Lao Động số 250 Ngày 04/11/2009 Cập nhật:
8:36 AM, 04/11/2009
|
|
(LĐ)
- Tại hai xã Diễn Phong và Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, Nghệ An thời gian
gần đây, nhiều người dân đua nhau làm hồ sơ giả nhằm được xét duyệt,
hưởng chế độ bị nhiễm chất độc da cam.
Họ
vào BV Đa khoa Nghệ An mua bản y sao bệnh án khống và giấy ra viện
khống, rồi về làng nhờ bác sĩ điền bệnh tình vào y như thật.
Ông Phan Xuân Hoài và tập hồ sơ đã lọt qua xã, chuẩn bị chuyển lên huyện. |
Trong vai người đi tìm mua bản y sao bệnh án và giấy ra viện khống, chúng tôi đến nhà ông Chu Văn Doanh - trú tại xóm Nhà Nghi, xã Diễn Phong. Ông Doanh là bệnh binh, nhưng không thuộc đối tượng mắc 17 loại bệnh được xét bị nhiễm chất độc da cam theo quy định 09 của Bộ Y tế (ban hành ngày 2.2.2008) và thông tư 08 của Bộ LĐTBXH (ban hành ngày 7.4.2009) nên phải mua hai loại giấy khống này.
"Mua dễ ợt, 1 triệu là có một bộ, nhưng tôi không trực tiếp mua mà nhờ anh Tùng trong xóm "mần" cho. Chiều nay đặt tiền, họ điện thoại ngay vào Vinh, trưa mai lên kiốt anh Hải ở xã Diễn Hồng mà lấy" - ông Doanh nói.
Lần theo bản y sao bệnh án và giấy ra viện khống của ông Doanh, được biết ông Doanh đã nhờ BS tên là H ở Trạm khám đa khoa khu vực bắc Diễn Châu điền bệnh vào cho.
Sáng 28.10, tại UBND xã Diễn Phong, ông Phan Xuân Hoài - Phó Chủ tịch xã - cho PV biết, hiện đã có 34 người đăng ký nộp hồ sơ hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam. Nói đoạn, ông Hoài mở tủ đưa tập hồ sơ cho xem.
Trong hồ sơ này ngoài bản y sao bệnh án từ BV Đa khoa Nghệ An của ông Doanh, ông Tùng còn có nhiều bản khác đều do thạc sĩ, Phó GĐ BV Đa khoa Nghệ An Nguyễn Xuân Sáu ký, đóng dấu; các BS Lê Thị Thanh Trà, Trần Ngọc Hà y sao bệnh án; các BS Hoàng Thị Hằng, Nguyễn Quang Vinh và BS Thanh ký giấy ra viện.
Tương tự, tại xã Diễn Vạn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Minh Long cho hay: "Có 39 hồ sơ vừa được hội đồng chính sách của xã xét duyệt". Lần giở từng trang hồ sơ, PV Lao Động phát hiện nhiều bản y sao bệnh án đều do BS Sáu ký, đóng dấu; các BS nêu trên y sao bệnh án và ký giấy ra viện.
Ông Hoài và ông Long đều cho biết quy trình xét duyệt tại địa phương là phải qua Mặt trận Tổ quốc, cựu chiến binh xóm họp bình xét, sau đó đưa lên xã kiểm tra. Nếu thấy đúng thì xã nhận để chuyển lên phòng LĐTBXH huyện làm tiếp.
Bệnh án khống tăng giá
PV Lao Động trao đổi tình trạng này với GĐ BV Đa khoa Nghệ An Nguyễn Danh Linh, BS Linh lấy ra một bản y sao bệnh án của ông Trần Quang Lãm, giải thích: "Ông Lãm ở xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn cầm bản y sao này vào BV nhờ sửa lại họ Trần thành họ Nguyễn, vì "khi làm bệnh án BS ghi sai họ". Ngay sau đó, chúng tôi phát hiện dấu của BV và chữ ký của Phó GĐ BV Nguyễn Xuân Sáu trong bản y sao này đều là giả, nên đã photocopy lại bản y sao này gửi CA tỉnh".
Khi biết các BS cho rằng bản y sao bệnh án bị làm giả, ông Lãm thú thật là ông đã nhờ một người tên là Hải làm với giá 3 triệu đồng.
Sau khi xem một số bản y sao bệnh án và giấy ra viện do PV Lao Động chụp lại tại hai xã Diễn Phong, Diễn Hồng, BS Linh khẳng định rất nhiều dấu giả và chữ ký giả. Ông cho biết: "Chúng tôi đã gửi công văn gửi tới CA về tình trạng hồ sơ bệnh án bị người ngoài BV làm giả. Kèm theo công văn là mẫu dấu của BV và chữ ký của Phó GĐ BV Nguyễn Xuân Sáu cùng các BS liên quan".
Theo ông Linh, đường dây làm giả hồ sơ này xuất hiện từ tháng 9. Do thấy số người làm giả ngày càng nhiều, nên giá một bản y sao bệnh án và một giấy ra viện đã tăng vọt lên từ 1-3,5 triệu đồng.
Bàn thêm về điều kiện cho người được hưởng chế độ bị nhiễm chất độc da cam, BS Linh nói: "Thủ tục cơ bản nhất của điều kiện này phải là những chứng nhận gốc của đơn vị đã tham gia chiến đấu và điều trị thì mới thật sự chính xác. Nếu theo thông tư 08 của Bộ LĐTBXH và Quyết định 09 của Bộ Y tế thì vẫn còn kẽ hở. Ví như có người không bị nhiễm chất độc da cam nhưng có thể bị ung thư, gai cột sống chẻ đôi, đái tháo đường type 2...Vì vậy, các cơ quan chức năng từ xã đến Hội đồng giám định y khoa của tỉnh phải hết sức tinh tường và công tâm, nếu không sẽ xảy ra những nạn như thương binh giả, liệt sĩ giả tràn lan như trước đây".
Ngày 7.4.2009, Bộ LĐTBXH ra thông tư
08 (sửa đổi, bổ sung mục VII trong thông tư 07 ban hành năm 2006) về
việc hướng dẫn lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách
mạng. Nội dung yêu cầu: Người lập hồ sơ phải có giấy chứng nhận trong
quá trình hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học do cấp huyện
cấp... phải có giấy tờ chứng nhận bị mắc một trong 17 bệnh có liên quan
đến phơi nhiễm với chất độc hoá học/dioxin gồm tám loại ung thư và các
loại bệnh: Đau tuỷ xương ác tính; thần kinh ngoại biên cấp tính và bán
cấp tính; tật gai sống chẻ đôi; bệnh trứng cá do clo; đái tháo đường
type 2; bệnh Porphyrin xuất hiện chậm; các bất thường sinh sản; các dị
dạng, dị tật bẩm sinh; rồi loạn tâm thần.
|
Sông Lam
No comments:
Post a Comment