TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Friday, October 16, 2009

Hắt hủi nhân tài

TT - Tỉnh Nghệ An đang ban hành chính sách thu hút nhân tài. Một sinh viên, đảng viên trẻ vừa tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội theo tiếng gọi đó háo hức trở về quê nhà xin việc đã bị hắt hủi, không nơi nào nhận. Hàng trăm mail bạn đọc TTO đã bức xúc với sự kiện này.

Bạn Phan Thị Cảnh không còn vui tươi như ngày mới ra trường với tấm bằng loại giỏi - Ảnh: Vũ Toàn

Tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của bạn Phan Thị Cảnh

Kể lại đoạn trường đi xin việc và bị hắt hủi, nơi này đá qua, nơi kia đá lại cùng rất nhiều lời hứa hẹn nửa vời, cô cử nhân kinh tế Phan Thị Cảnh không cầm được nước mắt. Cảnh nói: “Tôi ra trường loại giỏi, mẹ tôi vui mừng lắm. Nhưng mẹ tôi ở quê cứ tưởng tôi đang có việc làm tốt ở thành phố Vinh chứ đâu biết tôi vẫn đang còn chạy vạy xin việc...”.

Người giỏi bị từ chối?

Một người trẻ có chí hướng

Phan Thị Cảnh học giỏi từ cấp tiểu học. Lớp 10 đoạt giải nhì môn văn cấp tỉnh, lớp 12 đoạt giải nhì môn tiếng Pháp cấp tỉnh. Từng làm bí thư đoàn, lớp trưởng năm lớp 9, bí thư đoàn lớp 10, ủy viên BHC Đoàn Trường THPT Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu. Khi đang học lớp 12, Cảnh vinh dự được kết nạp vào Đảng (năm 18 tuổi).

Cuối năm 2008, Phan Thị Cảnh, 23 tuổi - sinh viên khoa thương mại, ngành quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ra trường. Đang loay hoay nghĩ hướng xin việc thì Cảnh nhận được tin tỉnh Nghệ An có chính sách thu hút nhân tài, trong đó có ghi “sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy, loại giỏi, tình nguyện và cam kết về công tác tại Nghệ An từ ba năm trở lên”.

Thông tin này làm Cảnh rất vui sướng. Tốt nghiệp loại giỏi, lại là dân Nghệ An, Cảnh nghĩ chắc có một chỗ cho mình. Cảnh cũng nghĩ đến viễn cảnh sẽ đỡ đần được cho bố mẹ khi có việc làm vì “bố hết đi làm nhân công nhà máy bia đến nông trường cà phê trong Bình Dương; mẹ hằng ngày đạp xe đi chợ bán cá cách nhà 14km kiếm tiền nuôi ba em còn nhỏ”.

Tháng 1-2009, Cảnh từ quê ở xã Quỳnh Phương (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) mang hồ sơ đến nộp tại Sở Nội vụ Nghệ An, xin vào làm việc ở Sở Thông tin - truyền thông. Ông Đậu Đình Dương, cán bộ phòng công chức - viên chức, nhận hồ sơ nói: “Cháu tốt nghiệp loại giỏi, lại là đảng viên thì rất tốt. Cứ yên tâm”.

Cuối tháng 1-2009, Cảnh hồi hộp khi có điện thoại từ Sở Nội vụ gọi. Nhưng họ chỉ thông báo: “Cô xin về Sở Thông tin - truyền thông sợ không phát triển được đâu. Sở Nội vụ sẽ giới thiệu sang Trung tâm Xúc tiến đầu tư (TTXTĐT) thuộc Sở Kế hoạch - đầu tư nhé”.

Tháng 2, theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, Cảnh lại nộp hồ sơ cho ông Thắng - trưởng phòng hành chính tổng hợp TTXTĐT tỉnh. Sau đó Cảnh gặp trực tiếp ông Hoàng Nhật An - giám đốc trung tâm. Ông An hứa: “Sở Nội vụ giới thiệu sang thì bên này đồng ý tiếp nhận. Có gì tôi sẽ báo sau”. Cảnh vui mừng khôn xiết.

Sang tháng 3, Cảnh lại đến TTXTĐT hỏi kết quả thì nhận được thông báo phải thi công chức, nhưng khi xem kỹ thông báo thì cuộc thi công chức đã diễn ra trước đó ba ngày rồi. Cảnh sững người quay về Sở Nội vụ. Ở đây người ta cho biết những trường hợp thuộc diện thu hút nhân tài không phải thi công chức.

Nước mắt tủi thân

Đầu tháng 5, ông Nguyễn Trọng Hùng - trưởng phòng cán bộ công chức, Sở Nội vụ - cho Cảnh biết UBND tỉnh đã đồng ý bổ sung một chỉ tiêu thuộc diện thu hút nhân tài về TTXTĐT. Ông Hùng lại giới thiệu Cảnh sang trung tâm làm thủ tục tiếp nhận. Nhưng tại đây ông An khất: “Cơ quan vừa luân chuyển một đợt cán bộ, người phụ trách nhân sự chuẩn bị đi công tác ở Trung Quốc. Hẹn nhanh nhất vào giữa hoặc cuối tháng 6-2009”.

Đúng ngày 15-6, từ quê Cảnh điện hỏi ông An. Lần này ông An thay đổi ý kiến: “Đã gửi công văn sang Sở Nội vụ rồi. Khi nào bên Sở Nội vụ bổ sung biên chế thì bên này mới nhận được. Không có biên chế lấy gì trả lương”. Cuối tháng 6 rồi đầu tháng 7, Cảnh vào gặp ông Quýnh, phó văn phòng Sở Kế hoạch - đầu tư, hỏi. Ông Quýnh bảo: “Cứ về đi, ít ngày nữa bác trình giám đốc sở. Có quyết định của giám đốc sở mới nhận được chứ”.

Kể đến đây Cảnh ứa nước mắt bởi “mình như quả bóng bị đá qua đá lại mãi, vừa tủi vừa nhục. Hôm nghe Sở Nội vụ nói tỉnh đã bổ sung một chỉ tiêu thì mừng lắm nên đã lỡ báo với cha mẹ là con được đi làm. Bây giờ cả nhà đều tưởng tôi đang đi làm, nào ngờ vẫn long đong”.

Không thể chấp nhận

Trong cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An và Sở Thông tin - truyền thông tổ chức ngày 12-10, các nhà báo đã phản ảnh với ông Trần Văn Hằng - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Nghệ An - về chính sách thu hút nhân tài của tỉnh không hiệu quả và trường hợp sinh viên Phan Thị Cảnh. Ông Hằng thẳng thắn: “Đang công tác ở Hà Nội tôi đọc một số báo cáo của tỉnh phản ánh tình trạng Nghệ An thiếu vắng nhân tài. Nay về lại nghe dư luận một số người đi xin việc phải mất không dưới 100 triệu đồng. Không thể chấp nhận có việc như thế”.

Ông Hằng cũng cho rằng khoản trợ cấp 40 triệu đồng đối với giáo sư, 30 triệu đồng đối với phó giáo sư, tiến sĩ, 20 triệu đồng với thạc sĩ và 15 triệu đồng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi (chính sách thu hút nhân tài của tỉnh Nghệ An ban hành năm 2007) là chưa thỏa đáng, cần bàn lại để tăng thêm.

VŨ TOÀN - TUỆ MINH

Chuyện thường ngày: Người tài... lãng tai

TT - Ở tỉnh nọ có chương trình thu hút nhân tài...

- Tưởng gì. Chương trình đó nhiều tỉnh thành có lắm ông ơi! Vì nhân tài như lá mùa thu nên tỉnh nào cũng ra sức thu hút để phát triển tỉnh nhà. Ông định ứng cử hả?

- Có ứng cử cũng chưa chắc được...

- Chỉ sợ ông không đủ chuẩn, chớ đủ chuẩn lo gì mà không được trọng dụng.

- Rành rành ra đó: một cô sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, là đảng viên trẻ, nghe tin tỉnh nhà có chương trình thu hút nhân tài, cô tung tăng về quê, nghĩ rằng mình sẽ được trọng dụng. Thế nhưng đã suốt một năm nay cô chạy tới chạy lui rạc cả giò, gõ cửa nơi này nơi nọ, chạy bở hơi tai nhưng không đâu chịu nhận!

- Chắc tỉnh đó có người tài hơn?

- Không hẳn. Vì những chỗ cô ấy gõ cửa, người ta không nhận cô nhưng vui vẻ nhận người khác, năng lực chỉ mức tầm tầm...

- Đã vậy thì bỏ quách đi, đi tìm nơi khác, bao nhiêu là tỉnh có chương trình thu hút nhân tài chứ đâu riêng tỉnh này.

- Cô ấy làm gì còn niềm tin vào chuyện “thu hút nhân tài” nữa. Mà chưa chắc ở tỉnh khác sẽ không có câu chuyện nhân tài bị ruồng rẫy, hắt hủi!

- Chà... Tui nghĩ ở những nơi nói một đằng làm một nẻo như vậy không chóng thì chầy chủ trương “thu hút nhân tài” đẹp đẽ trở thành “câu chuyện người tài lãng tai”.

BÚT BI

Ý kiến bạn đọc:

Về quê hương, "bằng đại học thua bằng ....trung cấp"?

* Tôi không khỏi bức xúc trước câu chuyện này. Liệu nó có phải là "động tác giả" về chính sách thu hút nhân tài? Việc khất hết lần này đến lượt nọ cho ta thấy sự thiếu hiệu quả trong bộ máy hành chính. Phải chăng có những người sợ nhân tài thực sự tài giỏi hơn họ nên không dám nhận? Hay họ đang "giữ chỗ" cho con em họ?

Đừng làm theo kiểu "đánh trống bỏ dùi"! Đã đến lúc chúng ta phải thống nhất giữa nói và làm. Vì nếu không thống nhất việc nói và làm sẽ gây mất lòng tin cho người khác.

PHẠM VĂN TRỌNG

* Tôi cũng từng rơi vào tình thế như em Cảnh, nhưng em "may" hơn tôi là còn có người trả lời. Năm 2000, ở một tỉnh, người ta bảo thẳng với tôi là thời bây giờ không cần bằng tốt nghiệp loại gì mà cần phải có tiền.

Tôi là con trai duy nhất trong nhà, bố mẹ lại lớn tuổi mà phải chạy sang tỉnh khác chen chân vào đi học lớp Đào tạo giáo viên giáo dục Quốc phòng mới được vào ngành sư phạm, còn cái bằng sư phạm tiếng Anh của tôi, mãi ba năm sau, nhờ có dịp xét tuyển công chức tôi mới quay trở về ngành được đào tạo.

Hiện tại, bố mẹ già yếu, tôi muốn xin chuyển về quê để chăm sóc bố mẹ thì được "ngã giá" 80 -100 triệu đồng. Là giáo viên lương chưa đủ nuôi con, tôi lấy đâu ra số tiền đó để trở về quê làm tròn đạo hiếu với bố mẹ?

TIẾN

* Nhân đây mình cũng muốn chia sẻ với các nhà báo rằng: điểm qua các chính sách thu hút nguồn nhân lực hiện nay ở các tỉnh, nếu đánh giá hiệu quả dự án theo tiêu chí "số lượng nhân tài về phục ở các tỉnh từ khi có dự án đến nay được bao nhiêu?", các bạn sẽ dễ dàng nhận ra dự án này hiệu quả hay không...

NGUYỄN TOÀN VẸN

* Tôi rất hâm mộ lòng nhiệt huyết, suy nghĩ đóng góp vì quê hương của chị Cảnh! Chị ra trường, đạt loại giỏi của một trường ĐH thuộc top đầu của Việt Nam thì tôi nghĩ có rất nhiều công ty "trải thảm đỏ" mời chứ không phải vất vả xin việc như vậy. Nhưng đây cũng là chuyện tồn tại rất nhiều tại các địa phương.

Bạn bè của tôi thường đùa nhau: "Về quê thì bằng ĐH thua bằng trung cấp". Tôi không hiểu chính sách thu hút nhân tài của các địa phương là như thế nào. Chẳng lẽ cứ để chất xám của thế hệ trẻ như chúng tôi cứ "chảy máu" hoài sao?

jack.cda...@yahoo.com

* Tôi thực sự chia sẻ với bạn Cảnh. Tôi cũng từng có hoàn cảnh gần giống bạn, chỉ khác là tỉnh và tốt nghiệp ĐH Quốc gia với tấm bằng khá. Đến nay, khi đã ra trường được 6 năm, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ lại chặng đường chạy xe một mình 35-40km từ nhà xuống trung tâm thành phố để đi gõ cửa khắp các sở ban ngành.

Đi đến đâu, người ta cũng nói "Hồ sơ cháu tốt, cháu tự tin"... và hẹn trả lời làm tôi vui và thấy an ủi vô cùng. Về nhà nằm chờ dài cổ mà không thấy tín hiệu gì, tôi lại lật đật chạy xuống gặp gỡ, chờ đợi... và nhận câu trả lời "không nhận, chỉ ưu tiên cho con em trong ngành"... đủ thứ lý do... Cả năm trời, tôi chạy đi chạy lại hết sở này đến ban kia vẫn không kết quả.

Thực tế thì có người đến tận nhà tôi nói rằng chuẩn bị tiền khoảng 80 triệu đồng sẽ xin cho tôi vào giảng dạy ở một trường trung cấp; có người nói đưa 30 triệu xin vào một cơ sở dạy nghề; rồi 3.000 USD làm trong một trường cao đẳng... Ba mẹ tôi là công chức sinh sống ở nông thôn, có tiền cho con cái ăn học là cả một sự nỗ lực nói gì đến tích lũy cả trăm triệu đồng trong nhà, hơn thế nữa trong suy nghĩ tôi không khuất phục.

Hai năm trời lận đận ở quê nhà mà không có việc làm, tôi vào tận Sài Gòn lập nghiệp. Chỉ một tuần sau tôi đã được vào làm một đơn vị thuộc sở LĐ-TB&XH TP.HCM, và hiện giờ tôi đang công tác tại một trường đại học ở ngay Q.1. Tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại nhưng mỗi lần về thăm quê nhà, tôi thấy nhói đau trong lòng. Tôi sinh ra từ quê hương, trở về quê xin việc mà cuối cùng không được quê nhà đón nhận...

misshang...@gmail.com

* Tình huống Cảnh gặp phải cũng giống tôi trước đây. Là một sinh viên tốt nghiệp loại ưu ngành tiếng Hán trường ĐH Hồng Bàng TP.HCM (tháng 12-2008), tôi ngỡ ra trường sẽ tìm được một việc làm tốt, ai ngờ...

Loay hoay mãi ở TP.HCM vẫn không tìm được việc làm ưng ý, tháng 9-2009, nhận được tin của gia đình gọi về quê nộp hồ sơ gấp cho vị trí phiên dịch tiếng Hoa ở Công ty TNHH một thành viên xi măng ở tỉnh nhà, tôi hăm hở khăn gói cấp tốc đón tàu về quê. Cần nói thêm là thông tin tuyển vị trí phiên dịch tiếng Hoa và các vị trí liên quan ở công ty xi măng này đã được nhân viên phòng nhân sự của công ty thông báo bằng đoạn phim video trên đài truyền hình tỉnh để chứng tỏ công ty đang rất cần nhân sự.

Nhưng khi về quê nộp hồ sơ, tôi gặp phải điệp khúc "chờ và hẹn"... như bạn Cảnh. Một số bạn bè tôi đã tốt nghiệp và về tỉnh làm việc nói với tôi: muốn về quê làm việc, điều đầu tiên nên biết là phải bỏ tiền mua "ghế". Quá bất mãn, tôi quay lại TP.HCM và hiện nay vẫn đi tìm việc.

Nói thật với bạn Cảnh, không chỉ tỉnh Nghệ An của bạn có chính sách đối đãi nhân tài mà ngay cả tỉnh của tôi cũng đưa ra rất nhiều chính sách thu hút đầu tư và nhân tài. Sắp đến, tỉnh tôi sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, hội nghị sẽ tiến hành kêu gọi đầu tư, làm lễ khởi công và khánh thành đưa vào sử dụng nhiều nhá máy.

Nhà máy, xí nghiệp sẽ hoạt động, nhưng với chính sách đối đãi nhân tài thế này, chắc tôi và các bạn học không ai dám về làm việc. Qua đây, tôi hy vọng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, lãnh đạo tỉnh tôi sẽ bàn đến chính sách kêu gọi và đối xử nhân tài, có như thế những người luôn hướng về quê hương mới dám quay về quê tìm việc. Chúc bạn Cảnh sớm có công việc ổn định!

wuchengcai...@gmail.com

* Tôi đọc báo và rất thông cảm với trường hợp của em Cảnh. Tôi làm tại một doanh nghiệp về thương mại và tư vấn thương mại ở TP.HCM, nếu Cảnh mong muốn tìm việc phù hợp và nhiều thách thức với bản thân ở TP.HCM, có thể liên hệ với tôi theo địa chỉ southwestconsult@vnn.vn, tôi nghĩ tôi có thể có những lời khuyên hoặc cơ hội phù hợp với Cảnh.

LÊ VIỆT NGA


No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty