TTO - (Tiếp tục cập nhật) Tính đến 20g tối nay 3-11, Con số thống kê ban đầu cho biết, ít nhất 40 người thiệt mạng do bão lũ tại miền Trung. Trong đó Phú Yên 25 người, Bình Định 7 người, Gia Lai 4 người, Khánh Hòa 4 người. Lũ dữ vẫn chia cắt nhiều nơi. Các tỉnh mất điện trên diện rộng, giao thông ách tắc...
>> Miền Trung lại chìm trong biển nước
Video clip Bản tin bão số 11 - VTV 23h đêm 3-11
Phú Yên: 25 người chết, 3 người mất tích
Theo thống kê sơ bộ đến tối 3-11, tại Phú Yên, bão lũ đã làm 25 người chết, riêng tại thị xã Sông Cầu 8 người chết, 3 người mất tích, 16 người bị thương. Hiện đã có gần 350 ngôi nhà sập hoàn toàn, gần 5.500 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 22 tàu thuyền bị chìm.
Đến 20h ngày 3-11, vẫn còn trên 1.800 hành khách đi tàu thống nhất bị kẹt lại ở các ga trên địa bàn tỉnh Phú Yên do đường sắt bị chia cắt nhiều nơi. Tỉnh đã hỗ trợ cơm hộp, mì gói và nước uống cho những khách bị kẹt tàu. Ngoài ra, 10 chiếc xe khách loại lớn cũng đã được tỉnh chuẩn bị để sáng 4-11 tăng bo khách qua các điểm ngập - Ảnh: PHI LONG |
Sau khi bão đổ bộ, những trận mưa như trút nước đổ xuống Phú Yên. Trong khi đó, trong ngày 3-11 các hồ thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh xả lũ đã gây ngập lụt nặng trên toàn tỉnh Phú Yên. Đến chiều nay, toàn bộ thị xã Sông Cầu, phần lớn các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, TP Tuy Hòa ngập sâu trong nước, hàng chục xã bị cô lập hoàn toàn. Hàng vạn ngôi nhà bị ngập sâu trong lũ, hàng ngàn người dân đang mắc kẹt trong các vùng lũ. Trong khi TP Tuy Hòa vẫn ngổn ngang sau cơn bão thì trong ngày 3-11, nước sông Ba dâng cao do hồ thủy điện xả lũ gây ngập nặng nhiều khu dân cư, nhiều đường phố bị ngập sâu 0,5-1m, mọi phương tiện không thể qua lại.
Trong ngày 3-11, tỉnh Phú Yên đã tiến hành sơ tán khẩn cấp hàng ngàn hộ dọc sông Ba và những khu vực nguy hiểm đi tránh lũ.
Trước tình hình nguy cấp, trong ngày 3-11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã điều động hai máy bay trực thăng từ TP.HCM, 8 ca nô từ Ninh Thuận, huy động nhiều phương tiện, lực lượng từ Khánh Hòa chi viện cho Phú Yên phục vụ cứu nạn. Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: "Nhiệm vụ cấp bách lúc này là cứu nạn những người dân trong các vùng bị cô lập, tiếp tế lương thực cho người dân ở các vùng sơ tán". Ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nói: "Chúng tôi đã chuẩn bị các lực lượng nhưng trận lũ quá lớn nên vượt khả năng kiểm soát. Nhiều người dân trong tình cảnh nguy cấp, trong khi đó do thời tiết quá xấu máy bay không thể tiếp cận được các khu dân cư".
Tại huyện Tuy An, kè Quảng Đức (xã An Thạch) đã bị nước lớn đánh vỡ, uy hiếp hàng ngàn ngôi nhà.
Đến tối 3-11, toàn bộ đường sắt, đường bộ qua Phú Yên vẫn bị bị tê liệt kéo dài. Trên quốc lộ 1A, nước ngập sâu hơn một mét đoạn qua huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu khiến các phương tiện không thể qua lại. Trong khi đó, nhiều đoạn trên đèo Cả đã bị sạt lở nặng. Hiện nay, hàng ngàn ô tô đang ùn tắc trên quốc lộ 1A. Ngoài ra, hiện nay, hầu hết các tuyến giao thông trọng yếu khác ở Phú Yên cũng đã bị ách tắc do chìm sâu trong nước, hư hỏng nặng. Phần lớn các khu vực tỉnh Phú Yên vẫn mất điện do hệ thống điện bị hư hỏng nặng.
* Khánh Hòa: 4 người chết, 4 người mất tích
Đến 16g ngày 3-11, mưa lớn kéo dài tại TP. Nha Trang vẫn chưa tạnh. Từ lúc 5h sáng, các tuyến đường ở TP Nha Trang hầu hết đều bị ngập nặng. Trên các tuyến đường: Tô Hiến Thành, Thái Nguyên, 23-10, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thiện Thuật… hàng ngàn xe máy bị chết máy do nước ngập. Đến gần 11 giờ trưa mưa lớn lại tiếp tục đổ xuống trên địa bàn TP. Nha Trang. Các tuyến đường lại tái diễn tình trạng ngập lụt.
Nước ngập khiến các xe máy bị chết máy, phải dùng xe ba gác để chở trên đường 2-4, Nha Trang chiều 3-11 - Ảnh: Quang Phương |
Hàng chục hộ dân ở xã Diên Phú, Diên Khánh bị ngập nước - Ảnh: Quang Phương |
Trong khi đó, tại các huyện Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh… mưa lớn đã làm hàng trăm nhà dân bị ngập nước. Tại Ninh Hòa, nhiều xã vùng trũng như Ninh Hà, Ninh Đa, Ninh Thân, Ninh Phú, Ninh Phụng… đã xảy ra tình trạng chia cắt cục bộ tại một số thôn do các tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Tại TP.Nha Trang, các phường Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Phương, hàng trăm nhà dân cũng bị ngập trong lũ.
Tính đến 16h30 ngày 3-11, tỉnh Khánh Hòa đã có 4 người chết, 4 người mất tích, 7 người bị thương do bão số 11 gây ra. Nhà bị sập, bi trôi 130 cái; nhà tốc mái, xiêu vẹo 727 cái; trường học bị hư hỏng, ngập 17. Số hộ phải di dời 2.364 hộ; số nhân khẩu phải di dời 9.253 người. Đường sá, giao thông bị thiệt hại nặng. Tàu, thuyền, xà lan bị lật, hư hỏng 69 chiếc; lồng, bè bị vỡ chìm 2.111 cái.
Trực thăng vượt bão cứu hộ
Sáng sớm ngày 3-11, tại sân bay Đà Nẵng mưa gió vẫn giật mạnh, ngay tổng đài của sư đoàn bay 372 điện thoại từ Bình Định liên tục gọi về giục ứng cứu. Tuy nhiên, gió giật mạnh nên trực thăng của sư đoàn không thể cất cánh. Đúng 11 giờ 15 phút, tốc độ gió ngoài trời vẫn còn ở mức 10 - 12mét/giây, sương mù kèm theo mưa, tầm nhìn hạn chế nhưng hai chiếc trực thăng vẫn quyết định cất cánh cứu dân.
Nhiều ngôi làng tại phía bắc TP Quy Nhơn (Bình Định) bị nhấn chìm trong biển nước - Ảnh: Tấn Vũ |
Hàng cứu trợ được thả từ trực thăng xuống cho người dân vùng lũ - Ảnh: Tấn Vũ |
Chuyền hàng cứu trợ lên máy bay - Ảnh: Tấn Vũ |
Chiều cùng ngày thiếu tướng Nguyễn Kim Cách – Phó chính ủy quân chủng phòng không không quân, đã bay từ Hà Nội vào Bình Định để tiếp tục chỉ huy công tác bay cứu hộ. Đồng thời ba chiếc trực thăng khác cất cánh từ TP. HCM và sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) cũng được điều khẩn cấp ra Bình Định để cứu dân.
Tối 3-11, bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã tập kết hàng cứu trợ tại sân bay Phù Cát. 6 giờ sáng 4-11, năm chiếc trực thăng sẽ thay nhau ứng cứu hàng ngàn người dân còn chìm trong lũ dữ. Hiện tại, mưa lớn vẫn tiếp tục, nước từ thượng nguồn đổ về ngày một dữ, các phương tiện cứu không thể tiếp cận được người dân các vùng cô lập trong lúc này trừ trực thăng.
* Đến 20 giờ ngày 3-11, Bà Trần Thu Hà , Phó chủ tịch UBND Phú Yên cho biết toàn tỉnh đã có 25 người chết do lũ lụt, 3 người mất tích, 16 người bị thương, 341 ngôi nhà bị sập và hơn 5428 ngôi nhà bị tốc mái, 22 tàu thuyền bị chìm… Công tác cứu hộ những người dân vùng bị chia cắt ở thị xã Sông Cầu và các huyện Tuy An, Đồng Xuân, Phú Hòa đang được các lực lượng chức năng của trung ương và tỉnh triển khai tích cực.
Lúc 17h ngày 3-11, trục đuờng chính Trần Hưng Đạo (TP.Tuy Hòa) ngập sân gần 1m nước và tiếp tục dân cao. Nhiều nhà dân trong nội thị TP.Tuy Hòa bị nước tràn vào - Ảnh: Phi Long |
Bệnh viện đa khoa tỉnh bị cô lập vì nước tràn vào nên trước bệnh nhân chỉ có thể ra vào bệnh viện bằng xuồng - Ảnh: Phi Long |
* Ninh Thuận: Lũ lụt uy hiếp nhiều vùng
Mưa lớn kéo dài từ mờ sáng đến tối nay 3-11, phủ khắp Ninh Thuận đã gây ngập lụt dữ dội nhiều vùng trong tỉnh. Lũ từ thượng nguồn đổ về làm cô lập nhiều thôn, bản, khu dân cư; hàng ngàn hecta cây trồng, ao đìa thủy sản chìm trong biển nước.
Gần 18g tối nay, 4 xã Phước Hòa, Phước Bình, Phước Trung, Phước Chính của huyện miền núi Bác Ái bị cô lập hoàn toàn vì tấc cả các tuyến giao thông chính bị lũ dữ từ thượng nguồn đổ về xé nát. Trước tình hình này, UBND huyện đã chỉ đạo cho địa phương huy động lực lượng ứng cúu tại chỗ sơ tán gần 2.000 người dân ở những vùng trũng thấp, ven suối đến nơi an toàn. Trước đó, các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam cũng đã di dời khẩn cấp ít nhất 4.000 hộ dân sinh sống tại các khu vực xung yếu đến tá túc người thân, cơ quan Nhà nước… để tránh nguy hiểm.
Nhiều tuyến giao thông liên xã, liên thôn bị lũ chia cắt - Ảnh: Lê Trường |
Hiện mực nước trên các sông chính ở Ninh Thuận tại thượng nguồn đã ở mức báo động 3, hạ nguồn báo động 2 và đang tiếp tục lên nên khả năng ngập lụt vẫn còn rất cao.
UBND tỉnh từ giữa sáng đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương và cơ quan hữu trách triển khai các biện pháp cấp bách để phòng chống lũ lụt.
* Quảng Ngãi: 4 người bị thương, 19 nhà bị sập, 85 nhà bị tốc mái
Chiều ngày 3-11, mực nước các sông xuống chậm nhưng mực nước trên sông Trà Khúc vẫn còn trên báo động 3 là 0.92 m, sông Vệ trên mức báo động số 3 là 0.76 m.
Trong chiều ngày 2 đến rạng sáng ngày 3-11, mặc dù tỉnh Quảng Ngãi đã di dời 1.111 hộ với 4.409 khẩu trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, mưa lũ và sạt lở đất đến nơi an toàn nhưng vẫn không tránh khỏi thiệt hại.
Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLB& TKCN tỉnh tính đến 18 giờ chiều ngày 3.11, toàn tỉnh có 4 người bị thương, 19 ngôi nhà bị sập, 85 nhà bị tốc mái, 9 phòng học bi hư hỏng, 315 ha lúa hoa màu cây công nghiệp bị hư hỏng, 11 tuyến giao thông bị sạt lở nặng.
Tuy vậy, ngành giao thông Quảng Ngãi cũng đã nổ lực thông tuyến quốc lộ 24 nới Quảng Ngãi- Kon Tum lúc 10 giờ sáng ngày 3-11. Bão lũ cũng đã làm chiếc tàu mang số hiệu QNg 98125 TS của ông Phạm Thanh Sơn, quê ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ bị chìm. Riêng huyện miền núi Tây Trà, Sơn Tây hệ thống lưới điện bị hư hỏng nên bị mất điện hoàn toàn.
* Một số tuyến đường ở Phố cổ Hội An đã ngập trong nước
Lúc 19 giờ ngày 3-11, mức lũ ở Hội An đã gần xấp xỉ báo động 3. Toàn bộ tuyến đường Bạch Đằng, Nguyễn Thái Học, Châu Thượng Văn, Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương… đã ngập nước. Công an Hội An và lực lượng tự vệ 2 phường Minh An, Cẩm Phô đã có mặt tại các bến tạm thời để trực, theo dõi không để các ghe thuyền đi lại nếu không cần thiết và buộc người ngồi trên phương tiện phải mặc áo phao.
Để an toàn tính mạng cho học sinh, ngành giáo dục đã có thông báo cho học sinh nghỉ học trong ngày mai 4-11. Từ chiều, Phòng Quản lý Đô thị Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn di tích Hội An, phường Minh An, Cẩm Phô nhanh chóng rà soát các công trình nhất là các di tích cổ để tiếp tục gia cố, chèn chống không để bị thiệt hại do lũ. Các thành viên BCH PCLB Thành phố bắt buộc trực chiến tại VP HĐND UBND Thành phố để sẵn sàng nhận lệnh ứng cứu các địa bàn xung yếu…
NHÓM PV - CTV TTO
Thông báo lũ đặc biệt lớn trên các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và Gia Lai
Lũ trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng đã đạt đỉnh là 13,42m (21h/03), vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2003 là 0,08m; hạ lưu sông Thu Bồn, sông Ba và sông Cái Phan Rang đang lên và ở mức cao; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Gia Lai xuống chậm.
Mực nước lúc 22 giờ ngày 03 tháng 11 trên một số sông như sau:
• Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 7,98 m, trên BĐ2: 0,28m;
• Sông Thu Bồn tại Câu Lâu: 3,07m, dưới BĐ2: 0,08m;
• Sông Trà Khúc tại Trà Khúc: 5,83m, trên BĐ3: 0,13m;
• Sông Vệ tại Sông Vệ: 4,42m, trên BĐ3: 0,32m;
• Sông Kôn tại Thạnh Hòa: 8,84 m, trên BĐ3: 1,34m;
• Sông Ba tại Ayunpa: 157,85m, trên BĐ3: 2,35m, tại Củng Sơn: 37,23m, trên BĐ3: 3,73m, tại Phú Lâm: 4,53m, trên BĐ3: 1,33m;
• Sông Cái Ninh Hòa tại Ninh Hòa: 5,99m, trên BĐ3: 0,99m;
• Sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng: 13,36m, trên BĐ3: 3,36m, tương đương lũ lịch sử năm 2003 (13,34m);
• Sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ: 38,73m, trên BĐ3: 0,73m, tại Phan Rang: 4,25m, dưới BĐ3: 0,25m.
* Dự báo
Đêm nay, sáng sớm mai (4-11), lũ hạ lưu sông Thu Bồn, sông Ba và sông Cái Phan Rang sẽ đạt đỉnh. Đỉnh lũ các sông có khả năng như sau:
• Tại Câu Lâu ở mức 3,3m, trên mức BĐ2: 0,2m;
• Tại Củng Sơn ở mức 37,5m, trên BĐ3:4,0m;
• Tại Phú Lâm ở mức 4,8m, trên BĐ3: 1,6m;
• Sông Cái Phan Rang tại Phan Rang ở mức 4,8m, trên BĐ3: 0,3m.
• Các sông ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Bình Định tiếp tục xuống chậm nhưng còn ở mức cao.
Tình trạng ngập sâu trên diện rộng ở vùng trũng, đồng bằng và sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận và Gia Lai còn tiếp diễn.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương
No comments:
Post a Comment