TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Monday, October 19, 2009

Tàu 1.300 tỉ đồng “nằm ụ”

Thứ Hai, 19/10/2009, 08:37 (GMT+7)

TT - Tàu Hoa Sen được Vinashin mua năm 2007 với giá 60 triệu euro (khoảng 1.300 tỉ đồng thời điểm đó) với mục đích chuyên chở hành khách, ôtô và hàng hóa chạy trên biển tuyến Bắc-Nam. Nhưng sau một năm hoạt động, giờ đây tàu Hoa Sen đã phải nằm “bảo dưỡng” ở Khánh Hòa.
                    

Tàu Hoa Sen đang neo trong vùng nước của Công ty TNHH đóng tàu Cam Ranh - Ảnh: Lê Nam
Từ thời gian đó đến nay 11 tháng trôi qua, con tàu này đã không được sử dụng với mục đích ban đầu của nó vì mỗi lần nổ máy, một khối lượng nhiên liệu vô cùng lớn tiêu hao và gần như không có hành khách.

Dự kiến sẽ có tàu Hoa Sen thứ hai
Tại thời điểm công bố ra mắt tàu Hoa Sen tháng 12-2007, lãnh đạo Công ty Vận tải viễn dương Vinashin cho biết chiếc tàu thứ hai tương tự tàu Hoa Sen được đặt mua từ Ý sẽ về VN trong tháng 4 hoặc 5-2008 để mỗi tuần có hai chuyến tàu chạy Bắc - Nam và ngược lại.
Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa thấy con tàu thứ hai nhập về như dự kiến.
Chiều 16-10, từ căn gác quán cà phê ngay bên ngoài cổng Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Cam Ranh (phường Cam Phú, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) chúng tôi dễ dàng nhìn thấy tàu Hoa Sen nằm neo cách bờ khoảng 150m. Anh Nam, chủ quán cà phê, cho biết tàu neo tại đây từ 2-3 tháng trước.
Trong khi đó, dù đã cố thuyết phục nhưng bảo vệ của nhà máy vẫn nhất quyết từ chối không cho chúng tôi vào. Liên lạc với thuyền phó tàu Hoa Sen Đoàn Duy Hưng, người chịu trách nhiệm quản lý tàu hiện nay, ông Hưng cho biết đang ở Hà Nội và khẳng định: “Tàu đang nằm sửa chữa và chờ thêm vài chi tiết mang từ Ý sang nên không lên tàu được”.
Trong lúc ngồi chờ ở phòng bảo vệ, một thanh niên xưng là thuyền viên tàu Hoa Sen đi vào. Anh này cho biết mình là một trong 17 thuyền viên đang ở lại trông tàu từ vài tháng qua. Nhiệm vụ chính là thỉnh thoảng lên khởi động máy tàu cho khỏi hư hỏng.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Cam Ranh Trần Hoài Nam cho biết tàu Hoa Sen đã neo đậu ở đây hơn hai tháng, tuy nhiên không sửa chữa gì vì chủ tàu chưa ký kết hợp đồng sửa chữa với công ty.
Ông Lê Văn Bảy - trưởng đại diện cảng vụ khu vực Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh - cho biết tàu Hoa Sen trước đây neo ở vài nơi trong vịnh Cam Ranh, sau đó chuyển đến neo ở khu vực vùng nước của Công ty TNHH một thành viên đóng tàu Cam Ranh.
Một nguồn tin ở cảng vụ Nha Trang cho biết tàu này đã di chuyển rồi neo vài nơi trong vịnh Cam Ranh suốt nhiều tháng qua vì không có “rùa” (phao neo) cố định để neo tàu, công ty đóng tàu và công ty chủ tàu cùng một công ty mẹ nên họ cho tàu Hoa Sen neo ở đó đỡ tốn tiền.
Phà biến thành tàu
Theo website www.worldshipsocietyrotterdam.nl, tàu Hoa Sen trước đây là một chiếc phà chở khách và ôtô giữa các đảo của Ý. Tàu đóng tại Nhà máy đóng tàu Francesco Visentini & C. Cantieri Navale (ở Donada, Ý) năm 2000. Chiếc phà này hoạt động đến khoảng năm 2007 thì bán cho Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (thuộc Tập đoàn Vinashin) và được đổi tên thành tàu Hoa Sen.
Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí chuẩn bị cho chuyến khởi hành đầu tiên của tàu Hoa Sen vào tháng 12-2007, lãnh đạo Công ty Vận tải viễn dương Vinashin cho biết tàu Hoa Sen là chiếc tàu đầu tiên nằm trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ khai mở tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trên biển, theo nhiệm vụ của Tập đoàn Vinashin phát triển tuyến đường cao tốc Bắc - Nam trên biển (từ TP.HCM - Quảng Ninh và ngược lại) do Chính phủ giao.
Khi nhận tàu về, chủ tàu đã tìm đến các công ty du lịch, kinh doanh đại lý tàu biển... để đặt vấn đề làm đại lý nhưng phần lớn đều từ chối vì các công ty du lịch nhìn thấy khả năng không có lợi nhuận. Từ giữa tháng 12-2007 tàu Hoa Sen bắt đầu đưa vào khai thác.
Theo ông Đoàn Duy Hưng, đến tháng 1-2009 tàu Hoa Sen bị nứt vỏ tàu phải ngưng phục vụ để vá tại Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin. Tháng 3-2009, tàu ra khỏi ụ thì lại phát hiện lỗi phần mềm của tàu nên đã ngưng hoạt động đến nay. Ông Hưng ước tính từ lúc hoạt động đến tháng 1-2009, tàu chạy được khoảng 40 chuyến nhưng lượng khách và lượng xe chở được không nhớ chính xác.
Ít khách
Trong thời gian tàu hoạt động, vào tháng 4-2008, PV Tuổi Trẻ đã từng mua vé giường nằm trên tàu Hoa Sen đi từ TP.HCM ra Quảng Ninh và nhận thấy dịch vụ của tàu này vô cùng kém. Tàu có 78 phòng diện tích chỉ nhỉnh hơn khoang tàu hỏa, mỗi cabin có bốn giường ngủ và nhà vệ sinh, tám phòng VIP (một giường lớn, tivi LCD, đầu DVD) và vài chục ghế ngồi ở hai khoang hạng nhất và hạng nhì có thể ngả lưng.
Dịch vụ giải trí cũng không có gì, vào buổi tối trên tàu mọi người chỉ có một lựa chọn là đến quầy bar với món giải trí độc nhất là hát karaoke cho nhau nghe. Trong khi đó, Internet trên tàu không có, điện thoại giá gần 1 USD/phút vì phải gọi bằng điện thoại vệ tinh.
Trao đổi với chúng tôi vào thời điểm đó, thuyền trưởng Nguyễn Đình Sơn cho biết đi từ TP.HCM ra Quảng Ninh tiêu thụ 90-100 tấn dầu FO, chưa kể hao mòn tàu, tiền trả cho nhân viên... chi phí mỗi chuyến đi hơn 1 tỉ đồng trong khi chỉ có vài chục chiếc xe tải và khoảng 40 khách.
Theo một số công ty du lịch, tính toán về giá, thời gian và mức độ hưởng thụ dịch vụ tàu Hoa Sen đều thua xa các phương tiện vận tải khác. Trong đó giá vé giường nằm (4 giường/cabin) từ TP.HCM ra Quảng Ninh là 1,95 triệu đồng (chưa kể tiền ăn uống, di chuyển từ Quảng Ninh về Hà Nội), tính ra đắt hơn đi máy bay.
Chính vì vậy khách du lịch thuần túy sẽ không chọn phương án đi tàu Hoa Sen. Nếu khách chọn tàu Hoa Sen như một du thuyền để nghỉ ngơi trong thời gian 3 ngày 2 đêm (đi TP.HCM ra Quảng Ninh hoặc ngược lại) thì cơ sở vật chất, dịch vụ giải trí... trên tàu (thực chất là chiếc phà) không đáp ứng được.
Sẽ chạy lại?
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Dũng, phó tổng giám đốc Công ty Vận tải viễn dương Vinashin, khẳng định tàu sẽ chạy lại. “Vì vừa qua là thời gian chạy thử nghiệm nên chưa đầu tư nhiều vào dịch vụ con tàu, sau thời gian này công ty sẽ lên lại kế hoạch khai thác phù hợp với cấu trúc tàu”, ông Dũng cho hay.
Công ty đang có nhiều phương án để khai thác con tàu này như chuyển sang đối tác khác, cho thuê hoặc vẫn để công ty khai thác. Ông Dũng cho rằng: “Vận chuyển tuyến hành khách và hàng hóa Bắc - Nam trong thời gian qua có thể là phù hợp rồi, giờ khắc phục cho tốt thêm thôi”.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại):
Mang nặng tính phô trương
Ý tưởng tàu Hoa Sen theo tôi là tốt vì vận tải biển luôn là loại hình vận tải rẻ nhất, VN lại có rất nhiều tỉnh nằm cạnh biển, nhu cầu lớn. Tuy nhiên, với đại đa số doanh nghiệp, trước khi mua sắm phương tiện họ phải khảo sát, tính toán phương án sao cho hiệu quả trước. Nhà kinh doanh chỉ có ý tưởng thôi chưa đủ, phải có phương án tốt mới đầu tư. Kết quả tàu Hoa Sen nằm ụ, theo tôi, do phương án kinh doanh đã không được tính toán tốt, việc mua sắm mang nặng tính phô trương.
Với những khoản đầu tư lớn như vậy, phải có nhà quản trị tài ba và đội ngũ kinh doanh giỏi, nếu không sẽ lãng phí rất lớn. Chỉ với khoảng 100 triệu USD tàu Hoa Sen nếu cứ để nằm đấy, mỗi tháng chỉ đem khoản tiền đầu tư đó bỏ ngân hàng, lợi nhuận thu được đã khoảng 6 tỉ đồng, một năm mất 72 tỉ, tương đương 4 triệu USD.
Đó là chưa kể nếu bán, số tiền thu lại không còn được như số tiền đã đầu tư. Và nếu tiền mua tàu Hoa Sen là vay vốn từ ngân hàng thì lãi suất ít nhất cũng phải gần gấp đôi mức đem tiền bỏ ngân hàng lấy lãi như đã tính kể trên.
C.V.Kình ghi
LÊ NA

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty