TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Wednesday, November 4, 2009

41 người thiệt mạng vì lũ dữ


Thứ Tư, 04/11/2009, 06:06 (GMT+7)

* Đập Đá Vãi (Phú Yên) bị vỡ, nhiều vùng chìm sâu trong nước
* Hàng ngàn ngôi nhà bị cuốn trôi và đổ nát
* Cứu 12 thuyền viên nước ngoài
TT - Hôm qua (3-11), bão số 11 vừa ngưng thì lũ dữ lại tràn về. Nhiều vùng ở Phú Yên và Bình Định bị cô lập hoàn toàn, hàng ngàn gia đình chới với trong cơn lũ. Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 3-11 ít nhất tại bốn tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và Gia Lai đã có 41 người thiệt mạng.

Lực lượng cứu hộ phải phá mái ngói để cứu cụ Lê Thị Bảy, 80 tuổi, ở huyện Tuy An, Phú Yên - Ảnh: Phi Long
24 giờ trôi qua, bão giật vừa ngưng thì lũ dữ tràn về. Sáng 3-11, Bình Định và Phú Yên hoàn toàn bị cô lập cả đường sắt lẫn đường bộ. Phương tiện cứu trợ duy nhất có thể thực hiện được là trực thăng, nhưng chỉ như muối bỏ biển.

Hôm nay mưa giảm dần,
lũ lớn trên các sông

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết mặc dù bão số 11 đã tan nhưng tình hình mưa tại Nam Trung bộ và khu vực nam Tây nguyên còn diễn biến phức tạp. Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, phó phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết dự báo hôm nay (4-11) tại khu vực Nam Trung bộ và nam Tây nguyên mưa vẫn còn tiếp tục nhưng lượng mưa giảm dần.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, trưa chiều nay (4-11), lũ hạ lưu sông Ba có khả năng đạt đỉnh, tại Củng Sơn ở mức 38,0m, trên BĐ3: 4,5m, tại Phú Lâm ở mức: 4,8m, trên BĐ3: 1,6m.
Lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và Gia Lai tiếp xuống chậm và còn ở mức cao. Đến tối nay (4-11), mực nước các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Ninh Thuận xuống mức BĐ1 - BĐ2; riêng hạ lưu sông Kôn và sông Ba còn trên BĐ3 và ở mức cao.
Tình trạng ngập sâu ở vùng trũng, đồng bằng và sạt lở đất ở vùng núi còn diễn ra ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và Gia Lai.
Phú Yên chới với trong lũ
Hơn hai ngày qua, nhiều địa phương của thị xã Sông Cầu và các huyện Đồng Xuân, Tuy An vẫn chìm sâu trong nước lũ, nhiều xã phía đông giáp biển bị chia cắt, cô lập và không liên lạc được từ sáng 2 đến tối 3-11. Gần 350 căn nhà sập hoàn toàn, 21 tàu thuyền của ngư dân bị chìm.
Đến tối 3-11, giao thông nội thị tại TP Tuy Hòa vẫn còn bị ách tắc do nước lũ dâng cao. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên hiện còn 670 bệnh nhân bị ngập sâu trong nước lũ. “Hai trực thăng cứu hộ được điều từ TP.HCM sẽ hạ cánh xuống Phú Yên tối nay. Sáng mai sẽ thực hiện công tác cứu trợ khẩn cấp cho dân” - tham mưu trưởng trung đoàn bay 910, thượng tá Dương Hồng Trường cho biết chiều 3-11.
Thiệt hại nhân mạng nặng nhất tại thị xã Sông Cầu với 6 người chết do lũ cuốn. Trong lúc triều cường dâng cao tối 2-11, đập Đá Vải bị vỡ, sau vài giờ không chỉ Sông Cầu mà các vùng phụ cận bị chìm sâu trong lũ. Hiện số người mất tích của Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An và các địa phương còn lại của Phú Yên vẫn chưa thể thống kê chính xác.
Tuyến quốc lộ 1A ngang qua Phú Yên hầu như bị tê liệt, đoạn quốc lộ tại thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An nước lũ dâng cao hơn 1m. Trên đèo Cả, do lở núi, đất đá đổ xuống lòng đường, taluy đường bị sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó, 550m đường sắt phía bắc cầu La Hai (huyện Đồng Xuân) bị xói lở, nhiều đoạn sâu 5-7m. Phía bắc và phía nam hầm đường sắt Chí Thạnh đất đổ xuống lấp đường sắt 1-2m. Đến tối 3-11 còn bốn đoàn tàu Thống Nhất phải dừng lại tại các sân ga Phú Yên. Hàng ngàn xe khách cũng trong tình trạng tương tự.
Chiều 3-11, xã An Hải, huyện Tuy An đã bị biển xâm thực 3m, dài 3km. Gia đình chị Kiều Thị Trúc (47 tuổi) ở thôn An Sơn, thị trấn Chí Thạnh thoát chết trong gang tấc. “Tối 2-11, thấy nước lũ tràn vào nhà, cả nhà tui có năm người vội vàng leo lên nóc nhà. Một lát sau, nóc nhà chỉ còn cách nước lũ nửa mét, may nhờ lực lượng cứu hộ cứu kịp”- chị Trúc kể lại còn chưa hết bàng hoàng. Hàng xóm chị Trúc là cụ Lê Thị Bảy, 80 tuổi, được lực lượng cứu hộ gỡ mái ngói đưa lên canô hốt hoảng: “Cả đời tui chưa thấy trận lũ nào to thế này”.

Đoạn đường sắt từ ga Diêu Trì đến Quy Nhơn bị nước lũ gây xói lở - Ảnh: Văn Lưu

Xóm Bến Mộng (Ayun Pa, Gia Lai) chìm trong nước lũ - Ảnh: Sông Lam

Phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn (Bình Định) chìm trong biển nước (ảnh chụp từ trực thăng cứu trợ) - Ảnh: Tấn Vũ
Hàng trăm bệnh nhân ở Bệnh viện Lao Bình Định thiếu lương thực đang chờ ứng cứu - Ảnh: Tấn Vũ
Xe của lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ cứu hộ bị ngập tại ngã ba Phú Tài, quốc lộ 1A trên đường về TP Quy Nhơn - Ảnh: Xuân Nguyên
Một hộ dân ở thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, Phú Yên chưa chịu di dời, quyết bám trụ lại nhà để giữ trâu bò - Ảnh: Phi Long
Một người dân ở thôn Vân Sơn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bần thần nhìn đàn gà còn sót lại trong cơn lũ - Ảnh: Phi Long
Bình Định chật vật cứu trợ
Đến chiều 3-11, mọi nỗ lực cứu trợ cho dân vùng ngập lũ các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, An Nhơn, Vân Canh, An Lão, Hoài Nhơn và ngay tại ngoại thành Quy Nhơn vẫn không thể đáp ứng được trong tình hình cấp bách. Quân khu 5 điều động hai trực thăng cùng một số canô của Bộ đội biên phòng tỉnh song những gói hàng cứu trợ được chuyển đến bà con vùng lũ vẫn quá ít ỏi.
Bảy người chết, hai người mất tích, 15 người bị thương. Chắc chắn số người chết trong lũ chưa dừng lại bởi đến tối 3-11 các cơ quan chức năng vẫn chưa liên lạc được với tất cả các địa phương. Hàng vạn người dân các xã phía đông huyện Tuy Phước, vùng ven sông Côn, sông Hà Thanh vẫn còn bị chia cắt, cô lập suốt hai ngày qua. “Người sống uống nước cầm hơi còn đỡ, người chết bây giờ còn nằm đó, lũ to quá, bốn bề mịt mù nước non, kiếm chỗ để thi thể còn cực huống chi chuyện chôn cất, biết tính sao bây giờ trời ơi” - cụ Phạm Tăng ở Diêu Trì, huyện Tuy Phước nghẹn ngào.
Chiều 3-11, trong công điện số 21 của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định gửi Thủ tướng Chính phủ thông báo hiện còn hơn 200.000 dân tại 37 xã còn ngập sâu trong lũ, trong đó khoảng 5.000 dân ven sông Hà Thanh thuộc các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn) và các xã Canh Vinh, Canh Hiển (huyện Vân Canh), Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) bị ngập sâu 3-5m. Các tuyến quốc lộ 1A, 1D và các tỉnh lộ ngập sâu 0,5-1m. Giao thông hoàn toàn tê liệt, phương tiện liên lạc bị cắt đứt.
Phú Yên: 26 người chết, Bình Định: 7 người chết, 2 người mất tích.
Khánh Hòa: Từ 22g ngày 2-11, những cơn mưa lớn kéo dài bắt đầu đổ xuống Nha Trang. Tính đến 16g30 ngày 3-11, tỉnh Khánh Hòa đã có 4 người chết, 4 người mất tích, 7 người bị thương do bão số 11.
Gia Lai: Tại huyện Ia Pa, đã có bốn người chết, trong đó ba người tại xã Ia Trok và một người tại xã Kim Tân. Ngoài ra có 14 người mất tích, trong đó có tám công nhân ở huyện Kôngchro và sáu người dân ở xã Chưrcăm huyện Krôngpa.
Lúc 21g ngày 3-11, xe thiết giáp cứu hộ của lực lượng chức năng vào cứu người dân vùng bị ngập ở huyện Ia Pa lật úp khiến bảy người trên xe, đều mặc áo phao, bị rớt xuống sông. Rất may hai người đã kịp bám lên thành cầu, được mọi người quăng dây kéo lên bờ, năm thành viên còn lại bị lũ cuốn trôi nhưng may mắn được hai người dân địa phương dũng cảm đi canô tìm cứu được.
Ninh Thuận: Mưa lớn kéo dài từ mờ sáng đến tối 3-11, phủ khắp đã gây ngập lụt dữ dội nhiều vùng trong tỉnh. Lũ từ thượng nguồn đổ về làm cô lập nhiều thôn bản, khu dân cư.
Quảng Ngãi: Tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết tính đến 16g ngày 3-11, Quảng Ngãi có bốn người dân bị thương nặng do chằng chống nhà cửa chống bão số 11, 45 nhà dân sập hoàn toàn, bốn công trình văn hóa, trụ sở cơ quan và chín phòng học tốc mái, hàng trăm hecta cây trồng bị hư hại.
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
__________
Cứu 12 thuyền viên nước ngoài
Đến 11g30 ngày 3-11, toàn bộ 12 thuyền viên người nước ngoài (gồm tám người Trung Quốc và bốn người Myanmar) gặp nạn trên biển đã được các lực lượng cứu hộ, cứu nạn của TP Đà Nẵng đưa vào bờ an toàn. Theo Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng, tối 2-11 tàu vận tải Lucky Dragon của Trung Quốc khi đi ngang qua vùng biển Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn) thì bị cháy hầm máy. Do ảnh hưởng của bão số 11, sóng biển quá lớn khiến tàu hàng này trôi dạt không điều khiển được.

Lực lượng cứu hộ đưa thủy thủ nước ngoài gặp nạn lên bờ - Ảnh: Đ.Nam
Đến hơn 9g sáng 3-11, tàu bị sóng biển đánh gãy đôi và chìm tại vùng biển Khuê Mỹ. Tất cả 12 thuyền viên trên tàu phải nhảy xuống biển. Sau khi được cứu sống, 12 thuyền viên (trong đó có một người bị thương nặng) đã được chuyển đến bệnh viện cứu chữa.
ĐĂNG NAM
Nhiều chuyến bay, tàu hỏa phải hủy
Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết do ảnh hưởng thời tiết, các chuyến bay trong ngày 3-11 từ Nha Trang, Quy Nhơn đến những nơi khác đã bị hủy. Tuy đến chiều 3-11, các chuyến bay từ TP Quy Nhơn đã được khôi phục nhưng chuyến bay từ sân bay Cam Ranh vẫn chưa thực hiện được.
Ngày 3-11, ông Nguyễn Văn Thành, phó trưởng ga Sài Gòn, cho biết do tình hình nước ngập trên tuyến đường sắt, ga Sài Gòn đã quyết định hủy tám chuyến tàu. Theo đó, có sáu chuyến tàu Sài Gòn - Hà Nội gồm TN2, SE2, SE4, SE6, SE8 (chạy 5g30 ngày 4-11), TN2 (chạy 10g05 ngày 4-11) và hai chuyến tàu địa phương SH2 (Sài Gòn - Huế), SQN2 (Sài Gòn - Quy Nhơn). Trong đó, tuyến SE6 xuất phát tại Sài Gòn lúc 12g20 đi Hà Nội chạy đến Tuy Hòa do nước ngập nên đã quay trở lại.
L.NAM - N.HẬU
=====================================================================
Chia sẻ của bạn đọc
* Sáng nay, thời tiết ở Sài Gòn thật đẹp, tôi đi làm mà trong lòng thấy dễ chịu, những tia nắng sớm làm ấm hơn cái không khí lành lạnh của mỗi sáng. Và tôi bắt đầu ngày mới bằng việc đọc báo. Mở trang Tuổi Trẻ Online ra, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là một cụ già 80 tuổi đang chui lên từ nóc nhà nhờ sự giúp đỡ của hai nhân viên cứu hộ. Hàng loạt những hình ảnh nối tiếp là những ngôi nhà chìm trong nước, rồi gia súc, gia cầm sống sót lại đứng run run, ngơ ngác nhìn biển nước quanh mình…
Nước mắt tôi bỗng trào ra. Chưa bao giờ tôi cảm thấy thương như thế này, khi miền Trung – khúc ruột của đất nước, với những người con chịu đựng cái lạnh, cái đói, bốn bề nước lũ, Có nhà mà không được ở. Của cải, gia súc, mùa màng…, bấy lâu vất vả tạo dựng nay gần như mất trắng.
Tôi mong những ai đọc xong bài báo này sẽ thấu hiểu nỗi khổ của những người dân vùng lũ, và cùng tôi góp một phần nhỏ để sẻ chia những mất mát, thiệt thòi này của đồng bào mình.
PHUNG DIEM TRAM

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty