TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, November 7, 2009

Đường Hồ Chí Minh sau bão lũ: Khi đường “giải cứu” kêu cứu!

Thứ Bảy, 07/11/2009, 03:11 (GMT+7)

TTCT - Là tuyến đường chiến lược gánh trọng trách "giải cứu" trong trường hợp quốc lộ 1A bị cắt đứt do mưa lũ, thế nhưng hơn sáu năm kể từ ngày đưa vào sử dụng, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua miền Trung luôn rơi vào tình trạng sạt lở, ách tắc triền miên. Sau trận bão số 9 vừa qua, chúng tôi ghi nhận thực tế còn tệ hại hơn.

>> Tạm cấm xe tải nặng lưu thông trên đường Hồ Chí Minh

Đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận huyện Đak Glei (Kontum) vốn được xem là huyết mạch nối TP Đà Nẵng với bắc Tây nguyên, nhưng xem ra lầy lội, sạt lở vẫn còn nguyên đó, 28 ngày sau bão lũ. Tại vị trí km 1425, cung đường này đang đối mặt với nạn lở núi sau một đêm mưa rừng. Từ trên cao, những thớ đất đỏ nhão nhoẹt theo đá cội và cây rừng đổ ào xuống chồng ngay lên lớp đất đá cũ trước đó một tuần.

Sạt lở chồng sạt lở

Đang lùa đàn bò lên sườn núi phía trước để gặm cỏ, người đàn ông dân tộc Giẻ Triêng xem ra tỉnh queo khi nhìn thấy cảnh núi lở ngay trước mặt. "Quen rồi, ngày nào mà chẳng vậy. Có đêm nằm ngủ nghe ầm ầm bên vách núi là biết ngay sáng mai đường tắc không đi được".

Nói rồi ông chỉ tay lên phía trên cao, nơi chỉ còn một vài cây rừng lớn trơ trọi giữa trời xanh: "Đất lở, cây đổ không sợ. Sợ nhất là đá lăn, vậy nên tránh khu vực này đi". Đúng như lời ông nói. Ngay tại khu vực đất đá vừa sạt lở, tiếng rơi lộc cộc của đá từ trên cao vọng xuống. Thi thoảng một vài viên đá cội lớn lại "xé" cây bụi lao thẳng xuống vực sâu nghe ầm ầm đến rợn người.

Chưa năm nào kể từ ngày đưa vào khai thác (2003) đến nay, cung đường Hồ Chí Minh đoạn giáp ranh nối Phước Sơn của Quảng Nam với Đăk Glei của Kontum lại bị sạt lở hư hỏng nặng đến như vậy. Tại vị trí ngã ba Đak Tạ thuộc tỉnh Kontum, trưa 28-10 chỉ có vài công nhân làm nhiệm vụ khắc phục sạt lở.

Anh Dương Quang Thắng, 35 tuổi, công nhân lái máy xúc thuộc Công ty Tân Bình, cho biết cơn bão số 9 vừa qua là nặng nhất mà anh chứng kiến trong 10 năm tham gia chống sạt: "Từ đây (ngã ba Đak Tạ) tới địa phận Mường Hon (Đak Lây) khoảng 40km, cứ 20-30m là có một vị trí sạt lở. Mấy năm trước còn đỡ chứ bây giờ mưa nhỏ cũng sạt, sạt quanh năm...".

Nguyễn Trí Thức, quê Quảng Bình, mới 19 tuổi nhưng đã có hai năm tham gia chống sạt và có chút kinh nghiệm: "Cứ mưa to quá ba ngày thì không nên đi chống sạt lở ngay. Đợt bão vừa qua mưa tới năm ngày, gió to, tụi em bị kẹt lại, không ra được". Thức kể có lần núi sạt trôi cả hai anh em công nhân và xe máy xúc đi một đoạn 20m. "May mà đất đùn lên, chứ không thì cả xe lẫn người đều xuống vực cả rồi".

Trong khi đó tại km 484 +900 đoạn từ Đông Giang đi Nam Giang (Quảng Nam), nhiều công nhân của đơn vị thi công (Công ty Lũng Lô, Bộ Quốc phòng) vẫn phải căng mình làm cho kịp tiến độ. Đang vào mùa mưa lũ nên việc thi công vô cùng khó khăn.

Chỉ cần mưa một tí là núi lở, công việc đình trệ ngay. Một công nhân đang thi công công trình gói thầu 16, hạng mục bền vững hóa đường Hồ Chí Minh cho biết gói thầu 16 là "hậu quả" để lại của mưa lũ năm 2008. Làm chưa xong thì bão lũ 2009 ập đến với mức độ tàn phá nghiêm trọng hơn, nhiều điểm sạt lở lớn xuất hiện nhiều hơn trên một cung đường.

Cầu Đăk Trát (Kontum) bị lũ cắt đứt. Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kontum có nhiều đoạn lơ lửng bên mép sông Pô Kô như thế này - Ảnh: Đăng Nam

Xuất hiện gần 1.000 điểm sạt lở mới

"Muốn thấy sự tàn phá khốc liệt của cơn bão số 9 thì chỉ cần đến km 1456 đường Hồ Chí Minh đoạn qua Đak Sút, Kontum. Hơn 20 năm trong ngành quản lý giao thông, chưa khi nào tôi thấy kinh hoàng đến như vậy" - ông Thành, trưởng phòng quản lý giao thông (Khu Quản lý đường bộ 5), nói. Quả thật, "tọa độ 1456" đã bị dòng nước sông Pô Kô "gặm" hơn một nửa mặt đường trong đợt lũ cuối tháng 9 vừa qua, khiến trục đường Hồ Chí Minh đoạn qua đây trở nên mong manh bên miệng vực.

Ngay sau lũ rút, hàng trăm công nhân cầu đường của các hạt quản lý đường bộ nằm rải trên trục đường đã khẩn trương tiến hành "hàn khẩu" những điểm sạt lở nặng nhằm kịp thông xe một chiều.

Có mặt tại "tọa độ 1456", kỹ sư Lê Văn Mẫu, hạt trưởng Hạt Quản lý đường bộ Đak Tô, cho biết toàn bộ công nhân của đơn vị đã ra quân liên tục suốt một tháng qua bất kể ngày đêm để xử lý đoạn đường qua địa phận Đak Sút bị mưa lũ cuốn trôi. "Phải cần tới 600 rọ đá để kè chống sạt lở tại khu vực sông Pô Kô này" - anh Mẫu tính toán.

Chạy dọc xuống các thôn 14A, 14B của xã Đak Bết, không chỉ đường sá bị hư hại mà cả một ngôi làng của người dân tộc Giẻ Triêng cũng bị nước cuốn trôi. Một cảnh vật tang thương, xơ xác... Chúng tôi tìm mãi mới thấy một người còn sót lại trong ngôi làng. Ông A Tang kể: "Lũ cuốn trôi nhiều ngôi nhà bên sông Pô Kô, cuốn mất luôn cả xác A Bốt. Nhà A Bốt giờ chỉ còn lại cái nền nhà chìm trong bùn đất... Mọi người di tản lên huyện cả rồi. Tôi ở đây để đào bới tìm nồi niêu xoong chảo...".

Nhưng cung đường lơ lửng bên miệng vực nhất phải kể đến km 1428, nơi lũ rừng đổ về trong đêm 29-9 đã cắt đứt, xóa sổ luôn cả một đoạn đường làm giao thông tắc nghẽn nhiều ngày liền. Bên dưới vực sâu, những mảng bêtông vốn là mặt đường trước đây vẫn nằm chỏng chơ. Treo lơ lửng phía trên là hàng mấy chục thanh thép dùng làm hộ lan bị nước lũ vặn xoắn cong queo. Đây được coi là vị trí bị sạt lở nặng nhất trong đợt lũ vừa qua khiến trục đường Hồ Chí Minh đoạn qua đây bị biến dạng hoàn toàn.

Trên suốt cung đường Hồ Chí Minh dài hơn 150km từ Khâm Đức (Quảng Nam) đến Tân Cảnh (Kontum), hình ảnh chúng tôi ghi nhận là hàng loạt đoạn đường bị núi sạt lở, đất che kín mặt đường, nhiều đoạn taluy chắn đường bị gãy, cong queo, không ít cọc tiêu bằng bêtông bị gãy, thay vào đó là những... sợi dây giăng ngang chỉ cách vực thẳm 2-3 tấc.

Theo báo cáo, đợt mưa lũ vừa qua đã làm tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua miền Trung xuất hiện gần 1.000 điểm sạt lở mới, trong đó cung đường Hồ Chí Minh đi qua hai tỉnh Quảng Nam và Kontum là 370 điểm sạt lở taluy dương.

"Ước tính có không dưới 370.000m3 đất đá đã trụt lở xuống mặt đường, cống rãnh gây ách tắc giao thông trong nhiều ngày liền. Riêng nhánh tây đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) phải đến hết ngày 7-11 mới thông tuyến một chiều" - ông Võ Đình Dũng, tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 5, cho biết. 

Ông VÕ ĐÌNH DŨNG, tổng giám đốc Khu Quản lý đường bộ 5:

"Rách đâu vá đó"

"So với các năm thì năm nay cung đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kontum bị nặng nhất với khối lượng sạt lở ở taluy dương lên hơn 242.000m3. Những điểm sạt lở nặng "đứt" luôn cả taluy dương và âm sẽ do Ban đường Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm. Tư vấn thiết kế sẽ tính toán khối lượng khắc phục sửa chữa để đưa vào hạng mục "Bền vững hóa đường Hồ Chí Minh" trong thời gian tới. Do vậy, ngay bây giờ chưa thể trả lời câu hỏi: sau bão số 9 cần bao nhiêu tiền để khắc phục sự cố đường Hồ Chí Minh.

Lâu nay Khu Quản lý đường bộ 5 vẫn quản lý tuyến đường Hồ Chí Minh theo phương án "rách đâu vá đó", "sạt đâu hốt đó", bởi trung bình mỗi năm ngân sách nhà nước rót về chừng 25 triệu đồng/km đường Hồ Chí Minh. Khoản tiền này dành để trả lương cho công nhân bảo dưỡng tuyến đường, vệ sinh phát quang cống rãnh, vá ổ gà, sơn quét lại cọc tiêu, biển báo... Những hư hỏng lớn cần sửa chữa sẽ do Ban đường Hồ Chí Minh (đóng tại Hà Nội) chịu trách nhiệm".

Trả lời câu hỏi của TTCT về những quan ngại khi nhận trách nhiệm vận hành 300km cung đường Hồ Chí Minh đoạn qua miền Trung, ông Võ Đình Dũng cho rằng vì hầu hết cung đường đều đi qua núi cao, vực sâu nên việc sụt trượt mặt đường, taluy dương là điều không tránh khỏi. Vấn đề là phải có thời gian và tiền bạc để kiên cố hóa các điểm xung yếu có địa chất yếu này.

Đối với những điểm thường xuyên sạt lở gây tắc đường, ông Dũng cho rằng nên tính đến giải pháp làm cầu cạn hoặc khoét núi. "Ở các nước khi mở đường đến các vị trí xung yếu, người ta thường thiết kế cầu cạn vượt núi thay vì phải bạt núi làm đường. Còn ở mình vì ít tiền nên phải bạt núi dẫn đến sạt lở là điều tất nhiên. Riêng vấn đề hiệu quả kinh tế mà đường Hồ Chí Minh mang lại thì phải tính lâu dài".

Theo ông Dũng, hiện mỗi ngày có chừng 400 lượt xe lưu thông trên cung đường nhánh đông (từ Kontum về Đà Nẵng), riêng lưu lượng giao thông trên nhánh tây (Đông Giang đi A Lưới - Huế) hiện rất thấp nếu không nói là rất vắng xe cộ qua lại.

Đ.NAM

ĐOAN TRANG - ĐĂNG NAM

______________

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải HỒ NGHĨA DŨNG:

"Đây là vấn đề nghiêm trọng"

Bộ trưởng bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với TTCT về việc sạt lở tuyến đường Hồ chí minh.

Theo ông Dũng, vấn đề sụt trượt của tuyến đường Hồ Chí Minh đã và đang diễn ra, sau khi được xử lý có giảm nhưng vẫn là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt cơn bão vừa rồi đã ảnh hưởng nặng nề đối với 50km đoạn qua Kontum, trong đó có ba điểm lớn hoàn toàn mất đường, mất cầu. Ngoài ra còn hàng chục điểm khác bị ảnh hưởng ở mức độ vừa.

* Trước thực trạng trên, Bộ GTVT đã có những giải pháp nào?

- Chúng tôi đề ra ba bước xử lý. Hiện đang xử lý bước 1 để thông tuyến. Chưa nói đến cơn bão mới nhất có những tác động nào vì còn phải kiểm tra, với cơn bão số 9 thì ngành giao thông đã cố gắng thông tuyến bước 1. Những loại xe tải vừa và xe khách dưới 30 chỗ ngồi đã có thể hoạt động bình thường, còn các loại xe có tải trọng và chở khách cao hơn đang tạm dừng hoạt động trên tuyến đường này. Khắc phục bước 2 là dùng kinh phí duy tu bảo dưỡng (trong các trường hợp có bão lũ) để trả lại (xây dựng lại các tuyến đường bị ảnh hưởng do bão lũ) ở mức độ bình thường. Bước 2 cũng đang được thực hiện.

Tuy nhiên, bước 1 và bước 2 là chưa đủ, đối với một số điểm sụt trượt nghiêm trọng thì không thể nào phục hồi nhanh được mà phải lập dự án để đầu tư lại. Đó chính là bước 3 và việc này cần phải có thời gian. Một số cầu trên quốc lộ 24 hiện đã có cầu phao để hoạt động, khoảng ba tháng nữa sẽ có cầu tạm, đồng thời đang lập dự án xây dựng cầu mới thay cầu cũ.

* Đối với những điểm mà sau lũ đã hoàn toàn mất đường thì sao, thưa bộ trưởng?

- Nếu đã mất hẳn đường thì phải làm dự án mới, nghiên cứu cầu cạn qua đường đó hoặc xẻ núi mở tuyến mới dựa vào núi. Nếu giải quyết triệt để thì một số chỗ phải làm cầu cạn.

* Ông nhận xét thế nào về chất lượng xây dựng cầu đường ở đây, khi đã xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng như vậy?

- Chất lượng làm đường đạt yêu cầu, nhưng địa chất về lâu dài chưa ổn định. Mức độ tàn phá của cơn bão vừa rồi quá dự tính của chúng ta. Ngoài ra còn một số ảnh hưởng, biến động khác do chặt phát rừng, bom đạn từ thời chiến tranh...

* Phải chăng đã có những lúng túng trước sự sạt lở quá nhiều ở tuyến đường Hồ Chí Minh sau lũ?

- Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn sàng, khi có thông tin bão lũ thì các việc cần thiết đều được triển khai... Tất nhiên trong bão lũ thì các ngành khác như cứu hộ vào trước, khi nước rút thì giao thông mới vào. Nói chung đều có dự báo, đều có kế hoạch, nhưng nói có lường hết không thì không lường hết được, ví dụ như ảnh hưởng của bão số 9 ở khu vực Tây nguyên.

V.V.THÀNH thực hiện

Ông ĐOÀN ĐỨC CƯỜNG (chủ nhiệm văn phòng dự án Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải):

"Cần nhiều thời gian để kiên cố hóa đường Hồ Chí Minh"

Đoạn đường Hồ Chí Minh từ Quảng Nam lên Kontum qua đèo Lò Xo đi theo hướng quốc lộ 14 cũ. Ở đoạn này tầng phủ có chiều dày lớn, kết cấu xốp rời, khi bị bão hòa thì cường độ giảm nhanh và trọng lượng tăng lên, gây ra hiện tượng trượt hoặc chảy xệ xuống mặt đường, thậm chí có thể phát triển thành dòng lũ bùn đá khi có mưa bão kéo dài.

Tháng 3-1997 khi đi thị sát để lập dự án xa lộ Bắc Nam (nay được đổi tên thành đường Hồ Chí Minh), chúng tôi đã thấy hiện tượng sụt trượt ở phía taluy dương và xói lở chân taluy âm do tác động của dòng chảy sông Cái ở đoạn tuyến từ cầu Xơi lên Khâm Đức và đoạn qua đèo Lò Xo.

Vấn đề sụt trượt và bền vững hóa tuyến đường đã được lưu ý, và còn phải tiếp tục xử lý trong quá trình khai thác sử dụng sau này. Vì thế, Chính phủ đã cho phép triển khai dự án kiên cố hóa đường Hồ Chí Minh toàn tuyến nhưng tập trung ở nhánh phía tây từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam) và hai đoạn chính của nhánh phía đông là đoạn qua đèo Đá Đẽo (Quảng Bình) và đoạn qua đèo Lò Xo giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kontum.

Trên đường Hồ Chí Minh, người ta đã áp dụng hơn mười giải pháp xử lý sụt trượt như trồng cỏ vetiver, lát mái taluy bằng tấm bêtông ximăng hoặc ốp đá, làm khung bêtông kết hợp trồng cỏ, xây dựng tường chắn bằng bêtông cốt thép hoặc tường rọ đá neo (theo công nghệ của nước ngoài hoặc dùng rọ đá bọc nhựa PVC của VN), xây dựng cầu cạn để đưa tuyến ra ngoài phạm vi sụt trượt...

Đường Hồ Chí Minh là một dự án có quy mô lớn, trải dài qua nhiều khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp. Việc nghiên cứu và xử lý triệt để nhằm bảo vệ độ bền vững của công trình cần có thời gian và không thể giải quyết một lúc được ngay.  

 Đ.TRANG ghi

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty