Hơn 50 xe container, xe tải chiều 2/11 xếp hàng dài dọc
tuyến cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn để phản đối quy định đóng phí tại trạm
thu trên xa lộ Hà Nội, gây cảnh kẹt xe nhiều giờ liền.
Tài xế đã cho các phương tiện đậu choán hết 10 làn
thu phí của trạm, khiến xe cộ lưu thông cả hai hướng từ trung tâm Sài
Gòn ra và ngược lại, bị tắc nghẽn. Chỉ đến khi được qua trạm không phải
trả phí, tình trạng ách tắc mới được giải tỏa.
Tình trạng tắc nghẽn ôtô tại trạm thu phí xa lộ Hà
Nội đã diễn ra hai ngày nay, mà đỉnh điểm là chiều qua khhi hàng loạt
tài xế dừng xe, không chịu qua trạm. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này
là do các doanh nghiệp vận tải thuộc Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM
cho rằng Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) lập trạm thu phí
sai đối tượng, tận thu, thu oan đối với ôtô ra vào cửa ngõ phía Bắc Sài
Gòn này.
Xe container, xe tải "biểu tình" không đóng phí gây ra cảnh tắc nghẽn tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội chiều 2/11. Ảnh: Kiên Cường |
Vào tháng 10, Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố đã
ra "tối hậu thư" cho CII, yêu cầu dừng việc thu phí sai đối tượng ngay
trong tháng. Kể từ ngày 1/11, ôtô của các doanh nghiệp vận tải sẽ không
mua phí khi qua trạm. Đến hẹn, trạm vẫn tiếp tục thu phí khiến các tài
xế quyết định "dừng lái".
Những
phản ứng của các doanh nghiệp vận tải thành phố thông qua Hiệp hội vận
tải, với trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội của CII đã có từ nhiều năm nay, kể từ khi trạm được xây dựng và vận hành từ năm 2001.
Để ra vào phía Bắc TP HCM, phương tiện ôtô các loại
(cá nhân, xe khách, du lịch, container...) có hai lộ trình lựa chọn:
tuyến Nguyễn Hữu Cảnh vào trung tâm thành phố qua đường Lê Thánh Tôn;
hoặc theo đường Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà
Nội.
Từ năm 2001 sau khi mở rộng đường Điện Biên Phủ, TP
HCM nhượng quyền thu phí cho Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP
HCM (CII) để đặt trạm thu phí ôtô, hoàn vốn cho dự án này. Nhưng thay
vì đặt tại đầu đường Điện Biên Phủ thì trạm thu phí lại được xây trên
xa lộ Hà Nội, trở thành một cái lưới "đón lõng" hầu hết ôtô theo cả hai
lộ trình Nguyễn Hữu Cảnh và Điện Biên Phủ.
Trạm thu phí xa lộ Hà Nội chỉ được thu phí hoàn vốn đường Điện Biên phủ nhưng lại đặt trên xa lộ Hà Nội (đường màu cam có biểu tượng số 52) nên đã tận thu cả xe ra vào TP HCM qua đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ảnh: diadiem.com |
Nhiều năm nay các doanh nghiệp vận tải thành phố liên
tục phản đối trạm thu phí này, cho rằng phải đóng tiền oan vì không lưu
thông trên đường Điện Biên Phủ, mà chỉ đi tuyến Nguyễn Hữu Cảnh. "Một
tháng doanh nghiệp chúng tôi phải đóng oan gần 10 triệu đồng vì xe tôi
đi qua đường 25B ra vào cảng Cát Lái chứ không đi Điện Biên Phủ, thiệt
hại rất lớn", đại diện một doanh nghiệp bức xúc cho biết.
Anh Quang, một người dân có ôtô riêng cho biết: "Mỗi
lượt qua trạm tôi phải đóng 10.000 đồng, nhưng nhà tôi chỉ ở dưới chân
cầu Sài Gòn và đi làm ở Thủ Đức. Trước giờ tôi cứ nghĩ trạm thu phí này
là đóng tiền cho xa lộ Hà Nội chứ không biết trạm thu hoàn vốn đường
Điện Biên Phủ. Thật vô lý".
Hồi tháng 8, CII đã dời trạm thu phí về phía Bắc,
cách điểm cũ khoảng 1 km, đặt gần cầu Rạch Chiếc, với lý do vướng tuyến
metro số 1. Song trạm mới đã không giải quyết được tình trạng thu sai
phương tiện, mà nay còn "gom" luôn cả luồng ôtô đi từ liên tỉnh lộ 25B
và cầu Phú Mỹ ra để thu phí khiến cánh tài xế càng bức xúc hơn.
Thống kê của Hiệp hội vận tải hàng hóa, có đến
90% lượng xe ôtô các loại ra vào trung tâm thành phố bằng đường Nguyễn
Hữu Cảnh nhưng phải đóng phí cho việc sử dụng đường Điện Biên Phủ tại
trạm này.
Nếu tính trung bình mỗi ngày một ôtô cá nhân phải
đóng 10.000 đồng một lượt, xe tải và container từ 20.000 đến 30.000
đồng, để qua trạm; thì 8 năm qua, dù không thể thống kê hết lượng xe
hơi lưu thông bằng đường Điện Biên Phủ, ước số tiền người dân đóng oan
cho trạm mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện TP HCM có hơn
400.000 ôtô các loại, chưa kể hàng chục nghìn lượt phương tiện các tỉnh
ra vào hàng ngày.
Gây kẹt xe kéo dài trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: Kiên Cường |
Điều
quan trọng là chính CII và các cơ quan chức năng đều kết luận việc
người dân, doanh nghiệp bị thu phí oan là một sự thật không thể chối
cãi.
"UBND TP HCM không nhượng quyền thu phí đường Nguyễn
Hữu Cảnh cho CII", ông Lê Vũ Hoàng, Tổng giám đốc CII hồi cuối tháng 8
đã có văn bản gửi Hiệp hội vận tải hàng hóa, thừa nhận.
Về việc dời trạm và thu phí sai xe qua tỉnh lộ 25B,
Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài cũng kết luận CII sai và yêu
cầu phải lên phương án để không thu xe sai mục đích khi qua đường này.
Như vậy, từ khi bắt đầu thu phí năm 2001, xe ra vào
TP HCM từ hướng Bắc qua đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bị CII tận thu sai mục
đích. Tuy nhiên 8 năm qua, thực tế này vẫn không được giải quyết. "Cách
giải quyết chậm chạp của cơ quan chức năng khiến CII đang có lợi và kéo
dài việc thu phí sai của mình", ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch
Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM chỉ trích.
Theo ông Trung, giải quyết tình trạng này là trách
nhiệm của UBND thành phố. Song thành phố lại giao cho Sở Giao thông Vận
tải xử lý, Sở lại giao ngược cho CII lên phương án cụ thể, thì chẳng
khác nào "trái bóng" lại về tay CII.
Để xoa dịu, Công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố
vừa đưa ra giải pháp là chỉ thu phí với ôtô các loại đi qua trạm cũ.
Tuy nhiên Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM không đồng ý, cho rằng CII
vẫn thu sai mục đích vì xe vẫn đóng phí khi không sử dụng đường Điện
Biên Phủ.
CII đề nghị vẫn thu phí ôtô các loại qua liên tỉnh lộ
25B nhưng sẽ hoàn tiền trong vòng 30 ngày và yêu cầu doanh nghiệp mang
hóa đơn đến thanh toán lại. Hiệp hội vận tải tiếp tục phản đối, cho
rằng CII không có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp hay người dân làm gì,
phương án này cũng quá phức tạp.
|
Kiên Cường
No comments:
Post a Comment