TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, October 24, 2009

Hòn Đát bi đát

Lao Động số 239 Ngày 22/10/2009 Cập nhật: 8:02 AM, 22/10/2009
Người dân Hòn Đát sống tạm bợ trong những ngôi nhà tạm bợ.
(LĐ) - Những đứa trẻ thơ đói nghèo theo mẹ cha ra lập nghiệp ở vùng dự án di dãn dân Nguyên Xuân tại Hòn Đát thuộc xã miền núi Sơn Nguyên, huyện Sơn Hoà (Phú Yên) với mong ước được cơm no, áo ấm, được cắp sách đến trường.

Thế nhưng, ước mơ ấy của chúng không trở thành hiện thực khi dự án Nguyên Xuân bị "gãy" giữa chừng. Và cuộc sống của hàng chục trẻ thơ, hàng chục gia đình bỗng chốc rơi vào cảnh lao đao, tạm bợ, đói rách giữa chốn thâm sơn cùng cốc...

Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua con đường "đau khổ" dài 15km với những con suối mang tên Công An, Hòn Lầu; dốc Đứng, dốc Nhớt cao dựng đứng...! Khi nghe tiếng gà gáy lạc lõng giữa ban trưa ở phía trước con đường, cũng là lúc chúng tôi bắt đầu đặt chân vào làng Hòn Đát.

Ông Oi Rọ (79 tuổi) - người dân Hòn Đát, vừa gặp chúng tôi, đã nói ngay: "Lâu lắm mới thấy người "ngoài làng" ghé thăm. Chắc các anh đi đường vất vả lắm! Mà nói thiệt, đường sá đến làng này còn đi được vào mùa nắng, chứ mùa mưa lũ thì... "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Trạm, trường bỏ hoang, con em bệnh, dốt


Vừa dựng chiếc xe cà tàng trên đoạn đường ở đầu làng, chúng tôi thấy ngay hai công trình lớn trạm y tế và trường học nằm cận kề nhau được xây dựng khá kiên cố, nhưng bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, phủ kín cổng, tường rào. Đang mùa tựu trường, nhưng tuyệt nhiên trường không thấy bóng thầy - cô, học sinh đâu cả, thay vào đó là  từng đàn bò đang gặm cỏ rào rào trên sân trường!

Ông Oi Rọ cho biết, trạm y tế được xây dựng từ năm 2003 trên diện tích 135m2 với kinh phí đầu tư 224,8 triệu đồng, nhưng đến nay chưa một ngày hoạt động. Ở đây chỉ có một y tá thôn được đào tạo cấp tốc 3 tháng, làm việc tại nhà với nhiệm vụ duy nhất là cấp phát thuốc sốt rét theo Chương trình phòng, chống sốt rét quốc gia. Chính vì thế, công việc y tế thôn tại Hòn Đát coi như bỏ trống! Và trẻ em ở đây thường xuyên bị đau bệnh không có thuốc thang chữa trị.

Mới đây, em Lê Anh Hào - con của bà Võ Thị Bích Hồng bị sốt cấp tính nặng vào lúc 2 giờ sáng phải khiêng đi đường rừng 16 cây số vào bệnh viện ở thị trấn Củng Sơn để điều trị. Cũng vì không có y tế, không tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình, nên người dân ở đây vô tư đẻ. Chẳng hạn, nhà La Lang Thái có 5 con, Ma Nhiệt (4 con), Y Tạ (4 con), nhà Y Huế có đến 8 con...

Con đường vào làng bị băm nát chỉ sau cơn mưa đầu mùa.


Lãng phí nhất là ngôi trường gồm 2 phòng học và 2 phòng ở của giáo viên (tổng trên diện tích 196,5m2, kinh phí đầu tư 242,9 triệu đồng) xây dựng xong từ tháng 8.2005, nhưng không sử dụng và đã xuống cấp. Hiện một số người dân "mượn" phòng học trống để chứa lúa, sắn, trong khi nhiều con em ở đây không có trường học, đành chịu mù chữ! 

Chị Võ Thị Kim Thanh - bức xúc nói: "Ngày tôi đến đây lập nghiệp dắt theo đứa con trai Trần Phi Hùng đang học lớp 2, tưởng vào đây có trường, có thầy - cô dạy học, nào ngờ trường bỏ hoang, Hùng phải nghỉ học. Còn đứa con trai 7 tuổi đành gửi về quê nội ở xã An Cư (huyện Tuy An) để học lớp 1. Mới 7 tuổi phải xa cha, mẹ nên cháu khóc hoài...".

Vợ chồng chị Hờ Điệp - dân tộc Chăm H' Roi, có 5 con, nhưng 2 con lớn đã nghỉ học. Vì không có trường, gia đình chị Hờ Điệp dù kinh tế quá khó khăn cũng đành "bấm bụng" gửi hai con về quê ngoại ở buôn Suối Cau (xã Sơn Hà) cách xa khoảng 30 cây số để được đi học. Do học muộn, nên cháu Hờ Trăng đã 13 tuổi, nhưng mới học lớp 3 và cháu Y Dố (11 tuổi), học lớp 2!...

Ông Nguyễn Văn Thân - Phó ban Quản lý dự án dãn dân thôn Nguyên Xuân - cho hay, hiện ở bậc tiểu học có 30 em, trong đó 23 em không được đi học, chỉ có 7 em được gia đình gửi về quê nội, ngoại, hoặc người thân để theo học các trường trong và ngoài huyện...

Dự án "đem con bỏ chợ"! 


Dưới những tán rừng Hòn Đát tốt tươi, chúng tôi bắt gặp những ngôi nhà tranh, vách liếp quá cũ kỹ, xập xệ, dột nát... Nhìn những đứa trẻ thơ ở Hòn Đát đen trùi trũi, đói rách, không học hành... không ai không thương cảm, xót xa! 41 hộ dân phải "ly hương, ly gia" đi theo tiếng gọi của dự án dãn dân thôn Nguyên Xuân.

Những tưởng nơi ở mới này sẽ đổi đời cho bao người dân vốn nghèo đói, đông con, vậy mà sau 6 năm "bám trụ", cuộc sống của họ vẫn hoàn đói nghèo, vẫn nhà tranh, vách liếp, vẫn đèn dầu leo lét và vẫn đêm đêm đau đáu ước mơ có ánh điện, trạm y tế,  trường học (có trạm, trường, nhưng không hoạt động), chợ, cây cầu qua suối đường làng...

Bên căn nhà nhỏ mái tranh, vách tường vá đùm, vá chặp bằng cây rừng, dừng phên liếp, ông Oi Rọ than thở: " Quê cũ tôi ở xã Phước Tân, khi nghe tuyên truyền khu dãn dân Hòn Đát, tôi tiên phong đưa gia đình đi. Tất cả các hộ gia đình đến nơi ở mới này đều được tiếp nhận và được hỗ trợ tiền 4,5 triệu đồng, nhưng không được nhận đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Vì thế, bà con tự khai phá đất và làm nhà tạm để ở, rồi lên rừng đốt than, làm rẫy để kiếm sống qua ngày.

Ông Oi Rọ (79 tuổi) sống nghèo khổ trong ngôi nhà của mình.



Mấy năm gần đây, bà con phát triển trồng mía, nhưng không hiệu quả, vì đường sá đi lại cách trở, nên người mua "ép" giá mía chỉ còn phân nửa so với giá thu mua của nhà máy!". Trong số 41 hộ dân ở Hòn Đát có 12 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang lâm vào cảnh khó khăn! Chị H' Phèn - dân tộc Chăm H' Roi, ở trong căn nhà tạm bợ, trống hoác như cái... chuồng gà - bức xúc nói: "Năm 2003, gia đình tôi ở xã Sơn Định vào đây lập nghiệp, không có một tấc đất sản xuất. 6 năm nay, gia đình tôi phải đi làm thuê, làm mướn, thiếu thốn mọi bề, cái bụng không đủ ăn, con cái không được học hành... Hiện ở đây cuộc sống của nhiều hộ dân tộc thiểu số quá khó khăn, nên đã bỏ làng ra đi như hộ ông Ma Hạnh, Ma Hằng, H' Lý, Y Sọt...".

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Yên đánh giá: "Đây là vùng dự án độc lập, xa khu dân cư, khó khăn nhiều mặt cả lĩnh vực sản xuất, đời sống, sinh hoạt, giao thông trắc trở". Hiện nay, người dân Hòn Đát sống dựa vào diện tích mía đồi, 5ha sắn và hoa màu khác cùng 27 con bò. 100% nhà đều xây dựng tạm bợ.

Điều đáng nói hơn từ khi lên Nguyên Xuân lập nghiệp mặc dù bà con có tên trong danh sách được di dãn dân của dự án, nhưng gần như 6 năm rồi Nguyên Xuân không có chính quyền và họ cũng thật sự không biết mình là dân xã nào, không được thụ hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước...

"Đến đợt điều tra dân số vừa qua (1.4.2009), chính quyền mới công bố chính thức dân trong vùng dự án thuộc xã Sơn Nguyên quản lý" - ông Nguyễn Đạt - Phó thôn Nguyên Xuân - nói.

Vì sao dự án di dãn dân Nguyên Xuân không triển khai xây dựng đồng bộ các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, không quan tâm lo đời sống cho dân..., để rồi những người dân tiên phong đi theo "tiếng gọi" của dự án "đem con bỏ chợ" này phải chịu nhiều cay đắng, thiệt thòi, đói nghèo đến cùng cực như vậy! Cuộc sống của người dân Hòn Đát sẽ càng bi đát hơn, nếu như chính quyền địa phương và các ngành chức năng không sớm khắc phục hậu quả của dự án "đem con bỏ chợ" này!

Lưu Phong

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty