TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Monday, September 21, 2009

Để mất “biên giới văn hoá” là nguy hại cho đất nước

Cập nhật lúc 10:13, Thứ Hai, 21/09/2009 (GMT+7)

- Trong thời đại toàn cầu hoá và khi thế giới ngày càng trở nên "phẳng" hơn thì việc đề cao bản sắc văn hoá, giữ gìn văn hoá lại càng nên coi trọng. Văn hoá cũng là một biên giới. Để mất cái biên giới này là nguy hại cho đất nước.

LTS. Một đất nước muốn phát triển bền vững thì phải đứng chắc trên đôi chân khỏe mạnh là văn hóa và kinh tế. Thu hẹp được khoảng cách giữa sự lắm tiền nhiều của và sự giàu có về văn hóa thì đây mới là một yếu tố tạo nên sự ổn định xã hội. Xin giới thiệu những chia sẻ của họa sĩ Lê Thiết Cương, tham gia diễn đàn “Vì sao văn nghệ sĩ ‘im hơi lặng tiếng’?”

Mô tả ảnh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: N.Đ. Toán

Trước tiên, xin hiểu cho: Cái cách cất tiếng tốt nhất của nghệ sĩ trước những vấn đề của cuộc sống là bằng tác phẩm. Nói cách khác mỗi nghề mỗi ngành có tiếng nói đặc trưng của mình. Ấy là chưa kể nghệ thuật có nhiều môn. Mỗi môn lại có ngôn ngữ riêng. Ví dụ sau một trận lũ hoặc tình trạng tắc đường ở các đô thị, người ta có thể làm phim tài liệu, chụp ảnh phóng sự ngay, nhưng vẽ một bức tranh sơn dầu khổ to dựa vào đề tài đó thì cần phải có thời gian hoặc ngành múa múa ngay một điệu để chứng tỏ ta cũng không im lặng trước những vấn đề nóng của cuộc sống thì buồn cười quá.

Một số nhạc sĩ đã nỗ lực viết ca khúc về sinh đẻ kế hoạch hoặc ô nhiễm môi trường nhưng đều là những bài chưa thể nói là hay được. Không nên bắt cầu thủ đá bóng đi thi bóng chuyền.

Ấy thế nhưng đôi khi nghệ sỹ im lặng lại vì một lý do khác, đó là sự nản lòng. Khi mà họ thấy những bức xúc của mình tác động quá ít đến dư luận. Tâm huyết mấy đi chăng nữa nhưng hình như viết ra, vẽ ra, nói ra cũng chỉ là trong giới biết với nhau, thế thì để làm gì?

Chả lẽ lại im. Tôi hay nói với bạn bè, có nhiều chuyện ai cũng biết, ai cũng nói ở các quán café, quán trà nhưng nghệ sỹ khác người bình thường là họ dám viết ra, nói ra trên tác phẩm, trên sách báo, dám hiển ngôn trên giấy trắng mực đen. Dám chịu trách nhiệm là phẩm chất của trí thức. Tất nhiên bằng kinh nghiệm sống tôi hiểu rằng, sống giống như mọi người, đừng khác biệt thì dễ sống hơn.

Tôi cũng hay băn khoăn về vấn đề văn hóa. Phải thật sòng phẳng để thú nhận rằng so với trước khi Đổi Mới, mặt bằng tri thức và kinh tế của xã hội đã nâng lên được một bước nhưng mặt bằng văn hoá thì dường như lại thấp hơn trước nhiều.

Đời sống khá hơn, dân trí cao hơn mà văn hoá lại xuống cấp thì phát triển thế nào đây? Sau 20 năm đổi mới, kinh tế đã tiến lên một bước nhưng phải mất 50 năm may ra mới đưa văn hoá phát triển lên được nửa bước. Thế mà không những không phát triển, mặt bằng văn hoá chung của toàn xã hội lại đi xuống?

Ngày nay, người ta quan niệm biên giới là một khái niệm mềm và mở hơn (không chỉ là chuyện của riêng Việt Nam). Trong thời đại của công nghệ thông tin và truyền thông. Trong thời đại toàn cầu hoá và khi thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn thì việc đề cao bản sắc văn hoá, giữ gìn văn hoá lại càng nên coi trọng. Văn hoá cũng là một biên giới. Để mất cái biên giới này là nguy hại cho đất nước.

