* Tuổi Trẻ tiếp tục đề xuất chọn một ngày làm Ngày biển và hải đảo VN
TT - Ngày 23-10, 300 đại biểu đến từ 19 tỉnh thành
phía Nam đã sôi nổi trao đổi kinh nghiệm tại hội nghị “Tuyên truyền
biển đảo và phân giới cắm mốc quý 4-2009” do Ban Tuyên giáo trung ương
tổ chức tại TP.HCM. Tất cả đại biểu đều thống nhất ý kiến: giới trẻ
hiện nay rất coi trọng và quan tâm đến vấn đề biển đảo.
Ông Phạm Văn Linh, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung
ương, nhận định: “Chúng tôi cho rằng ý thức quan tâm về biển đảo luôn
được thanh niên VN coi trọng. Bằng chứng là có sự tham gia của rất đông
thanh niên ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong các hoạt động kinh tế biển,
bảo vệ tài nguyên môi trường biển, về cứu hộ cứu nạn”.
Trước đó, ngày 21-10 tại Nha Trang đã diễn ra hội nghị
cùng chủ đề này dành cho các tỉnh khu vực miền Trung - Tây nguyên. Tại
hội nghị này, báo Tuổi Trẻ đã có những đề xuất cho công tác tuyên truyền biển đảo thời gian tới.
Trong đó, báo Tuổi Trẻ đề nghị Ban Tuyên giáo
trung ương tăng cường công tác chỉ đạo việc thông tin tuyên truyền về
biển đảo và phân giới cắm mốc nhiều hơn nữa, xác định cụ thể nội dung
cần tập trung tuyên truyền để các địa phương và các cơ quan truyền
thông chủ động hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, tăng cường
soạn thảo tài liệu tuyên truyền chính thống để phổ biến rộng rãi trong
quần chúng nhân dân. Báo Tuổi Trẻ cũng đề xuất lãnh đạo các cấp nhanh chóng chọn một ngày trong năm làm Ngày biển và hải đảo VN.
Một vấn đề nữa Tuổi Trẻ đề xuất là cần quan
tâm tuyên truyền, tạo điều kiện cho giới trẻ và các đối tượng nhân dân
khác nhau như doanh nhân, giới trí thức được đến thăm và làm việc,
nghiên cứu tại các vùng biển và hải đảo của VN, đặc biệt là Trường Sa
và nhà giàn DK1.
* Sáng 23-10, tại TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu kỷ
niệm 48 năm “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, cũng là ngày thành lập lữ
đoàn 125 hải quân. Các thế hệ chiến sĩ của lữ đoàn, người già, người
trẻ đều nhắc đến con đường mòn trên biển Đông một cách thân thương như
đó chính là con đường về nhà mình, một cách tự hào như đó là con đường
một đời họ đã chọn.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là tên gọi của tuyến đường
vận tải bí mật trên biển Đông được thiết lập ngày 23-10-1961 với nhiệm
vụ vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho quân giải phóng miền
Nam, song song với đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ xuyên dãy Trường Sơn.
Chuyến trinh sát đầu tiên của đoàn 759 (sau này là lữ đoàn 125) trên
một chiếc tàu gỗ với bảy thủy thủ xuất bến ở Nhật Lệ (Quảng Bình) sau
tám ngày đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau).
Từ đó, hàng ngàn lượt tàu chuyên chở hàng trăm ngàn
tấn vũ khí, khí tài, thuốc chữa bệnh và cả bộ đội đã vượt hàng triệu
hải lý từ Bắc vào Nam trong sự bao vây, phong tỏa của đối phương, góp
phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh (4-1975), lữ đoàn 125 đã
tham gia giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn,
Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa.
MINH THÙY - PHẠM VŨ
No comments:
Post a Comment