TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Sunday, October 11, 2009

Hồ thủy điện không cắt lũ

Thứ Sáu, 09/10/2009, 08:36 (GMT+7)

TT - Trước những thông tin các hồ thủy điện góp phần gây lũ lớn vừa qua, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thành lập đoàn kiểm tra toàn bộ tình hình. Chính những quyết định xả lũ không đúng thời điểm đã khiến người dân ở các vùng hạ lưu phải gánh chịu nhiều hậu quả từ lũ.

Video clip: Thủy điện Bình Điền tê liệt chức năng giảm lũ

Công nhân sửa chữa ở cửa xả hồ thủy điện Bình Điền ngày 6-10 - Ảnh: THÁI LỘC

Bắt đầu từ hôm nay (9-10), đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT sẽ kiểm tra các hồ thủy điện tại Thừa Thiên - Huế sau khi có thông tin nghi vấn các hồ thủy điện ở miền Trung góp phần gây lũ lớn.

Trước đó, Công ty cổ phần thủy điện Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) thừa nhận phải mở cả năm cửa đập để xả lũ xuống sông Hương.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy chính những quyết định xả lũ không đúng thời điểm của các hồ thủy điện đã khiến người dân ở các vùng hạ lưu phải gánh chịu hậu quả khôn lường từ lũ.

Sơ đồ vị trí Nhà máy thủy điện Bình Điền - Đồ họa: Như Khanh

Thủy điện A Vương không có nhiệm vụ cắt lũ?

Nằm trên địa bàn xã Mà Cooi, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, Nhà máy thủy điện A Vương (công suất 210MW) là một trong những nghi vấn về nguyên nhân làm lũ trầm trọng thêm ở vùng hạ lưu trong đợt bão lũ vừa qua.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lê - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy điện A Vương (AVC) - cho biết: “Công tác vận hành hồ chứa thủy điện A Vương phải đảm bảo các ưu tiên thứ tự như sau: đảm bảo tuyệt đối cho công trình đầu mối của Nhà máy thủy điện A Vương, cung cấp điện lên lưới quốc gia phục vụ kinh tế - xã hội. Điều này chứng tỏ ngay trong quy trình vận hành xả lũ mà Bộ Công thương ban hành trước đó không hề giao nhiệm vụ cắt lũ đối với hạ lưu”.

Nhà máy thủy điện A Vương đang tiến hành xả lũ - Ảnh: T.Hoài

Theo báo cáo của AVC gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, ngày 29-9 do lưu lượng nước về hồ quá lớn (từ 2.500-3.000m3/giây) và có khả năng vượt cao trình 380m, AVC đã có công văn gửi tỉnh Quảng Nam xin xả lũ khẩn cấp (thời gian xả lũ từ 13g-17g ngày 29-9 với lượng nước xả 14 triệu m3). Nhưng thực tế tổng lượng nước AVC xả về hạ lưu tính từ 15g ngày 29-9 đến 7g ngày 1-10 là 149,3 triệu m3 nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến mực nước ở hạ lưu tăng vọt, nhấn chìm hàng chục ngàn ngôi nhà các vùng Đại Lộc, Hội An.

Ông Đinh Văn Thu, phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, cho biết ông chưa nhận được báo cáo của AVC gửi tỉnh về việc vận hành và xả tràn thủy điện A Vương. Mặc dù vậy, ông Thu khẳng định: “Nói thủy điện A Vương không có nhiệm vụ cắt lũ là không đúng. Cho dù quy trình xả lũ AVC thực hiện đúng như Bộ Công thương ban hành, nhưng thời gian và thời điểm xả lũ không hợp lý vì nó liên quan đến hạ lưu. Nếu nước sông hạ lưu đang ở báo động 1 hoặc dưới báo động 2 thì không sao, nhưng thời điểm AVC xin xả lũ là khi mực nước ở các sông vùng hạ lưu Quảng Nam đều đang ngấp nghé dưới báo động 3. Vì vậy, khi nước từ thượng nguồn A Vương ồ ạt đổ về đã khiến hạ lưu bị nhấn chìm”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Minh Ánh cho rằng cần có một quy trình xả lũ và sự quản lý điều hành chặt chẽ, khoa học đối với các hồ chứa nước nhà máy thủy điện nơi đầu nguồn, nếu không sẽ rất nguy hiểm. Riêng việc xả lũ vừa qua của thủy điện A Vương, ông Ánh đề nghị cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thủy điện Bình Điền: tê liệt chức năng giảm lũ

Sau khi bão số 9 đi qua, cuối buổi chiều 29-9 nước sông Hương (Thừa Thiên - Huế) dâng cao và đến tối nước lũ đỏ ngầu, ngập hết các đường phố trung tâm TP Huế, vùng Thành nội và các vùng hạ du sông Hương như các huyện Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà. Đến 20g ngày 29-9, nước sông Hương đã lên đỉnh lũ 4,57m (trên báo động 3 là 1,57m) tại vị trí của trạm thủy văn Kim Long. Nước lên rất nhanh khiến nhiều người bất ngờ trở tay không kịp.

Lý giải việc nước dâng đột ngột, ông Phan Thanh Hùng, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều Thừa Thiên - Huế, cho rằng nước dâng do nhiều nguyên nhân như gió lớn, thủy triều, mưa to trước, trong và sau lũ... Một nguyên nhân khác mà ông Hùng cho biết là việc hồ Bình Điền ở đầu nguồn sông Hương đã xả tràn tối đa với năm cửa xả lũ.

Theo biểu đồ theo dõi lượng mưa và mực nước do Chi cục Phòng chống lụt bão và bảo vệ đê điều cung cấp, hồ Bình Điền bắt đầu tràn lúc 1g ngày 29-9. Đến 12g cùng ngày, mức tràn là 4,58m và cao điểm nhất là lúc 1g ngày 30-9 với cột nước dày 7,55m trong cả năm cửa đổ ào ạt xuống đồng bằng. Điều này đồng nghĩa với việc đập thủy điện này không chặn được một giọt nước lũ nào cho vùng hạ du sông Hương như giao ước ban đầu lúc đặt thủy điện ở đây.

Việc thủy điện A Vương xả lũ khẩn cấp đúng thời điểm nước trên các sông dâng cao đã khiến rất nhiều hộ dân ở Đại Lộc không kịp di chuyển tài sản lên cao để tránh lũ. Ảnh chụp tại Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam - Ảnh: Đ.Nam

Ông Đinh Hữu Tấn, tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Bình Điền, thừa nhận sự việc trên và cho biết hồ xả tràn tối đa để bảo vệ đập, bảo vệ an toàn cho vùng hạ du. Ông Tấn cho biết nguyên nhân chính là do trước đó hai trong số năm cửa đập bị sự cố không nhấc lên được nên phải mở toang cả năm cửa và hoàn toàn không điều tiết được nước lũ khi nước tràn qua đập.

Một điều ngạc nhiên là Nhà máy thủy điện Bình Điền cũng bị ngập. Ông Võ Phi Công, trưởng phòng kỹ thuật của công ty, cho biết khoảng 13g ngày 29-9, điện cúp nên hệ thống bơm tiêu nước không hoạt động. Nước ở chân đập lên rất nhanh đạt đến mức 24,5m, trong khi cao trình nhà máy này chỉ là 21m. Điều đó khiến nước lũ tràn ngập cả nhà máy, nhấn chìm nhiều hệ thống máy móc, làm hai tổ máy phát điện phải ngưng hoạt động và hư hỏng nặng. Nước lũ xói vào gây đổ cột xuất tuyến (xuất điện từ nhà máy ra ngoài), gây sạt lở nhiều taluy, tường chắn quanh khu vực nhà máy.

Hiện nhà máy bị tê liệt hoàn toàn, đang phải sửa chữa, dự kiến mất hai tháng mới có thể đưa được một tổ máy hoạt động trở lại.

Điều nguy hại hơn, với việc đình trệ sản xuất trong hai tháng tới, đồng nghĩa với việc không rút dần nước 72m3/giây từ lòng hồ thì nước sẽ luôn ở mức qua tràn. Như thế chỉ cần xảy ra mưa lớn ở đầu nguồn, TP Huế và vùng hạ du sông Hương có khả năng phải gánh chịu những trận lụt tiếp theo.

ĐĂNG NAM - THÁI LỘC

Bão số 10 hướng về đảo Hải Nam

* Lũ đầu nguồn ĐBSCL đang lên

Đêm 8-10, hầu hết trang dự báo trong nước và quốc tế đều nhận định sau khi ra khỏi đảo Luzon (Philippines) vào biển Đông, bão số 10 sẽ tiến về đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Theo bản tin phát lúc 21g30 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, bão số 10 vẫn còn hoạt động trên khu vực đảo Luzon. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Dự báo hôm nay (9-10), bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 5-10km và quay trở lại biển Đông.

Đến tối cùng ngày, bão còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 790km về phía đông đông bắc, cường độ gió gần tâm bão còn mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Sau đó, bão số 10 di chuyển hơi lệch về hướng tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến đêm 11-10, nhiều khả năng bão số 10 mạnh thêm chút ít và hoạt động cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía đông bắc.

Theo ông Bùi Minh Tăng - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, nếu vẫn giữ nguyên hướng đi, trong ba ngày tới bão số 10 sẽ đổ bộ lên đảo Hải Nam. Nhưng không loại trừ khả năng bão số 10 sẽ đổi hướng tiến vào khu vực Bắc Trung bộ của VN hoặc sẽ “chết” trên biển.

* Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hiện mực nước tại Tân Châu là 3,97m, tại Châu Đốc là 3,35m. Trong vài ngày tới, mực nước tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,2m, Châu Đốc là 3,6m (tương đương mức báo động 3). Không chỉ lũ trên sông mà mực nước trong nội đồng khu vực đầu nguồn cũng lên xấp xỉ mức báo động 3.

QUANG KHẢI

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

* Việc xả lũ của các hồ chứa thuỷ điện là hoàn toàn đúng theo nguyên tắc vận hành qui định. Nhưng xả như thế nào, thời điểm nào là thích hợp, tai sao các "ngài" quản lý thuỷ điện không biết được lượng mưa đầu nguồn qua đài khí tượng thuỷ văn sao mà để đến khi hạ lưu đạt đỉnh lũ cao nhất thì bắt đầu xả lũ? Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, truy cứu trách nhiệm nếu có.

Ho Thanh Phuong

* Theo tôi biết, những công trình thuỷ điện, thuỷ lợi thường có hoạt động xả nước để đón lũ. Nếu việc này chưa thành qui định bắt buộc về mặt pháp qui, Chính phủ cần buộc các Bộ liên quan phải xem xét và bổ sung vào qui trình vận hành của các cơ sở này. Các UBND tỉnh có quyền đình chỉ hoạt động của các cơ sở trên, nếu chứng minh được nó gây nguy hại cho môi trường, tài nguyên, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân. Bằng chứng thì đã có. Chính quyền địa phương cần mạnh tay đối với những hành động tìm kiếm lợi nhuận bất chấp lợi ích cộng đồng như thế này.

Đỗ Thanh Thảo

* Bão số 9 đã được cảnh báo từ trước 4 ngày là một cơn bão mạnh và gây mưa lớn, kèm theo khuyến cáo là nên tiến hành xả trước một khối lượng lớn nước ở các hồ đập thuỷ lợi và thủy điện để tránh lụt lớn khi bão đến. Nhưng dường như một số các hồ thuỷ điên ở miền Trung đã không tiến hành xả nước chống lũ.

Đúng là nên có một quy trình xả lũ được điều hành chặt chẽ đồng bộ từ thượng nguồn hồ thủy điện, xuống tới hạ lưu, phải có bộ phận giám sát chặt chẽ, với nhân viên túc trực kiểm soát mực nước ở hạ lưu nhằm tránh gây thiệt hại cho dân như vừa qua.

Nguyễn Quý

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty