Dưới gầm một cây cầu trên địa bàn quận Bình Thạnh, một nhóm thiếu niên lang thang cầm ná bắn tên sắt nhọn mon men tìm kiếm. Tân, một thành viên trong nhóm, cho biết các em đang “đi săn chuột cống bán cho quán nhậu”.
Cậu bật mí, trước đây 5 thành viên trong nhóm thường ra ngoại thành săn chuột đồng, sau đó làm sẵn, bán lại cho các quán nhậu đặc sản. Vì những cánh đồng ngoại thành giờ đã bị san lấp cất nhà, xây xí nghiệp nên chuột đồng ngày càng hiếm. Thiếu “hàng”, một số quán đã gợi ý thu luôn cả chuột cống với giá 10-15 nghìn đồng một kg, với điều kiện là cấm bép xép chuyện này, nếu không thì họ sẽ ngưng lấy hàng.
Tân hăm hở: “Nhiều lúc trúng chỉ cần năm con lớn, mỗi con gần hai kg là đủ rồi anh ơi”. Tân cho biết, những nơi cậu hay bỏ mối thịt chuột không phải ở các quận vùng ven mà là một số quán nhậu đặc sản nằm ở trung tâm thành phố.
Anh Lâm, từng là “bếp trưởng” của quán nhậu N.H. trên đường Xuyên Á, xác nhận rằng so với chuột đồng thì thịt chuột cống chẳng khác mấy. Trước khi mang ra bán, chuột nguyên liệu đã được “xử lý cơ bản” (lột da, ngâm nước sôi, ướp hương vị...) nên ít thực khách nào đủ tỉnh táo để phân biệt đâu là chuột đồng đâu là chuột cống.
Đồ ăn thừa (ảnh trên, phải) biến thành đĩa mới hấp dẫn (trên, trái). Chuột cống cũng biến thành mồi nhậu
Mang đồ ăn thừa cho khách
Không chỉ biến chuột cống thành chuột đồng, các quán nhậu TPHCM cũng giỏi biến hóa các nguyên liệu cũ, thức ăn thừa thành món ăn cho thực khách.
Tại một quán hải sản ở phố nhậu trên đường bờ kè Nhiêu Lộc, quận 3, khoảng 10h khuya, một nhóm thực khách có vẻ say vào gọi hai đĩa nghêu hấp lá gừng. Sau một hồi loay hoay, người phục vụ bưng ra ngay hai đĩa mà khi kiểm chứng lại toàn... vỏ nghêu là chính. Sò dương nướng mỡ hành chỉ là một cục mỡ heo nướng rồi cho vào vỏ sò đã sử dụng.
Tại quán nhậu A.T. trên đường Tây Thạnh, đêm 10/12, phóng viên cũng vào gọi một đĩa gỏi gà với giá 50.000 đồng cùng năm chai bia. Thấy khách có vẻ say bí tỉ, bà chủ quán cho nhân viên mang ra một đĩa xương... còn dính vài miếng da gà. Thấy khách phản ánh, chủ quán chạy ra dọa rằng nếu quậy sẽ gọi công an phường đến. Khi khách “chứng minh” bằng một cánh gà còn nguyên dấu răng của ai đó để lại trong đĩa gỏi thì bà chủ đành quay đi.
Trong tuần đầu tháng 10, trong vai một người xin việc làm bán thời gian, phóng viên đã có ba ngày phục vụ trong quán nhậu B.A. gần khu công nghiệp Tân Bình. Bà chủ, một người miền Trung mập mạp mà mọi người thường gọi là bà Chín, phân công nhiệm vụ cho "lính mới" là rửa bát và... phân loại thực phẩm thừa.
Sau khi dọn bàn, thức ăn thừa sẽ được mang xuống sàn rửa bát để phân loại. Loại một quăng vào thùng rác, loại hai để bán cho những người thu gom đem về nuôi gia súc, loại ba là những thức ăn thừa chưa dùng đến được mang lại cho nhà bếp tái chế. Nhiều lúc tàn thuốc, tăm xỉa răng được nén đầy trong phần thức ăn còn lại nhưng sau khi lựa ra xong, cho lên bếp thì đồ nhậu vẫn nóng hổi như thường.
Nạn nhân của những quán kiểu này thường là các thực khách vào muộn (khi quán gần đóng cửa) hoặc khách đã quá say. Ba đĩa thức ăn thừa có thể “gộp” lại thành một đĩa mới.
Theo một cán bộ ngành y tế, hiện nay quán nhậu tràn lan dẫn đến mất kiểm soát về vệ sinh. Ngoài một số ít quán, nhà hàng lớn đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, phần lớn những điểm nhậu đều mất vệ sinh nghiêm trọng. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có khá nhiều trường hợp mất mạng sau chầu nhậu nhưng chưa thấy cơ quan chức năng làm rõ và quy trách nhiệm cho hàng quán nào gây ra hậu quả này.
Luật cũng chưa có điều khoản ràng buộc, xử lý rõ ràng đối với những trường hợp đã xác định chủ thể gây ra vụ việc. Do đó, các vụ ngộ độc gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra nhưng vẫn không có người chịu trách nhiệm.
Theo Công an TPHCM/Tin tức online
No comments:
Post a Comment