TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Thursday, November 5, 2009

S.O.S. sản xuất điện hạt nhân với tác phong “tiền công nghiệp”

Ít ai có thể phủ nhận sự cần thiết của việc phát triển điện hạt nhân nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong danh sách quốc gia điện hạt nhân hiện nay, đại đa số là nước công nghiệp.

Xu thế chung: sẽ phải sản xuất điện hạt nhân

Cho đến nay, gần như ai cũng biết rằng điện hạt nhân là một dạng năng lượng sạch, bởi việc sản xuất ra nó phát thải lượng khí CO2 thấp, không gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời giúp tiết kiệm tài nguyên khoáng sản vốn đang cạn kiệt dần trên phạm vi toàn thế giới.

Ở Việt Nam, nguồn năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện (than, dầu, khí đốt) cũng đang theo xu hướng cạn dần. Có chuyên gia bàn tới khả năng phát triển năng lượng tái tạo (mặt trời, gió), bởi Việt Nam có biển và khí hậu quanh năm nhiều giờ nắng.

Tuy vậy, theo ông Nguyễn Minh Duệ - chuyên gia kinh tế năng lượng ĐH Bách khoa Hà Nội - thì kỹ thuật sản xuất điện từ gió và năng lượng mặt trời rất phức tạp, giá thành cao, chưa kể đầu vào không ổn định; nhiều nước trên thế giới được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu mà cũng chưa sản xuất được lượng điện thật đáng kể từ năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh đó, điện hạt nhân nổi lên như một giải pháp tất yếu cho Việt Nam để thoát khỏi tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Vấn đề là thời điểm

Theo số liệu của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA), hiện nay trên thế giới có 56 nước xây dựng lò năng lượng hạt nhân với mục đích nghiên cứu khoa học, phục vụ trong y tế; và 30 nước sản xuất điện hạt nhân thương mại.

30 nước này điều hành khoảng 436 lò phản ứng thương mại với tổng công suất 372.000 MW. Tổ chức WNA đánh giá đó như một nguồn cung cấp điện ổn định với hiệu quả ngày càng gia tăng.

Sản xuất điện từ các nguồn năng lượng sơ cấp trên thế giới, năm 2006.
Nguồn: legalplanet.files.wordpress.com

Sức hấp dẫn của điện hạt nhân, do vậy, đang thu hút thêm nhiều nước có kế hoạch phát triển điện hạt nhân, như Italy, Ai Cập, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.

Tuy thế, nhìn vào danh sách 30 quốc gia có lò năng lượng thương mại, ta sẽ thấy đặc điểm chung: Đa số là các nền kinh tế công nghiệp ở phương Tây - Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Phần Lan, Hungary... Nước đang phát triển cũng góp mặt nhưng số này chỉ là thiểu số: Trung Quốc, Ấn Độ.

Sở dĩ như vậy là vì sản xuất điện hạt nhân đòi hỏi hai yếu tố then chốt: vốn, và nhân lực.

Vấn đề vốn thì đã rõ: Để việc sản xuất được an toàn thì phải sử dụng công nghệ hiện đại. Thế hệ công nghệ càng hiện đại thì càng đắt. Từng có chuyên gia Trung Quốc khuyên Việt Nam trước mắt nên sử dụng dạng công nghệ phổ biến cho rẻ tiền, giảm giá thành điện. Đây là điều cần cân nhắc, vì lựa chọn giải pháp công nghệ sẽ liên quan chặt chẽ tới phương hướng xử lý chất thải hạt nhân và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng sau này.

Vấn đề nhân lực còn đau đầu hơn, bởi chúng ta thiếu đội ngũ nhân lực cho việc sản xuất điện hạt nhân, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Ông Duệ cho biết: "Từ nay đến 2020 còn 11 năm nữa. Nếu muốn đúng 2020 chạy tổ máy đầu tiên thì từ bây giờ đã và đang phải chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật và con người mạnh mẽ lắm rồi, tôi sợ không kịp".

Chưa có "văn hóa an toàn hạt nhân"

Để triển khai các dự án điện hạt nhân, chúng ta cần đội ngũ nhân lực rất lớn, gồm hàng nghìn chuyên gia kỹ thuật, cán bộ quản lý, và công nhân. Theo ước tính của một số nhà khoa học, cần ít nhất 6.000 người cho các dự án đầu tiên. Trong khi đó, những chuyên gia từng được đào tạo về điện nguyên tử không có bao nhiêu, đến nay đều đã có tuổi hoặc đi làm nghề khác cả.

Như vậy đủ thấy sự thiếu hụt trầm trọng về số lượng. Còn về chất lượng, cũng ông Duệ cho biết: "Đào tạo thì dĩ nhiên là phải đưa ra nước ngoài theo các chương trình hợp tác, chứ Việt Nam mình đào tạo về điện hạt nhân làm sao được?".

Nhưng điều đáng lo ngại hơn cả không phải là chuyện trình độ chuyên môn, trình độ kỹ thuật của đội ngũ nhân lực; mà là một số phẩm chất người lao động Việt Nam lâu nay luôn luôn thiếu: tác phong công nghiệp, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật.

Và đó chính là lý do lớn nhất giải thích vì sao danh sách những quốc gia điện hạt nhân lại gồm chủ yếu là nước công nghiệp. Việc sản xuất điện hạt nhân chưa phù hợp với những nền kinh tế nơi ý thức của người dân còn thấp, tư duy tiểu nông đè nặng, tác phong làm việc lề mề và đại khái, vô trách nhiệm.

Điện hạt nhân thích hợp với những quốc gia có nền tảng văn minh công nghiệp (như Mỹ, Canada, Pháp), hoặc nơi người dân có ý thức chấp hành pháp luật, kỷ cương cao (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc).

Ông Nguyễn Trường Giang, nguyên đại diện của Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), khái quát hóa vấn đề thành việc thiếu một "văn hóa an toàn hạt nhân".

"Vận hành nhà máy điện hạt nhân không thể như sản xuất nông nghiệp, cứ du di một tí cũng chẳng sao" - ông Giang nói. "Công nhân làm việc mà tầm trưa cứ vội đi ăn là chết rồi. Có thể nhiều khi họ tặc lưỡi, tưởng rằng bỏ qua một thao tác cũng chả sao, nhưng ai ngờ rủi ro nằm ở chính chỗ đó".

Người ta đã xác định được rằng thảm kịch Tchernobyl (26/4/1986) xảy ra do việc thiết kế không đảm bảo, và còn do công nhân vận hành không đúng theo hướng dẫn. Tai biến hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử này đã thải ra một lượng bụi phóng xạ nhiều gấp bốn lần bụi phóng xạ từ vụ Mỹ ném bom Hiroshima, làm hàng nghìn người tàn lụi vì nhiễm phóng xạ.

Đến nay, ba nước có liên quan - Nga, Ukraina và Belarus - vẫn phải tốn kém rất nhiều chi phí cho hoạt động khử độc môi trường và chăm sóc y tế cho các nạn nhân.

Tất cả xuất phát từ sự bất cẩn của con người!

Không thể vội vàng

Từ những phân tích của các chuyên gia, có thể rút ra một ý kiến chung đối với việc sản xuất điện hạt nhân ở Việt Nam: Phát triển điện hạt nhân là việc cần làm, vấn đề là thời điểm và phải cân nhắc hết sức cẩn thận khi xác định thời điểm đó.

Triển khai các dự án điện hạt nhân trong bối cảnh nhân lực qua đào tạo chưa có, luật pháp chưa được kiện toàn, nhất là chưa hình thành tác phong công nghiệp, "văn hóa an toàn hạt nhân", có lẽ là ý định hơi phiêu lưu.

Theo ông Nguyễn Minh Duệ, ĐH Bách khoa Hà Nội, thì mốc 2020 vận hành lò phản ứng đầu tiên là quá sớm, nên xem xét lại. "Còn nếu chúng ta cứ xây dựng một kế hoạch cứng, để rồi tới lúc đó không làm xong được, thì hậu quả là càng thiếu hụt điện hơn, bởi vì nguồn lực để xây dựng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện... đều đã dồn cho điện hạt nhân cả rồi".

Ông Nguyễn Trường Giang thì cho biết, đối với một quốc gia lần đầu tiên xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì lộ trình xây dựng nhà máy thông thường kéo dài từ 15 đến 17 năm, bắt đầu từ khi chính phủ nước đó ra quyết định phát triển điện hạt nhân cho đến khi có những kw điện hạt nhân đầu tiên. Như vậy, rõ ràng chúng ta đang đẩy tiến độ lên quá nhanh.

Để bước chân vào danh sách các quốc gia điện hạt nhân, Việt Nam có rất nhiều việc phải làm: nghiên cứu để xác định một lộ trình hợp lý; đào tạo nhân lực; xây dựng hệ thống luật pháp về an toàn hạt nhân và bảo vệ môi trường; tham khảo và tuân thủ chặt chẽ luật quốc tế về năng lượng hạt nhân...

Song song với quá trình đó là việc đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng điện, và đào tạo để hình thành văn hóa làm việc có trách nhiệm, kỷ luật ở người dân.

Trong chuyện đào tạo này, cũng rất cần phổ cập thông tin để dân chúng hiểu về điện hạt nhân thay vì... sợ, hay có thái độ "tẩy chay" nó. Bởi lẽ, nếu tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các quy định về an toàn hạt nhân, thì điện hạt nhân thật ra lại hết sức an toàn.

So sánh một cách đơn giản, điện hạt nhân cũng như di chuyển bằng máy bay: Các nghiên cứu khoa học cho thấy đi máy bay thực chất an toàn gấp 800 lần đi ôtô, và càng an toàn hơn đi xe máy. Chỉ có điều, các tai nạn hàng không tuy ít nhưng khi xảy ra lại mang tính hủy diệt (cũng như sự cố điện hạt nhân) và thường được truyền thông đặc biệt lưu tâm, nên nhiều hành khách sợ đi lại bằng máy bay là vì vậy.

Ngày 7/11, bản "Báo cáo Dự án đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận" sẽ được đệ trình tại kỳ họp thứ 6, QH khóa 12. Hy vọng rằng những người chịu trách nhiệm sẽ đưa ra quyết định hợp lý, vì lợi ích của dân chúng hiện nay và cả các thế hệ mai sau.

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty