TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Tuesday, October 20, 2009

ĐBSCL: Ngập chìm trong trấu


TP - Ở ĐBSCL mỗi năm có gần bốn triệu tấn trấu từ việc xay xát lúa gạo, phần lớn được đổ ra sông, rạch, đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.


Đổ trấu ra sông - Ảnh: Ngọc Huyền

Khổ với trấu
Trên bờ sông Ô Môn, con sông bắt nguồn từ sông Hậu chảy qua địa phận quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và Thới Lai (TP Cần Thơ) có rất nhiều nhà máy xay lúa lớn nhỏ. Đi theo con sông này, thỉnh thoảng lại thấy từng mảng trấu lớn nhỏ trôi dập dờn vàng mặt sông.

Thạc sĩ Văn Minh Nhựt ở khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ tính toán, mỗi năm ĐBSCL sản xuất khoảng 18 triệu tấn lúa.
Tỷ trọng trấu 15 - 20 phần trăm, ước tính mỗi năm các nhà máy thải ra gần bốn triệu tấn trấu. Cũng có lúa được chở đi nơi khác xay xát nhưng không nhiều.
Rẽ vào kênh Thị Đội, nước sông đục ngầu, có chỗ đen ngòm và khai nồng vì những đụn trấu đang phân hủy. Bà Nguyễn Thị Bé ở thị trấn Thới Lai xởi lởi:
“Cuối vụ còn thở được, khoảng hai ba tháng trước, vào cao điểm thì trấu ngập mặt sông, thối không chịu nổi”.
Bà Bé cho biết, trước đây con rạch này là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của dân thị trấn và các xã Trường Xuân, Thới Thạnh lân cận. Nhiều năm nay không ai còn dám dùng nước rạch nữa. Con nít tắm bị ghẻ lở đầy mình. Nhiều hộ dân hai bên bị bệnh đường hô hấp vì thường xuyên ngửi mùi trấu phân hủy. 
Theo các hộ dân, trấu của các nhà máy xay xát ở Thới Lai trước đây bán cho lò gạch và lò đường thủ công trong vùng. Mấy năm nay, lò gạch và lò đường thủ công dẹp bỏ nên trấu tràn ra sông.
Một số nhà máy xay lúa lớn, thuê người gánh trấu đổ xuống kênh với giá 30.000 - 50.000 đồng/tấn vào ban đêm. Các cơ sở xay lúa nhỏ, bắt vòi phun trấu trực tiếp ra sông.
Ông Nguyễn Văn Quốc, chủ một nhà máy xay lúa tại thị trấn Thới Lai cho biết, các ghe trọng tải 40 - 50 tấn, phải thuê bạc triệu mới chịu chở trấu đi đổ.
Ông Huỳnh Minh Hiếu, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Thới Lai, cho biết trên địa bàn huyện hiện có 15 nhà máy xay lúa. Chính quyền thường xuyên nhận được đơn của dân về tình trạng đổ trấu xuống sông, đã kiểm tra xử phạt nhiều lần các nhà máy xay lúa nhưng không hiệu quả.
Trấu còn tồn đọng tại các nhà máy xay lúa quá lớn, các nhà kho chứa trấu đều đã đầy cứng nên các nhà máy bị phạt vẫn lén lút hoặc công khai đổ trấu xuống sông.
“Doanh nghiệp cũng kêu khổ như dân, không biết làm gì với trấu. Chính quyền huyện cũng đau đầu lắm”, ông Hiếu nói.
Thống kê của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, mỗi năm các nhà máy xay xát ở thành phố thải ra 240.000 tấn trấu. Phần lớn được đổ xuống sông, rạch nên danh sách các sông, rạch ô nhiễm trầm trọng do trấu ngày một dài ra. Ví dụ như kênh Thị Đội, kênh Đứng, kênh Ngang ở huyện Cờ Đỏ, rạch Bò Ót ở quận Thốt Nốt... Sông Hậu cũng là nơi đổ trấu thường xuyên.
Nguồn tài nguyên to lớn
Trước đây, một số nhà máy sử dụng nồi hơi có tính đến việc sử dụng trấu làm nhiên liệu thay thế diesel. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao nên sớm chết yểu.
Thạc sĩ Văn Minh Nhựt ở khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ phân tích: “Trấu nguyên liệu giá rẻ, nhiều lúc cho không nhưng chi phí vận chuyển, kho chứa, xử lý môi trường… khiến tổng chi phí nhiều lúc cao hơn đốt diesel”.
Năm 2008, máy ép củi trấu được một nông dân ở Tiền Giang sáng chế và khoa Công nghệ Trường Đại học Cần Thơ cải tiến nâng cao tính năng để sản xuất đại trà hứa hẹn sẽ là một giải pháp cho trấu thừa.
Khoa đã chuyển giao được 10 máy ở các tỉnh ĐBSCL. Hiện ở TP Cần Thơ có sáu cơ sở sản xuất củi trấu, ở Tiền Giang và Hậu Giang mỗi tỉnh có một cơ sở sử dụng loại máy này.
Trung bình một máy ép củi trấu có công suất hai tấn/ngày, nếu toàn bộ máy của các cơ sở chạy hết công suất thì mỗi năm tiêu thụ hơn 7.000 tấn trấu, chẳng thấm tháp gì so với lượng trấu thải ra. Củi trấu cũng khó sử dụng rộng rãi nên tiêu thụ chậm.
Năm 2007, nhà máy đồng phát nhiệt điện đốt trấu Đình Hải được khởi công xây dựng tại khu công nghiệp Trà Nóc 1 (Cần Thơ) vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2009.
Hiện nay nhà máy đang trong quá trình hoàn thiện. Ông Trương Đình Hải, chủ dự án nhà máy cho biết: Nhà máy vận hành hết công suất cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 300.000 tấn trấu mỗi năm.
Ông Trương Đình Hải đang xin chủ trương đầu tư nhà máy đồng phát nhiệt điện Đình Hải II tại khu công nghiệp Thốt Nốt (Cần Thơ). Bên cạnh đó, nhà máy nhiệt điện đốt trấu Nguyễn Chí tại khu công nghiệp Trà Nóc 2 cũng đang xin chủ trương.
Tại Đồng Tháp, nhà máy phát điện bằng trấu tại huyện Lấp Vò dự tính đưa vào sử dụng tháng 5/2009 đến nay chưa hoàn thành. Một nhà máy khác tại thị xã Cao Lãnh do Tập đoàn điện lực Hàn Quốc khảo sát và ký ghi nhớ đầu tư vào năm 2008 nhưng nay chưa thành hình.
Tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt trấu nói trên nếu hoạt động hết công suất, tiêu thụ được khoảng một nửa lượng trấu của ĐBSCL.
  Kiến Giang

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty