- Thời gian "bấm nút" góp ý cho Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (GD) chỉ trong buổi sáng 17/10. Mặc dù vậy, các chuyên gia, các nhà quản lý GD đều không bỏ qua vấn đề "nóng" đang được dư luận quan tâm: sự dễ dãi, không tuân thủ các quy định trong việc cho phép nâng cấp, mở trường ĐH ồ ạt trong vài năm gần đây.
GS-TSKH Trần Đình Long (đứng): "Có hiện tượng mở trường ồ ạt, không giám sát được chất lượng là những người có trách nhiệm thẩm định đã không làm đúng chức năng?" (Ảnh K.O)
Quyền mở trường cho Bộ trưởng: Nên hay không?
Luật GD 2005 quy định: Thủ tướng Chính phủ có quyền quyết định cho phép thành lập trường ĐH. Nay, dự thảo đề xuất sửa đổi: giao "Bộ trưởng Bộ GD-ĐT" quyết định đối với trường ĐH. Trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập".
Theo nội dung sửa đổi này, thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trong quản lý nhà nước về GD được xác định rõ hơn. Thủ tướng tập trung quản lý, điều hành cấp vĩ mô - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD-ĐT) Chu Hồng Thanh lý giải.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, không nên giao quyền mở trường cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Việc thành lập trường ĐH vẫn phải do Thủ tướng, còn Bộ trưởng Bộ GD - ĐT phụ trách khâu quyết định cho hoạt động giáo dục đào tạo khi đã đủ điều kiện.
Trong khi đó, GS Nguyễn Xuân Hãn bày tỏ, đã đến lúc các nhà hoạch định chiến lược cân nhắc xem có nên mở trường ĐH mới nữa hay không. Cùng với đó, nên cân nhắc việc giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập trường thay Thủ tướng Chính phủ.
"Cần phải cân nhắc để hạn chế tiêu cực, vì từng có thông tin được mở trường, phải lót tay không ít, các phụ phí tiêu cực có khi lên tới 2 tỷ đồng...", ông Hãn nói.
Đại diện Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) Hoàng Xuân Huấn cho rằng: nội dung sửa đổi ở một số điều còn... quan liêu.
Một số điều sửa đổi rất chung chung, thể hiện mong muốn nhiều hơn là đưa Luật vào cuộc sống để điều chỉnh hoạt động GD đúng hướng và nghiêm minh hơn.
Ông dẫn dụ, dư luận xã hội hiện rất bức xúc về việc cho phép thành lập trường ồ ạt, dễ dãi nhưng Luật sửa đổi, bổ sung lại chưa có chế tài xử lý. Cụ thể, nếu cho phép mở trường sai quy định thì xử lý thế nào và ai chịu trách nhiệm?
GS Trần Đình Long tiếp lời, điều kiện thành lập trường yêu cầu phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...là hoàn toàn đúng về nguyên tắc, nhưng phải lượng hoá để dễ quản lý chất lượng. Ví như: Nếu đăng ký mở trường tuyển sinh quy mô 500 sinh viên (SV) thì hệ số giảng viên quy đổi/SV là bao nhiêu? Số Giáo sư, tiến sĩ quy đổi/ SV là bao nhiêu?...
Còn hiện nay, việc mở trường ĐH theo kiểu "con gà có trước, quả trứng có sau", trường chưa hoạt động đã bắt phải có đủ đội ngũ. Do đó, phải tách riêng điều kiện mở trường : khi nào đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...đáp ứng yêu cầu thì mới cho phép tuyển sinh đào tạo. Thời gian chuẩn bị có thể là 5-7 năm. Làm đúng như vậy sẽ không còn xin - cho và tránh được tiêu cực, ông Long đề xuất.
Tuy nhiên, có hiện tượng mở trường ồ ạt, không giám sát được chất lượng là do những người có trách nhiệm thẩm định đã không làm đúng chức năng?
Đồng quan điểm, GS Vũ Dương Ninh - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, điều kiện sống còn cho một trường ĐH ra đời là đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý rồi mới đến đất đai, tài chính...
Do đó, trường thành lập phải có đủ đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cơ hữu, tránh thực tế, không ít trường đã đi "mượn" GS, thậm chí ghi danh GS cho đủ điều kiện nhưng không hỏi ý kiến.
Giải thể trường ĐH kém chất lượng?
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 376 trường ĐH, CĐ.
Chỉ sau 22 năm (từ 1987 đến 2009) số trường ĐH, CĐ đã tăng gấp 3,7 lần (năm 1987 cả nước có 107 trường ĐH, CĐ).
Đỉnh điểm của quá trình "bùng nổ" số trường ĐH, CĐ rơi vào 2 năm (2006, 2007) với gần 40 trường ĐH mới (thành lập mới và nâng cấp).
Tổng số SV tăng 13 lần (từ 133.136 SV năm 1987 lên trên 1,7 triệu năm 2009), nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần, từ 20.212 lên 61.190 người...
Tại hội nghị "Hội nhập quốc tế trong GD ĐH Việt Nam - Vương quốc Anh" tổ chức ngày 16/10, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Lê Hương cho hay, cả nước có 376 trường ĐH, CĐ, nhưng chỉ có 330 giảng viên có chức danh GS, PGS. Nếu chia bình quân thì mỗi trường chỉ có 1 GS, PGS. Thậm chí có trường không có PGS, GS nào.
Do vậy, mới có thực tế khai khống hoặc "mượn" tên GS đưa vào đề án thành lập trường. Ở ĐH Phan Thiết, thậm chí còn khai khống, giả mạo chữ ký giảng viên trong đề án thành lập trường,…
GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất, Bộ GD-ĐT cần phải rà soát tất cả các trường ĐH mới thành lập, nâng cấp trong thời gian vừa qua để rút kinh nghiệm sâu sắc về quá trình thẩm định.
Quá trình thanh tra, nếu phát hiện trường nào lập hồ sơ gian dối thì phải giải thể trường đó. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm của những người đã thẩm định hồ sơ vì để lọt lưới những sai phạm.
Theo ông Thuyết, báo cáo giám sát của Uỷ ban Văn hoá Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về các trường ĐH, CĐ và dạy nghề cách đây một năm đã nhận định: Các trường ĐH được thành lập quá nhiều, được nâng cấp một cách quá dễ trong khi tiêu chuẩn không phù hợp.
"Trong quy trình thành lập trường, Thủ tướng đã quyết định cho phép thành lập các trường ĐH thì chính cơ quan tham mưu cho Thủ tướng là Văn phòng Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Bộ GD-ĐT tham mưu nhưng vẫn phải qua Văn phòng Chính phủ. Tất cả những cơ quan tham mưu đều phải chịu trách nhiệm" - ông Thuyết khẳng định.
Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam Lê Tuấn Hoa nêu nghịch lý, xã hội thì kêu ca việc các trường ĐH mọc lên như nấm, nhưng người học vẫn thiếu chỗ học, nhiều trường không tuyển được thí sinh - điều này chứng tỏ việc cho phép mở trường có tình trạng lộn xộn.
Thậm chí ,cho mở trường ĐH chỉ tuyển đào tạo một chuyên ngành, điều không xảy ra ở các nước trên thế giới.
Vì vậy, theo ông Hoa, có thể xem xét nhập các trường ĐH có quy mô đào tạo nhỏ thành ĐH lớn như kinh nghiệm của Trung Quốc đang làm.
Trong các số báo ra ngày 14, 15 và 16/10, báo Tuổi Trẻ đề cập tới trường hợp Trường ĐH Phan Thiết lập danh sách khống, giả mạo chữ ký giảng viên, trường lớp chưa thành hình mà vẫn ung dung được phép tuyển sinh và sắp khai giảng năm học đầu tiên với gần 750 sinh viên. Sau khi phản ánh những "tình huống nực cười", báo đề nghị xem lại quy trình thẩm định, phê duyệt đề án thành lập trường. Còn trong số báo ra ngày 15/10, báo Thanh Niên đề cập tới trường hợp Trường ĐH Răng Hàm Mặt sau 7 năm được mở nhưng hiện tại ngôi trường hiện đại vẫn không thấy đâu và SV của trường cứ phải đi học nhờ hết chỗ này đến chỗ khác.Trụ sở trường chỉ là một tầng trong khu nhà 4 tầng của Viện Răng Hàm Mặt với tổng diện tích sử dụng khoảng hơn 300m2. Điều đáng nói là hiện những giới thiệu về trường trên trang web của trường vẫn là những thông tin hoành tráng khiến không ít thế hệ SV bị ảo tưởng. Trước đó, VietNamNet có bài phản ánh "Giữa thủ đô, trường xập xệ, học phí ’cắt cổ’? phản ánh tình trạng của Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp, cơ sở Hà Nội - trường đại học vừa được nâng cấp lên từ cao đẳng. Diện tích trường ở cơ sở này là 1 ha/ 1 vạn SV, trung bình 1m2/ 1 sinh viên (so với quy định tối thiểu của Bộ GD- ĐT đối với những trường học mới thành lập là 9m2/ 1 SV), 130 phòng học được chia thành hai ca chính trong ngày, tăng cường thêm ca tối cho những ngày "quá tải". Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu tổ chức ngay đoàn thanh tra, khẩn cấp vào kiểm tra thực tế trường ĐH Phan Thiết. Đồng thời, yêu cầu các vụ chức năng tiến hành rà soát lại việc tiếp nhận, xét duyệt và thẩm định các đề án thành lập các trường ĐH mới trên cơ sở nội dung quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết định kịp thời này được nhiều bạn đọc nhìn nhận là một phản ứng tích cực, đáp ứng mong mỏi của dư luận. |
-
Kiều Oanh
No comments:
Post a Comment