Bộ mặt đô thị, nôm na là việc tích góp hệ thống công trình một cách có tính toán trước. Nói như ông Bộ trưởng Xây dựng: "quy hoạch là sắp xếp lại giang sơn". Hình như chỉ có ta là không làm như vậy!
LTS: Kết thúc mạch bài 6 kỳ, KTS Nguyễn Trọng Huấn kết luận: Quy hoạch đô thị Việt Nam phải ra đi từ chính thực tiễn xã hội và đất nước Việt Nam bởi việc có việc thuê tây quy hoạch cho ta thì cũng giống đầu bếp châu Âu nấu bún riêu cua hay bún bò Huế. "Ăn thì cũng tạm được nhưng... hôi mùi bơ".
Mở đầu loạt bài này, người viết đã đưa ra một khẳng định: "Bộ mặt hệ thống đô thị nước ta hôm nay khác xa so với bộ mặt đô thị do người Pháp để lại năm 1945, cũng như khác xa so với trước ngày đại hội Đảng lần thứ VI quyết định đường lối Đổi mới năm 1986".
Người viết cũng cố gắng đưa ra những cứ liệu mong chứng minh rằng đây là một trong những "sự nghiệp quan trọng, to lớn và lâu dài của dân tộc".
Nhà đầu tư chẳng bao giờ chịu thiệt
Đô thị hoá không chỉ là những quyết sách chiến lược quốc gia, những đô thị đông dân, đầy đủ tiện nghi, những vùng công nghiệp hiện đại, đem đến công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, cho đất nước những nguồn thu to lớn, tác động đến từng cánh rừng, ngọn núi, dòng sông, đến môi trường sinh thái... mà còn liên quan đến từng mái ấm gia đình, sắc thái phồn vinh của một xã hội, vẻ phong quang của một đất nước hiền hoà tươi đẹp. Tóm lại, đô thị hoá chính là thực hiện mục tiêu: Dân giàu - Nước mạnh - Xã hội văn minh.
Chiến lược kinh tế - xã hội quốc gia là đầu bài cho chiến lược đô thị hoá. Chiến lược đô thị hoá khởi đầu bằng quy hoạch hệ thống đô thị. Hệ thống đô thị kích hoạt tương tác giữa các ngành sản xuất trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho văn hoá phát triển. Kinh tế - văn hoá phát triển tạo điều kiện cho con người phát triển. Con người phát triển sẽ tác động lại vào quá trình phát triển kinh tế - văn hoá.
Ảnh minh hoạ |
Để thực hiện những mong muốn ấy, không có gì khác hơn ngoài "chủ trương đúng", rất cần "những con người tài giỏi" và "một tổ chức đủ mạnh".
Buổi ban đầu, khi lực lượng còn mỏng, khái niệm còn sơ khai, công việc giản đơn, sự nghiệp quy hoạch đô thị được giao cho ngành xây dựng, như một hoạt động có ý nghĩa khai mở.
Địa bàn đô thị ngày càng rộng, khối lượng công việc tăng, hiện số lượng điểm dân cư có tính đô thị đã đạt con số hơn 700, dân đô thị đã chiếm một phần tư số dân cả nước, khoảng 22 triệu người, đất đô thị khoảng 398.712 ha (số liệu 2006). Lực lượng chuyên môn từ chỗ vài chục người, nay đã lên đến hàng trăm, thậm chí xấp xỉ con số ngàn. Thêm nhiều ngành khác góp vui: Giao thông vận tải, Tài nguyên - môi trường v.v. và v.v...
Nhưng đông không đồng nghĩa với mạnh, ngược lại, vẻ như đang rối. Dường như quá trình đô thị hoá diễn biến không được bình thường như mong muốn.
Không thể dẫn hết ra đây những phàn nàn về thực trạng đô thị hoá ở nước ta thời gian qua. Điều vô lý là với biết bao thời gian, công sức và tiền của đã đổ ra, niềm vui mang đến không nhiều, ngược lại, quy hoạch dần trở thành nỗi ám ảnh như một hiểm họa sẽ rơi xuống đầu ai đó.
Khác với thiên tai, bão lũ, còn có Trung tâm Khí tượng - Thủy văn và Cơ quan Phòng chống thiên tai báo trước, hiểm hoạ này không biết sẽ tới từ đâu và bao giờ! Nó có thể đến từ một cao ốc văn phòng gắn đầy máy điều hoà nhiệt độ sang trọng. Ở đấy, có những nhà quy hoạch tài ba, đang vẽ vẽ, xoá xoá một cái gì đấy. Cũng có thể đến từ một nhà đầu tư nước trong, nước ngoài nào đấy, cũng sang trọng không kém, một sáng đẹp trời đi qua nhà anh, thấy chỗ này làm ăn được, một dự án mới ra đời. Vậy là "thôi rồi, Lượm ơi!", lo mà kiếm chỗ. Gia sản một đời tích cóp như bát nước đổ ra sàn. Chủ trương di dời đến chỗ mới không hơn cũng phải bằng chỗ cũ, trước sau cũng chỉ là khẩu hiệu cho đẹp lòng nhau. Nhà đầu tư chẳng bao giờ chịu thiệt.
Trong câu chuyện trao đổi hàng ngày, quy hoạch gần như đồng nghĩa với rắc rối, tai hoạ. Ngay cả dân nhà giàu ở thành phố Hồ Chí Minh, mua căn hộ cao cấp bên Phú Mỹ Hưng, cũng một sáng đẹp trời nghe tin sét đánh "đóng tiền đất!". Mà tiền đất ở Phú Mỹ Hưng nào ít ỏi gì, khoảng một nửa tiền nhà, mà tiền nhà cao cấp thì tiền đất cũng không thể bình dân. Chuyện này đâu như bộ Tài chính mới nghĩ ra, còn doanh nghiệp thì dội xuống đầu "Thượng đế"!
"Sức chịu đựng của dân có hạn"
Rõ ràng là không đủ căn cứ để đánh giá rằng chúng ta đã và đang đô thị hoá quá nhanh, không có thời gian dừng lại, rút kinh nghiệm. Hay chúng ta không đủ bùa phép để chế ngự quá trình đô thị đang biến hoá khôn lường khi gia nhập sân chơi quốc tế theo cơ chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa? Nhưng có điều chắc chắn là chúng ta đang vừa chạy, vừa xếp hàng, vấp lên ngã xuống, nói một cách khác, chúng ta đang quy hoạch theo kiểu ngứa đâu gãi đấy, không định trước được cái gì.
Với người dân, nhà nằm trong diện quy hoạch giải toả là một bản án treo. Ở thành phố Hồ Chí Minh, có khu treo đã được ba mươi năm! (khi quy hoạch trùm lên cuộc sống - Tuổi Trẻ 27-28-29/10).
Không có một hệ thống giao thông đô thị nào gây kinh hoàng cho dân chúng như giao thông ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia giao thông ở đây là một kiếp nạn. Không riêng gì với số đông người đi xe máy, mà kể cả những người ngự trên những chiếc xe hơi đời mới, đắt tiền. Còn xe buýt thì cả người lái lẫn hành khách vẫn đang hành hạ nhau từng ngày. Người đi bộ không được tính, đi được thì đi, không đi được thì dừng. Tùy ý. Xin đừng đổ lỗi cho dân. Sức chịu đựng nào cũng có giới hạn nhất định.
Ảnh minh hoạ |
Có lẽ cũng không nhiều thành phố chỉ chớm mưa là ngập như Sài Gòn, Hà Nội. Điểm ngập toàn thành.
Chắc cũng không có thành phố nào trên thế giới mà các nhà đầu tư ngẫu hứng như các nhà đầu tư ở Việt Nam. Công trình siêu thị đường 19/12, Khách sạn du lịch góc công viên Thống Nhất ở Hà Nội, bệnh viện Nhi Đồng ở thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà đầu tư mới chính là tác giả của không gian đô thị. Còn các đồ án quy hoạch, nói như đại biểu Đặng Văn Khanh, vẽ cho vui!
Không phải công trình nào xây xong, không thích thì đập. Báo chí thành phố Hồ Chí Minh đã từng lên tiếng đòi đập bỏ "toà nhà kỳ dị" trên đường Pasteur vì làm hỏng không gian Ủy ban nhân dân thành phố. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ cười: "Đồng ý thôi! Nhưng xin bồi thường cho toàn bộ tiền xây cất và lợi nhuận khai thác trong thời gian hoạt động đã ký trong hợp đồng".
Bộ mặt đô thị, nôm na là việc tích góp hệ thống công trình một cách có tính toán trước. Nói như ông Bộ trưởng Xây dựng: "quy hoạch là sắp xếp lại giang sơn". Hình như chỉ có ta là không làm như vậy.
Quy hoạch đô thị - vấn đề còn lại
Không có bất cứ một hệ thống lý thuyết quy hoạch đô thị nào trên thế giới chỉ đường cho một đất nước xây dựng thành phố kiểu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Con đường ấy do chính chúng ta vạch ra, hoàn toàn không có một mô hình nào trước nó.
Đoàn chuyên gia tư vấn của Nhật Bản đang giúp quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra một nhận định đáng giật mình: "Tất cả các quốc gia trên thế giới hiện nay đều đang phải đối diện với vấn đề đô thị của chính mình, và không có một hệ thống lý thuyết nào dùng chung cho tất cả".
Như vậy là rõ, quy hoạch đô thị Việt Nam phải ra đi từ chính thực tiễn xã hội và đất nước Việt Nam.
Như vậy có thể tạm coi chủ trương là sáng tỏ thì vấn đề còn lại là bộ máy và con người.
Một lực lượng như thế so với chức năng, nhiệm vụ của một hệ thống công ty, tổng công ty, nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, các công trường trọng điểm xây dựng tầm quốc gia và quốc tế mà doanh số hoạt động hàng năm có thể lên đến nhiều ngàn tỷ đồng thì cũng chỉ đóng vai trò "ăn theo nói leo", khó có tác động đến hoạt động xây dựng đô thị đang diễn ra rầm rộ trên cả nước. Chưa nói đến sự yếu kém và thiếu hụt của hệ thống cán bộ quy hoạch địa phương như ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh đã giãi bày trong cuộc điều trần trước Hội đồng Nhân dân thành phồ hôm 30/10. Đấy cũng là một trạng thái của bệnh to đầu trong xây dựng đô thị.
Dù cũng có ban nọ, bệ kia, nhưng việc Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn không gánh nổi đầu việc bộ và trung ương giao, chủ trương phân cấp quy hoạch về cho địa phương cũng là một cách rũ bỏ trách nhiệm.
Còn việc thuê tây quy hoạch cho ta thì cũng giống đầu bếp châu Âu nấu bún riêu cua hay bún bò Huế. Ăn thì cũng tạm được nhưng... hôi mùi bơ.
Quy hoạch đô thị là vấn đề xã hội và con người, vấn đề của nghệ thuật và văn hoá. Mọi kỹ thuật xây dựng, dù tiên tiến đến đâu cũng chỉ là phương tiện.
Thung lũng sông Elber ở thành phố Dresden của Đức, được UNESCO công nhận là di sản thế giới năm 2004, vừa bị chính UNESCO xoá tên trong cuộc họp thường niên ở Seville, Tây Ban Nha từ ngày 22 đến 30/6/2009 vì đã xây một cây cầu qua sông này làm hỏng cảnh quan thiên nhiên.
Nếu như lập luận của người viết bài này như đã trình bày ở trên, và nhận định của các nhà tư vấn Nhật Bản là đúng thì đối tượng đích thực của Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn cũng như các cục, vụ khác được giao phụ trách công cuộc quy hoạch đô thị chính là thực tiễn quá trình đô thị hoá đang diễn ra rầm rộ trên chính đất nước này, chứ không cần kéo nhau sang tận nước Bỉ để học bài "Quy hoạch cấu trúc chiến lược" (Strategic Structure Planning) hy vọng thay thế cho phương pháp "Quy hoạch cấu trúc" (Structure Planning) đã cũ.
Đây chính là hệ lụy đã được đề cập đến ở những phần trên: "Kiến trúc, quy hoạch là nghệ thuật hay kỹ thuật?". Rõ ràng nếu xem kiến trúc, quy hoạch là một ngành nghệ thuật thì làm giàu, làm đẹp cho nhân dân mình, đất nước mình, tạo ra bản sắc Việt là mục đích, còn phương pháp dù có tiên tiến, khoa học đến đâu cũng chỉ có giá trị tham khảo. Vì những phương pháp đó đã được đúc kết từ thực tiễn bản địa của hệ thống lý thuyết đã sinh ra nó và sẽ đổi thay khi thực tiễn sinh ra chính nó đổi thay.
Đã đến lúc cần "một Uỷ ban nhà nước về Quy hoạch Đô thị và Môi trường" đủ mạnh phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp chiến lược đô thị hoá đất nước.
Một số ý kiến đáng lưu tâm:
Thảo luận tổ ở Quốc hội về "Luật Quy hoạch":
- Đại biểu Hà Văn Hiền (Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, người trình bày báo cáo thẩm tra): "Kiến trúc sư trưởng nếu có phải là người hình thành và duy trì được sự thống nhất về kiến trúc đô thị, sao không để xảy ra tình trạng qua mỗi thời chủ tịch thành phố, quy hoạch lại thay đổi, "phế" nhau xoành xoạch.
- Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào: Luật Quy hoạch đô thị đang được xây dựng trên thực trạng đô thị đã bị "băm nát". Nói riêng Hà Nội, việc quản lý quy hoạch theo... nhiệm kỳ, cứ "hết nhiệm kỳ là hạ cánh" dẫn đến sự chắp vá khắp thành phố...". Nhiều người nước ngoài nhận xét, từ máy bay nhìn xuống, đô thị Việt Nam lổn nhổn như đống rác"... Còn kiến trúc sư trưởng, ai cũng sợ "ông ấy" vì "ông ấy" thả sức vẽ, thả sức bày đặt rồi... không chịu trách nhiệm gì".
- Đại biểu Đặng Văn Khanh: Kiến trúc sư trưởng của ta chắc có vẽ xong rồi cũng để đấy... cho vui, khó làm được gì.
- Đại biểu Đặng Huyền Thái: Thời kỳ 10 năm Hà Nội có kiến trúc sư trưởng trước đây, cái làm được thực tế là quá nhỏ bé so với những việc không làm được. (nguồn Dân Trí)
Điều trần của Ban Kinh tế và Ngân sách, Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30/10/2009:
- Ông Lê Văn Trung: Muốn thành phố phát triển bền vững thì công tác quy hoạch nên tập trung, không nên dàn trải và chạy theo số lượng. Có như vậy, tính khả thi mới cao.
- Ông Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, việc quy hoạch chi tiết 1/2000 không nên phủ kín một cách đại trà... nơi nào chưa có quy hoạch chung hoặc chưa đến mức thật sự cần thiết thì tạm thời chưa làm.
- Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc: Cán bộ thực hiện quy hoạch vừa thiếu vừa yếu, quy hoạch làm xong phải chỉnh sửa nhiều lần trong khi cán bộ quản lý quy hoạch cũng mỏng và yếu không kém nên công tác quy hoạch chậm, không thể triển khai đồng bộ và có chất lượng được. (nguồn Vietnamnet)
Từ những ý kiến này dường như diễn tiến quy hoạch có nhiều dấu hiệu không bình thường!
No comments:
Post a Comment