Trong khi các cơ quan quản lý vẫn đang loay hoay nghiên cứu quy định về thiết kế đô thị cho các ô phố dọc theo đại lộ Đông - Tây, thì tình trạng xây dựng, cải tạo, chỉnh trang nhà cửa theo thiết kế "mỗi nhà mỗi kiểu" đã và đang diễn ra ngày một nhiều.
Một ngôi nhà "quái dị" xuất hiện trên đại lộ Đông - Tây - Ảnh: Trần Phan |
Thiết kế mỗi nhà mỗi kiểu
Với chiều dài hơn 21km đi qua địa bàn 8 quận - huyện, trong đó khoảng 13km chạy dọc theo kênh Bến Nghé - Tàu Hủ, với chiều rộng 6-10 làn xe, đại lộ Đông - Tây được xem như một điểm nhấn cho đô thị TP.HCM. Ngoài vị trí lý tưởng với không gian thoáng đãng, gắn liền cảnh quan sông nước, trục đường này còn có ý nghĩa quan trọng kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phía đông) và tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (phía tây).
Do đó, sau khi hoàn thành, đại lộ Đông - Tây được đánh giá là tuyến đường đô thị thuộc hạng đẹp nhất của TP.HCM. Con đường đẹp và giá trị là vậy, thế nhưng điều đáng buồn là kiến trúc đô thị dọc trục đường này hết sức nham nhở, chẳng khác nào cô gái đẹp khoác trên mình chiếc áo đầy mảnh vá.
Ghi nhận của phóng viên trên đoạn đường dài hơn 13km (thông xe giai đoạn 1 vào đầu tháng 9), tình trạng xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang nhà cửa diễn ra ngày càng rầm rộ. Đáng nói, việc xây dựng nhà dọc tuyến không theo một quy hoạch kiến trúc đô thị xứng tầm, thay vào đó là những kiểu kiến trúc "mạnh ai nấy làm".
Hàng loạt ngôi nhà với vô số kiểu kiến trúc, nằm trộn lẫn vào nhau một cách hỗn tạp. Tranh thủ những khoảnh đất còn lại sau giải toả, những ngôi nhà mỏng dính, cao nghều cũng mọc xen kẽ những ô nhà phố...
Thiết kế đô thị vẫn chạy sau
Dự án đại lộ Đông - Tây bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 2005, nhưng mãi đến khoảng giữa năm 2009, UBND TP.HCM mới giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các ban, ngành nghiên cứu quy định về thiết kế đô thị các ô phố dọc đại lộ Đông - Tây. Xung quanh quy định thiết kế đô thị nào cho đại lộ Đông - Tây, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nên chưa biết đến bao giờ mới ban hành thành quy định chung, trong khi người dân thì không thể chờ.
Theo các hộ dân dọc đại lộ Đông - Tây, để đảm bảo tiến độ thi công, người dân được yêu cầu phải bàn giao mặt bằng sớm. Và sau khi tháo dỡ nhà, người dân không thể căng màn sống tạm bợ chờ đến khi nào các cơ quan chức năng ban hành quy định về thiết kế đô thị mới được xây dựng, cải tạo nhà.
Theo bà Huỳnh Thị Thảo - Phó Chủ tịch UBND Q.5 (địa phương có hơn 4km đại lộ Đông - Tây đi qua), sau khi giải toả đền bù, quận đã nghiên cứu đề xuất quy hoạch thiết kế đô thị riêng đoạn đại lộ đi qua địa bàn quận, trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Tuy nhiên, sau đó do thành phố yêu cầu làm chung cho toàn tuyến, nên quận vẫn phải chờ Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉnh sửa, ráp chung với quy định toàn tuyến. "Hiện nay, người dân có nhu cầu xây mới, sửa chữa lại nhà cửa, quận vẫn cấp phép bình thường, chứ không thể bắt người dân chờ. Còn khi nào thành phố có ban hành quy định về thiết kế đô thị thì lúc đó mới áp dụng" - bà Thảo cho biết.
Nhiều người lo ngại, đến khi thành phố ban hành được quy định chung về thiết kế đô thị cho đại lộ Đông - Tây thì có lẽ cũng chẳng sử dụng được bao nhiêu, bởi khi ấy nhà cửa dọc tuyến đường này đã xây dựng chật kín.
Theo Lao Động
No comments:
Post a Comment