Tuần trước, website một thời đình đám www.vietchinabusiness.vn giật tít “Liên hiệp quốc muốn thay thế đồng USD”. Đọc kỹ sẽ biết đây là một đề xuất của các chuyên gia của hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) trong bản báo cáo hàng năm Trade and Development Report của tổ chức này. Đề xuất này được vài báo đăng lại, trong đó có tờ Telegraph. Bản tin trên website vietchinabusiness.vn có thể là bản tóm dịch của bài báo từ Telegraph.
Thực chất, bài báo của Telegraph mang tính giật gân nhiều hơn thực tế. Dù sao đây chỉ là một đề nghị của một số chuyên gia trong nội bộ UNCTAD trong một báo cáo thường niên của họ. Còn rất xa cho đến khi Liên hiệp quốc chính thức ra tuyên bố hay nghị quyết về vấn đề này. Hơn nữa, UNCTAD với vai trò đại diện cho các nước đang phát triển nên đề nghị này chắc chắn sẽ có nhiều hơi hướng của các đề nghị trước đó từ Trung Quốc hay Nga. Nếu coi đề nghị này là đề nghị đầu tiên của một tổ chức quốc tế lớn thì cũng không chính xác. Trước đó, một hội đồng cố vấn đặc biệt của Đại hội đồng Liên hiệp quốc do giáo sư Joseph Stiglitz đứng đầu cũng đã có một đề nghị tương tự vào tháng 3.2009.
Hơn nữa, vấn đề cải tổ hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế là rất cần thiết, và chắc chắn những lời kêu gọi cho vấn đề này sẽ được các tổ chức lớn hơn như quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngân hàng Thế giới (WB), Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đưa ra, chứ không đến lượt UNCTAD. Vì hiện nay, trong vô số chi nhánh của Liên hiệp quốc, UNCTAD có vị trí khá khiêm nhường và ít được biết đến hơn so với các tổ chức liên quan đến kinh tế khác như WB, IMF hay UNDP. Tổ chức này được Raul Prebisch, cha đẻ của thuyết độc lập, thành lập với mục đích chủ yếu là đại diện cho các nước nghèo đòi hỏi quyền lợi trong các thoả thuận đầu tư và thương mại từ những năm 1960. Trong những năm 1970, UNCTAD rất đình đám với phong trào New International Economic Order (NIEO) khi các nước đang phát triển kêu gọi một trật tự thế giới mới sau cuộc “đảo chính” thành công của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Tuy nhiên phong trào này dần dần thoái lui. UNCTAD, cùng với sự thoái trào của NIEO, cũng mất dần tiếng tăm và ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Và ngay cả lời kêu gọi này do các chuyên gia của WB, IMF hay UNDP đưa ra, cũng cần phân biệt giữa những lời kêu gọi hay đề xuất cải tổ của những người này với chính sách của các tổ chức quốc tế này.
Lê Hồng Giang
No comments:
Post a Comment