Đô thị
Chủ Nhật, 12/07/2009, 03:00
Đến Quảng Ninh, điều dễ nhận thấy là hoạt động khai thác, kinh doanh than mấy năm gần đây đã mang lại nhiều khởi sắc về đời sống vật chất, kinh tế vùng mỏ. Tuy nhiên cũng do hoạt động khai thác than của các mỏ ngày càng nâng công suất khiến môi trường nơi đây bị tổn hại nghiêm trọng.
Uông Bí trở thành thị xã ô nhiễm vào bậc cao nhất nước, Cẩm Phả và Hạ Long bị ô nhiễm hệ thống nước ngầm, các bãi thải của công trường khai thác than đe dọa tính mạng người dân...
TT - Nhắc đến Uông Bí, nhiều người nghĩ đến danh thắng Yên Tử mê hoặc lòng người. Nhưng bây giờ đây là một thị xã công nghiệp có độ ồn và ô nhiễm vào bậc cao nhất nước.
Suối Vàng Danh ô nhiễm nặng do các công trường khai thác than xả thẳng nước thải không qua xử lý xuống suối-Ảnh: Đ.H.LỰC |
“Chất thải Vàng Danh thành canh Hải Phòng”
Ông Nguyễn Văn Kha, 75 tuổi, ngụ tại phường Thanh Sơn (thị xã Uông Bí), dẫn chúng tôi đến con suối Vàng Danh nằm dọc triền đồi Cánh Gà. Chỉ tay xuống con suối đục ngầu màu vàng đất đá của các công trường khai thác than đổ xuống, ông Kha tiếc nuối: “Cách nay hơn chục năm về trước, nước con suối này trong xanh lắm, dọc các con suối là những cây cổ thụ xanh tốt, không khí trong lành dễ chịu. Vậy mà...”.
Đến năm 1990, các mỏ ở đây được mở rộng để khai thác. Trước năm 1990, Công ty than Vàng Danh mỗi năm chỉ sản xuất 35.000 tấn than. Sau năm 1990, công ty nâng công suất lên 300.000 tấn/năm. Những năm sau, sau khi khảo sát trữ lượng than khu vực Cánh Gà - Vàng Danh có trữ lượng lớn, Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) đẩy mạnh việc khai thác than tại khu vực này, một loạt công ty khai thác than được thành lập tại đây như Nam Mẫu, Uông Bí, Vietmindo và Vàng Danh.
Cả bốn công ty này đồng loạt mở các mỏ khai thác lộ thiên và hầm lò. Việc khai thác ồ ạt không tính đến yếu tố bảo vệ môi trường khiến con suối Vàng Danh bị ô nhiễm nghiêm trọng và người dân Hải Phòng đã tẩy chay nguồn nước Vàng Danh. Ông Kha mỉm cười chua chát khi nhắc đến câu mà người dân thị xã Uông Bí nói khôi hài thời kỳ đó: “Chất thải Vàng Danh thành canh Hải Phòng”.
Ông Nguyễn Tiến Phượng, phó giám đốc Công ty than Vàng Danh, thừa nhận hiện nay nước thải không qua xử lý của mỏ vẫn thải ra suối Vàng Danh, cùng với nước thải của các mỏ khác như Vietmindo, Uông Bí, Nam Mẫu và một chợ khu dân cư cán bộ công nhân các mỏ than khu vực Vàng Danh khiến con suối này ô nhiễm nghiêm trọng.
Vào mùa khô và những ngày không mưa, lòng suối ít nước và lượng chất rắn lơ lửng trong nước rất cao. Báo cáo của Phòng Tài nguyên - môi trường thị xã Uông Bí cho thấy các thông số của các mẫu nước lấy ở khu vực này đều đạt ở mức cao, gấp hàng trăm lần so với Tiêu chuẩn VN cho phép; nếu so sánh với tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt thì nước ở thị xã Uông Bí có độ đục rất lớn, gấp hàng chục lần mức độ cho phép.
Ông Phượng cho hay ngay cả gia đình ông hiện đang cư ngụ ở thị xã Uông Bí cũng chỉ dám dùng nước của Nhà máy nước Lán Tháp để giặt giũ chứ không uống được. Người dân thị xã Uông Bí hiện nay chủ yếu ăn uống bằng nước mưa hoặc sắm bể lọc nước rất tốn kém. Hiện tại, để đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt của thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng Nhà máy nước Đầm Mây công suất 3.500m3/ngày đêm nhưng chỉ đủ dùng cho 1/3 dân số của thị xã.
Vận chuyển than trên các tuyến đường của thị xã Uông Bí gây ô nhiễm nặng, nồng độ bụi quá tiêu chuẩn cho phép khiến cả con đường nhuốm màu đen-Ảnh: Đ.H.LỰC |
Những con đường đen
Lãnh đạo Công ty than Vàng Danh thừa nhận các hoạt động khai thác than những năm trước đây không có bài bản, kế hoạch về tác động môi trường nên khi khai thác xong các công trường không chú ý đến việc hoàn nguyên. Do vậy, lớp phủ thực vật của các khu mỏ than chưa được hồi phục, vật chất trên những sườn núi bở rời, quá trình phá hủy và vận chuyển vật chất xảy ra mạnh... Các khối trượt lở đất ven sườn thung lũng cùng các bãi thải ven lòng suối đã tạo điều kiện cho sự hình thành các trận lũ quét, lũ bùn đá gây thiệt hại nghiêm trọng. Tại khu vực suối Cánh Gà, một số nhà dân hiện nay đã nằm ngay trong phạm vi dòng chảy không an toàn mà trước đây họ vẫn sống yên ổn.
Phòng Tài nguyên - môi trường thị xã Uông Bí vừa phối hợp với Trường đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội khảo sát môi trường thị xã Uông Bí cho thấy lượng bụi do sản xuất than ở khu vực phường Vàng Danh là 750-800 tấn bụi/năm. Tổng lượng bụi do sản xuất than, hoạt động giao thông vận chuyển than tại thị xã Uông Bí khoảng 1.900-2.200 tấn/năm. Nồng độ bụi trung bình thường vượt tiêu chuẩn cho phép 2-3 lần, thậm chí vượt đến 10 lần vào những ngày trời hanh khô. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, phó trưởng Phòng Tài nguyên - môi trường thị xã Uông Bí, bức xúc cho biết thị xã Uông Bí có rất nhiều con đường đen: cây đen, tường nhà đen vì bụi than, mặt đường quanh năm suốt tháng có màu đen là lẽ đương nhiên nhưng ẩm ướt lép nhép quanh năm vì được tưới nước...
Khu vực dọc hai bên đường tàu hỏa và ôtô chở than từ khu mỏ Vàng Danh về trung tâm Uông Bí và cảng Điền Công được mệnh danh là con đường đen có nồng độ bụi trong không khí trung bình 24g là khá lớn, các chuyên gia đo được nồng độ bụi gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép. Ông Dũng cho hay ông là đại biểu Hội đồng nhân dân thị xã Uông Bí, khi tiếp xúc cử tri, điều ông ghi nhận sâu sắc nhất là kỳ họp nào người dân cũng phản ảnh bức xúc về môi trường.
Người dân thị xã Uông Bí còn phải chịu đựng tiếng ồn quá lớn do hoạt động khai thác than. Theo khảo sát của Phòng tài nguyên - môi trường thị xã, hầu hết các điểm khai thác tại các mỏ than trên địa bàn thị xã Uông Bí đều có độ ồn vượt tiêu chuẩn cho phép. Khu dân cư ven quốc lộ 18 còn phải chịu đựng độ ồn đến đinh tai nhức óc. Từ khi TKV đẩy mạnh năng lực khai thác các mỏ, các hoạt động vận chuyển ngày càng nhộn nhịp hơn khiến nhiều tuyến đường của thị xã trở nên quá tải.
Ông Nguyễn Văn Kha phàn nàn: “Mấy năm gần đây TKV hạn chế không cho xe vận chuyển than trên đường phố mà chỉ cho chạy ở đường công vụ ở những giao lộ cắt quốc lộ 18, xe vận chuyển than hạng nặng ngày đêm vẫn gầm rú đinh tai nhức óc. Bụi mù mịt, người dân vùng này hiếm khi dám mặc áo trắng ra đường!”.
ĐỖ HỮU LỰC
______________________________________
Ở thị xã Cẩm Phả và thành phố Hạ Long, toàn bộ hệ thống nước ngầm đã bị ô nhiễm gần chục năm nay. Toàn bộ nước và chất thải lỏng từ khai thác than ở vùng này đều tống thẳng ra sông suối.
Kỳ tới: Hủy hoại nước ngầm
No comments:
Post a Comment