Dù rất lạ tai nhưng có thể nói về một Trung Quốc hiện đại như thế này: dường như họ là những người đứng trên đỉnh nhưng lại thiếu ý tưởng.
Một trong những thống kê gây sốc nhất về nền kinh tế Trung Quốc là, xét trên tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người, Trung Quốc vẫn không lọt nổi vào top 100. (Ảnh: welt) |
Khi Trung Quốc duyệt binh hoành tráng ngày 1/10 để kỷ niệm ngày Quốc khánh lần thứ 60 , rõ ràng là đất nước này đã vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu với uy tín ngày một tăng mạnh.
Đó không chỉ là sức bật mạnh mẽ về kinh tế. Trung Quốc đang ngày càng trở nên có ảnh hưởng và tự tin ở nước ngoài. Họ giờ đây kiến tạo sự kiện hơn là đối phó với sự kiện một cách miễn cưỡng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào thậm chí còn gây ấn tượng mạnh ở hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu của Liên hợp quốc với lời cam kết sẽ cắt giảm khí thải các bon. Hai năm trước, các nhóm môi trường đã từng hoảng sợ trước nhu cầu năng lượng khổng lồ của Trung Quốc, giờ thì họ lại coi Trung Quốc là tấm gương cho những nước khác.
Giữa tất cả những lời ca ngợi và cả lo lắng về tốc độ phát triển của Trung Quốc, đây là thời điểm tốt để chỉ ra những lý do tại sao Trung Quốc sẽ chưa thể thống trị thế giới trong thời gian tới. Thậm chí cả những người ủng hộ “thế kỷ Trung Quốc” cũng không nghĩ rằng nó sẽ đến trong vài năm tới. Chính các quan chức Trung Quốc cũng đã từng nói điều tương tự, nhất là khi họ được đề nghị dùng một phần trong số lượng tiền dự trữ của họ cho các dự án quốc tế có giá trị.
Với tất cả sự giàu có thành thị của Bắc Kinh và Thượng Hải, với những trung tâm mua sắm xa xỉ và việc khai trương những gallery ngập trong sâm panh, người ta sẽ rất dễ quên những người nghèo ở Trung Quốc đang sống như thế nào. Một trong những thống kê gây sốc nhất về nền kinh tế Trung Quốc là, xét trên tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người, Trung Quốc vẫn không lọt nổi vào top 100 nước. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Trung Quốc xếp sau cả Cape Verde và Armenia trong năm 2008, và chỉ đứng trước Iraq và Cộng hòa Congo. Bất chất chính sách giảm nghèo đã có thành công, cuộc sống hàng ngày của phần lớn các gia đình Trung Quốc vẫn là một cuộc đấu tranh sinh tồn.
Cuộc khủng hoảng cũng mang đến cho Trung Quốc, với lượng dự trữ ngoại hối lên đến hơn 2.000 tỷ USD, một bài học về những thực tế khắc nghiệt của một cường quốc kinh tế. Nhiều quốc gia đang phát triển đã xây dựng một cột chống ngoại hối để bảo vệ mình trước những cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, sức mạnh thực sự không nằm ở những đất nước có nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất mà ở những chính phủ có thể dễ dàng đi vay bằng chính đồng tiền của mình. Rút cục, Mỹ đang vay nợ từ ai? Trung Quốc.
Bắc Kinh đã chuyển từ sự tức giận đối với Mỹ và những đặc quyền của đồng đô la sang việc thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế khác với lời đề xuất của thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc về việc dần thay thế đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Nhưng trước khi đồng nhân dân tệ có thể đóng một vai trò quốc tế lớn hơn, nó cần phải trở thành một đồng tiền dễ chuyển đổi trước đã và Trung Quốc cần một thị trường trái phiếu nội địa mạnh. Hai cuộc cải cách này sẽ phải được trả lời bằng lượng thời gian của nhiều thập kỷ chứ không phải bằng năm.
Rồi còn phải tính đến hệ thống chính trị. Năm nay là một năm mang tính cảnh báo với các tập đoàn đa quốc gia đang làm ăn ở Trung Quốc. Những ông chủ của Rio Tinto cho rằng tập đoàn này đang tiến hành một vòng đàm phán khó khăn với ngành công nghiệp thép Trung Quốc về giá quặng sắt, thì cho đến một ngày tháng 7, họ thấy rằng bốn trong số những giám đốc Trung Quốc của họ đã bị bắt vì tội ăn cắp bí mật quốc gia. Việc tội danh này sau đó được giảm nhẹ xuống thành hối lộ và ăn cắp thông tin cũng không thể làm thay đổi quan điểm của họ về hệ thống tư pháp Trung Quốc.
Cuộc bạo động Tân Cương mùa hè vừa rồi lại là một lời cảnh báo quan trọng khác. Điều này cho thấy phần lớn những cư dân địa phương ở vùng biên giới phía Tây Trung Quốc không cảm thấy được lợi gì từ sự năng động về kinh tế của đất nước hay từ những dự án quốc gia lớn. Trong phiên họp toàn thể mới đây của đảng, chủ đề chính là làm sao để thích ứng với những thách thức hay là “xây dựng đảng” như cách Trung Quốc gọi.
Nếu biết những mục đích và kế hoạch của Trung Quốc hay nhìn vào những công trường xây dựng bận rộn và những thoả thuận năng lượng trị giá hàng tỷ đô la diễn ra hàng tuần ở những nơi xa xôi trên thế giới, dù rất lạ tai nhưng chúng ta có thể thấy một Trung Quốc hiện đại như thế này: dường như họ là những người đứng trên đỉnh nhưng lại thiếu ý tưởng.
Quả là hấp dẫn khi vẽ biểu đồ tăng trưởng GDP của Trung Quốc, tăng 9% mỗi năm mà không có sụt giảm. Tốt hơn là hãy chờ đợi những cú va lớn trên con đường tiến tới “thế kỷ Trung Quốc”.
- Hạnh Khuê (theo FT)
No comments:
Post a Comment