Hãy nhìn cái cách mà người ta nhân danh phục dựng lễ hội, trùng tu di tích trong 20 năm qua để thấy họ ứng xử với văn hoá một cách vô văn hoá như thế nào. Nên quan niệm đền ơn đáp nghĩa, Tổ quốc ghi công thực chất là phải xây dựng được một đời sống tốt đẹp. Chỉ có như vậy mới làm yên lòng những người đã khuất...

Vẫn biết rằng phát triển kinh tế thì nhanh và không khó bằng phát triển văn hoá nhưng chẳng nhẽ người ta cứ mải làm giầu mà không cần xây dựng cho mình những kiến thức tối thiểu về văn hoá nghệ thuật.

Thật đáng mừng là ở Việt Nam đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu (về kinh tế) nhưng cũng thật đáng buồn là chưa có một tầng lớp trung lưu về văn hoá.

Tôi đã đến một số ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam, toàn những "ông lớn" cả nhưng hoặc là họ không treo gì hoặc là treo toàn tranh nhái, tranh copy loại rẻ tiền.

Nếu các bạn muốn xem tranh rởm, tranh sến miễn phí thì xin mời đến một số khách sạn 5 sao ở Hà Nội... Những đại thương gia, đại thương hiệu mà còn thế thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có một tầng lớp trung lưu văn hoá. Thêm một ví dụ khác. Bạn đã bao giờ đến nghỉ tại Resort HAGL ở Quy Nhơn và Đà Lạt chưa? Nội thất xấu đến thậm tệ. Rất khó giải thích, rất khó hiểu rằng tại sao những doanh nghiệp lớn như vậy, có tiền như vậy nhưng họ lại ít hiểu biết về mỹ thuật, kiến trúc. Thật lãng phí, đáng nhẽ chỉ cần ít tiền hơn cộng một chút kiến thức mỹ thuật thì các resort đó đã đẹp hơn rồi. Tiếc.

Sự chênh lệch của khoảng cách giàu nghèo thì ai cũng nhìn thấy nhưng sự chênh lệch giữa tiền bạc và văn hoá thì ít người biết đến. Giảm bớt điều này chắc chắn cũng là một yếu tố tạo ra sự ổn định xã hội. Chả lẽ người ta cứ làm giầu (thậm chí làm giầu bằng mọi cách), cứ giầu, cứ sống mà không cần quan tâm đến chất lượng sống. Sống không chỉ là chuyện thọ, yểu và có bao nhiêu tiền mà là sống thế nào.

Tôi cứ băn khoăn một điều rằng thời chiến tranh, khi kinh tế đất nước còn khó khăn thì không như vậy mà bây giờ thì... Thời chiến tranh, thời nghèo khổ, mọi sự đều thuần phác, mộc mạc. Thời loạn nhưng lòng người lại yên, bây giờ thì ngược lại, hầu như tất cả đều “năng động”, khôn ngoan, mưu mô, lọc lõi, toan tính.

Đời sống văn minh không chỉ tạo ra bởi luật mà chính là văn hoá của mỗi công dân tạo nên sự tự giác, tự nguyện cùng xây dựng xã hội tốt đẹp. Nếu chỉ chăm chăm phát triển kinh tế, chỉ nhìn thấy lợi trước mắt mà không phát triển văn hoá, không thấy lợi ích lâu dài thì phát triển để đi đến đâu. Nếu chỉ chạy theo tiền, chạy theo chỉ số kinh tế để đến mức như thế thì phát triển làm gì.

20 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã phát triển lên một bậc nhưng để văn hoá phát triển lên dù nửa bậc thì có lẽ cần gấp đôi, gấp ba khoảng thời gian đó cũng chưa chắc đã đủ nhưng dẫu sao thì cũng phải bắt đầu. Mất văn hoá thì mất nước nhưng trong lịch sử thế giới đã có những trường hợp mất nước nhưng văn hoá của họ không mất.

9.2009

  • Họa sĩ Lê Thiết Cương

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty