong khi người ta chả làm gì, chả tài giỏi gì, chả khổ công gì mà cứ thế kia, mà con cái lại khinh mình là bố không lo được cuộc sống cho chúng con.

Và bây giờ như Giáo sư Thuyết nói, tại sao chúng ta không lên tiếng? Tại sao những nạn nhân không hét lên một tiếng giữa trời? Điều đó khó, khó lắm. Bởi ta càng thét thì nó càng dội vào lòng mình.

Như thế, cái thét này không chỉ do một nạn nhân, một đội ngũ nạn nhân mà cả dân tộc, tất cả mọi người đều phải tự giật mình, tự cảnh tỉnh mình thì mong ra mới thủng được tầng khí quyển ẩm ướt này. Nếu không, tôi cho rằng, không chỉ giáo dục mà tất cả các ngành khác sẽ đưa đến những bi đát ghê gớm lắm.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Những điều mà nhà văn Chu Lai nói rất cay đắng và thật thất vọng, nhưng nó là hiện thực. Tôi nhớ rằng khi mà một đồng chí chủ tịch thành phố đã công khai nộp 4 tỷ tiền người ta mừng tuổi Tết thì điều đó không phải mang lại hiệu ứng tốt cho xã hội mà là sự thất vọng. Họ nghĩ rằng đấy là một đồng chí dám đưa ra việc đó. Vậy thì bao nhiêu cấp ngành, cấp bộ khác, bao nhiêu cấp ngành khác vậy thì nó sẽ nguy hiểm như thế nào?

Nhiều người cho rằng 4 tỉ đó chỉ là phần nổi của tảng băng ngầm.

  • Tuần Việt Nam

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty