TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Tuesday, September 22, 2009

Chưa biết đi đã bắt chạy

TT - Học sinh lớp 1 phải viết chính tả, đọc những cụm từ tiếng Anh... ngay trong những tuần đầu năm học. Tiếp cận với thực tế tại một số trường tiểu học, chúng tôi phát hiện thêm nhiều chuyện bất ngờ.

HS lớp 1/7 Trường tiểu học Bàu Sen. Theo lời giáo viên chủ nhiệm thì khoảng 2/3 số HS trong lớp đã học chữ trước khi vào lớp 1 - Ảnh: H.HG.

Giờ tan học ở Trường tiểu học Bàu Sen (Q.5, TP.HCM), học sinh túa ra như đàn chim non. “Mẹ ơi, ngày mai mẹ cho con đi học thêm ở nhà cô nhé”. “Mới lớp 1 đâu cần học thêm làm gì con”. “Cần chứ mẹ. Đi học thêm để viết chữ đẹp hơn. Trong lớp con có bạn H.B. (vì lý do tế nhị chúng tôi viết tắt tên của các nhân vật trong bài) ngày nào cũng bị cô đánh vì tội viết chậm, viết xấu. Con sợ lắm...”.

Thoạt nghe mẩu đối thoại trên của hai mẹ con một em học sinh, chúng tôi không khỏi giật mình.

Đi học là bị... đau bụng

Cô L. - giáo viên chủ nhiệm lớp 1/7 - thừa nhận: “Có đánh em B. nhưng chỉ đánh bằng tay chứ không đánh bằng thước. Em B. học hơi chậm, viết cũng chậm, chưa đánh vần được, chỉ những âm nào học rồi bé mới biết mà thôi”.

Chúng tôi thắc mắc: “Bé mới vào lớp 1, âm nào cô dạy bé mới biết chứ”. Cô L. thanh minh: “Phụ huynh em B. cũng không quan tâm đến việc học của con vì không thấy ký tên vào tập chuẩn bị bài”. Theo lời cô L., lớp 1/7 là lớp tăng cường tiếng Anh, HS dạn dĩ và năng động hơn các lớp thường. Trong đó hơn 2/3 số HS đã học chữ trước khi vào lớp 1.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc giáo viên đánh HS, ông Nguyễn Xuân Bảo - hiệu trưởng Trường tiểu học Bàu Sen - trầm ngâm: “Đây là điều đáng tiếc, nhất là trong bối cảnh chúng tôi đang nỗ lực thực hiện môi trường học thân thiện, HS tích cực. Tôi thường xuyên đi kiểm tra ở các lớp nhưng rất tiếc những ngày vừa qua tôi không phát hiện. Vụ việc này tôi sẽ sinh hoạt và rút kinh nghiệm với giáo viên toàn trường”.

Chiều 15-9, tiếp xúc với anh C.N., phụ huynh một HS Trường tiểu học Hòa Bình, anh thắc mắc: “Báo đã biết chuyện HS lớp 1 bị cô giáo đánh vì viết chậm chưa? Nghe đâu bé HS đó sợ quá, không chịu đi học nữa, phụ huynh phải xin chuyển lớp cho bé...”.

Trao đổi thêm, anh cho biết: “Mấy đứa con lớn của tôi ngày xưa đều học Trường Hòa Bình. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi cũng cho bé Q. vào trường chơi, bé rất thích và mong đến ngày được đi học như anh chị mình. Có ai ngờ mới đi học hơn một tuần, niềm háo hức, hồn nhiên và vui tươi của cô HS lớp 1 biến đâu mất, bé than đau bụng không chịu đi học. Tôi biết là do bé không được đi học chữ trước nên không theo kịp các bạn trong lớp, bé viết không đẹp, không đúng nên hay tẩy xóa...”.

Phải biết đọc - viết tiếng Anh

Cứ tưởng việc viết chính tả sẽ chỉ diễn ra đối với HS lớp 2. Nhưng ở TP.HCM rất nhiều giáo viên đã đọc chính tả cho HS lớp 1 viết ngay từ tuần đầu tiên của năm học 2009-2010.

Một giáo viên giỏi ở Q.9 chia sẻ: “Chỉ những HS đã học chữ trước mới có thể viết chính tả ngay từ đầu năm. Những HS chưa học chữ đương nhiên sẽ không viết được hoặc viết sai, sai kích cỡ, viết không kịp... Tâm lý của trẻ sáu tuổi mới đi học được vài ngày mà gặp phải những yêu cầu quá cao, vượt khả năng bản thân thì sẽ sợ hãi, chán nản. Thêm vào đó, cô giáo còn la mắng hoặc khẻ tay là HS sẽ rất sợ đến trường”.

Trong khi đó, nhiều trường tiểu học ở nội thành cho biết số HS lớp 1 đã học chữ chiếm 50-75% số HS/lớp (thậm chí có lớp chỉ 1-2 em chưa học).

Chị T. - phụ huynh lớp 1A2 Trường tư thục Trương Vĩnh Ký - còn phản ảnh: “Đầu năm học các bé mới chập chững vào lớp 1, tâm hồn cũng như kỹ năng viết như tờ giấy trắng. Vậy mà cô giáo cho viết rồi đọc tiếng Anh những cụm từ như: “take out your book”, “point to the poster”...

Các bạn cùng lớp với con tôi đều viết được và viết rất đẹp. Con tôi chưa học chữ nên viết không kịp cả môn tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Vô tình bé thành trường hợp cá biệt. Vì thế tôi bị cô giáo mắng vốn hoài: “Bé viết chậm, bé không biết viết, hôm nay bé không chịu viết bài, mong phụ huynh về nhà cho bé viết hết bài...”.

Nói rồi chị T. lấy tập của con mình ra cho chúng tôi xem: “Bé viết sai ô li như thế này nhưng cô không hề sửa, chỉ chấm điểm một cách lạnh lùng. Về nhà tôi phải gom lại hết những chữ viết sai, kêu bé tẩy đi rồi viết lại cho đúng. Nhiệm vụ rèn luyện HS viết cho đẹp, cho đúng hình như của phụ huynh chứ không phải giáo viên”.

“Kẽ hở” từ quy định

Một trang tập viết môn tiếng Anh của HS lớp 1A2 Trường tư thục Trương Vĩnh Ký - Ảnh: H.HG.

Theo nhiều giáo viên giỏi ở TP.HCM, việc tăng tốc (dạy nhanh hơn so với khung phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT) môn tiếng Việt lớp 1 chỉ có thể thực hiện ở học kỳ 2 của năm học. Bởi chương trình môn tiếng Việt lớp 1 là cho học sinh học hết âm, vần trong học kỳ 1; học kỳ 2 chỉ ôn tập lại và mở rộng thêm. Nếu tăng tốc ngay từ học kỳ 1, những học sinh chưa học chữ sẽ bị “hẫng”. Chỉ những học sinh học chữ trước mới theo kịp chương trình.

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi ngày 14-9, khung phân phối chương trình của bộ là bài 13 (SGK Tiếng Việt 1 tập 1) thì rất nhiều giáo viên ở Q.3, Q.5, Q.Bình Thạnh, Q.9... đã dạy đến bài 15, 16. Thậm chí có giáo viên còn dạy đến bài 19. Tất cả trường hợp trên đều được xem là “hợp pháp” vì Bộ GD-ĐT đã có công văn chính thức cho phép giáo viên tiểu học tự phân phối chương trình phù hợp với điều kiện lớp học.

Đây có phải là “kẽ hở” để giáo viên “bỏ rơi” những em chưa được học chữ trước?

HOÀNG HƯƠNG

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty