Phóng sự ảnh Bão gỗ của tác giả Mai Kỳ đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày 5.10 đã gây nên một cơn “chấn động” lớn với bạn đọc SGTT. Thêm một góc nhìn mới về cơn lũ quét lịch sử do hậu quả của bão số 9 với cơn “bão gỗ” chưa có tiền lệ này: cảnh báo sự hiểm nguy đối với môi trường sống của con người, từ rừng xanh ra một đống gỗ như một đống rác. SGTT trích đăng những ý kiến của bạn đọc gởi về sau khi “mục sở thị” những hình ảnh có một không hai này.
Choáng váng bởi chuyện tàn phá và mưu sinh
Hiệu quả thị giác mang lại từ những tấm ảnh này thực sự mạnh khiến người xem choáng váng. Bởi đã bóc trần một mảng tối, cho thấy sự - tàn - phá - câm - lặng của con người còn dữ dội hơn cả quả - báo - từ - thiên - nhiên biết chừng nào. Nhìn vào khung cảnh này, tôi có thể hình dung ra được nơi mà trước kia là những mảng rừng xanh ngút giờ trơ trọi những mảng đất lở lói vì không còn những cội cây đại thụ để níu giữ.
Những mảng rừng mất, đất bạc, đời người thêm bạc. Thành một vòng lẩn quẩn giữa chuyện tàn phá và mưu sinh. Nếu không có bàn tay con người phá bao cánh rừng, thì cũng không thể nào xảy ra cơn bão gỗ cuốn phăng bao nhiêu nóc nhà, rồi con người lại lâm vào cảnh nghèo khổ và tiếp tục phá rừng. Dòng sông giờ như một bãi rác thải của thiên nhiên và của cả con người. Hoang tàn và xơ xác.
Cơn bão gỗ chưa từng xảy ra đã liệu có phải là hồi chuông cảnh báo cuối cùng? Hay rồi cũng rơi vào câm lặng?
Hi Nguyên (Q.10, TP.HCM)
Sức mạnh của hình ảnh
Tôi đã xem phóng sự ảnh Bão gỗ trên SGTT, sau khi truyền hình đưa tin về việc gỗ rừng theo lũ đổ về dày đặc ở cầu Quảng Huế. Quả thật xem từng bức ảnh mới thực sự thấy hết sự kinh hoàng của bão và sự tàn phá môi trường của con người vì những hình ảnh trên báo không lướt qua thật nhanh như trên bản tin thời sự mà dừng lại ở những khoảnh khắc nhức nhối. Đúng là hình ảnh trên báo giấy có khi lại có sức mạnh hơn cả trên báo hình. Nhức nhối và đau lòng! Tôi được biết để có những hình ảnh này, tác giả cũng đã hụt chân xuống hố bùn sâu hơn đầu người, may mà ngoi ngóp bò lên được; còn một thanh niên khác, vì quá mải mê lấy gỗ mà hụt chân vào hố bùn, ngay sau đó thảm gỗ tràn lên, chết thảm.
Hoàng Oanh (Q.3)
Dân vớt gỗ và củi mưu sinh nhưng đây là hành vi phạm pháp!
Xem phóng sự ảnh Bão gỗ trên SGTT ra ngày 5.10, thấy cảnh hàng ngàn người của các xã thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam đổ về vớt gỗ và củi bù lại cho những mất mát của cơn lũ quét, quả thật là đọng lại nhiều thương cảm cũng như chua xót. Nhưng phải nói thẳng rằng, những “chiến lợi phẩm” mà nhiều gia đình phải dùng cưa máy hoặc đi thuê cưa ngoài huyện về xẻ những tấm gỗ lớn tại chỗ ra ồ ạt khuân vác về là hành vi phạm pháp theo luật. Bởi toàn bộ tài sản gỗ này là của nhà nước quản lý, phải được UBND địa phương quản lý, sau một thời gian truy tìm “chủ nhân” thật sự của tài sản này thì người dân mới được vác mang về.
Ngọc Nhi (Q.1, TP.HCM)
No comments:
Post a Comment