Phái viên Liên Hợp Quốc đã chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Bắc Hàn là "cùng cực" và nói một phần ba dân số nước này đang bị đói ăn một cách không cần thiết.
Phái viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề Bắc Hàn nói nước này không phải là nghèo, và kêu gọi hãy từ bỏ chính sách "quân sự đứng đầu".
Phái viên Vitit Muntarbhorn nói Liên Hợp Quốc chỉ có thể giúp đỡ chưa tới hai triệu người, vì thiếu đồ viện trợ.
Ông nói việc thiếu đồ là do hậu quả của phản ứng quốc tế trước các cuộc thử hạt nhân và hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.
Ông Muntarbhorn nói việc cung ứng lương thực cũng đã bị ảnh hưởng do nỗ lực của nước này trong việc kiểm soát hoạt động kinh tế, đặc biệt là chuyện hạn chế vai trò của phụ nữ.
Chuyên gia nhân quyền người Thái, từng là Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về vấn đề Bắc Hàn từ năm 2004, đang trình bản phúc trình cuối cùng lên cuộc họp của các thành viên Liên Hợp Quốc.
Ông nói: "Tình trạng nhân quyền tại nước này vẫn rất cùng cực, do cách áp dụng quyền lực tại đây: bao vây, kiểm soát và tàn nhẫn."
"Trong lúc nhiều người dân đang phải chịu cảnh đói nghèo khốn khổ, phải chịu cảnh thiếu thốn dài hạn lương thực và đồ nhu yếu phẩm khác thì bản thân quốc gia đó vẫn đang có đầy tài nguyên khoáng sản, nhưng lại bị giới chức kiểm soát."
"Các thế lực thù địch"
Ông Muntarbhorn nói tình hình lương thực đã được cải thiện cho tới giữa năm; Chương Trình Lương Thực Thế Giới đã tiếp cận được với nước này nhiều hơn so với trước, và đang đến được với chừng sáu triệu người cần giúp đỡ.
Tuy nhiên, ông nói, đến giữa năm 2009, nguồn viện trợ quốc tế đã bị thiếu hụt.
Ông nói tình hình bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, được đưa ra sau khi Bắc Hàn thử thiết bị hạt nhân thứ hai hồi tháng Năm, sau vụ thử đầu tiên hồi 2006.
Ông nói Chương Trình Lương Thực Thế Giới chỉ có thể giúp chưa tới hai triệu người.
Ông Muntarbhorn vẫn chưa được phép vào Bắc Hàn. Thay vào đó, ông phải dựa vào thông tin từ các tổ chức của Liên Hợp Quốc hoạt động tại nước này, các nhóm nhân quyền và người tỵ nạn chạy sang Nam Hàn, Nhật Bản và Mông Cổ.
Bản phúc trình nói rằng tình hình đã trở nên tồi tệ hơn do các nỗ lực của nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động kinh tế.
Theo bản phúc trình, phụ nữ dưới 49 tuổi không được phép buôn bán; một số khu chợ đã bị đóng cửa. Các quy định này dẫn tới một số vụ đụng độ giữa những người buôn bán là phụ nữ và giới chức.
Phái viên Liên Hợp Quốc nói phụ nữ cũng bị cấm đi xe đạp, phương tiện di chuyển chính để đi làm, và bị buộc phải mặc váy thay vì quần dài.
"Việc khai thác người dân đã trở thành thứ đặc quyền nguy hiểm của giới cầm quyền cấp cao."
Ông Muntarbhorn mô tả đó là bầu không khí đàn áp, các điều kiện tồi tàn trong tù và nói người dân bị gửi đi các trại cải tạo lao động thậm chí chỉ vì những lý do như không đến chỗ làm theo đúng quy định hay xem phim Hàn Quốc.
Phó đại sứ Bắc Hàn tại Liên Hợp Quốc Pak Tok-hun nói bản báo cáo là "hoàn toàn bóp méo, dối trá, sai sự thật, do các thế lực thù nghịch bày đặt ra."
No comments:
Post a Comment