TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Friday, November 6, 2009

Trả giá “chung chi”

Thứ Bảy, 31/10/2009, 09:31 (GMT+7)

Điều tra:

TT - Mời bạn đọc theo chân anh P. để nghe anh nài nỉ, rên rỉ trong việc chung chi cho cán bộ hải quan. Thời gian qua, ngành hải quan không ngừng có những bước cải cách hành chính và cải thiện hình ảnh người công chức trong môi trường vốn rất nhạy cảm. Thế nhưng, thực tế cho thấy nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền doanh nghiệp (DN) tại các cửa khẩu hải quan vẫn tồn tại.

Công đoạn chung chi tại Hải quan cửa khẩu Cát Lái: sau khi cán bộ hải quan ra giá, người của doanh nghiệp đi ra ngoài đếm đủ tiền (ảnh 1) vào đưa cho công chức kiểm hóa Hồ Thanh Quảng. Ông Quảng đưa tay nhận cục tiền (ảnh 2), sau đó đút vào túi quần bên trái (ảnh 3 và 4) - Ảnh: H.K. (chụp từ camera)

Để hoàn tất thủ tục hải quan cho một lô hàng nhập khẩu, DN phải kinh qua nhiều "cửa ải" khác nhau, từ lúc đăng ký tờ khai đến khâu tính giá thuế, kiểm hóa, kiểm soát... Không cần biết hàng đúng chuẩn hay hàng sai phạm, cửa nào DN cũng phải chung chi cho nhân viên hải quan để hồ sơ, hàng hóa không bị "ngâm" hoặc làm khó dễ.

28 triệu đồng cho một lô hàng "miễn kiểm"

Sáng 23-9, anh P. được hai công ty ở TP.HCM ủy quyền làm thủ tục nhập bảy chiếc đầu kéo ôtô tại Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1-Cát Lái (Hải quan KV1-Cát Lái). Theo phân công, hai công chức kiểm hóa lô hàng là Hồ Thanh Quảng và Trần Thúc Nguyên. Anh P. cho biết chỉ riêng công đoạn kiểm hóa, hai ông này đòi chung mỗi container (chứa một đầu kéo) 4 triệu đồng, thêm công đoạn kiểm soát nữa thì tổng cộng hết 5 triệu đồng.

Anh P. gặp ông Quảng xin "hạ giá" 2 triệu đồng/chiếc nhưng ông Quảng vẫn lạnh lùng: "Ai cũng làm như thế hết". Anh P. vẫn xin bớt, trả treo một hồi, ông Quảng nói: "Nếu làm nhiều thì lấy chừng này" (giơ 4 ngón tay). Anh P. hỏi: "Vậy hết thảy 4 triệu/chiếc hả anh?". ông Quảng: "Được rồi, anh làm giúp cho mày là chính, nếu mấy người khác hỏi thì nói là 5 chai (triệu đồng) chứ không phải 4".

Sau khi cân đối các khoản chi, anh P. vào gặp lại công chức kiểm hóa với hi vọng bớt thêm chút ít nhưng ông Quảng dọa "trả tờ khai chứ không làm nổi đâu". Ngay lúc đó, ông Nguyên xen vào: "Cứ 5 chai một chiếc". Anh P. rên rỉ: "Lấy 5 chai nặng quá", ông Nguyên nói: "Đây là như thế". Anh P. nói chủ hàng không chịu giá đó, ông Nguyên nạt: "Không chịu thì đừng có làm".

Anh P. nài nỉ: "Hàng em không sai", ông Nguyên vặn: "Không sai làm sao tốn tiền?". Trước thái độ cương quyết của hai công chức kiểm hóa, anh P. đành chấp nhận chung với giá 4 triệu đồng/xe (28 triệu đồng/7 chiếc). Trước khi xuống bãi kiểm hàng, anh P. hỏi lại: "Mỗi chiếc 4 triệu phải không anh?", ông Quảng đáp "ờ" và dặn: "Nhớ chung cho bên kiểm soát 300.000 đồng/chiếc".

Chiều 23-9, ông Quảng và Nguyên xuống bãi container kiểm hàng. Nhìn chiếc đầu kéo đã rã từ đầu đến cuối (trong tờ khai nhập nguyên chiếc), ông Quảng ngó nghiêng qua rồi hỏi: "Có nhét gì trong này không?". Anh P.: "Dạ không dám". Về trụ sở Hải quan KV1-Cát Lái, anh P. lục hết túi chỉ còn 20 triệu đồng gói vào tờ giấy đưa cho ông Quảng: "Em gửi trước hai chục triệu".

Ông Quảng hỏi lại: "Hai chục phải không, đưa đây". Chiều 24-9, anh P. cầm 8 triệu đồng xuống chung tiếp cho ông Quảng. Anh P. nói: "Đưa anh 8 triệu hôm qua còn thiếu". Ông Quảng "ừ". Anh P: "Cho em lại một tí được không anh?", ông Quảng: "Cho mày 1 chai".

Chiều 14-10, anh P. xuống gặp ông Quảng để lấy chữ ký tờ khai. Anh P. nói sắp nhập về thêm bốn chiếc đầu kéo nhưng tiền chung chi cao quá. Ông Quảng nói: "Ai cũng vậy cả. Lấy thêm mày 1-2 chai tao cũng chả giàu lên mà chả nghèo đi". Anh P. thắc mắc kiểm hóa bên Vict chỉ lấy 2 chai, ông Quảng nói: "Tụi nó không có hàng, chai rưỡi (1,5 triệu đồng/xe) tụi nó cũng làm".

Chiều 15-10, anh P. trở lại Hải quan KV1-Cát Lái gặp công chức Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách khâu kiểm tra hồ sơ, đóng dấu tờ khai nguồn gốc xe nhập khẩu. Ông Hùng nói gọn lỏn: "Làm việc". Anh P. hỏi lại: "Em mới làm lần đầu, bao nhiêu một chiếc hả anh?". Ông Hùng ra giá "2 xị/chiếc, 4 chiếc là 800.000". Anh P. nói: "Cho nợ được không anh, lô hàng còn ba chiếc nữa, mai chung luôn", ông Hùng dứt khoát "không".

Chung không đủ thì… móc hàng ra

Chiều 26-9, sau khi tạm giải tỏa lô hàng bảy chiếc đầu kéo, anh P. trở lại Hải quan KV1-Cát Lái ký bảng cà số khung, số máy để làm thủ tục đăng kiểm. Vừa giáp mặt, ông Quảng khó chịu: "Ê, mấy ông kiểm soát kiếm mày đó. Tao kêu mấy ổng xuống gặp mày nhá".

Ông Quảng dặn: "Mấy ông bên chi cục (kiểm soát của chi cục) chung 300.000 đồng/chiếc, tổng cục 200.000 đồng/chiếc". Anh P. ngạc nhiên: "Sao nặng vậy". Ông Quảng nói "500.000 đồng/chiếc cũng phải chịu thôi". Ngay lúc đó, có ba cán bộ hải quan có mặt. Ông Quảng giới thiệu: "Đây là ba anh kiểm soát, một anh của cục, một chi cục và tổng cục".

Sau đó, cả ba người kêu anh P. ra trước hành lang bắt đầu màn hoạnh họe. Ông Lê Văn Rèo (kiểm soát Chi cục hải quan KV1) trách móc: "Mày đi đâu lâu dữ vậy. Bảy cái đầu kéo cả tuần nay sao chẳng thấy gì". Anh P. phân bua: "Em mới làm hôm thứ năm (24-9)". Ông Vũ Đức Dũng (kiểm soát Cục Hải quan TP) phụ họa: "Làm ăn vậy đó hả?". Anh P. nói đợi xuống ký tờ khai thông quan rồi chung luôn chứ không dám "xù".

Ông Dũng hất hàm: "Làm việc đi". Anh P. nói: "Cho em gửi mỗi cái 200.000, 7 cái là 1,4 triệu". Ông Dũng từ chối: "200 không ai làm hết". Anh P. nói chủ hàng chỉ đưa từng đó nên không biết xoay xở ra sao. Ông Dũng lên tiếng: "Hàng tháo rời nhét trong container là vi phạm. Vậy mới đưa tiền, hiểu chưa?".

Ông Rèo sau khi nghe điện thoại quay lại hỏi: "Giải quyết xong chưa mà lâu vậy?", ông Dũng nói: "Chưa". Ông Rèo giở giọng hăm dọa: "Hàng còn ở đây chứ gì? Vô kêu người bốc hàng ra coi. Nếu xe tháo rời thì kêu đăng kiểm xuống lập biên bản tại hiện trường".

Thấy đồng nghiệp căng quá, ông Dũng xoa dịu: "Bây giờ thế này. Một chiếc 3 xị. Ngoại lệ luôn đó. 7 lần 3 là 21 (2,1 triệu đồng/7 chiếc). Đưa đây, nhanh". Ông Dũng nói thêm: "Anh là bên kiểm soát cục, còn mấy ông kia (kiểm soát tổng cục và chi cục) "đè" mày bao nhiêu tao không biết". Thấy anh P. còn chần chừ, ông Dũng nói: "Mấy đứa kia đưa một chiếc 4 xị lận. Bây giờ tao tính mày 3 xị thôi. 2 xị là tụi tao không lấy".

Anh P. nói không đủ tiền, xin khất thứ hai xuống chung. Ông Dũng cương quyết "không" rồi quay qua hai đồng nghiệp nói: "Nó đòi tẩu (bỏ chạy) nè". Anh P. nói như mếu: "Em không dám tẩu. Em tưởng chung 2 xị/chiếc nên bây giờ thiếu tiền". Ông Dũng không tha: "Mày cứ đưa phần của tao đi, còn phần ông kia mày cứ xử với mấy ổng". Anh P. lấy cớ đi mượn tiền ra gặp ông Quảng than thở: "Mấy ông kiểm soát đòi dày quá". Ông Quảng hiến kế: "Nói tụi nó tiền của anh Quảng anh Nguyên em mới đưa một nửa, hẹn hôm sau".

Gặp lại các cán bộ kiểm soát, anh P. dùng "bài" hoãn binh như lời ông Quảng dặn. Ông Rèo: "Muốn làm ăn uy tín thì ông làm đại luôn đi". Anh P. nói không đủ tiền, ông Rèo bực tức: "Không đủ thì nói Quảng giữ tờ khai lại". Ông Dũng hạch tiếp: "Bây giờ đem theo bao nhiêu?". Anh P. nói khoảng 1,5 triệu đồng. Ông Dũng: "Có bao nhiêu đưa trước bấy nhiêu đi, còn lại đưa sau". Anh P. nói: "Tiền này em đi làm việc khác, thứ hai em đưa cho các anh một lần". Sau khi hội ý với ông Rèo, ông Dũng đồng ý để thứ hai anh P. chung một lần.

Chiều 28-9, anh P. cầm tiền xuống cảng Cát Lái để "trả nợ". Gặp ông Quảng, anh P. nói: "Nhờ anh gọi mấy anh kiểm soát xuống để em chung tiền hôm trước còn thiếu". Ông Quảng nói: "Mày đưa đây tao cầm cho". Anh P. ra ngoài đếm tiền kẹp vào tờ giấy mang vào đưa cho ông Quảng. Chiều 2-10, anh P. xuống cảng Tân Cảng đăng ký tờ khai thì gặp ông Dũng (đổi ca từ Cát Lái qua Tân Cảng).

Ông Dũng hỏi: "Vụ hôm trước chung xong chưa". Anh P. nói đã đưa cho ông Quảng rồi. Ông Dũng bấm điện thoại cho ai đó hỏi: "Bảy chiếc xe mình lấy chưa", rồi quay qua anh P. xác nhận "tụi nó nhận rồi". Chiều 16-10, gặp anh P. tại Tân Cảng, ông Rèo cho biết đã nhận được tiền nhưng chê: "Bèo quá (ám chỉ chung ít), không giao lưu với mày nữa".

Mỗi nơi hét một giá

Theo các DN, chung chi đậm nhất chính là khâu kiểm hóa. Chiều 2-10, chúng tôi gặp anh N. làm thủ tục nhập sáu xe đầu kéo từ Mỹ về cảng Tân Cảng. Anh N. cho biết chuyến hàng vừa rồi bị hải quan Cát Lái "cứa" gần 7 triệu đồng/chiếc nên anh chuyển qua Tân Cảng làm với hi vọng hải quan ở đây "nhẹ tay" hơn. Đang loay hoay mua tờ khai thì ông Vũ Đức Dũng, cán bộ kiểm soát Cục Hải quan TP, đến bắt chuyện.

Nghe anh N. nói sắp có chuyến hàng về, ông Dũng hỏi: "Trên kia làm cao quá nên giờ chạy về phải không?". Anh N. gật đầu. Ông Dũng dặn: "Phải gặp hết các lực lượng cho xong (chung đủ các bộ phận), đừng làm lằng nhằng, có ngày bắt lôi hàng ra để kiểm. Lỡ lòi ra cái gì thì chết" (ý nói nếu có hàng lậu).

Lát sau ông Dũng đi cùng một nữ công chức hải quan đến giới thiệu với anh N.. Người này tên Tâm, hải quan của Tân Cảng. Anh N. nói sắp có lô ôtô về. Bà Tâm ra giá: "Ở đây làm 3 "chai" (3 triệu đồng) à, rẻ hơn bên Cát Lái nhiều". Anh N. hỏi làm số lượng nhiều có bớt không, bà Tâm nói: "Một chiếc là 3 chai. Nếu làm nhiều thì chị cho lại chút ít để em uống nước".

Sau khi đồng ý giá cả, anh N. xin số điện thoại và hỏi ở đây có mấy người cùng tên với chị, bà Tâm nói: "Một người đăng ký tờ khai và một người kiểm hóa là chị". Qua kiểm tra, chúng tôi xác định đó là bà Phan Thị Minh Tâm, công chức kiểm hóa Chi cục hải quan KV1 - Tân Cảng.

Chiều 9-10 tại cảng Vict, chúng tôi gặp anh D. đang làm thủ tục chuẩn bị mở tờ khai hải quan nhập sáu chiếc xe tải. Anh D. đến gặp ông Lê Thanh Hà, công chức kiểm hóa thuộc đội thủ tục hàng hóa nhập Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 (Hải quan KV3). Ông Hà nói: "Ở Tân Cảng làm 4-5 triệu đồng/xe nhưng ở đây chỉ 3 thôi (tức 3 triệu đồng/xe)".

Anh D. năn nỉ bớt chút đỉnh, ông Hà "ba lần sáu mười tám" (18 triệu đồng/6 chiếc) và dọa "mày mà về làm Tân Cảng nó quất ít nhất 30 chai". Anh D. than giá đó hơi cao, ông Hà phán: "Mày đưa đây 20 chai tao lo khâu kiểm soát luôn cho". Anh D. nói còn khâu đăng ký, giá thuế thì sao, ông Hà nói "cho thêm mấy xị (trăm ngàn) nữa". Thêm bớt một hồi, ông Hà vẫn giữ giá 20 "chai" nhưng sẽ thay mặt anh D. lo từ A-Z (đăng ký, kiểm hóa, kiểm soát, giá thuế…).

HOÀNG KHƯƠNG

....................................

Ý kiến bạn đọc

TTO - Thật là khâm phục tờ báo dám nêu thẳng tên, chỉ đích danh từng cán bộ sai phạm. Cán bộ mà làm việc kiểu có tiền là cho qua hết thì bảo sao hàng lậu không vào nước mình dễ dàng. Thật đáng buồn khi thấy hiện nay trong xã hội, có những cán bộ chỉ biết làm giàu cho bản thân, còn xã hội và đất nước, nền kinh tế có phát triển được hay không thì mặc kệ.

Hồi còn đi học, bạn tôi nhiều đứa mong muốn vô hải quan làm vì nghe người đi trước nói dễ ăn và có uy lắm, tôi cũng không tin nhưng giờ đọc bài báo tôi mới hiểu. Điều đó cho thấy, không phải bỗng nhiên mà một bộ phận giới trẻ định hướng nghề nghiệp theo xu hướng là ngành nào dễ ăn, dễ vòi vĩnh và mau giàu thì đua nhau, lý tưởng cống hiến cho xã hội, cho cộng đồng, cho đất nước thì không được xem trọng.

Điều đó cũng cho thấy việc chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch cửa quyền trong cán bộ sẽ còn gặp không ít khó khăn.

 Điền Văn

Hoan hô Báo Tuổi trẻ, qua bài báo này đề nghị Tuổi trẻ làm tiếp bài phỏng vấn trực tiếp với cục trưởng cục Hải quan TP.HCM để xem thái độ xử lý của Cục cũng như của ngành "gác cửa khẩu".

Đây là một trong những vụ điễn hình mà báo giới phanh phui. Trong cuộc họp với doanh nghiệp, có ý kiến từng cho "đút lót, hối lộ là do nhân viên doanh nghiệp tự kê khai để lấy tiền". Mong Tuổi trẻ tiếp tục để loại những "con sâu" làm tổn hại nền kinh tế.

Nguyen Quang Tuynh

Hiện nay hầu như tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều phải chung chi cho các cán bộ hải quan. Trở thành một căn bệnh nan y, tất cả các doanh nghiệp đều rất bức xúc khi mình bị "hành hạ", bị "ăn" tiền nhưng không có cách nào để tránh được

Nếu có kêu thì cũng sợ doanh nghiệp mình bị trù dập nhiều hơn. Thiết nghĩ đã đến lúc các bộ ngành thanh tra nên vào cuộc để dẹp "căn bệnh nan y", và diệt tận gốc những "ung nhọt" này. Có như vậy các doanh nghiệp mới hết khổ, tiết kiệm được tiền bạc và thời gian của mình.

Nguyen Van An

Tôi cũng đã làm qua ngành giao nhận hải quan. Tình trạng hải quan đòi tiền thông quan là chuyện thường ngày ở huyện. Tòa soạn chỉ mới khai thác khâu kiểm hoá. Còn nhiều khâu khác lắm. Toàn bộ quá trình: mở tờ khai - áp giá thuế - kiểm hoá - thông quan ... mỗi khâu đều phải chung chi.

Đó là thực trạng mà doanh nghiệp nào cũng phải chịu mà không dám hó hé. Mong tòa soạn báo khai thác sâu hơn nữa để các cơ quan chức năng thấy được tệ nạn trong ngành hải Quan.

Quang Tuấn

Tôi đồng ý với bài đăng của Hoang Khương. Tất cả những gì Hoàng Khương đăng là đúng sự thật. Công ty tôi đã có vài lần mua hàng từ Trung Quốc. Mua chỉ vài chục triệu đồng thôi. Chính tôi là người đi lãnh hàng. Mất thời gian lắm. Công chức hải quan qua các khâu đều phải chi tiền. Từ lúc mở tờ khai đến khi lấy được hàng qua mỗi cửa đều phải chi.

Các cán bộ hải quan mà tôi gặp, nhất là kiểm hoá, mình chi tiền cho họ họ mới trả tờ khai mình, còn không chi tiền họ ngâm tờ khai mình hoài, chừng nào có tiền họ mới chuyển tờ khai. Mình nghĩ cần chấn chỉnh các nhân viên hải quan, nhất là các Chi cục trưởng vì việc chung chi phải cả một ê kíp chứ không thể một người làm mà không ai biết

Nghĩ đến việc đi nhận hàng mình thấy khổ lắm.

Tran Thanh Binh

Đối với bất kỳ ai đã từng đi làm thủ tục khai báo hoặc đôi lần ghé qua các đơn vị có hải quan làm việc thì đều thấy bảng khẩu hiệu ghi "Không đưa tiền cho công chức hải quan vì đó là quyền lợi của doanh nghiệp". Nhưng nếu các doanh nghiệp làm theo quy định trên thì hải quan sẽ làm khó dễ cho doanh nghiệp. Nhiều khi tôi nghĩ  "nên đưa tiền cho hải quan vì đó là quyền lợi của doanh nghiệp " thì đúng hơn?!

Các DN đều bức xúc lắm nhưng biết kêu ai đây?

Mysnail

Tôi thiết tha đề nghị đưa tất cả hình ảnh những nhân vật trong bài viết lên mặt báo, trước tiên là để dư luận phán xét những hành vi của họ, sau đó là các cơ quan của pháp luật sẽ làm việc với họ. Có như thế, những người đang làm hải quan mới thấy được là tất cả mọi người đang nhìn thấy họ làm việc chứ không như họ nghĩ lâu nay - không ai thấy ta, không ai chụp được ảnh của ta đưa lên báo.

Tôi đang dự định thành lập doanh nghiệp có liên quan tới hàng hóa xuất nhập khẩu, thực sự đọc xong bài báo tôi thấy sợ. Cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã có bài viết rất hay.

Lê Đình Tuấn

Chung chi là chuyện mà không nói ra những người đi làm hàng như chúng tôi ai cũng biết. Nhưng nay việc chung chi có phần kín đáo hơn. Ví dụ như khâu mở tờ khai, khi đưa tờ khai vào nhất thiết là không được kẹp tiền như lúc trước nữa. Mà khi đưa tờ khai vào, sau đó cán bộ hải quan mở tờ khai sẽ đưa ra một quyển sổ hoặc một tờ bìa để kẹp tiền vào, và cả khâu tính thuế cũng như thế nếu không thì đừng có hòng tờ khai nó đi cho.

Còn khâu kiểm hóa thì khỏi phải nói, sự thật có khi còn hơn những gì bài báo trên thể hiện. Đây là câu chuyện dài nhiều tập mà không có hồi kết, khi báo chí phanh phui thì chuyện chung chi cũng càng tinh vi và kín đáo hơn. Cuối cùng người chịu thiệt thòi vẫn là doanh nghiệp và những người đi làm hàng như chúng tôi.

Lý Nhã Kỳ

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty