|
Người đông, môi trường ô nhiễm
Các dãy phòng trọ san sát nhau. Một phòng trọ khoảng chừng 12m2 với 4 - 6 người ở. Bốn dãy nhà trọ bao quanh một ao tù cây cối rậm rịt, đọng nước, bốc mùi. Chưa có nước máy nên tại các khu nhà trọ nước giếng, nước mưa được trữ trong các hồ to hoặc lu vại để hơn 50 người dùng chung. Đó là điều dễ nhận thấy tại các khu nhà trọ công nhân quanh khu công nghiệp Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM).
|
Đến một khu nhà trọ cho công nhân thuê trong con hẻm khu phố 3, dọc đường Linh Trung (phường Linh Trung, Q.Thủ Đức) vào giữa trưa, thế nhưng không gian thì cứ tối u u như lúc xế chiều. Khu nhà có đến 40 phòng ở nhưng tất cả đều dùng chung một lối đi chỉ rộng khoảng hơn 1m. Phía trên lối đi được tận dụng để phơi quần áo. Hơi ẩm, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nước đọng vũng trên lối đi và các chỗ trũng quanh các góc phòng.
Chị Nguyễn Thị Bé Năm, một công nhân thuê phòng trọ tại đây cho biết: "Vừa rồi, ở đây có đến bốn người phải nhập viện vì sốt xuất huyết khá nặng. Muỗi nhiều lắm, phải vừa ngủ mùng, vừa đốt nhang muỗi mới chịu được".
Nói về vệ sinh môi trường tại khu ở trọ, chị Nguyễn Thị Kim Mai, cũng ở khu nhà trọ này tâm sự: "Tụi em đi làm suốt cả ngày, về đến nơi chỉ lăn ra ngủ, với giá thuê như thế (400.000 đồng/phòng/tháng) thì sao đòi hỏi gì nhiều được hả chị?".
Là khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Bình Dương, những khu phòng trọ công nhân quanh khu công nghiệp Bình Đường 2 cũng tồi tàn không kém. Các khu nhà chỉ được xây dựng, phân phòng tạm bợ. Nhiều nhà cho công nhân thuê nhìn ra một khu đất trống, được sử dụng để tập kết đồ ve chai, đổ rác; bụi rậm, cây cối um tùm. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện với mọi người ở đây thì tay phải phe phẩy quạt để đuổi muỗi và các loại côn trùng khác. Cả khu nhà với gần 20 phòng cũng không có nước máy mà dùng chung nước giếng và nước mưa được trữ trong một cái hồ lớn ngay trước khu trọ.
Huyện Nhà Bè (TP.HCM) lại là nơi tập trung nhiều khu trọ cho công nhân xây dựng, người lao động buôn gánh bán bưng. Môi trường ở đây cũng không khá gì hơn. Anh Lê Văn Nam (thuê phòng tại hẻm 106, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè) cho biết, ở đây nhiều người bị sốt xuất huyết vì phòng nào cũng có một cái lu để chứa nước mưa hoặc nước mua từ nơi khác do xe chở tới. Anh Nam kể thêm: "Cách đây 10 ngày, nhân viên y tế của phường có xuống kiểm tra vệ sinh môi trường, thấy có nhiều lăng quăng trong lu đã yêu cầu mọi người đổ nước, vệ sinh lu. Tuy nhiên, nước phải mua đến 40.000đ/m3 thì sao đổ được, tiếc chứ!".
|
Ở các khu trọ này nước sinh hoạt không có, nước thải cũng là một vấn đề. Tại đây nước thải và rác được xả trực tiếp ra kênh rạch, môi trường xung quanh. Ngay giữa khu nhà trọ là một bãi rác, ao tù chứa nước thải, nổi màng đen ngòm.
Hiện nay, huyện Nhà Bè là nơi đáng lo ngại về dịch sốt xuất huyết và tay chân miệng vì số ca mắc bệnh đang tăng nhanh.
Ổ dịch "rình rập"
Bác sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cảnh báo: "Điều kiện môi trường ô nhiễm và vệ sinh dịch tễ rất kém tại những khu nhà trọ của công nhân quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất như trên là điều kiện cho các ổ bệnh phát sinh và lây lan nhanh, đặc biệt là sốt xuất huyết và tay chân miệng".
Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, số ca mắc tập trung cao tại các quận huyện như: Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, Nhà Bè mà dẫn đầu là Thủ Đức... Đây cũng là các quận huyện tập trung nhiều khu công nghiệp và khu nhà trọ công nhân.
Bác sĩ Hải cho biết thêm, không những chỉ có bệnh đối với người lớn mà nguy cơ dịch bệnh sốt siêu vi, sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang rình rập trẻ em nơi đây. Tại các khu phòng trọ này, trẻ em dưới năm tuổi ở nhà rất nhiều. Các em phải sinh hoạt trong môi trường vệ sinh kém và y tế dự phòng địa phương chưa giám sát được tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý.
Theo đánh giá của ngành y tế thành phố, hiện nay, các ca bệnh tay chân miệng đang chuyển hướng từ việc tập trung ở trường học sang tập trung và tăng nhanh ở nhóm trẻ em không đi học. Nguyên nhân là vệ sinh trường học đã được xử lý tốt nhưng tại nhiều khu dân cư, môi trường đang ô nhiễm và không đảm bảo điều kiện vệ sinh dịch tễ.
Nguyên Mi
No comments:
Post a Comment