Bài 3:
Cập nhật lúc 07:22, Thứ Tư, 04/11/2009 (GMT+7)
-
Bàn tiếp về cơ chế "xin - cho" một thời khiến NTSH oằn mình và câu
chuyện hãng kem chuối gia đình muốn mua bán gì cũng phải xin phép ba má.
"Xin - cho" và "cố ý làm trái..."
“Cách” sản xuất theo
phương thức tư bản chủ nghĩa mà chị Ba Sương đề cập, tôi hiểu ngay nó
muốn không trùng khớp với khái niệm triết học “phương thức sản xuất tư
bản chủ nghĩa” trong các tác phẩm kinh điển.
Cố Tổng Bí thư của thời kỳ Đổi mới Nguyễn Văn Linh
(áo trắng, đeo kính) trong một lần về thăm Nông trường Sông Hậu. Người
đang hồ hởi giới thiệu về nông trường là cố giám đốc Trần Ngọc Hoằng,
Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới. Ảnh: CTV.
|
Thực ra như hiện nay đã
rõ, mục tiêu của sản xuất là hiệu quả, lợi nhuận, tư bản hay xã hội đều
phải thế. Về nguyên lý thì chủ nghĩa xã hội còn phải chú trọng hơn và
đạt được kết quả cao hơn vì xây dựng được tinh thần tự giác làm chủ của
người lao động.
Sản xuất muốn đạt hiệu
quả kinh tế cao, nguyên tắc hàng đầu là sáng tạo, linh họat, không bắt
chước ai, làm theo ai. Không hiểu điều đó thì không thể làm kinh tế
trong cơ chế thị trường, không thể đứng vững trong quá trình hội nhập
với kinh tế thế giới. Bắt chước nhau hay bày dạy cho nhau may chăng chỉ
có thể “xóa đói giảm nghèo”. Muốn khá giả, giàu có phải chủ động và
sáng tạo, quyết liệt đổi mới hàng ngày, thậm chí hàng giờ. Không được
phép chờ đợi hay xin xỏ.
Vậy nhưng doanh nghiệp
nhà nước sinh ra và lớn lên từ cơ chế “xin-cho”, đã tồn tại như thế,
đâu dễ dàng bỏ được. Chắc không cần nói thêm vì nhiều người đã biết,
với doanh nghiệp nhà nước, giá cả mua bán hàng hóa, tầm mức đầu tư, kể
cả xử lý những vấn đề tồn đọng không hoàn toàn thuộc quyền của lãnh đạo
doanh nghiệp mà được định đoạt chủ yếu bởi hàng lọat quy định do các cơ
quan quản lý nhà nước ban hành.
Những quy định ấy không chấp hành không được nếu muốn yên lành.
Một buổi chiều, tôi ngồi
dưới tán bạch đàn mát rượi trên một bờ kênh trong Nông trường Sông Hậu,
nhìn tàu thuyền chở khẳm nông sản êm đềm chạy dưới kênh, nhìn máy gặt
đập liên hợp họat động rộn ràng trên đồng ruộng, ngắm bầu trời xanh,
miên man nghĩ về việc đầu tư của Nông trường.
Với từng đơn vị diện
tích ruộng đất, nông trường hợp đồng với nông trường viên sẽ đầu tư bao
nhiêu, như thế nào và sau đó thu lại bao nhiêu, như thế nào. Giấy trắng
mực đen ký kết đàng hoàng, một phương thức hợp tác làm ăn tiên tiến ở
các nước hiện đại bậc nhất bây giờ cũng chỉ đến thế.
Nhưng một số nông trường
viên hoàn trả giá trị đầu tư không đúng cam kết, thường xuyên thiếu và
họ làm đơn cho rằng bị nông trường “bóc lột”.
Thế nào là bóc lột? Khi
một bên dùng quyền thế chèn ép bên kia để chiếm đọat nhiều hơn giá trị
được hưởng trong khối giá trị hai bên cùng tạo ra, đó là đặc điểm của
những thời kỳ lịch sử loài người làm ăn không có hợp đồng, chỉ nói
miệng với nhau mà “miệng nhà quan có gang có thép”. Còn làm ăn có hợp
đồng thì hòan tòan khác, hai bên đã tự nguyện và tự do thỏa thuận.
Những năm đầu ở nông trường Sông Hậu, thu hoạch lúa hoàn toàn thủ công như thế này. Ảnh: CTV.
|
Đến đây, có người nại
rằng: Khi cầm bút ký chưa đọc kỹ và chưa hiểu hết các điều khỏan cam
kết trong hợp đồng. Nếu vậy thì thuộc lĩnh vực khác mất rồi. Còn tranh
chấp hợp đồng, ra tòa án giải quyết.
Nhưng, thì cuộc sống vốn
hay có chữ "nhưng", với những khiếu nại như thế chính quyền cũng hay
nhiệt tình giải quyết và sinh ra thêm nhiều chữ "nhưng" hơn nữa. Nhất
là với doanh nghiệp nhà nước, dễ bị chất vấn kiểu như: Ký hợp đồng như
vậy đã xin phép cơ quan nào chưa, được cơ quan nào cho phép chưa, thời
gian cho phép bao lâu và thực hiện bao lâu?
Cơ chế “xin-cho” là thế!
Nếu đã có “xin” và đã được “cho” thì không vấn đề gì cả dù cho có thua
lỗ lớn, nhưng ngược lại thì dù thu được lợi nhuận cao cũng có thể bị
khép vào tội “cố ý làm trái” nếu có cơ quan muốn ghép.
“Ngày không thể quên”
Tôi nhớ một vài thời
điểm gặp chị Ba Sương thấy chị rất phấn khởi. Đó là những thời điểm
Nông trường vừa được “cho” làm việc gì đấy.
Năm 1992, năm đầu tiên
Nông trường được “cho” phép xuất khẩu trực tiếp nông sản chế biến và đã
xuất khẩu được 607 tấn rau quả thu về 158.368 USD. Những năm tiếp theo,
kim ngạch xuất khẩu của Nông trường liên tục tăng: Năm 1994 đạt trên 1
triệu USD, năm 1995 hơn 3 triệu USD.
Ngày 20/5/1996, chị Ba
Sương nói với tôi là “ngày không thể quên”. Đó là ngày UBND tỉnh Cần
Thơ “cho” Nông trường Sông Hậu từ chuyên sản xuất sang làm thêm kinh
doanh, gọi là “sản xuất-kinh doanh-xuất nhập khẩu tổng hợp”.
Để đến những ngày, nông trường Sông Hậu được quyền
chủ động bán các sản phẩm do nông dân sản xuất ra với giá đàm phán với
các đối tác. Trong ảnh là kho chứa lúa khang trang của nông trường Sông
Hậu. Ảnh: CTV.
|
Kết thúc năm 1997, tôi
gặp chị Ba Sương thấy chị rạng rỡ hẳn lên, dường như trẻ ra. Chị khoe,
lại được Chính phủ “cho” trực tiếp xuất khẩu gạo. Lập tức kim ngạch
xuất khẩu của Nông trường vọt lên hơn nhiều năm trước cộng lại. Sang
năm 1998, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 55 triệu USD và doanh thu của
Nông trường hơn 1.143 tỷ đồng.
Từ doanh nghiệp thuần
nông (sản xuất chiếm 90% doanh thu những năm đầu) Nông trường đã trở
thành doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu (chế biến và xuất khẩu chiếm
90% doanh thu). Một quá trình đi lên đầy khó khăn, vượt qua nhiều cửa
ải “xin-cho”.
Nhưng được “sản
xuất-kinh doanh-xuất nhập khẩu tổng hợp” thì một mâu thuẫn âm ỉ từ
trước cũng nổi lên gay gắt: đó là mâu thuẫn giữa đòi hỏi phải năng động
trên thương trường với đòi hỏi chấp hành nghiêm các quy định.
Tôi cứ lẩn thẩn hình
dung: Một gia đình, chẳng hạn làm kem chuối, chỉ bán trong lối xóm thì
chưa có vấn đề gì. Nhưng mở rộng bán ra cả xã, cả huyện thì không đơn
giản nữa, phải thuê mướn người và khó tránh rủi ro vì dứt khóat có
người mua chịu và sau đó không trả tiền. Giá cả cũng phải linh họat,
khi nắng khác khi mưa, tinh mơ khác chiều tối, nơi gần trường học khác
nơi xa trường học…
Nếu tất tật mọi thay đổi
ở các nơi phải gọi điện về xin phép ba hoặc má ngồi ở nhà và sự cho
phép đòi hỏi phải có văn bản thì “hãng kem chuối gia đình” này không
sập tiệm mới lạ.
Một doanh nghiệp có
doanh số hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, làm sao tránh khỏi rủi
ro với một vài khách hàng để khó đòi dăm ba tỷ đồng, không chỉ vì khách
hàng xấu chơi mà còn vì nhiều lý do bất khả kháng. Nhưng với một doanh
nghiệp nhà nước, điều đó lại có thể không được phép xảy ra (?).
Rất nhiều câu hỏi không
khó trả lời với người kinh doanh nhưng với cơ quan tố tụng lại dễ thành
chuyện lôi thôi. Chẳng hạn, tại sao bán hàng chưa thu được tiền mà lại
tiếp tục đưa thêm hàng để thêm nợ? Tại sao bán hàng không kiên quyết
đòi tiền đúng hạn lại để dây dưa kéo dài?
Một “hãng kem chuối gia
đình” như ví dụ trên, nếu ba má ngồi ở nhà muốn bắt lỗi con cái bươn
chải ngòai vỉa hè đã có vô thiên lủng lỗi lớn nhỏ để mà bắt. Với một
doanh nghiệp có doanh số hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm mà việc
sản xuất liên quan đến hàng vạn người, việc kinh doanh liên quan đến
hàng trăm mối khắp thế giới, nếu muốn bắt lỗi vặt vãnh lớn nhỏ thì càng
có vô thiên lủng.
Dân gian có câu “nhân vô
thập tòan” nhưng tôi nghĩ những người làm ăn cũng như những người bắt
lỗi đều hoàn hảo. Các quá trình đều hòan hảo, mục đích đều tốt đẹp, chỉ
có sơ suất hay rủi ro khách quan mà thôi. Vậy cũng đã có vô số lỗi lớn
nhỏ để mà hành hạ nhau nếu muốn.
(Còn tiếp)
-
Sáu Nghệ (tác giả là nhà báo, hiện sống ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
No comments:
Post a Comment