Ông Ngô Kim Khôi, phó vụ trưởng vụ giáo dục đại học,:
* Hôm nay, Bộ GD-ĐT họp báo công bố kết quả kiểm tra ĐH Phan Thiết
TT - Theo tin từ Bộ GD-ĐT, sau một ngày làm việc, đoàn
thanh tra của bộ do ông chánh thanh tra giáo dục Nguyễn Văn Chiến phụ
trách đã hoàn tất việc kiểm tra đột xuất Trường ĐH Phan Thiết.
Một trong số những căn nhà đang xây dựng trong làng cổ Mũi Né mà
ông Bùi Văn Giáo (chủ đầu tư ĐH Phan Thiết) nói để làm ký túc xá cho
sinh viên (ảnh chụp ngày 9-10-2009) - Ảnh: Đ.T.DUY |
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 20-10, ông Ngô Kim
Khôi - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, thành viên đoàn thanh tra, đồng
thời là phó chủ tịch hội đồng thẩm định đề án thành lập Trường ĐH Phan
Thiết trước đây - cho biết đoàn đã kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất,
đội ngũ giảng viên cơ hữu... của Trường ĐH Phan Thiết. Ông Khôi khẳng
định: “Trường ĐH Phan Thiết đủ điều kiện để tổ chức đào tạo từ năm học
2010 với quy mô 750 sinh viên nhà trường đã tuyển”!
Cần tạo điều kiện để ĐH Phan Thiết được đào tạo
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về chất lượng
của đội ngũ giảng viên cơ hữu mà Trường ĐH Phan Thiết tuyên bố đã tuyển
dụng được và danh sách hàng trăm giảng viên thỉnh giảng (nhưng trên
thực tế chưa thể chứng minh có thật và có cam kết giảng dạy tại trường
hay không), ông Khôi cho rằng: “Giảng viên thỉnh giảng không quan
trọng, chưa cần thiết.
Hiện nay, để bắt đầu đào tạo Trường ĐH Phan Thiết
không cần nhiều giảng viên, chỉ cần 7-8 người dạy mấy môn cơ bản là
đủ(?!). Vì toàn bộ sinh viên của trường đang học quân sự, sau đó có một
tuần học chính trị đầu năm. Như vậy, học kỳ một sinh viên cũng chưa học
nhiều môn và chưa cần nhiều giảng viên ngay, từ từ nhà trường có thể
chuẩn bị thêm!”.
Ông Khôi cho rằng “cần tạo điều kiện” để Trường ĐH
Phan Thiết được đào tạo ngay từ năm học 2009-2010 nhằm đảm bảo quyền
lợi cho số sinh viên đã được nhà trường tuyển sinh, tránh thiệt thòi
cho các em...!
Những vấn đề như nội dung bản đề án xin thành lập
trường, đặc biệt là danh sách giảng viên bị tố cáo là làm giả chữ ký,
hồ sơ cho đủ số lượng, trách nhiệm trong khâu thẩm định, điều kiện thực
tế của trường hiện nay, dựa trên cơ sở nào để Bộ GD-ĐT cho phép trường
được mở ngành, tuyển sinh và đào tạo năm ngành đào tạo bậc ĐH và ba
ngành bậc CĐ..., ông Khôi đều từ chối trả lời với lý do “chờ đến cuộc
họp báo chiều 21-10 sẽ có thông tin chính thức”.
Dừng hoạt động tham quan để phục vụ đào tạo
Theo báo cáo kết quả kiểm tra, tổ công tác của Bộ
GD-ĐT đã làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận, Thành ủy - UBND TP Phan
Thiết và ban giám hiệu, cán bộ giảng viên của Trường ĐH Phan Thiết.
Trong đó, UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định đã có quyết
định giao 10,5ha đất cho chủ đầu tư xây dựng trường, trong đó cấp sổ đỏ
4,9ha và trường đã có giấy phép xây dựng giai đoạn 1. Nhưng UBND tỉnh
Bình Thuận cũng xác định: “Trường đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ
tục đất đai nên chưa triển khai xây dựng cơ sở vật chất và việc tận
dụng cơ sở vật chất của làng cổ Mũi Né để triển khai các hoạt động của
trường là giải pháp tối ưu”.
Còn theo kết quả kiểm tra thực tế của tổ công tác Bộ
GD-ĐT, Trường ĐH Phan Thiết có diện tích 32.069m2, trong đó diện tích
xây dựng là 2.540m2, hiện có 10 phòng học, có phòng máy tính, phòng
lab, các phòng chức năng, hội trường, có kho sách có giá để được 5.000
đầu sách, giáo trình, có một phòng đọc, một khu ký túc xá có ba phòng.
Hiện trường đang xây dựng hai khu giảng đường, mỗi giảng đường 200 chỗ,
năm phòng học mới, ba nhà ký túc xá.
Báo cáo của tổ công tác cho biết hiện trường đã dừng
mọi hoạt động tham quan, du lịch tại khu đất được giao để phục vụ các
hoạt động đào tạo.
Cũng theo báo cáo trên, tổng số giảng viên cơ hữu tính
đến thời điểm kiểm tra của trường là 63 người, hầu hết các giảng viên
đã ký hợp đồng lao động với trường theo đúng quy định. Trong đó, số
giảng viên có chức danh phó giáo sư: một người (đạt tỉ lệ 1,59%), giảng
viên có trình độ tiến sĩ: bảy người (đạt tỉ lệ 11,11%), giảng viên có
trình độ thạc sĩ: 35 người (đạt tỉ lệ 55,56%), giảng viên có trình độ
ĐH: 20 người (đạt tỉ lệ 31,74%). Đội ngũ giảng viên cơ hữu nói trên đảm
bảo giảng dạy cho các môn học của năm thứ nhất như: các nguyên lý cơ
bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, toán học, tin học đại cương, tiếng Anh,
pháp luật đại cương, logic học...
Trường đã ký hợp đồng thỉnh giảng với 102 giảng viên của các trường ĐH: Sư phạm, Kinh tế TP.HCM, KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM...
Trường đã xây dựng chương trình đào tạo cho năm ngành
trình độ ĐH và ba ngành trình độ CĐ trên cơ sở chương trình khung của
Bộ GD-ĐT.
Tổ công tác kết luận: Trường ĐH Phan Thiết có thể đáp ứng được quy mô gần 1.000 sinh viên nếu tổ chức đào tạo hai ca/ngày.
Tuy nhiên, còn có một số hạn chế. Cụ thể là một số hồ
sơ giảng viên chưa thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định; công tác
quản lý hồ sơ giảng viên còn thiếu khoa học, một số giảng viên đã có
trong danh sách đội ngũ giảng viên nhưng còn thiếu hợp đồng lao động;
việc xếp thời khóa biểu chưa đúng với quy định của quy chế đào tạo theo
tín chỉ, chưa có phần mềm tổ chức quản lý đào tạo theo tín chỉ, chưa có
hệ thống cố vấn học tập, số lượng giáo trình, tài liệu tham khảo còn
hạn chế so với quy mô sinh viên đã tuyển, một số phòng học chưa đủ ánh
sáng.
Tổ công tác của Bộ GD-ĐT đề nghị Trường ĐH Phan Thiết
khẩn trương hoàn thiện các công trình đang xây dựng để kịp thời phục vụ
hoạt động giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên; sớm thực hiện
công tác giải phóng mặt bằng khu đất 5ha đã được giao để triển khai xây
dựng theo đúng cam kết của dự án khả thi thành lập trường; tiếp tục bổ
sung đội ngũ giảng viên cơ hữu; bổ sung đầy đủ các hồ sơ giảng viên...
để có thể triệu tập thí sinh trúng tuyển và triển khai nhiệm
vụ năm học 2009-2010...
Bộ GD-ĐT cấm phóng viên vào trường?
Được tin đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT đến làm việc đột
xuất, kiểm tra thực tế Trường ĐH Phan Thiết theo yêu cầu chỉ đạo của Bộ
trưởng Bộ GD-ĐT Thiện Nhân, sáng 18-10, PV Tuổi Trẻ đã có mặt để ghi
nhận thông tin của cuộc làm việc này. Tuy nhiên, khi biết có sự hiện
diện của PV Tuổi Trẻ, lãnh đạo ĐH Phan Thiết đã từ chối tiếp xúc, yêu
cầu PV phải ra khỏi khu vực trường.
Ông Nguyễn Văn Lịch, hiệu trưởng nhà trường, nói: “Đây
là cơ sở tư nhân, chúng tôi có quyền tiếp hoặc không tiếp bất cứ ai,
yêu cầu các anh phải ra ngoài”. Ông Phạm Hồng Dũng, chủ tịch hội đồng
quản trị ĐH Phan Thiết, nêu lý do: “Bộ GD-ĐT chỉ đạo chúng tôi cấm toàn
bộ, không cho PV nào bước vào trường. Chúng tôi phải thực hiện theo chỉ
đạo, không được quyền làm gì khác. Nếu cần việc gì cứ hỏi thẳng đoàn
công tác của bộ”.
TRẦN HUỲNH
|
No comments:
Post a Comment